SỐNG VÀ LOAN BÁO
LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
Nhạc sĩ Trần Tiến với bài hát “Lời nói cuối”
đã đoạt giải nhất trong cuộc thi phong trào phòng chống Siđa. Nội dung bài hát
ông lấy cảm hứng từ một lá thư của một cậu bé bán bánh mì mắc bệnh Siđa. Cậu ta
tâm sự rằng cậu chỉ bán bánh mì vào ban đêm vì khuôn mặt của cậu đã lỡ nhiều
quá. Cậu bơ vơ và khát khao một cuộc sống. Cậu nhờ nhạc sĩ viết cho bài hát “lời
nói cuối” như một lời trần tình. Nội dung bài hát: “Một buổi sớm, nhìn gương lại
thấy buồn vết bầm tím lang rộng trên môi, mỗi một sớm thời gian, dục vó ngựa
mang đời tôi đi vào đem đen. Mỗi ngày trôi, đời tôi một ngắn lại. Vó ngựa phi vội
tới vực sâu, vó ngựa ơi chậm thêm một chút một chút thời gian, thời gian nhỏ
nhoi. Cho tôi nhìn bầu trời của tôi, cho tôi nhìn người tình của tôi, cho tôi
nói lời nói lần cuối: đừng ai chết thảm như tôi”. Có lẽ giây phút gần cái chết,
niềm khát vọng sống trở thành mãnh liệt hơn bao giờ hết vì thế nó thúc đẩy để
người ta thốt lên như một lời nài van: “Tôi là đứa trẻ con còn non dại, sao tuổi
xuân sớm bỏ tôi đi. Tôi là đứa trẻ con còn mơ mộng, sao tình yêu sớm bỏ tôi đi.
Đừng ai chết trẻ như tôi”. Vâng, cũng vậy, niềm khát vọng sống và sống vĩnh hằng
trở thành hiện thực nơi mỗi người nhờ vào Lòng Thương Xót qua Chúa Giêsu sắp
Giáng sinh làm người, chúng ta hãy thay lối, đổi đường ngay từ bây giờ. Và đó
cũng chính là tâm tình Lời Chúa hôm nay muốn loan báo cho chúng ta.
Cho nên, Thánh Gioan tẩy giả loan báo niềm
hy vọng cho Dân Israel, đó không phải là niềm hy vọng trừu tượng mà là niềm hy
vọng được tập trung vào Đấng mà người Do thái mong đợi Đấng Mesia, Ngôi Hai
Thiên Chúa làm ngươi. Vì thế, mở đầu Tông Sắc “Dung Nhan Lòng
Thương Xót”, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng Chúa Giê-su Ki-tô là Dung
Nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha vì chưng, trong Chúa Giê-su
Kitô, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha trở nên sống động và rõ ràng và thấy tột
đỉnh điểm của nó. Vì vậy ai thấy Ngài là thấy Cha (x. Ga 14,9) mà Chúa Cha là “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận,
giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6) và "giàu lòng thương xót" (Ep 2,4) (số 1).
Vâng, Lòng Thương Xót Chúa mạnh
hơn tội lỗi, Ngài không bao giờ mõi mệt để tha thứ cho con người, làm cho con
người được sống dồi dào và không bao giờ phải chết. Để được như thế, Thánh
Gioam Tẩy giả, vị ngôn sứ loan báo cho Lòng Thương Xót Chúa kêu gọi chúng ta
hãy sám hối mà sám hối không phải thứ sám hối chung chung mà thứ sám hối được cụ
thể hoá trong cuộc sống tức bằng hành động.
Chúng ta thường đặt thang giá trị cuộc sống vào vô vàn khía cạnh của cuộc
sống: đối với người làm lớn coi thang giá trị đó là quyền lực. Người kinh doanh
đặt thang giá trị nơi tiền, lợi nhuận. Giới trẻ đặt thang giá trị cuộc sống nơi
hưởng thụ, “văn hóa vứt bỏ” nói như Đức Thánh Cha Phaxicô. Giới thiếu nhi đặt
thang giá trị nơi trò chơi điện tử, ăn chơi leo lỏng… Lời Chúa hôm nay khuyên
chúng ta hãy thay đổi những thang giá trị đó: Nếu người làm lớn, hãy sống bằng,
không được ức hiếp người yếu thế. Nếu là công nhân đừng đòi hỏi quá mức lương ấn
định. Nếu là chồng, hãy sống chung thuỷ với vợ và hy sinh lo cho con cái. Nếu
là vợ, hãy là người vợ đạo đức và người mẹ
gương mẫu. Nếu là con, hãy chịu khó học
hành và vâng lời Cha mẹ. Nếu là giới trẻ, hãy sống có đạo đức và tác phong là người trẻ. Chớ ăn chơi leo lỏng, chớ dùng bạo lực mà đối xử nhau. Nếu là sinh
viên, hãy sống trung thực và hòa thuận với nhau, chớ gian dối, bạo lực hay nghiện
ngập! Bên cạnh đó, hãy để Lòng Thương Xót Chúa đến ngự trị trong cuộc sống ta,
Ngài sẽ lấy tình thương của Ngài mà đổi mới chúng ta đồng thời làm cho chúng ta
hạnh phúc và bình an. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu
biết, sẽ giữ cho lòng trí chúng ta được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su.
Pascal nói: “Tôi chỉ tin một điều gì khi người
ta rao giảng nó và dám sống và chết cho nó”. Gioan Tẩy giả không chỉ loan báo
mà còn dám sống chết cho lời mình loan báo: Thiên Chúa, Đấng nhân hậu và từ bi, hay
nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín sẽ đến ở giữa chúng ta.
Còn chúng ta thì sao, có dám sống và loan báo cho Lòng Thương Xót của Chúa
không?
Chúng ta đã bước
vào Năm Thánh Lòng Thương Xót. Giáo Hội mở Năm Thánh này nhằm mục đích gì? Nhằm kêu gọi mọi
người chúng ta phải sống và làm chứng cho lòng thương xót. Có nghĩa rằng toàn bộ
lời nói, hành động và cung cách sống của chúng ta phải chuyển tải lòng thương
xót để chạm vào con tim của tất cả mọi người và truyền cảm hứng cho họ một lần
nữa tìm ra con đường dẫn đến Chúa Cha. Mỗi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội
phải biến mình thành một người đầy tớ của tình yêu này và làm trung gian của
tình yêu ấy cho tất cả mọi người: một tình yêu tha thứ và trao ban chính mình
vì Chúa và tha nhân. Do đó, trong các giáo xứ, các cộng đồng, các hiệp hội và các
phong trào hay bất cứ nơi nào có những Kitô hữu hiện diện thì tất cả mọi người
phải là một ốc đảo của lòng thương xót (Tông Chiếu về Năm Thánh Lòng Thương
Xót, số 12). Năm Thánh Lòng Thương Xót trùng với Năm Tân Phúc Âm Hóa đời sống
xã hội. Vì vậy, trong Thư Mục Vụ gửi cộng đoàn dân Chúa năm nay, các Đức Giám mục
mời gọi mọi thành phần dân Chúa hãy “sống, chia sẻ, loan báo và làm chứng cho
Lòng Thương Xót ngay trong đời sống xã hội”.
Ước gì, trong những ngày Mùa Vọng này, xin
cho Lời Chúa thúc bách chúng ta lấy tình thương, công bằng, bác ái và thứ tha
làm thang giá trị trong cuộc sống hầu làm cho Lòng Thương Xót đến với mọi người
trong ngày Giáng sinh sắp đến. Amen.
Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét