YÊU THƯƠNG
NHAU NHƯ CHÚA
Hôm nay Chúa Nhật thứ hai của Tháng
Năm đúng vào ngày của Mẹ. Vào ngày này cả thế giới tỏ lòng tri ân và để tôn
vinh sự yêu thương và hy sinh cao cả của Mẹ dành cho gia đình. Quả thế, Không
có gì ngọt ngào như lời của Mẹ. Không có gì dạt dào bằng tình thương của Mẹ.
Không có gì xót xa hơn khi tóc Mẹ ngày thêm sợi bạc. Có gì thương hơn là Mẹ với
con, dù con lớn vẫn là con của Mẹ. Đi suốt đời lòng Mẹ vẫn theo con.
Đúng như thế, trong trận động đất sóng
thần xảy ra ở Nhật Bản vào tháng năm 2010, khi đội cứu hộ tiếp cận một ngôi nhà
của một phụ nữ trẻ, họ trông thấy thi thể bất động của cô qua các khe nứt.
Nhưng tư thế của cô thật kì lạ, trông cô như đang quỳ xuống như khi cầu nguyện,
thân cô hướng về phía trước, và hai tay cô như đang bọc lấy thứ gì đó. Ngôi nhà
đổ nát đã đè quỵ hoàn toàn lưng và đầu của cô. Dù rất khó khăn, người đội
trưởng vẫn cố gắng đưa tay qua các khe nứt để chạm tới thân người phụ nữ. Ông
hy vọng mong manh rằng cô vẫn sống. Khi chạm đến làn da lạnh và cơ thể cứng ông
biết người phụ nữ này đã chết. Ông lại lần mò bên dưới không gian chật hẹp cơ
thể đã lạnh của người phụ nữ, ông reo lên:"Một đứa trẻ, là một đứa
trẻ!" Cả đội đã cẩn thận di dời từng mảnh đổ vỡ của căn nhà chung quanh
người cô. Một cậu bé 3 tháng tuổi đã được tìm thấy trong tấm chăn hoa bên dưới
thân người mẹ đã mất của mình. Người mẹ đã hy sinh thân mình để cứu lấy cậu bé,
khi căn nhà sụp đổ, cô đã ôm trọn đứa trẻ và gánh lấy toàn bộ sức nặng của tòa
nhà, đứa trẻ vẫn ngủ, một cách bình yên khi người đội trưởng đưa ra. Bác sỹ
nhanh chóng kiểm tra cậu bé, khi mở tấm chăn ông thấy một chiếc điện thoại. Một
dòng chữ vẫn sáng trên màn hình:"Nếu
con có thể sống, con phải nhớ rằng mẹ luôn yêu con."
Yêu là một
từ ngữ được sử dụng nhiều nhất và được người ta hiểu từ ngữ này theo những cách
khác nhau. Có người hiểu yêu là những quan hệ thân xác. Có người hiểu yêu là
quản lý chặt chẽ với nhau. Có người hiểu yêu thuộc lĩnh vực cảm tính, “tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu
đi em không hề hối tiếc!”. Như vậy nó không có mẫu số chung. Đức Giêsu hôm
nay đưa ra một khuôn mẫu cho tình yêu và có mẫu số chung: yêu như Chúa yêu.
“Anh em hãy
yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Có nghĩa rằng muốn làm môn đệ
Chúa, không phải yêu bằng bất cứ tình yêu nào, nhưng phải yêu như Chúa. Tình
yêu của Đức Giêsu không phải tự Người nghĩ ra, nhưng phát xuất từ Chúa Cha:
“Như Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như thế”. Đức Chúa
Cha là nguồn cội của tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa tràn ra, lan toả đến mọi
người. Mọi tình yêu phải quy chiếu về tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu của Chúa như
thế nào? Qua Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cho thấy rõ tình yêu Thiên Chúa qua 3
chiều kích:
Trước hết tình yêu của Chúa Cha là một tình
yêu phổ quát.
Khác với tình yêu bình thường của con người chỉ yêu những người yêu mình, thù
ghét những người ghét mình. Chúa Cha yêu thương tất cả mọi người không phân
biệt tốt xấu, lành hay dữ, thực vật hay súc vật, cỏ cây… Cho nên, trong bài đọc 2, Thánh Gio-an quả quyết: “Tình yêu
của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con
Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống”. Chúng ta đó
chẳng phải là mọi người đó sao? Có đạo hay không có đạo, thiện hay ác đó sao?
Thứ đến, Tình yêu Chúa Cha là một tình yêu hy
sinh.
Tin nhắn của mẹ Nhật bản: “Nếu con có thể sống, Mẹ vẫn yêu con”, nhưng thử hỏi
nếu con phản bội mẹ thì sao? Chưa biết? Còn Thiên Chúa yêu thương chúng ta đã
dựng nên ta, nhận ta làm con, cho hưởng hạnh phúc với Người. Còn ta không những
không yêu mến mà còn muốn chống lại Thiên Chúa. Ngài không giận ghét loài
người, không tự ái vì bị loài người xúc phạm, mà còn bày tỏ một tình yêu thương
mãnh liệt không ai dám ngờ tới. Đó là Ngài hy sinh Con Một yêu dấu để chuộc tội
cho loài người. Vì yêu thương Chúa Cha đã hy sinh tất cả những gì có thể để cứu
chuộc loài người. Cho nên, tình yêu của Chúa Giêsu là mẫu số chung cho mọi tình
yêu chúng ta dành cho nhau: “Không
có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn
hữu của mình”.
Cuối cùng, tình yêu Chúa Cha là một tình yêu
tha thứ.
Tha thứ là dấu hiệu của tình yêu. Khi yêu, người ta sẵn sàng tha thứ. Cụ thể dụ
ngôn Người Cha Nhân Hậu. Người Cha yêu quá đến nỗi quên hết những lỗi lầm của
ta. Và trên cây thánh giá, Chúa đã tha thứ cho kẻ thù của mình. Cho nên, Đức
Giêsu muốn chúng ta hãy noi theo tình yêu của Chúa, tình yêu của Ngài chỉ yêu
chứ không có ghét, hay trả thù. Còn ta thì sao? Tình yêu của chúng ta còn có ghét, “yêu nhau yêu cả lối đi ghét nhau
ghét cả tông ti họ hàng” hay “Yêu nhau kéo áo đắp chung, ghét nhau nắng dãi mưa
dầm mặc nhau. Yêu nhau con mắt liếc qua, ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra”.
Tháng Năm,
cũng là tháng Hoa dâng kính Mẹ. Đoàn con cái Mẹ ở khắp nơi muốn hiệp lời hát
khen ca tụng Mẹ, dâng lên Mẹ những đóa hoa tươi xinh để tỏ lòng yêu mến. Ước
chi những đóa hoa rực rỡ hương sắc ấy, mà mỗi người trong giáo xứ chung ta dâng
lên Mẹ trong Năm Tân Phúc Âm Hóa Đời Sống Giáo Xứ, không dừng lại ở vẻ đẹp bên
ngoài, nhưng biểu lộ tâm tình của những người con muốn ngước nhìn và bắt chước
Mẹ sống gắn bó với Chúa Giêsu, biết lắng nghe và ghi khắc Lời Ngài, hết tình
yêu thương và phục vụ anh chị em và sẵn sàng đi ra làm chứng cho Tin Mừng của
Chúa. Xin cho mỗi mọi chúng ta cùng với Mẹ Maria biết lấy tình yêu Thiên Chúa
đối xử với nhau như Chúa Cha đối xử với chúng ta. Hãy yêu thương hết mọi người
không loại trừ một ai. Nhất là hãy yêu thương những người bé nhỏ, cùng khổ, bất
hạnh. Hãy biết tha thứ những lỗi lầm của người khác. Tha thứ không phải chỉ một
lần mà tha thứ rất nhiều lần. Và hãy dám hy sinh, chấp nhận chịu thiệt thòi vì
tình yêu. Yêu như Chúa yêu. Đó mới là tình yêu đích thực. Chỉ có tình yêu bắt
nguồn từ Chúa mới bền vững và đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Allêluia!
Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét