BÁT ĐẠO THƯỜNG
TRƯỞNG THÀNH NHÂN CÁCH KITÔ GIÁO
THEO GƯƠNG CHÚA GIÊSU KITÔ
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Cuộc sống con người là một tiến trình hội nhập, phân hoá, tăng trưởng và hoàn
thiện không ngừng trong ơn gọi làm người. Ai cũng mong muốn mình trở nên con người
có nhân cách trưởng thành và hoàn hảo. Đặc biệt, người Kitô hữu phải sống làm
sao để mọi người nhận biết chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (Ga
14,35). Sống ơn gọi làm người Kitô hữu là tiếp tục phát huy nhân cách của mình để
đạt tới nhân cách viên mãn theo mẫu gương Đức Kitô, trở nên đồng hình, đồng dạng
với Người, có những tâm tình và tâm trạng như Người. Chúng ta luôn ý thức rằng ơn
gọi làm người Kitô hữu là một hành trình xuyên qua cái chết, chết đi cho tội
lỗi để đi đến một sự sống mới, sự sống tự do và tràn đầy Thần Khí nhờ Chúa
Giêsu Kitô. Vậy, chúng ta hãy cương quyết bước theo Đức Kitô chịu Khổ Nạn, chịu
chết và Phục Sinh là con đường duy nhất để kiện toàn nhân cách Kitô giáo nơi
mỗi người chúng ta.
Vậy, xin mời các bạn cùng với tôi đi "BÁT ĐẠO THƯỜNG" Tám Con Đường: YÊU
THƯƠNG, THA THỨ, KHIÊM NHƯỜNG, PHỤC VỤ, CHIA SẺ, CÔNG CHÍNH, THẢO KÍNH VÀ LƯƠNG
THIỆN để Trưởng Thành Nhân Cách theo Gương Chúa
Giêsu Kitô.
YÊU THƯƠNG
Trọn cuộc sống dương gian của Chúa Giêsu, từ lúc chào đời cho đến chết và
phục sinh, được gồm tóm trong hai chữ “YÊU THƯƠNG”. Thứ nhất, vì yêu thương, “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không
phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút
bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần
thế” (Pl 2,6-7). Thứ hai, vì thương yêu, Chúa Giêsu đã mạc khải Chúa Cha
(Ga 8,19) và căn tính của mình cho mọi người biết Ngài là Con Thiên Chúa (Ga
10,36), là Đấng Mêsia (Ga 1,36-41) được Chúa Cha sai đến (Ga 3,17a). Ngài còn mạc
khải Nước Thiên Chúa để phàm ai tin vào Ngài sẽ được Nước ấy làm gia nghiệp (Ga
3,5) và được sống muôn đời (Ga 3,15). Thứ ba, vì yêu thương, Ngôi Hai Thiên Chúa
đến thế gian như người tôi tớ phục vụ và cứu độ hết mọi người (Ga 5,20-27). Thứ
tư, vì yêu thương, Chúa Giêsu đã hiến thân mình trên cây thập giá để cho mọi người
được hưởng tình yêu dạt dào của Thiên Chúa (Ga 14,1-3).
Vì vậy, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng yêu là hy sinh tính mạng cho người mình
yêu (Ga 15,13); yêu là hoà thuận với mọi người, sống con thảo với Chúa (Mt
5,21-26; Mt 7,1-2), yêu hết mọi người không trừ một ai (Lc 6,27-42), tha thứ
cho nhau (Lc 23,33-34) và phục vụ tha nhân (Mt 20,24-28). Từ bài học đó Thánh
Phaolô xác tín: “Giả như tôi nói được các
thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì
tôi chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được
ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được
tất cả đức tin đến chuyển núi đời non, mà không có đức mến, thì tôi chẳng là gì.
Giả như tôi có đem hết gia tài bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt,
mà không có đức mến, thì chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,1-3).
Hãy
nhìn tình yêu từ cuộc sống này để nhìn tình yêu của Cha trên trời! Đức Giáo Hoàng
Bênêditô XVI phân biệt tình yêu có hai chiều kích và hướng tới của nó hoàn toàn
khác nhau. Khi yêu ai, chúng ta chỉ muốn thoả mãn cho riêng mình; người yêu chỉ
là phương tiện để tôi sử dụng và trục lợi cho mình. Và như thế, khi người yêu
không đáp ứng nổi những đòi hỏi của mình, không làm mình thoả mãn, chúng ta dễ
dàng “sa thải” họ ngay không thương tiếc. Con người thường trải qua tình yêu ích
kỷ này để rồi đụng chạm với những khác biệt trong đời sống, những hy sinh, từ bỏ,
những thập giá, ngõ hầu tình yêu mỗi ngày được chữa trị và thanh luyện dẫn đến
một tình yêu trọn vẹn hơn. Tình yêu chân thật Kitô giáo là tình yêu vì người mình
yêu, hạnh phúc và sự phong phú của họ. Tình yêu ấy trở thành một sự từ bỏ dứt
khoát, sẵn sàng dâng hiến cái tôi của mình cho người mình yêu (Ga 15,13). Chính
lúc chúng ta trao ban, ta gặp lại chính mình trong sự phong phú nhất, đó là chân
lý của Tin mừng: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng
sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25)
(x. Đức Giáo Hoàng Bênêditô XVI, Thông
điệp Deus Caritas Est, số 5-6).
Bạn thân mến,
Đời sống Kitô hữu là cuộc tình của mình với Thiên Chúa. Cuộc sống con người
chan chứa tình yêu và hiệp thông với Thiên Chúa đời đời. Vì thế cuộc sống đức
tin của chúng ta phải nỗ lực thực hiện cuộc cách mạng yêu thương để làm sao mình
không phải là tâm điểm mà chính Chúa và tha nhân là tâm điểm, và mình phải xoay
quanh chứ đừng bắt Chúa và tha nhân phải xoay quanh mình. Nhưng Chúa ở đâu bây
giờ và lúc này? Tha nhân là ai? Chúa ở nơi những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày
(Mt 25,40). Vậy, khi đối diện với những thử thách, trái ý và va chạm trong cuộc
tình giữa ta với Chúa và tha nhân trong đời, ta dám thưa lên với Cha trên trời
như Chúa Giêsu: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cho con khỏi chén đắng này. Tuy
vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22,42) và "Lạy
Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa" (Dt 10,7).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét