ĐỨC TIN VÀ ĐAU KHỔ
Lời Chúa: St
22,1-2.9a.10-13.15-18;
Rm 8,31b-34; Mc 9,2-10
Giáo Lý Hội Thánh
Công giáo dạy rằng: “Tin trước hết là gắn
bó bản thân con người với Thiên Chúa, đồng thời cũng là tự nguyện chấp nhận tất
cả chân lý Thiên Chúa đã mặc khải: Nhờ bao gồm cả hai điều trên, đức tin Kitô
giáo khác với việc tin tưởng một người phàm. Thật là chính đáng và phải đạo khi
phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa và tin tuyệt đối điều Người dạy” (số
150). Như vậy, đức tin không phải
là một mớ giáo lý mà ta đã học, cũng không phải là một sự chinh phục, mà là một
ân ban nhưng không của Thiên Chúa. Nhờ ân ban ấy, con người có được một lối
sống tin tưởng, phó thác và chủ động theo Chúa. Lối sống đó là soi mình dưới
bóng Chúa, đặt hành vi luân thường đạo lý dưới Lời Chúa qua từng biến cố của
cuộc đời. Nghĩa là biết đáp ứng bằng đức tin trong mọi tình huống bằng hành
động cụ thể. Tóm lại, Đức tin như một con mắt thần hướng
chúng ta đến một cách sống bình an, phó thác, nhìn đau khổ và cái chết như
những phương tiện dẫn đến vinh quang.
Bài đọc
1, Sách Sáng Thế kể rằng khi gần trăm tuổi, ông Abraham được Thiên Chúa hiện ra
và nói sẽ ban cho ông một người con trai. Đó là người con duy nhất của Abraham
với vợ chính là Sara, lúc ấy cũng gần 90 tuổi. Sau đó, Thiên Chúa muốn thử đức
tin nơi Abraham, nên phán bảo ông đem đứa con duy nhất ấy lên núi làm lễ toàn
thiêu. Tất nhiên Abraham rất đau khổ, nhưng nhờ đặt trọn niềm tin vào sự chỉ
dạy của Thiên Chúa, ông đã vâng lời và cầm dao giết con. Cuối cùng, Thiên Chúa
đã nhận “lòng tôn kính và tin yêu” của Abraham, vì đã không tiếc một thứ gì nếu
Thiên Chúa muốn, nên miễn cho ông khỏi giết con và chúc phúc cho ông. Rõ ràng
đức tin của ông Abraham mạnh mẻ đến nỗi giúp ông sẵn sàng đón nhận đau khổ,
vững lòng khi gặp đau khổ và chiến thắng đau khổ để đạt tới một mục đích cao
đẹp hơn là đẹp lòng Chúa.
Đến bài
Tin Mừng, khi thấy các môn đệ quá sợ đau khổ, không muốn chấp nhận cuộc khổ nạn
của Chúa, nên Chúa đã hé mở vinh quang của nước Thiên Chúa để hun đúc cho các
ông một niềm tin, một hy vọng để sống. Một đức tin mà Chúa đòi hỏi các ông phải
có nếu muốn dự phần vinh quang với Ngài đó là đón lấy đau khổ, chiến đấu với
đau sổ. Như thế, có thể nói, đức tin là nhân và vinh quang là quả, giúp chúng
ta nhận chân giá trị mọi đau khổ trên trần gian này, để từ đó chúng ta can đảm,
sáng suốt đón nhận và giải quyết mọi thử thách đến trong đời sống hàng ngày.
Chúa
Giêsu nói “ngày nào cũng có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34). Như vậy, đau khổ tự
nó không phải là xấu, và tự nó chẳng có giá trị gì cả, nhưng cái làm cho đau
khổ có giá trị, có công phúc chính là thái độ của người đau khổ: biết chấp nhận
và sống với đau khổ. Vì thế, khi gặp đau khổ tinh thân thần cũng như thân xác, đừng tuyệt vọng, đừng than thân trách phận, cũng đừng để mất đức tin! Nhưng, trước hết phải sống
Lời Chúa hằng ngày, nghĩa là xin vâng và thi hành Lời Chúa ở bất cứ hoàn
cảnh nào hay dù đau khổ mấy đi chăng nữa. Anh
chị em có công nhận với
tôi rằng bệnh hoạn không phải là do Chúa phạt, càng không phải là do tội mình
hay ông bà cha mẹ anh chị em mình gây ra nhưng mình bệnh hoạn như thể là một trật thông phần vào đau khổ của
Chúa Giêsu một trật để quyền năng Chúa được tỏ hiện nơi ta. Qủa
thế, Phúc Âm kể: “Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Các môn đệ hỏi
Người: "Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta
hay cha mẹ anh ta? " Đức Giê-su trả lời: "Không phải anh ta, cũng
chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn
thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (Ga 9, 1-7).
Cho nên, ngay lúc này, Lời Chúa ban cho
chúng ta sức mạnh để chịu đựng đau khổ bên cạnh đó giúp chúng ta kiên trì giữ vững
đức tin để rồi đến một lúc nào đó chắc chắn chúng ta sẽ nhìn thấy những điều kỳ
diệu và những điều lớn lao mà chúng ta không tưởng tượng được! Đúng như Lời
Chúa trong thư Do thái quả quyết “Đức tin
là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không
thấy” (Dt 11,1). Vì vậy, sống Lời Ngài từng giây trong đời giúp đức tin
kiên cường hơn và bền đỗ hơn đồng thời phát huy tính hiệu quả của lòng tin. Cho
nên, Thánh Giacôbê xác tín: “Anh em hãy
tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh
em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh
em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn
hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì” (Gc 1,2-4).
Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta
hãy dâng những khó khăn, đau khổ lên cho Chúa trong các giờ kinh lễ của chúng
ta hằng ngày. Vì khi cầu nguyện chúng ta chuyển những khó khăn đau khổ ấy cho
Chúa. Lập tức ta có được sự trợ giúp của Chúa, có thêm những sức mạnh siêu
nhiên giúp chúng ta chịu đựng đớn
đau. Cầu nguyện với Chúa trong đau khổ sẽ tạo ra một sức mạnh làm thêm ơn
thánh, giúp ta tin rằng khi biết chịu đựng đau khổ vì danh Thiên Chúa, nhất
định Chúa sẽ ban cho chúng ta mọi ơn lành. Vì Lời Chúa xác quyết: “Đừng lo
lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, hãy đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn
mà giãi bày trước mặt Chúa. Và… Chúa sẽ ban cho bình an vượt lên trên hết mọi
hiểu biết. Và bình an ấy sẽ điều khiển cách suy nghĩ và cảm nhận của bạn”
(Pl 4,6-7). Vì vậy, dù bất cứ
nguyên nhân hay bất cứ điều gì xảy ra, chúng ta phải kiên trì và kiêm tốn cầu
nguyện, chắc chắn Chúa làm mọi điều tốt đẹp cho cho chúng ta (Rm 8,28). Amen.
Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét