THƯƠNG
NGƯỜI NHƯ CHÚA THƯƠNG TA
Mới đây, tại một cuộc hội thảo bàn tròn về “Tôn
giáo và tự do”, trong giờ giải lao nhà thần học người Brazil, Leonardo Boff hỏi
Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng: “Thưa ngài, tôn giáo nào tốt nhất?”. Nhà
thần học nghĩ rằng ngài sẽ nói:
“Phật giáo Tây tạng” hoặc “Các
tôn giáo phương Đông, lâu đời hơn Ki-tô giáo nhiều”. Đức
Đạt Lai Lạt Ma trầm ngâm giây lát, mỉm cười và nhìn vào mắt Nhà thần học, Ngài
trả lời: “Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa anh đến gần Đấng tối cao nhất.
Là tôn giáo biến anh thành con người tốt hơn.” Nhà thần học hỏi tiếp: “Cái gì làm tôi tốt hơn?” Ngài
trả lời: “Tất cả cái gì làm anh biết thương
cảm hơn, biết
theo lẽ phải hơn biết từ
bỏ hơn, dịu dàng hơn,
nhân hậu hơn, có trách nhiệm hơn
và có đạo đức hơn. Tôn giáo nào biến anh thành như vậy,
là
tôn giáo tốt nhất”.
Vâng, chỉ có Thiên Chúa mới thương cảm con người trải qua muôn
ngàn đời. Vì thương con người, Ngài tạo dựng trời đất muôn loài muôn vật, cho
con người hưởng hạnh phúc viên mãn. Nhưng con người phản bội và phạm tội với
Chúa, Thiên Chúa không bỏ con người nhưng thương xót đến nỗi sai Ngôi Hai Thiên
Chúa xuống thế làm người, chịu nạn, chịu chết và phục sinh để chuộc tội chúng
ta và làm cho chúng ta thành con người tốt hơn trước. Vâng, Chúa Giêsu dạy làm
người tốt hơn ở điềm này: “Hãy yêu
kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở
nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người
mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công
chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì
anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế
sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường
đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5,44-48). Vì vậy,
Chúa Giêsu hôm nay ban cho chúng ta điều răn mới, mới ở chỗ là hãy yêu thương hết
mọi người như Chúa.
Qủa thế, trọn cuộc sống dương gian của Chúa Giêsu, từ lúc chào đời
cho đến chết và phục sinh, được gồm tóm trong chữ “THƯƠNG NGƯỜI”. Thứ nhất, vì
thương, “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên
Chúa mà không phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng
đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống
như người trần thế” (Pl 2,6-7). Thứ hai, vì thương, Chúa Giêsu đã mạc khải
Chúa Cha (Ga 8,19) và Nước Thiên Chúa để phàm ai tin vào Ngài sẽ được Nước ấy
làm gia nghiệp (Ga 3,5) và được sống muôn đời (Ga 3,15). Thứ ba, vì thương,
Chúa Giêsu đến thế gian như người tôi tớ phục vụ và tha thứ tội lỗi cho hết mọi
người (Ga 5,20-27). Cuối cùng, vì thương, Chúa Giêsu đã hiến thân mình trên cây
thập giá để cho mọi người được hưởng tình yêu dạt dào của Thiên Chúa (Ga
14,1-3).
Nhận ra tình thương của Chúa Giêsu dành cho chúng ta, Ngài
cũng mời gọi chúng ta hãy thương yêu nhau. Thế nào là thương yêu nhau? Người đời
cho rằng: “Yêu nhau mấy núi cũng leo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng
qua. Yêu nhau chẳng ngại đường xa, một ngày không đến thì ba bốn ngày. Yêu nhau
cởi áo cho nhau, về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay. Yêu nhau chẳng ngại đường xa,
đá vàng cũng quyết phong ba cũng liều. Yêu nhau kéo áo đắp chung, ghét nhau nắng
dại mưa dầm mặc nhau. Yêu nhau con mắt liếc qua, ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau
ra”. Yêu như thế có nghĩa yêu nhau thì có qua có lại, có qua mà không có lại
thì mưa dầm mặc nhau tức là không yêu nữa, thậm chí là ném đá vỡ đầu nhau ra.
Như thế có phải là người tốt không? Dĩ nhiên là không vì Kark Marx nói rằng: “Chỉ có con thú nói mới quay lưng trước nỗi
đau của đồng loại để chăm sóc cho bộ lông của mình”.
Đạo nào cũng dạy thương nhau: Phật dạy “từ bi xả kỷ”, Không
tử dạy “sở kỷ bất dục vật thi ư nhân”, tức điều gì mình không muốn, đừng làm
cho người khác. Ông bà dạy “Thương người như thể thương thân hay bầu ơi thương
lấy bí cùng tuy rằng khác giống như chung một giàn”. Còn Chúa Giêsu hãy thương
yêu nhau. Yêu thương thì phải hy sinh phục vụ, tha thứ, thậm chí thí mạng vì
người mình yêu. Vì chưng, Chúa Giêsu dạy: “Không có tình thương nào cao cả
hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Tình thương của người
môn đệ Chúa đòi hỏi sự chia sẻ, sự trao ban và ra khỏi chính mình để đến với
tha nhân. Chúa Giêsu không giữ hạnh phúc cho riêng mình, Ngài đã trao ban cho
con người hạnh phúc của chính Thiên Chúa. Vì vậy, mỗi người tín hữu hôm nay phải
là một Kitô khác để có thể hiểu và cảm thông với tha nhân. Một Kitô khác có
nghĩa rằng chúng ta đừng khác với Ðức Kitô khi chúng ta sống thiếu vắng tình
yêu trong lời nói và việc làm của chúng ta. Chúng ta đừng khác với Ðức Kitô khi
chúng ta sống thiếu sự quan tâm với những anh em nghèo đói, với những mảnh đời
bất hạnh bên đường. Chúng ta đừng khác với Ðức Kitô khi chúng ta sống trong bùn
nhơ của tội lỗi, của sự thiếu trong sạch, thiếu công bình và bác ái với tha
nhân. Chúng ta đừng khác với Ðức Kitô khi chúng ta hà khắc, kết án anh em một
cách đoạn tuyệt và thiếu lòng bao dung. Chúng ta hãy nên giống Chúa Kitô khi
chúng ta hiện diện với ai, là chúng ta đem đến cho họ niềm vui và hạnh phúc.
Chúng ta hãy nên giống Chúa Kitô để chúng ta có thể gieo vãi yêu thương, hạnh
phúc vào cho nhân thế qua việc phục vụ và dấn thân quảng đại của chúng ta. Chúng
ta hãy nên đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô để có thể tha cho kẻ làm hại chúng
ta, để có thể quên đi lỗi lầm của anh em và dám hy sinh quên mình mà vác thập
giá hằng ngày mà theo Chúa.
Lạy Chúa Giêsu
phục sinh, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn kiên vững tuân
giữ điều răn mới của Chúa: Mến Chúa thương người như Chúa đã thương yêu chúng
con bằng tình thương chân thật: đó là từ bỏ tính ích kỷ mà đón nhận mọi người
trong môi trường chúng con đang sống bằng sự yêu thương, tha thứ và hy sinh phục
vụ họ trong chân lý và sự thật. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét