Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

LỄ MẸ THIÊN CHÚA





1. NGUỒN GỐC
  a. Thánh Kinh
        Khi Đức Mẹ hỏi làm thế nào Ngài có thể trở thành Mẹ Đấng Được Xức Dầu, thì thiên thần cho ngài hay: “Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ bao phủ bà. Và do đó, Đấng Thánh từ bà sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Đàng khác, khi Đức Mẹ viếng thăm bà Êlisabét, bà liền lớn tiếng rằng: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1, 42). Cho nên, Thánh Phaolô nhắc lại với tín hữu Galát rằng: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật” (Gl 4,4).
 
b. Các Giáo phụ                                            
- Các giáo phụ tiên khởi nhất trí tôn kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Cụ thể, Thánh Inhaxiô thành Antôkia khi ngài viết thư gửi tín hữu Êphêsô trong lúc đang trên đường chịu tử đạo ở Rôma rằng: “Thiên Chúa chúng ta, Chúa Giêsu Kitô, được Đức Maria cưu mang trong lòng. Quả thật Chúa Kitô “bởi dòng giống Đavít, nhưng do quyền lực Chúa Thánh Thần” (Gửi Tín Hữu Êphêsô, số 53).
- Thế kỷ thứ ba, các giáo phụ Hy Lạp đã nghĩ ra danh hiệu Theotokos (Theos = Thiên Chúa, và tokos = mẹ) để mô tả Mẹ Chúa Giêsu. Và cuối thế kỷ thứ tư, Thánh Grêgôriô Nazianzô đã mạnh dạn tuyên bố rằng “Ai không nhìn nhận Thánh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa, người ấy xa lìa Thiên Chúa” (Thư 101, 4).
c. Thời Công Đồng
- Công Đồng Êphêsô ngày 22 tháng 6 năm 431 tuyên tín: “Ai không tin Đấng Emmanuel (Chúa Kitô) thực sự là Thiên Chúa, và do đó, Đức Maria Thánh Thiện là Theotokos (Mẹ Thiên Chúa), vì về phương diện thể xác chính Ngài đã hạ sinh Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, người ấy phải chịu vạ tuyệt thông”. Công đồng Êphêsô đặt căn bản giáo huấn của mình trên hai tiền đề sau đây của đức tin Công Giáo: Đức Maria là mẹ thật. Ngài đóng góp mọi sự cần thiết để hình thành ra bản tính nhân loại nơi Chúa Kitô, mà mọi người mẹ khác vốn đóng góp để hình thành ra đứa con do họ hạ sinh. Chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có ai lại nghĩ Đức Maria là mẹ sinh ra bản tính Thiên Chúa của Chúa Kitô. Là Thiên Chúa, từ thuở đời đời, Chúa Kitô đã đ ược Đức Chúa Cha sinh ra. Không giống các thần minh ngoại giáo, Thiên Chúa chân thực duy nhất không có nữ thần mẹ nào sinh ra Người cả.  Do đó, Đức Mẹ quả là Mẹ Thiên Chúa thật. Tại sao? Vì Đức Mẹ cưu mang Ngôi Hai Thiên Chúa Ba Ngôi; dĩ nhiên không phải theo Bản Tính Thiên Chúa mà là theo bản tính nhân loại, một bản tính mà Con Thiên Chúa tự ý mang lấy ngõ hầu có thể dâng mình trên Thánh Giá để cứu chuộc ta.
- Đến ngày 22.01.1751, Thánh Bộ Nghi Lễ ký sắc lệnh cho phép kính Đức Mẹ Thiên Chúa trong toàn thể Giáo Hội và ấn định vào ngày Chúa nhật đầu tháng 5 (tháng hoa Đức Mẹ).
- Năm 1931, nhân kỷ niệm 1.500 năm Công Đồng Êphêsô, Đức Piô XI, đã truyền kính trong toàn thể Giáo Hội vào ngày 11.10.
-  Sau Công Đồng Vaticanô II, Đức Phaolô VI đã ấn định vào ngày 1.1, vì những lý do sau: Đức cố Giáo hoàng Gioan 23 đã lấy ngày lễ kính Đức Mẹ Thiên Chúa 11-10-1962 để khai mạc Công Đồng Vaticanô II, và đã thành công rực rỡ như một lễ Hiện Xuống mới ; như một cuộc sáng tạo mới. Bởi đó, khi Đức Phaolô VI đã đặt Lễ Mẹ Thiên Chúa vào ngày 1 tháng 1, thì ngài nói : “Nhằm tôn kính việc Đức Mẹ góp phần vào Mầu nhiệm cứu độ và tôn kính địa vị đặc biệt, khiến cho Mẹ Rất Thánh đáng tiếp nhận nguồn sống cho Hội Thánh.” (Phaolô VI, Marialis Cultus số 5). Đức Giáo Hoàng Phaolô VI viết: “Ta biết trong nhiều thế kỷ, ngày 1 tháng Giêng từng là ngày lễ Chúa Giêsu chịu cắt bì, như Phúc Âm Thánh Luca tường thuật. “Và cuối ngày thứ tám, lúc cắt bì, Người được đặt tên là Giêsu, tên thiên thần vốn tặng cho Người trước khi Người được tượng thai trong lòng mẹ” (Lc 2,21). Một lý do khiến ngày 1 tháng Giêng trở thành ngày lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa là: theo nguồn gốc, Giáo Hội vốn cử hành Tuần Bát Nhật Giáng Sinh vào ngày này, và chỉ sau đó nó mới biến thành lễ Chúa Giêsu chịu Cắt Bì. Sau đây là lời giải thích của Đức Giáo Hoàng về việc thay đổi tước hiệu ngày lễ mồng 1 tháng Giêng. Trong việc sửa đổi, sắp xếp lại mùa Giáng Sinh, ta nên đồng tâm hướng về ngày lễ trọng vừa được tái lập mừng kính Mẹ Thiên Chúa. Lễ này được đưa vào ngày đầu hết của tháng Giêng trong lịch phụng vụ của thành Rôma. Mục đích việc cử hành này là để tôn kính vai trò của Đức Maria trong mầu nhiệm cứu chuộc và đồng thời ca khen địa vị có một không hai của “Mẹ Thánh… qua Ngài chúng ta nhận được ơn phúc Tác Giả sự sống”. Lễ trọng này cũng cho ta cơ hội tuyệt vời để đổi mới lòng thờ kính cần phải bầy tỏ với Hoàng Tử Hòa Bình vừa mới sinh ra, khi một lần nữa, ta lại được nghe tin mừng hân hoan lớn lao và đầy cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa, qua sự bầu cử của Nữ Vương Hoà Bình, để được ơn bình an vô giá. Vì những xem xét ấy và vì sự kiện tuần bát nhật Giáng Sinh trùng với một ngày đầy hy vọng, tức Ngày Đầu Năm, Ta đã chỉ định ngày này làm ngày Hòa Bình Thế Giới (Phaolô VI, Marialis Cultus, tháng 2 năm 1974, số 5). Thành ra, Ngày Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa thực ra là ba lễ Đức Mẹ dồn một:  Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Lễ Đức Mẹ là mẹ ơn thánh Chúa, và Lễ Đức Mẹ là Nữ Vương Bình An.
2. SUY NIỆM
Chim có tổ, nước có nguồn, con người có tổ có tông. Đã là người, thì phải có cha mẹ, phải có tổ ấm, phải có gia đình. Chúa Giêsu khi tới trần gian này, cũng không muốn sống ngoài định luật của con người. Ngài cũng có mẹ, có cha. Đó là tính cách rất người của Chúa Giêsu. Chúa không muốn trở thành một vị tiên giáng trần. Chúa đã chọn con đường bình thường như mọi người là có một gia đình để sinh ra.
Mẹ Maria, thân mẫu của Chúa Giêsu đã được chọn lựa giữa muôn  người nữ. Mẹ sinh con mà vẫn đồng trinh vì “Đối với Thiên Chúa không gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Mẹ Maria đã cưu mang Chúa Giêsu bởi phép Chúa Thánh Thần. Mẹ sinh ra Đấng Cao Cả, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Quả thật, không ai biết rõ những chi tiết về mầu nhiệm Giáng Sinh hơn Mẹ Maria, Thánh sử Luca chỉ có thể viết : “Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những sự việc đó và suy niệm trong lòng”(Lc 2, 19). Mẹ Maria im lặng bởi vì Mẹ đã gắn bó mật thiết với mầu nhiệm Giáng Sinh đến nỗi Mẹ không thể diễn tả ra bằng lời trần gian được. Mẹ đã hiểu giá trị của sự từ bỏ hoàn toàn, sống nghèo khó, âm thầm phục vụ Chúa và tha nhân. Mẹ chấp nhận sống như một nữ tỳ để phục vụ hơn là để hưởng vinh quang. Mẹ xứng đáng là người được Thiên Chúa tuyển chọn.
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã khắc họa hình ảnh của “Người Mẹ Việt Nam” chắt chiu chăm sóc đàn con bằng những lời ca thật đẹp trong ca khúc “Huyền thoại Mẹ”: “Mẹ về đứng dưới mưa che đàn con nằm ngủ canh từng bước chân thù, mẹ ngồi dưới cơn mưa. Mẹ lội qua con suối, dưới mưa bom không ngại, mẹ nhẹ nhàng đưa lối, tiễn con qua núi đồi…Mẹ là nước chứa chan, trôi dùm con phiền muộn, cho đời mãi trong lành, mẹ chìm dưới gian nan…”.  Hôm này giữa lòng Hội Thánh Công Giáo, Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa không chỉ là một ảnh hình khắc họa của thi ca, của âm nhạc, mà Mẹ Maria đã đang và mãi mãi đồng hành với Hiền Thê của Con Mẹ, để làm cho Hội Thánh lớn lên và không ngừng tươi trẻ. Cụ thể, từ Lộ Đức tới La Vang, từ Trà Kiệu tới Fatima… Mẹ luôn dõi theo từng bước chân của Hội Thánh để chăm sóc giữ gìn, để động viên an ủi, để dạy bảo từng người con của Mẹ. Nói cách khác, Mẹ không ngừng đem cho Hội Thánh những làn gió mát của Thánh Thần để chiếc sáo Hội Thánh rung lên những giai điệu tuyệt vời hầu chuyển tải sứ điệp Tin Mừng cho muôn dân tộc, như cách diễn tả của thi sĩ Xuân Diệu, một người ngoại giáo, đã cảm nhận sâu sắc về Mẹ Trà Kiệu qua mấy vầng thơ mượt mà thanh thoát: “Nên hôm nay con ngồi như trẻ nhỏ, Giữa đáy trưa trong lòng Mẹ vô cùng. Con là sáo mẹ là ngàn vạn gió, Mẹ là trời con là hạt sương rung”.    
3. CẦU NGUYỆN
Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ đã từng bao bọc chở che cho Ngôi Hai Thiên Chúa. Xin Mẹ cũng đoái thương đến từng người chúng con. Xin Mẹ luôn bảo vệ và nâng đỡ chúng con. Xin cho chúng con luôn biết chạy đến cùng Mẹ và kêu cầu Mẹ rằng: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con hôm nay và trong giờ lâm tử”. Amen
 Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét