8/08/21 CHÚA NHẬT TUẦN 19 TN – B
Ga 6,41-51
ĐƯỢC LÔI KÉO BỞI TRỜI!
“Chẳng ai đến được với tôi nếu Chúa Cha, là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6,44)
Suy niệm: Đức tin là ơn ban từ Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là tự sức mình dù nỗ lực đến mấy không ai có thể sở đắc được đức tin. Chính Đức Giê-su đã khẳng định: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha, là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy.” Điều này không có nghĩa là chỉ có một số người mới nhận được ơn đức tin. Ngay lập tức Ngài nói tiếp: “Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ” (Ga 6,45). Quả vậy, khi tạo dựng con người, Ngài đã ban cho họ “khả năng nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí” (x. Denz. 1785) để họ “nhận biết sự thật và được cứu rỗi” (x. Rm 1,20; 1Tm 2,4). Tuy nhiên, chỉ những ai chấp nhận với tất cả sự hiểu biết và tự do của mình, để Chúa Cha lôi kéo đến với Ngài qua Đức Giê-su để có được đức tin và được sự sống đời đời.
Mời Bạn: Chắc bạn đã từng kinh nghiệm về sự giằng co ở trong mình: một bên là Thiên Chúa và bên kia là ma quỉ. Đương nhiên không ai lại muốn để ma quỉ lôi kéo vào những ước muốn tội lỗi, xấu xa. Nhưng thực tế điều này ít nhiều đã xảy đến cho bạn. Cần một nội lực siêu nhiên giúp bạn chống lại những ước muốn xấu đó. Mời bạn đến với Bí tích Thánh Thể là “mầu nhiệm đức tin”, là nguồn mạch sự sống và bình an, để nhận được nguồn sức sống tuyệt vời ấy.
Sống Lời Chúa: Siêng năng lãnh nhận Thánh Thể, hoặc rước lễ thiêng liêng và xin Chúa ban thêm đức tin.
Cầu nguyện: Lạy Cha, xin lôi kéo con biết năng đến với Bí tích Thánh Thể là Con Một Cha. Nhờ đó, mỗi ngày con được biến đổi, được kín múc ân sủng và ơn cứu độ muôn đời. Amen.
09/08/21 THỨ HAI TUẦN 19 TN
Th. Tê-rê-xa Bê-nê-đi-ta Thánh Giá, nữ tu, tử đạo
Mt 17,22-27
NỖI BUỒN SẼ NÊN NIỀM VUI
Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.” Các môn đệ buồn phiền lắm. (Mt 17,22-23)
Suy niệm: Các môn đệ buồn phiền là có thật, rất thật nữa là khác: Làm sao không buồn được khi mà người Thầy các ông hằng kính mến tuyên bố Ngài sẽ bị nộp vào tay người đời và bị họ giết chết. Nhưng nỗi buồn đó không giam hãm các ông trong tuyệt vọng mà sẽ trở thành niềm vui cho các ông bởi vì “ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.” Mọi nan đề trong cuộc sống, ngay cả những buồn phiền khổ đau mà con người tưởng như bế tắc vô phương cứu chữa, đều có giải pháp, và trở thành niềm vui khi kết hiệp với Đức Ki-tô, Đấng đã chịu chết và sống lại để đem ơn cứu độ cho muôn người.
Mời Bạn: Chúa Giê-su cho biết “ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34). Nỗi khổ đeo bám chúng ta hằng ngày là duyên cớ khiến chúng ta phải buồn phiền, nhất là trong lúc này, khi bầu khí ảm đạm của cơn đại dịch đang bao trùm hầu khắp mọi nơi. Chúa Giê-su không bảo chúng ta bi quan, tuyệt vọng. Ngài cho chúng ta phương thế để vượt qua cuộc đời bể khổ này và biến nó thành niềm vui khi kết hiệp với Ngài vác thập giá đời mình, hy sinh phục vụ tha nhân, vì những ai cùng chịu đau khổ với Chúa Ki-tô thì sẽ được cùng Ngài sống lại vinh quang (x. 2Tm 2,11).
Sống Lời Chúa: Kiên trì ở lại trong Lời Chúa là phương thế tốt nhất giúp ta đứng vững trước những cơn khốn khó gặp phải trong đời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, qua lịch sử cứu độ, con nhận thấy đầy dẫy những câu chuyện buồn nhưng chẳng có trường hợp nào là kết thúc trong vô vọng. Xin cho biết hy vọng lúc này. Amen.
10/08/21 THỨ BA TUẦN 19 TN
Th. Lô-ren-xô, phó tế, tử đạo
Ga 12,24-26
PHỤC VỤ THẦY GIÊ-SU
“Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó.” (Ga 12,26a)
Suy niệm: Ở đời, nhiều người cúc cung phục vụ “sếp” của mình, mong có được ô dù để giúp mình thăng tiến trên quan lộ. Khi kêu gọi những ai theo Ngài phải “phục vụ”, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta theo một cung cách sống khác. Trước hết đó là cung cách của Ngài, là một vị Thầy, chứ không phải là một ông “sếp” lớn đòi “được kẻ hầu người hạ”, vì Ngài là Đấng đến để “phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (x. Mt 20,28). Và đó cũng là cung cách của những ai muốn “theo Thầy Giê-su”: những ai “phục vụ Thầy thì cũng ở với Thầy”; họ cũng trở nên “người rốt hết” (Mc 9,35) giống như Thầy; và nếu Thầy đã “rửa chân cho họ” thì họ cũng phải “rửa chân cho nhau” (x. Ga 13,13-15).
Mời Bạn: Thầy Giê-su của chúng ta là vậy. Theo Thầy Giê-su là ở với Thầy và làm những gì Thầy làm. Thầy ở trong tâm hồn tôi, mời gọi tôi ở lại với chính mình, nơi sâu thẳm, thầm kín nhất của tâm hồn mình, là sống và hành động trước sự hiện diện của Thầy. Thầy ở trong tha nhân, trong cả những người tôi không thích; Thầy bảo tôi, yêu họ là yêu Thầy (x. Ga 21,16). Thầy ở nơi mỗi tình huống lớn nhỏ của đời tôi, Ngài mời gọi tôi nhớ đến Ngài và cùng với Ngài suy nghĩ hành động và gặp gỡ tha nhân theo cung cách của Thầy, người đến để phục vụ.
Sống Lời Chúa: Làm việc bổn phận hằng ngày của mình trong tâm thế của Thầy Giê-su là phục vụ bắt đầu từ người gần mình nhất.
Cầu nguyện: Lạy Thầy Giê-su, xin cho con được theo Thầy, phục vụ Thầy và được ở lại với Thầy như ý Thầy muốn. Amen.
11/08/21 THỨ TƯ TUẦN 19 TN
Th. Cla-ra, trinh nữ
Mt 18,15-20
SỬA LỖI TRONG TÌNH MẾN
“Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.” (Mt 18,17)
Suy niệm: Sửa lỗi người khác là một việc làm khó khăn, nhưng cũng là đòi buộc của đức ái Ki-tô giáo. Chúa Giê-su đề nghị tiến trình ba bước để sửa lỗi trong tình mến. Trước hết, gặp riêng để sửa lỗi cách kín đáo. Nếu không được thì hãy đem theo một hay hai người nữa. Trong trường hợp họ không chịu nghe theo thì mới đi trình Hội Thánh. Sau khi đã làm ba bước này rồi mà kẻ có lỗi vẫn nhất mực cố chấp, thì Chúa Giê-su nói “hãy kể họ như người ngoại hay người thu thuế.” Thật dễ lầm tưởng rằng Chúa bảo ta phủi tay hết trách nhiệm, không cần đếm xỉa tới hạng người lì lợm ấy nữa. Không phải vậy đâu! Trong các sách Tin Mừng, Chúa vẫn đối xử nhân hậu với người ngoại hay người thu thuế. Ngài lui tới ăn uống với họ vì họ là những người Chúa đến để tìm kiếm (Mt 9,10-13); và họ lại là những người được vào Nước Thiên Chúa trước (Mt 21,31).
Mời Bạn: Là những chi thể hiệp nhất với nhau trong Thân Thể Chúa Ki-tô, các môn đệ Chúa không hoàn toàn ‘vô tội’ trong những sai lỗi của người khác. Trái lại, họ liên đới trách nhiệm với những lầm lạc của anh chị em mình. Chúng ta được mời gọi “rửa chân cho nhau” với tấm lòng bác ái, nhẫn nại và bao dung như Chúa Giê-su đối với người thu thuế và dân ngoại.
Sống Lời Chúa: Đối xử nhẫn nại và bao dung với người đã được góp ý sửa lỗi nhiều lần nhưng vẫn chưa có kết quả.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, nếu con sống thánh thiện hơn thì anh chị em con đã không sa sút đến như vậy. Xin giúp con biết nhận ra phần trách nhiệm của mình nơi những sai hỏng của người khác và nhẫn nại giúp họ sửa đổi.
12/08/21 THỨ NĂM TUẦN 19 TN
Th. Gio-an-na Phan-xi-ca Xăng-tan, nữ tu
Mt 18,21-19,1
THA THỨ LẦN NỮA
“Nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần?” (Mt 18,21)
Suy niệm: Đối với người Do Thái, số bảy biểu thị sự hoàn hảo. Ông Phê-rô cho rằng tha thứ đến bảy lần đã là quá đủ cho sự hoàn hảo. Nhưng Chúa Giê-su thì không quan tâm đến trò chơi đếm số, hạn định sự tha thứ bằng một dãy số hữu hạn. Ngài nói: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” Như thế, “bảy mươi lần bảy” có nghĩa là ‘liên tục’ đến vô cùng, nghĩa là đừng bao giờ ngừng tha thứ. Tha thứ được đặt trên nền tảng của tình yêu và sự tha thứ mà Thiên Chúa dành cho con người. Tha thứ không giới hạn, là thuộc tính của Tình Yêu, là chính Thiên Chúa.
Mời Bạn: Tại một thời điểm nào đó trong đời, ai cũng có những trải nghiệm đau đớn vì bị xúc phạm. Con tim co quắp như bị đốt cháy bởi axít khó có thể mềm lòng để mở ra cho sự tha thứ. Chúa Giê-su đưa ra phương thuốc chữa lành vết thương trái tim đó: Mỗi người chúng ta đã được Chúa tha thứ gấp hàng triệu lần, nên chúng ta có thể và phải tha thứ cho nhau không giới hạn. Vậy, bạn đã sẵn sàng ngừng đếm những tổn thương của mình và bắt đầu bước theo Đấng tha thứ và yêu thương bạn để tha thứ cho anh em lần nữa không?
Sống Lời Chúa: Hãy tự vấn: tôi cần tha thứ cho ai? Bạn hãy cầu nguyện cho người ấy, và không bỏ lỡ cơ hội thể hiện hành động làm hoà cách trực tiếp.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin làm mềm lòng con và giúp con sống tinh thần tha thứ mỗi ngày. Con không muốn tìm thấy trong mình một tinh thần trả thù và từ chối lời mời gọi hòa giải. Xin giúp con khao khát muốn học cách tha thứ như Chúa, khi con cầu xin sự tha thứ nơi Chúa. Amen.
13/08/21 THỨ SÁU TUẦN 19 TN
Th. Pon-xi-a-nô, giáo hoàng và Híp-pô-li-tô, linh mục, tử đạo Mt 19,3-12
BẬC SỐNG NÀO CŨNG CAO ĐẸP
Chúa Giê-su nói: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”… Các môn đệ thưa Người: “Nếu làm chồng mà phải như thế với vợ thì thà đừng lấy vợ còn hơn.” Chúa Giê-su nói: “Không phải cũng hiểu được câu nói ấy. Chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu được mà thôi.” (Mt 19,6.10-11)
Suy niệm: Bậc sống hôn nhân theo tiêu chuẩn ki-tô giáo: một vợ một chồng chung thuỷ với nhau cho đến suốt đời quả là một lý tưởng tuyệt đẹp, lý tưởng đến nỗi nhiều người sợ rằng đó là điều không tưởng. Ngay cả một số môn đệ còn nghĩ rằng như thế thì “đi tu” còn có lý hơn! Chúa Giê-su cho biết đời tu cũng có những nét đẹp hấp dẫn nhưng không dễ hơn, bởi vì “chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu được” mà thôi. Quả vậy, trong khi bậc sống hôn nhân diễn tả tình yêu chung thuỷ của Đức Ki-tô với Hội Thánh, thì bậc sống tu trì lại diễn tả ngay ở đời này cuộc sống thanh thoát như các thiên thần ở đời sau.
Mời Bạn: Cần tránh thái độ “đứng núi này trông núi nọ”. Hãy nhớ rằng cả hai bậc sống đều cao đẹp và không cuộc sống nào cao đẹp lại chấp nhận một lối sống dễ dãi buông thả. Vấn đề của mỗi người không phải là bậc sống nào cao hơn mà là Chúa chọn gọi mình vào bậc sống nào. Những giá trị chân thật của cả hai bậc sống ngày nay đều đang bị đe doạ. Hãy sống trọn vẹn bậc sống của mình để những giá trị đó được toả sáng.
Sống Lời Chúa: Đã chọn lựa bậc sống (khấn dòng/chịu chức/kết hôn) ư? Bạn hãy trung thành. Nếu chưa, suy nghĩ cần nguyện để chọn bậc sống đúng ơn gọi của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con chọn đúng và trung thành với bậc sống mà Chúa kêu gọi con.
14/08/21 THỨ BẢY TUẦN 19 TN
Th. Mắc-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê, linh mục, tử đạo
Mt 19,13-15
TRỞ NÊN TRẺ THƠ
“Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.” (Mt 19,14)
Suy niệm: Triết gia Kierkegaard đượm vẻ tiếc nuối khi nói về trẻ thơ: “Chiêm ngắm tuổi thơ giống như quay trở về chiêm ngắm một vùng đất xinh đẹp; người ta thực sự nhận thức được vẻ đẹp đó vào đúng lúc, vào chính khoảnh khắc nó bắt đầu biến mất.” Vẻ đẹp của trẻ thơ: sự ngây thơ hồn nhiên, đơn sơ phó thác, nụ cười vô tư lự, ánh mắt trong trắng, không mưu mô tính toán,… lôi kéo người ta trở về hoài niệm một thiên đàng đã mất, “thuở A-đam chưa phạm tội”. Chúa Giê-su đặt tay chúc lành cho trẻ em và nói Nước Trời thuộc về những người giống như chúng, Ngài muốn chúng ta rũ bỏ cái quá khứ ảm đạm của tội lỗi, và chọn sống những giá trị đó của trẻ thơ để có thể đạt tới Nước Trời dành sẵn cho chúng ta.
Mời Bạn: Nước Trời không còn ở một nơi xa xôi nào đó, mà hiện thực ở đây ngay lúc này, mỗi khi con người để cho mình thuộc về Chúa, phó thác trọn vẹn cuộc đời cho tình yêu quan phòng của Người, “như trẻ thơ nép mình lòng mẹ” (Tv 131,2). Dẫu cho nghịch cảnh trong cuộc đời vẫn còn đó, chúng ta được mời gọi sống như trẻ thơ trước mặt Chúa, trọn niềm tin tưởng vào Chúa, và thực thi thánh ý Ngài, chúng ta cũng được Chúa đặt tay chúc lành và dành sẵn cho chúng ta phần thưởng Nước Trời.
Sống Lời Chúa: Dành ít phút thinh lặng bình tâm trước nhan Chúa, dâng lên Ngài lời nguyện: “Lạy Chúa, toàn thân con thuộc về Chúa. Con xin phó thác mọi sự của con trong tay Chúa.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con một tâm hồn trẻ thơ, để con luôn xác tín rằng Chúa vẫn luôn ở bên con, che chở và phù trợ con.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét