1.
NGUỒN GỐC
Lễ Mẹ hồn xác lên trời là lễ cổ xưa nhất trong các ngày
lễ kính Đức Mẹ được cử hành trong toàn thể Giáo hội, Đông phương, Công giáo lẫn Chính Thống giáo. Các dấu chỉ đầu tiên của lễ “sự qua đi”
của Đức Maria hay ”Đức Maria ngủ”, được tìm thấy bên Đông Phương giữa các năm 540-570. Ít lâu sau
đó, vào khoảng năm 600 hoàng đế Maurizio ra sắc lệnh mừng lễ Đức Maria hồn xác
lên trời vào ngày 15 tháng 8 trong mọi vùng thuộc đế quốc Bisantin.
Bên Tây Phương các dấu hiệu đầu tiên của một
lễ “nhớ” Đức
Trinh Nữ là vào thế kỷ thứ VI, bên Gallia, cử hành ngày 18 tháng Giêng dưới
tước hiệu lễ “đặt xác Đức Thánh Maria”. Lễ Đức Maria hồn xác lên trời được du nhập sang Rôma vào thế
kỷ thứ VII cùng với các lễ khác kính Đức Maria như lễ Thanh Tẩy, lễ Truyền Tin
và lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, nhưng ngay lập tức nó trở thành lễ quan trọng nhất và
ngay từ đầu đã có tên gọi và ý nghĩa như hiện nay: lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời.
Thế rồi từ Rôma, lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời lan sang toàn Tây
Phương một cách nhanh chóng trong các thế kỷ thứ VIII và thứ IX, kể cả Gallia,
bằng cách xác định nội dung và thay đổi ngày mừng lễ. Các nguồn gốc và sự phát
triển của ngày lễ cũng như việc duyệt xét kỹ lưỡng các chứng tá phụng vụ cho
thấy sự phát triển giáo lý: ban đầu đối tượng của việc phụng tự là “sự chuyển
tiếp”, việc bước vào cuộc sống trên trời của Đức Maria, sau này là “việc hồn xác
lên trời”.
Ngày lễ đã được mặc cho tất cả sự trang trọng kể
từ năm 1950 khi Đức Cố Giáo Hoàng Piô XII định tín việc Đức Mẹ được cất nhắc về
trời cả hồn lẫn xác. Với tín điều này, Giáo hội chỉ công bố long trọng một chân
lý vốn đã được các tín hữu Kitô tin từ ngàn xưa tôn kính. Chân lý đó là: “Thân xác của Người phụ nữ đã trao ban thể xác cho Con
Thiên Chúa đã không phải chịu định luật của sự thối rữa”.
2. SUY NIỆM:
“VỮNG TIN GIỐNG MẸ – VỀ TRỜI NHƯ MẸ”
Cả cuộc đời dương thế
của chúng ta là một cuộc hành hương, một cuộc lữ hành, về nhà Chúa. Giờ đây,
tất cả chúng ta là những lữ khách trần gian, có nghĩa rằng chúng ta còn đang
đi, cuộc sống này chưa phải là nơi định cư vĩnh viễn. Ngày hôm nay, toàn thể
Hội thánh tin và tuyên xưng rằng Mẹ Maria được Thiên Chúa cho lên trời cả hồn
lẫn xác. Trong khi đó Mẹ Maria cũng là kẻ lữ hành như chúng ta khi còn ở trần
thế và hành trình đức tin của Mẹ Maria cũng lắm gian truân và thậm chí còn đen
tối chứ chẳng sáng sủa gì! Thế tại sao Mẹ Maria được đặc ân này? Tin Mừng hôm
nay trả lời ngay rằng vì Mẹ đã tin vững vàng vào Thiên Chúa và công trình Người
sẽ thực hiện nơi Mẹ và cuộc đời của Mẹ, “Em
thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em”
(Lc 1,45).
Chúng ta tạm ngừng
chiêm ngắm những đặc ân cao cả của Mẹ Maria để quay về với cuộc sống bình
thường giản dị và đơn sơ của cô Maria tại làng Nazarét nghèo nàn. Chắc chắn, cô
Maria cũng như bao cô gái khác trong làng đều có những ước mơ thật tốt đẹp và
tươi sáng về cuộc đời mình khi đến tuổi vào đời. Đùng một cái, Thiên Chúa mời
cô làm mẹ Con Một của Ngài trong khi cô không biết đến chuyện vợ chồng, liệu cô
Maria có tin chuyện ấy có thể xảy ra không? Rồi tới giờ mãn nguyệt khai hoa mà
chẳng một ai, một nhà nào cho cô Maria và thánh Giuse mướn một chỗ để sinh, lúc
ấy cô Maria có tin mình sắp sinh Ngôi Hai Thiên Chúa không? Rồi nữa, khi thấy
con mình đi từ làng này sang làng khác để rao giảng Tin Mừng, chữa lành nhiều
bệnh nhân mà không biết mệt mỏi, có lúc quên ăn ăn ngủ, thậm chí quên giờ quên
giấc đến nỗi người bà con nói với cô đi bắt con trai Giêsu bà về đi nó điên rồi
(Mc 3,20-21), cô có còn tin đó là Con Thiên Chúa thật không? Chưa hết, khi lạc
con ba ngày, vừa lo vừa sợ, vừa mệt vừa tủi trong lúc tìm con; khi tìm được rồi
chưa kịp mừng thì người con nói một câu như gáo nước lạnh tạc vào mặt, thư hỏi
cô có tin đó là Thiên Chúa thật không? Chưa nói, khi thấy con mình bị phỉ nhổ,
khinh chê, đánh đập bầm thâm loạn bì và chết trên treo thập giá, liệu cô Maria
có tin đó là điều đẹp ý Chúa không?
Qủa thật, Mẹ Maria
không hề biết trước những chuyện như thế? Cũng không hề nghĩ rằng tất cả là
chương trình Thiên Chúa xếp đặt cả rồi, thôi mình cứ cam lòng chịu đựng hết đi
rồi sẽ được thưởng công xứng đáng như hôm nay. Ấy thế, Mẹ Maria vẫn tin mạnh
mẽ, vững vàng và xin Thiên Chúa cứ thực hiện nơi cô những gì Ngài muốn. Đức tin
của Mẹ là đức tin của sự chấp nhận dâng hiến xác hồn, phó thác cuộc đời mình
cho Thiên Chúa. Cho nên, Mẹ thưa “xin vâng” để rồi thụ thai Chúa Giêsu trong
lòng dạ mình bất chấp rằng chắc chắn mình sẽ bị chồng đưa ra pháp luập, bị ném
đá chết tươi vì mới đính hôn mà đã có thai.
Là lữ khách trần
gian, Mẹ Maria bước những đi của đức tin tuy nhẹ nhàng nhưng đầy niềm vui và
phục vụ; bước những chân nặng nề, cay đắng, gian truân khốn khó nhưng đầy tín
thác và hy vọng vì thế Mẹ đã đi tới nơi và trở thành người dẫn lối đưa đường
cho chúng ta. Cho nên, Giáo Hội tin và dạy rằng: “Sau khi về trời, vai trò của Mẹ trong công trình cứu độ không chấm dứt,
nhưng Mẹ vẫn luôn tiếp tục cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ được
phần rỗi đời đời. Với tình Mẹ hiền,
Mẹ chăm sóc những anh em của Con Mẹ đang lữ hành trên dương thế và đang gặp
biết bao nguy hiểm, thử thách cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc Quê Trời”
(LG, Số 62).
Cuộc đời dương thế và
hành trình đức tin của Mẹ Maria thật lắm tối tăm, nhiều thử thách cam go đồng
thời cũng không thiếu gian nan, đắng cay! Nhưng Mẹ Maria đã đến được bến bờ
hạnh phúc bằng những hành động đức tin sống động và cụ thể chứ không phải là
đức tin tưởng tượng trong trí óc hay trên môi miệng. Đức tin là điều kiện để
được cứu độ (Mc 16,16) và đạt hạnh phúc thiên đàng (Mt 25,34), nhưng chúng ta phải
làm cho đức tin ấy thật sống động và linh hoạt bằng những hành động cụ thể
trong đời sống thường nhật, nhờ đó đức tin mới nên hoàn hảo. Cho nên, Thánh
Giacôbê nói: “Đức tin không có hành dộng
là đức tin chết” (Gc 2,26), vì chưng, “Đức
tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không
thấy” (Dt 11,1).
Chúng ta phải noi gương Mẹ Maria sống đức tin
chân thành và kiên trì bằng cách tuân giữ và thi hành Lời Chúa dạy qua việc
sống hết mình cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô và buông mình cho Chúa Thánh
Thần, sau là yêu thương mọi người qua việc khiêm nhường, tha thứ, cầu nguyện và
phục vụ tha nhân ngõ hầu mai ngày, Thiên Chúa sẽ đưa ta về Quê Trời như Mẹ. Hành
trình đức tin của chúng ta phải được đan kết bằng những kinh nguyện, hy sinh,
bác ái, khó nghèo, hiền lành, công chính, nhân hậu, bao dung và từ tâm, đặc
biệt hăng say thông truyền Tình Yêu Thiên Chúa cho mọi người hôm nay. Đó chính
là những nẻo đường Mẹ Maria và Chúa Giêsu con Mẹ đã đi. Chúng ta hãy mạnh dạn
lên đường dấn thân và bước đi trong sự tự do, vui mừng và hy vọng để vác thập
giá với Chúa Giêsu có Mẹ cùng bước dù những bước chân vui buồn khập khểnh, từng
bước đường sướng khổ gập ghềnh trên dương thế hôm nay để rồi không phải dừng
lại ở đồi Canvê trong Mùa Thương nhưng cùng với Mẹ hưởng trọn Mùa Mừng vui và
hạnh phúc trên Nước Trời. Amen.
Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét