"Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người" (1Cr 9,22).
Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021
Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021
ÁI TÍN
“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.
Ai tin vào Thầy, thì dù có chết cũng sẽ được sống” (Ga 11,25).
ACE Hội Tông Đồ Khuyết Tật Giáo Phận Đà Nẵng , hiệp ý cầu nguyện cho CHA PHANXICÔ XAVIÊ ĐẶNG ĐÌNH CANH, Cha đã an nghỉ trong tình yêu thương của Chúa Kitô.
Trong tâm tình yêu thương xin anh chị em khuyết tật giúp lời cầu nguyện cho Cha.
P/s: Cha đã từng có một thời gian tham gia cùng anh chị em tông đồ khuyết tật chúng ta.
“Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, xin cho Linh Hồn CHA PHANXICÔ XAVIÊ được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời, sáng láng vui vẻ vô cùng.” Amen
Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021
Thứ Hai, 20 tháng 9, 2021
CHÚA NHẬT TUẦN 25 TN – B
Mc 9,30-37
BÀI HỌC PHỤC VỤ
“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” (Mc 9,35)
Suy niệm: Dù đã đi theo làm môn đệ Chúa, các ông vẫn mang nặng ý hướng trần tục: ham muốn chức quyền, thích được phục vụ. Chúa Giê-su đã phải tốn nhiều công sức để dạy các ông hiểu rằng đối với Ngài, “làm lớn” là làm tôi tớ, khiêm tốn phục vụ anh em. Ngài đã nhiều lần, nhiều cách nhấn mạnh điều này đến nỗi có thể coi đây là luật sống của người môn đệ. Trong bữa Tiệc ly, Chúa đã nói: “Thầy sống giữa anh em như một người tôi tớ” (Lc 22,27), và Ngài đã làm công việc của người tôi tớ là rửa chân cho các Tông đồ và dạy: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà Thầy rửa chân cho anh em thì anh em cũng hãy rửa chân cho nhau” (Ga 13,14).
Mời Bạn: Ai không ngưỡng mộ và tri ân các y bác sĩ, các tình nguyện viên đang ở tuyến đầu chống dịch giữa bao nguy hiểm, áp lực, căng thẳng, kiệt sức; những người đang âm thầm mang về vùng dịch những tấn rau xanh, thùng cá mắm, gạo, bí đao, bí đỏ,… Bao nhiêu người đang vất vả truy tìm F0 trong cộng đồng… Thời virus biến chủng Delta bùng phát cũng là thời “virus bác ái” lan nhanh trong cộng đồng với nhiều sáng kiến, năng động, nhóm lên tia sáng hi vọng và sức mạnh giúp mọi người bình tĩnh vượt khó. Bài học phục vụ Chúa đã dạy xưa kia thích hợp cho thời buổi này biết chừng nào!
Sống Lời Chúa: Nghiền ngẫm lời chị Chiara Lubich: “Đức Giê-su đòi ta không phải là việc phục vụ trên ý hướng,… Ngài nói về việc phục vụ cụ thể, với bắp thịt, bằng chân tay, bằng trí óc; cần phải phục vụ thực sự.” (Chiara Lubich).
Cầu nguyện: Hát: “Đâu có tình yêu thương”.
20/09/21 THỨ HAI TUẦN 25 TN
Th. An-rê Kim Tê-gon và các bạn tử đạo
Lc 8,16-18
TRUNG THÀNH TOẢ SÁNG
“Chẳng có ai đốt đèn rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng.” (Lc 8,16)
Suy niệm: Phải nói sao về một ai đó thắp đèn rồi lại bưng bít chính ngọn đèn mình vừa thắp lên để không ai có thể nhìn thấy ánh sáng của nó? Hình ảnh đó nói lên tâm trạng của nhiều ki-tô hữu ngày nay không dám “chường mặt ra” với tư cách mình là ki-tô hữu. Người ta có thể viện ra hàng tá lý do khôn ngoan để làm như thế. Theo bản tính tự nhiên, hầu như ai cũng sợ mình khác với khuôn mẫu chung mà mọi người vốn vẫn chấp nhận. Mà có gì khác nhau, đối chọi nhau hơn ánh sáng đối với bóng tối? Chính vì sợ khác với bóng tối mà có những người đã phải úp chụp ánh sáng của mình trong hũ kín, hay phải giấu đút ngọn đèn của mình dưới gầm giường. Đành rằng nó vẫn toả sáng, nhưng trong tư thế đó, nó không thể soi sáng cho ai nữa, nó không còn lý do để hiện hữu nữa, hay nói đúng ra, nó coi như không còn hiện hữu. Cũng thế, đức tin sẽ tàn lụi nếu không toả sáng; người ki-tô hữu sẽ không còn là ki-tô hữu nữa nếu không sống đời sống chứng nhân Tin Mừng.
Mời Bạn: Bạn có thấy mình ít nhiều nằm trong số những ki-tô hữu “giấu mặt” đó không? Bạn hãy xét xem mình có dám chấp nhận thiệt thòi, bị mất quyền lợi, chỉ vì trung thành sống theo những giới răn Chúa dạy hay không?
Sống Lời Chúa: Không hổ thẹn sống chứng nhân Tin Mừng, làm chứng nhân cho Đức Ki-tô, đó là sứ mạng của người ki-tô hữu, của chúng ta. Hãy cầu nguyện cho nhau sống được như thế.
Cầu nguyện: Hát “Vì con muốn là men, muốn là muối ướp cho mặn đời. Vì con muốn liều thân đem Tin Mừng đi khắp nơi.”
21/09/21 THỨ BA TUẦN 25 TN
Th. Mát-thêu, tông đồ
Mt 9,9-13
ĐƯỢC GỌI LÀM TÔNG ĐỒ
“Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.” (Mt 9,9)
Suy niệm: Thánh Mát-thêu đã thuật lại ơn gọi làm tông đồ của mình một cách rất đơn giản, ngắn gọn: Chúa gọi, ông đứng dậy, đi theo. Thế nhưng, trong thực tế, ơn gọi ấy không đơn giản chút nào. Có lẽ Mát-thêu đã có dịp gặp gỡ Chúa Giê-su, nghe lời Ngài giảng, thậm chí chứng kiến phép lạ Ngài làm. Thánh nhân hẳn đã phải trăn trở rất nhiều, cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét được-mất, hơn-thiệt giữa nghề thu thuế béo bở với cuộc sống từ bỏ mọi sự Ngài đòi hỏi. Để rồi đến lúc phải có quyết định dứt khoát, có chọn lựa đáp trả trọn vẹn. Ơn gọi ấy cũng không phải do tình cờ, nhưng nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa, cùng với sự quyết tâm chọn lựa của Mát-thêu. Từ đây mình phải làm gì có ích hơn cho Thiên Chúa và tha nhân, thay vì chỉ cho một số người giới hạn trong phạm vi gia đình. Ơn gọi tông đồ cho ta sống một cuộc đời mới, với tầm cao, tầm rộng mới mẻ, thanh thoát hơn.
Mời Bạn: Mỗi người đều được Chúa mời gọi theo Ngài bằng các ơn gọi khác nhau: ơn gọi gia đình hay linh mục tu sĩ. Ngài vẫn tiếp tục gọi bạn bước theo Ngài trong môi trường cuộc sống đời thường: gia đình, giáo xứ, nghề nghiệp… Tựa như Mát-thêu, ta hãy “đứng dậy” đi theo Ngài cách dứt khoát.
Sống Lời Chúa: “Đứng dậy” để vác thập giá, hay “đi ra vùng ngoại biên,” để thấy trời cao đất rộng, thấy nhiều con chiên còn bơ vơ khắp chốn mà không có người hướng dẫn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa hài lòng khi thấy Mát-thêu đứng dậy theo Chúa ngay lập tức. Xin hoán cải chúng con thành tông đồ nhiệt thành, hầu góp phần làm cho thế giới này tươi đẹp hơn nữa. Amen.
22/09/21 THỨ TƯ TUẦN 25 TN
Lc 9,1-6
TIẾNG GỌI LÊN ĐƯỜNG
Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. (Lc 9,2)
Suy niệm: Chúa Giê-su sai các tông đồ lên đường với sứ mạng gói gọn trong hai việc “rao giảng” và “chữa lành”. Mục tiêu nhắm tới là đạt được hạnh phúc trong Nước Thiên Chúa. Việc chữa lành là chứng tá của người tông đồ và dấu chỉ Nước Thiên Chúa đang đến.
Mời Bạn: Lúc này đây trong đại dịch Covid-19, lời mời gọi lên đường, dấn thân của Chúa hối thúc chúng ta hơn bao giờ hết. Bởi lúc này, bao người đau buồn khi người thân ra đi do dịch bệnh, lắm kẻ lâm trọng bệnh, bao người đang túng thiếu, căng thẳng, tuyệt vọng. Họ cần được cứu giúp, chữa lành vết thương thể xác cũng như tâm hồn, được thắp lên niềm hy vọng. Loan tin vui về hạnh phúc đời đời qua những nghĩa cử bác ái, chia sẻ, nâng đỡ, yêu thương trong mùa dịch này có thể phải đối mặt với đủ mọi khó khăn. Xác tín được Chúa Giê-su sai đi, thánh Phao-lô nhắn nhủ: “Hãy rao giảng Lời Thiên Chúa, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2Tm 4,2). Trong cơn đại dịch, đã có bao tu sĩ, giáo dân, linh mục sát cánh bên các bệnh nhân Covid, hay an ủi, chia sẻ, giúp đỡ các người túng thiếu. Một tu sĩ phục vụ tại bệnh viện dã chiến chia sẻ: “Việc phục vụ càng gây nguy hiểm cho bản thân mình thì tình yêu càng được diễn tả cách mạnh mẽ.” Nhớ rằng: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng” (Tv 126,5).
Sống Lời Chúa: Tôi làm một việc tử tế để đáp lại lời mời gọi của Chúa.
Cầu nguyện: Khi thế gian chìm trong tội lỗi khổ đau, Chúa xuống thế làm người để gánh khổ. Khi thế giới đang chết chóc vì Covid-19, Chúa mời gọi chúng con ra đi và “chữa lành.” Amen.
23/09/21 THỨ NĂM TUẦN 25 TN
Th. Pi-ô Pi-ét-ren-xi-na, linh mục
Lc 9,7-9
LAY ĐỘNG LÒNG NGƯỜI
“Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su. (Lc 9,9)
Suy niệm: Làm những việc lạ, kinh thiên động địa, có thể sẽ có một đám đông đi theo vỗ tay tán thưởng. Thế nhưng, sau những tràng pháo tay, tiếng hoan hô đó sẽ đọng lại những gì? Lòng người chắc gì được biến đổi? Đâu phải cứ thấy phép lạ là tin, hay người nhận nhiều quà cứu trợ tất yếu sẽ trở thành tín hữu! Đức Giê-su không mãi hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng. Ngài còn chấn chỉnh họ: “Các ông tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc… để có lương thực thường tồn” (Ga 6,26-27). Ngài không làm phép lạ để người ta hoan hô, đi theo mình. Đức Giê-su chọn cách hạ mình, gần gũi với người tội lỗi, hiến dâng mạng sống để lay động lòng người hoán cải. Cung cách sống khác thường của Đức Giê-su khiến vua Hê-rô-đê thắc mắc và tìm cách gặp Người.
Mời Bạn: Bạn đang thể hiện một nhân cách Ki-tô giáo khiến người khác phải thắc mắc chưa? Hay bạn sống đạo mờ nhạt đến độ người ta không nghĩ rằng bạn có đạo? Ki-tô hữu có nghĩa là thuộc về Chúa Ki-tô, có Chúa Ki-tô trong bạn. Dấu ấn nơi bí tích Thánh tẩy không thể xóa được, và bạn phải là dấu hỏi lay động người khác, là cầu nối để người khác gặp Đức Giê-su.
Sống Lời Chúa: Suy niệm Lời Chúa, học hỏi giáo lý để bạn hiểu thêm về Đức Giê-su, để Ngài lay động, hoán cải bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, vua Hê-rô-đê đã lay động trong lòng và muốn gặp Chúa. Xin cho chúng con là người đã biết Chúa, càng siêng năng gặp Chúa nơi Lời Chúa và Thánh Thể, để chúng con được lay động và biến đổi. Amen.
24/09/21 THỨ SÁU TUẦN 25 TN
Lc 9,18-22
SỐNG LỜI TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
“Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” (Lc 9,19)
Suy niệm: Người trổi vượt phi thường về trí lực hoặc tài năng được gọi là thiên tài. Người thực hiện được những sự nghiệp lẫy lừng cho cộng đồng được tôn vinh là vĩ nhân. Những người ấy vẫn luôn xuất hiện trên đời nhưng thuộc diện hiếm có, trong muôn người mới có một. Người Do thái kể Chúa Giê-su vào hàng ngũ những nhân vật siêu phàm như Ê-li-a, Gio-an Tẩy giả, nhưng chung quy họ vẫn coi Ngài chỉ là phàm nhân. Còn danh hiệu “Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa” thì họ chẳng mảy may nghĩ tới. Phê-rô đã tuyên xưng Thầy bằng danh hiệu đó. Chúa Giê-su xác nhận lời tuyên xưng của ông, nhưng Ngài khẳng định nhận thức được điều này là ơn mạc khải Chúa Cha ban cho (x. Mt 16,17). Và cả việc “Con Người sẽ bị giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” phải nhờ Chúa Cha mạc khải, chúng ta mới hiểu được. Đức tin là ơn Thiên Chúa ban vô điều kiện để ta đón nhận, sống niềm tin ấy.
Mời Bạn: Có lẽ chúng ta vẫn tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa. Nhưng niềm tin ấy vẫn còn pha tạp tinh thần thế tục nếu như chúng ta không chấp nhận một Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa chịu đóng đinh thập giá. Chúa mời gọi bạn đón nhận thập giá trong đời mình như điều kiện sống lời bạn tuyên xưng.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm một việc hy sinh để nhắc nhớ mình luôn vác thập giá theo chân Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã đón nhận thánh ý Chúa Cha trong mọi sự. Xin cho chúng con luôn vững vàng sống lời tuyên xưng niềm tin vào Chúa bằng một cuộc sống cho đi vô điều kiện như chính Chúa vậy. Amen.
25/09/21 THỨ BẢY TUẦN 25 TN
Lc 9,43b-45
ĐÓN NHẬN THẬP GIÁ CHÚA TRAO
“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” (Lc 9,44)
Suy niệm: Với các môn đệ, con đường thập giá của Chúa là mầu nhiệm quá không chỉ khó hiểu, mà còn là một tin gây “sốc” không thể chấp nhận. Việc các ông sợ không dám hỏi lại về lời tiên báo Ngài sẽ phải chịu đau khổ và chết như một tử tội cho thấy các ông không muốn đón nhận con đường thập giá ấy. Mãi cho đến khi được gặp gỡ Đấng Phục sinh, được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các môn đệ mới nhận ra rằng mầu nhiệm thập giá chính là con đường cứu độ, có đón nhận thập giá Đức Ki-tô, họ mới được tham dự vào vinh quang với Thầy mình; những ai vui lòng vác thập giá, can đảm đón nhận những đau khổ, thách đố mỗi ngày để bước theo Chúa, người ấy sẽ luôn được bình an sâu xa trong lòng.
Mời Bạn: Thập giá, đau khổ đời thường vẫn luôn là mầu nhiệm, là thách đố với người Ki-tô hữu mọi thời. Chẳng ai hiểu được tại sao một Thiên Chúa giàu lòng nhân hậu, đầy tình thương, lại để cho sự dữ, bất hạnh, tai ương gây nên bao tang thương cho con cái của Ngài. Thế nhưng, nếu bình tâm suy xét, bạn sẽ nhận thấy rằng nhờ đón nhận thập giá, can đảm đối diện với những thách đố, đau khổ mà không né tránh, đời sống đức tin của người Ki-tô hữu được trui rèn mỗi ngày: trưởng thành trong đức tin, vững mạnh trong niềm trông cậy và thêm sắt son trong lòng mến yêu. Bạn có nhận ra điều ấy không?
Sống Lời Chúa: Bạn vác thập giá theo Chúa bằng cách chừa bỏ một tật xấu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dẫn chúng con vào mầu nhiệm thập giá Chúa, để chúng con cũng vui lòng vác thập giá đời mình mà giữ nghĩa cùng Chúa cho đến trọn đời. Amen.
26/09/21 CHÚA NHẬT TUẦN 26 TN – B
Mc 9,38-43.45.47-48
LÁNH XA DỊP TỘI
“Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ cả hai tay mà phải sa hoả ngục, vào lửa không hề tắt.” (Mc 9,43)
Suy niệm: Trong cơ thể con người có một bộ phận hầu như vô dụng, đó là khúc ruột thừa. Dù thế, nếu nó bị nhiễm trùng mà không kịp thời cắt bỏ đi thì có khi gây ra tử vong. Cắt bỏ một phần chi thể có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng để bảo vệ sự sống của toàn thân, đó là một việc làm hoàn toàn hợp đạo lý. Trong đời sống thiêng liêng cũng thế. Lối nói thậm xưng ngoa ngữ trong Phúc Âm rất quen thuộc trong ngôn ngữ thường ngày của chúng ta muốn nhấn mạnh rằng cuộc sống đời đời trên Thiên Đàng đáng giá đến mức nó đáng được đánh đổi bằng những gì ta coi là quí giá nhất, thiết thân nhất trên cõi đời này. Và muốn loại bỏ tội lỗi cách hiệu quả thì phải đánh chặn nó từ xa, tận gốc khi nó mới chỉ là một ý tưởng manh nha, và phải dứt bỏ quyến luyến đối với những gì lôi kéo ta đến chỗ phạm tội.
Mời Bạn: Những kiểu nói “chặt tay”, “chặt chân”, “móc mắt” nếu những bộ phận ấy “làm cớ cho ta sa ngã” có ý nói chúng ta phải dám từ bỏ một cách triệt để, dứt khoát tất cả những gì có thể trở thành dịp tội cho ta: những cuốn sách, bộ phim khiêu dâm bạo lực, những quan hệ bất chính, những trò chơi giải trí không lành mạnh…
Chia sẻ: Cùng nhau quyết tâm phát động chiến dịch xoá bỏ mọi dịp tội ra khỏi nhà bạn.
Sống Lời Chúa: Thái độ quyến luyến đối với dịp tội là mầm mống nguy hiểm nhất đưa tới tội lỗi. Bạn đang quyến luyến bất chính đối với điều gì? Hãy quyết tâm dứt bỏ nó.
Cầu nguyện: Đọc kinh “Ăn năn tội”.
27/09/21 THỨ HAI TUẦN 26 TN
Th. Vinh-sơn Phao-lô, linh mục
Lc 9,46-50
LÀM LỚN LÀ PHỤC VỤ
“Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.” (Lc 9,48)
Suy niệm: Bất cứ tổ chức nào cũng có người lãnh đạo. Tổ chức càng to, người lãnh đạo càng lớn, và càng được coi là có địa vị cao trong xã hội. Người ta dễ nghĩ rằng làm lớn là có quyền lực trên người khác, có quyền bắt họ phải phục vụ mình. Thế nên, nhiều người ham làm lớn và triệt hạ lẫn nhau để giành lấy quyền cao chức trọng. Các môn đệ Chúa Giê-su cũng không tránh khỏi não trạng “làm lớn” đó. Các ông xầm xì, thậm chí cãi cọ nhau xem ai là người lớn nhất (x. Mc 9,34). Nhiều lần Chúa Giê-su phải uốn nắn các ông: “Giữa anh em thì không được như vậy” (Mt 20,26). Lời Chúa dạy thật rõ ràng: Làm lớn là làm tôi tớ, và công việc của tôi tớ là phục vụ. Ngài làm gương bằng chính cuộc sống của Ngài: “Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22,27). Và việc Ngài rửa chân cho các tông đồ trong bữa Tiệc ly là một bài học ấn tượng: “Nếu Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14).
Sống Lời Chúa: Trong cuộc sống có những việc bổn phận mà bạn cho là “nhỏ”: “Làm lớn” là chu toàn những việc “nhỏ” đó. Trong gia đình, có những việc không tên tuổi, nhưng người thân của bạn đang nai lưng ra làm để phục vụ bạn: “Làm lớn” là biết quan tâm, chia sẻ cho nhau những công việc phục vụ mà bạn cho là hèn kém đó. Ngoài xã hội, có những người bị khinh miệt, có những nghề bị coi là hèn hạ: “Làm lớn” là kính trọng những người ấy vì họ đang phục vụ bạn qua những nghề nghiệp lương thiện đó. Mời bạn thực hiện những việc “nhỏ” đó trong cuộc sống của bạn.
Cầu nguyện: Hát “Kinh Hoà bình”.
28/09/21 THỨ BA TUẦN 26 TN
Th. Lô-ren-xô Ru-y và các bạn tử đạo
Lc 9,51-56
KHI TÌNH YÊU LÊN NGÔI
Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. (Lc 9,51)
Suy niệm: Đã từ lâu hai dân tộc Do Thái và Sa-ma-ri thù nghịch với nhau. Thế mà từ Ga-li-lê muốn đi hành hương lên Giê-ru-sa-lem phải băng qua vùng đất thù nghịch ấy. Theo thông lệ cứ mỗi dịp hành hương, dân Sa-ma-ri sẽ đóng cửa không tiếp người hành hương từ Ga-li-lê. Vì thế, khi thầy trò đi ngang qua miền đất này, dù không phải dịp hành hương, người dân cũng từ chối đón tiếp. Điều này chọc giận anh em nhà Giê-bê-đê, họ muốn xin Chúa cho lửa từ trời xuống thiêu hủy cả làng như trong thời Cựu ước. Nhưng Thầy Giê-su đã cho thấy, bên cạnh khuôn mặt đầy quả cảm khi Người “nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem” để chịu khổ nạn, là khuôn mặt nhân từ, cảm thông, tha thứ. Thầy Giê-su quyết định hoàn thành sứ vụ qua việc đón nhận cuộc Khổ nạn với quả tim đầy tự do và lòng mến. Không điều gì, kể cả sự thù hận của dân Sa-ma-ri, có thể ngăn cản được tình yêu của Ngài.
Mời Bạn: Hình ảnh các nam nữ tu sĩ và tình nguyện viên nơi tuyến đầu chống dịch, giúp đỡ bệnh nhân, chia sẻ với người túng ngặt trong đại dịch, đang họa lại gương mặt quả cảm và nhân từ của Thầy Giê-su “nhất quyết lên Giê-ru-sa-lem.” Cùng với các bệnh nhân, anh chị em bị cách ly, họ đang hiệp thông với thánh giá của Thầy Giê-su.
Sống Lời Chúa: Dành ít phút tĩnh lặng trong ngày để chiêm ngắm Chúa Giê-su trên thánh giá; hay đọc một đoạn sách để biết thêm về Người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, trong thời gian khốn khó này, con hiểu hơn thế nào là tình mến con người dành cho nhau. Xin giúp con tiến bước trên hành trình tình yêu của Chúa. Amen.
29/09/21 THỨ TƯ TUẦN 26 TN
Các Tổng lãnh thiên thần: Mi-ca-en, Gáp-ri-en và Ra-pha-en
Ga 1,47-51
NHỮNG NGƯỜI BẠN VÔ HÌNH
Chúa Giê-su nói : “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.” (Ga 1,51)
Suy niệm: Chúng ta cũng không nghi ngờ gì về sự có mặt của các thiên thần trong những loài Thiên Chúa dựng nên. Người Do thái thường dùng những biểu tượng tôn giáo, những hình ảnh thần thoại của các dân tộc lân cận để mô tả các thiên thần, phân chia đẳng cấp và đặt tên (như các tổng lãnh thiên thần chúng ta mừng kính hôm nay) và phân loại các thiên thần dựa theo các tác vụ các ngài thực hiện (như Xê-ra-phim, Kê-ru-bim…). Nhờ Lời Chúa mạc khải, chúng ta biết được các ngài luôn kề cận Thiên Chúa và phụng thờ Ngài, là sứ giả chuyển đạt các mệnh lệnh của Thiên Chúa đến chúng ta, các ngài là điểm hội tụ kết nối đất với trời. Hình ảnh các thiên thần “lên lên xuống xuống” trên chiếc thang nối trời với đất nói lên sứ mạng đó.
Mời Bạn: Nhờ các thiên thần, chúng ta biết được sứ mạng loài thụ tạo có hồn thiêng bất tử như chúng ta phải đạt được và có thể đạt được. Và chúng ta cũng biết được rằng để chu toàn sứ mạng đó chúng ta có các ngài đồng hành và hỗ trợ chúng ta. Vậy trong cuộc sống ở trần thế này, bạn đừng quên sự hiện diện của những người bạn vô hình này.
Sống Lời Chúa: Trong thánh lễ khi hát kinh “Vinh Danh” và “Thánh! Thánh! Thánh!” bạn nhớ rằng mình đang được hân hạnh cùng với các thiên thần ca tụng Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy các tổng lãnh thiên thần, các ngài luôn kề cận Thiên Chúa và phụng sự Người. Xin đồng hành với chúng con trên đường tiến về quê trời.
30/09/21 THỨ NĂM TUẦN 26 TN
Th. Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ HT
Lc 10,1-12
LÀ THỢ GẶT TRÊN ĐỒNG LÚA
Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít.” (Lc 10,2)
Suy niệm: “Thiên Chúa là vị Chúa của truyền giáo. Ngài muốn truyền giáo. Ngài ra lệnh truyền giáo. Ngài đòi hỏi truyền giáo. Ngài làm cho việc truyền giáo khả thi qua Con của Ngài. Ngài làm cho việc truyền giáo ấy được hiện thực qua việc gởi Thánh Thần” (G. Peters). Với Chúa, việc truyền giáo quan trọng, khẩn thiết, vì Ngài muốn cứu độ mọi người, không trừ ai. Với ta, hoặc là ta ý thức tư thế thừa sai của mình, hoặc ta bất tuân mệnh lệnh của Ngài. Tựa như các nhà thừa sai, ta cũng cảm thấy mình quá bình thường đang khi phải loan báo một vị Chúa quá khác thường. Thế nhưng, khi giới thiệu, loan báo Tin mừng Chúa cho người khác, ta trông mong những những điều phi thường từ Chúa; phần mình, ta góp vào đó những nỗ lực phi thường của mình như Đức Giê-su dạy trong bài Tin mừng.
Mời Bạn: “Tình yêu là cội rễ của việc truyền giáo; lòng hy sinh là hoa trái của việc truyền giáo ấy” (R. Davis). Hoặc bạn là Ki-tô hữu, người thừa sai của Tin mừng, hoặc bạn là người Công giáo hữu danh vô thực khi bạn bỏ bê việc truyền giáo. Muốn là người thừa sai Tin mừng, bạn phải hội đủ hai điều kiện: 1/ yêu mến, quan tâm, vui thích việc truyền giáo; và 2/ sẵn sàng hy sinh, quên mình cho việc loan báo Tin mừng của Chúa.
Sống Lời Chúa: Tôi suy xét, đặt vị trí ưu tiên cho việc loan báo, giới thiệu Chúa Giê-su cho người chung quanh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là người thợ gặt số một của Chúa Cha trên cánh đồng truyền giáo thế giới. Xin cho con biết noi gương Chúa: nhiệt tâm yêu mến các linh hồn, nhiệt thành trong các hy sinh, quên mình, và nhiệt tình trong bổn phận truyền giáo. Amen.
Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2021
12/09/21 CHÚA NHẬT TUẦN 24 TN – B
Mc 8,27-35
“ANH EM BẢO THẦY LÀ AI?”
Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8,29)
Suy niệm: Chúa Giê-su hỏi các môn đệ nhìn nhận Ngài là ai trong bối cảnh họ bị “nhiễu thông tin” từ những điều “người ta” nói về Ngài. Đây không chỉ là vấn đề tri thức theo kiểu bản tin dự báo thời tiết. Trả lời cho câu hỏi đó là lời khẳng định tác động đến cả cuộc sống của các ông. Đó là nhận biết căn tính đích thực của vị Thầy mà họ đang đi theo làm môn đệ, sự nhận biết bao hàm lời tuyên xưng đức tin và là lời cam kết dành trọn cuộc sống để đi theo con đường của Đấng Ki-tô, con đường của thập giá, chịu khổ nạn rồi phục sinh vinh quang. Đó phải là câu trả lời từ sự xác tín của chính bản thân các ông không vay mượn, dựa thế của ai, câu trả lời xác định mối quan hệ các ông thuộc về Ngài cách thân thiết và trọn vẹn.
Mời Bạn: Lời tuyên xưng không đơn thuần là vấn đề của nhận thức mà còn là kết quả của lòng tin và là cánh cửa mở ra ơn cứu độ (x. Rm 10,9-10). Nếu ngày hôm nay Ngài hỏi bạn: “Con bảo Thầy là ai?” bạn sẽ tuyên xưng Đức Ki-tô là ai, là gì đối với bạn? Cách bạn trả lời cho thấy bạn tin Ngài như thế nào và điều đó biến đổi cuộc đời của bạn ra sao. Nếu bạn tuyên nhận Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, thì bạn sẽ chú ý lắng nghe Lời Ngài, thực hành những gì Ngài nói, và hiến dâng đời sống mình như một hy lễ để thuộc trọn về Ngài.
Sống Lời Chúa: Tuyên xưng niềm tin vào Đức Ki-tô bằng cách làm việc bổn phận, phục vụ với tinh thần của Ngài (hiền lành, khoan dung, tha thứ,…)
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa hằng sống, xin giúp tuyên xưng Chúa bằng chính đời sống của con khi con luôn thực hành theo lời Chúa truyền dạy.
13/09/21 THỨ HAI TUẦN 24 TN
Th. Gio-an Kim Khẩu, giám mục, tiến sĩ HT
Lc 7,1-10
“LẠY CHÚA, CON KHÔNG ĐÁNG…”
“Thưa Ngài, tôi không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi... Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” (Lc 7,6-7)
Suy niệm: “Tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi...” Biết bao nhiêu bài học rút ra từ một câu nói giản dị như thế. Viên sĩ quan Rô-ma, người phát ngôn câu nói đó hẳn đã hấp thụ một nền giáo dục nhân bản thật tốt: lịch thiệp, khiêm tốn, nhân ái, biết cảm thông... Càng đáng nể phục hơn khi biết rằng ông ta, một người có chức có quyền trong guồng máy cai trị của một đế quốc hùng mạnh, lại nhún nhường cầu xin một người thuộc dân tộc bị trị chữa lành người nô lệ của ông đang đau nặng. Đó không phải là một lời nói xã giao hời hợt. Tính cách dễ mến tỏ lộ qua lời nói đó càng làm tôn thêm lòng kính trọng – không, nói cho đúng hơn – niềm tin tột bực của ông nơi Đức Giê-su Ki-tô, Đấng mà ông biết có một quyền lực thần linh.
Mời Bạn: Một lời nói đẹp lại càng đẹp hơn khi nó được dùng để diễn đạt một niềm tin cao quí. Bạn có cảm thấy xấu hổ khi nghe những lời nói tục tằn thô lỗ thốt ra từ môi miệng những người mang danh là ki-tô hữu?
Chia sẻ: Khi sinh hoạt trong nhóm của bạn, thử đề nghị một phương thế để giúp nhau chừa bỏ tính nói tục.
Sống Lời Chúa: Chừa bỏ và giúp người khác, nhất là người thân của mình, chừa bỏ tật xấu hay nói tục
Cầu nguyện: Cầu nguyện sốt sắng trước khi rước lễ bằng lời đáp: “Lạy Chúa, con không đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.”
14/09/21 THỨ BA TUẦN 24 TN
Suy tôn Thánh Giá
Ga 3,13-17
THÁNH GIÁ NHIỆM MẦU
“Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Mt 19,14)
Suy niệm: Trong cuộc đối thoại với ông Ni-cô-đê-mô, “là bậc thầy trong dân Ít-ra-en”, Chúa Giê-su nhắc lại biến cố đã xảy ra cho dân Do Thái trong sa mạc. Khi họ oán trách và xúc phạm đến Thiên Chúa, Ngài đã phạt họ bằng cách cho rắn độc đến cắn chết nhiều người. Nhưng, với lòng thương xót, Ngài lại cứu chữa họ bằng con rắn đồng mà Ngài truyền cho ông Mô-sê đúc và giương cao lên “để ai nhìn lên đó thì được chữa lành.” Chúa Giê-su muốn nói con rắn đồng trong sa mạc đó là dấu chỉ chính Ngài sẽ bị treo lên trên cây thập giá “để ai tin vào Ngài sẽ được sống muôn đời.”
Mời Bạn: Con rắn độc đem đến chết chóc bị đánh bại bởi con rắn đồng đem ơn chữa lành. Cây thập giá của “sỉ nhục và điên rồ” được Đức Giê-su đón nhận và trở thành cây Thánh Giá biểu lộ “sức mạnh và khôn ngoan” của Thiên Chúa (x. 1Cr 1,23-24) và là phương thế cứu độ cho những ai tin vào Ngài. Không thể nói mình tin vào Đức Ki-tô mà lại chối bỏ Thánh Giá. Bạn đã sẵn sàng vác thập giá đời mình theo Chúa để được tham dự mầu nhiệm Thánh giá Chúa Ki-tô chưa?
Sống Lời Chúa: Thực hành việc hy sinh hãm mình hằng ngày và sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với anh em mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã biểu lộ tình yêu vô bờ khi hiến thân trên thập giá để cứu độ chúng con. Xin cho chúng con biết lấy tình yêu đáp lại tình yêu của Chúa, và luôn đón nhận cách vui lòng những khó khăn lao nhọc đời mình để cùng vác thập giá mình mỗi ngày mà theo chân Chúa. Amen
15/09/21 THỨ TƯ TUẦN 24 TN
Đức Mẹ sầu bi
Ga 19,25-27
ĐỨC MA-RI-A, MẸ CỦA CHÚNG TA
Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” (Ga 19,26-27)
Suy niệm: Đời là bể khổ, thế nên làm người, ai chẳng gặp đau khổ. Nhưng chắc hẳn không có đau khổ nào lớn cho bằng nỗi đau của người mẹ khi phải chứng kiến người con mình chết như một tên tội phạm. Dưới chân thập giá, Đức Ma-ri-a đã phải chịu nỗi đau như thế. Tất cả những khổ hình, những sỉ nhục phỉ báng Con phải chịu, Mẹ cũng đau đớn như chính mình đang phải chịu. Cả khi Đức Giê-su bị lưỡi đòng đâm thấu trái tim khi đã trút hơi thở cuối cùng, Mẹ đã đau đớn như thể lưỡi đòng ấy đâm vào lòng mình vậy. Thế nhưng Mẹ không bỏ mặc Đức Giê-su, Mẹ vẫn đứng đó dưới chân thập giá, bên cạnh Con mình. Có người mẹ nào từ bỏ đứa con của mình, cho dù nó có là tên tội phạm bị người đời sỉ nhục hay chính mình bị sỉ nhục vì người con đó. Chính nơi đó, Mẹ đã nhận chúng ta là con của Mẹ: “Thưa Bà, đây là con của Bà.”
Mời Bạn: Sống trên đời, ai cũng có những đau khổ. Nếu không có ai nâng đỡ, đau khổ dễ khiến ta quị ngã. Những lúc như thế, bạn hãy đến với Đức Ma-ri-a, hãy kêu cầu Mẹ, Mẹ sẽ luôn hiện diện, nâng đỡ, ủi an. Mẹ sẽ không bao giờ bỏ mặc hay từ chối bạn. Đến với Mẹ, bạn sẽ tìm được sự bình an. Đến với Mẹ, bạn sẽ không bao giờ phải thất vọng. Vì Mẹ là mẹ của chúng ta.
Sống Lời Chúa: Đọc một chục kinh Mân Côi, suy gẫm chặng thứ Năm mùa Thương với tâm tình của Mẹ đứng bên thánh giá.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a là Mẹ chúng con, chúng con xin trao phó cuộc đời chúng con cho Mẹ. Xin Mẹ nâng đỡ chúng con khi gặp gian nan thử thách.
16/09/21 THỨ NĂM TUẦN 24 TN
Th. Co-nê-li-ô, giáo hoàng và Xíp-ri-a-nô, giám mục, tử đạo
Lc 7,36-50
NHỮNG ĐIỀU NHÌN MÀ KHÔNG THẤY
Rồi quay lại phía người phụ nữ, Chúa Giê-su nói với Si-mon: “Ông có thấy người phụ nữ này chứ?… Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều.” (Lc 7,44.47)
Suy niệm: Lắm khi giữa một đám đông, bạn có ý tìm một người, người đó đứng ngay trước mắt bạn, thế mà lạ thay bạn lại không nhìn thấy. Phần ông Si-mon, ông thấy rõ người phụ nữ đứng đàng sau Chúa Giê-su lắm chứ. Ông cũng thấy rõ bà ấy lấy tóc mà lau đôi chân Ngài ướt đẫm nước mắt của bà, rồi bà đã lấy dầu thơm xức chân Chúa làm sao. Và hơn nữa, ông còn biết rõ lý lịch không tốt đẹp gì của bà ta: “một người tội lỗi.” Thế nhưng, ông nhìn mà không thấy tấm lòng của người phụ nữ ấy, “một tấm lòng tan nát khiêm cung” vì sám hối, một tấm lòng yêu mến thiết tha vì đã “được tha thứ nhiều”.
Mời Bạn: May cho chúng ta là Chúa Giê-su không phân loại ta theo lý lịch, hay bảng liệt kê thành tích của ta. Ngài cũng không đóng khung ta trong cái quá khứ tội lỗi của ta. Ngài thấu suốt tận đáy lòng và Ngài phán xét dựa trên thái độ hiện tại của ta. Điều Ngài mong thấy được nơi ta là một tâm hồn biết sám hối ăn năn và yêu mến Chúa nồng nàn. Được Chúa nhìn với cặp mắt cảm thông như thế, chúng ta cũng phải nhìn nhau bằng cặp mắt của Chúa.
Sống Lời Chúa: Tập nhìn anh em bằng cái nhìn của Chúa để có thể cảm nhận được những nỗi niềm của anh em để mà cảm thông chia sẻ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cất khỏi con những cái nhìn đầy thành kiến về anh em con. Những xin cho con biết nhìn nhau bằng cặp mắt của Chúa, để con nhận ra Chúa và yêu Chúa đang hiện diện trong họ. Amen.
17/09/21 THỨ SÁU TUẦN 24 TN
Th. Rô-be-tô Ben-la-mi-nô, giám mục, tiến sĩ HT
Lc 8,1-3
TÔN TRỌNG PHẨM GIÁ PHỤ NỮ
Cùng đi với Đức Giê-su có Nhóm Muời Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỉ và chữa bệnh. (Lc 8,1-2)
Suy niệm: Bất chấp thái độ khinh miệt phụ nữ trong xã hội Do Thái thời đó, bất chấp những luật lệ của hàng tư tế về sự thanh sạch, Tin Mừng hôm nay thuật lại Chúa Giê-su chẳng những tiếp xúc một số phụ nữ từng bị coi là ô uế vì bị quỷ ám và bệnh tật, mà còn đón nhận cho họ đồng hành trên đường truyền giáo cùng với Nhóm Mười Hai. Quả thật, Chúa Giê-su tôn trọng phẩm giá người phụ nữ và đánh giá cao sự phần đóng góp của họ trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng Nước Trời của Ngài.
Mời Bạn: Các vị chủ chăn Giáo hội nhiều lần lên tiếng tôn trọng quyền lợi và phẩm giá người phụ nữ, và mong muốn càng ngày càng có nhiều phụ nữ có điều kiện về thời giờ và khả năng tham gia vào các sinh hoạt trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội. Đặc biệt, nơi gia đình là “Hội Thánh tại gia,” những người mẹ là người đóng vai trò chủ chốt trong việc chuyển giao đức tin cho con cái mình.
Chia sẻ: Trong giáo xứ của tôi có tình trạng khinh miệt, bạo hành phụ nữ (vợ, người nữ giúp việc…) không? Tôi có giúp các phụ nữ nhận thức và bảo vệ phẩm giá của mình, không cho phép biến họ thành “vật dụng kinh tế” hay “đồ giải trí tầm thường” không”?
Sống Lời Chúa: Trong phạm vi và khả năng của mình, tôi để tâm phát hiện và chặn đứng những hình thức khinh miệt, bạo hành phụ nữ.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a đầy ơn phúc, xin Mẹ cho các chị em tỏa lan ra xung quanh hương thơm đời sống thánh thiện nhân đức. Xin cho chị em dẫn đưa tha nhân về với Chúa bằng cánh tay và trái tim mẹ hiền.
18/09/21 THỨ BẢY TUẦN 24 TN
Lc 8,4-15
HẠT GIỐNG RƠI VÀO BỤI GAI
“Đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết nghẹt mà không đạt thành quả.” (Lc 8,4-15)
Suy niệm: Họa sĩ Van Gogh nói: “Cuộc đời là thời gian gieo trồng, chứ chưa phải là mùa gặt hái.” Vì thế, chúng ta không lạ gì khi thấy Thiên Chúa, được ví như người gieo giống, đã gieo cách kiên trì, rộng rãi đến độ hoang phí các hạt giống Lời Chúa. Hôm nay chúng ta nói đến thân phận của hạt giống rơi vào bụi gai, tiêu biểu cho thái độ đón nhận Lời Chúa thường gặp nơi chúng ta. Bụi gai tượng trưng cho nỗi bận tâm về chuyện đời, về ham mê của cải, công ăn việc làm khiến cho cây Lời Chúa chết nghẹt.
Mời Bạn: Bạn thường nói rằng tôi quá bận rộn đến nỗi không có giờ cầu nguyện, tôi phải lo công ăn việc làm, không rảnh rỗi để đọc Lời Chúa, để lo các việc đạo đức… Coi chừng! Tâm hồn bạn đang có nhiều bụi gai đấy! Bạn hãy nhớ rằng: không phải điều gì rõ ràng là xấu mới nguy hiểm, mà ngay những điều tốt, hợp lý như công ăn việc làm, chuyện đời sống… cũng có thể nguy hiểm, bởi vì “điều tốt thứ nhì luôn là kẻ thù tệ hại nhất của điều tốt nhất.” Tại sao? Tại vì nó làm bạn xao lãng điều tốt nhất.
Sống Lời Chúa: Chọn một câu Lời Chúa nào bạn thích nhất, ghi vào sổ hay vào một tấm ảnh, đọc mỗi sáng và để cho Lời ấy tác động bạn suốt ngày sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, dù Chúa biết rằng tâm hồn chúng con luôn thay đổi: có lúc như vệ đường, như sỏi đá, như bụi gai, hoặc có khi như đất tốt, nhưng Chúa vẫn luôn kiên trì gieo Lời hằng sống của Chúa vào tâm hồn chúng con. Xin cho chúng con cũng biết kiên trì cải tạo thửa đất tâm hồn. Amen.
Thứ Tư, 8 tháng 9, 2021
Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2021
01/09/21 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 22 T
Lc 4,38-44
CHÚA GIÊ-SU, ĐẤNG CHỮA LÀNH
Tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa!” (Lc 4,40)
Suy niệm: Khi đến trong trần gian để khai mở Nước Trời, Chúa Giê-su đã tỏ mình ra là Con Thiên Chúa, Đấng mà Chúa Cha sai đến để thực hiện sứ mạng cứu độ. Để thi hành sứ mạng đó, Chúa đã chứng tỏ uy quyền trên sự dữ, bệnh tật và ma quỷ. Ngài chỉ phán một lời là bệnh tật tan biến, ma quỷ phải lui xa. Hơn nữa, Chúa còn đồng hoá mình với những người nhỏ bé, nghèo hèn, đau yếu, tù đày, sa cơ lỡ bước khi Ngài tuyên bố: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25,31). Nhất là qua cuộc khổ nạn, cái chết trên thập giá, và phục sinh, Chúa Giê-su đã đem lại cho đau khổ ý nghĩa và giá trị cứu rỗi.
Mời Bạn: Giữa cơn đại dịch Covid-19, nhiều người cảm thấy mất phương hướng, bị khủng hoảng khi phải sống trong cảnh túng ngặt, đau khổ, mất mát người thân.... Bạn hãy chiêm ngắm Chúa Giê-su là Đấng chữa lành, để luôn giữ vững đức tin và hy vọng vào Chúa.
Sống Lời Chúa: Bạn hãy quyết tâm dành thời gian nhất định trong ngày để đọc, suy gẫm Lời Chúa, sốt sắng tham dự thánh lễ trực tuyến và dâng những kinh nguyện, những hy sinh, việc bác ái… để cầu cho cơn đại dịch mau chấm dứt.
Cầu nguyện: Con nương tựa nơi Chúa, lòng bao dạt dào sướng vui, như con thơ nép bên mẹ hiền. Con trông cậy ở Chúa. Chúa ơi, xin gìn giữ chở che suốt cuộc đời con. (Lời bài hát Hy vọng vào Ngài của Ngọc Linh)
02/09/21 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 5,1-11
VÂNG LỜI LÀM NÊN PHÉP LẠ
Ông Si-môn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” (Lc 5,5)
Suy niệm: Các ngư phủ như Si-môn và các bạn hẳn có nhiều kinh nghiệm về việc đánh bắt cá hơn Chúa Giê-su, thế nhưng sau một đêm vất vả các ông trắng tay không bắt được gì. Chỉ khi vâng lời Chúa ra chỗ nước sâu thả lưới, các ông đã kéo được thuyền đầy ắp cá. Đúng là vâng lời làm nên phép lạ. “Kinh ngạc” trước phép lạ đó, ông Si-môn và các bạn nhận ra sự thấp hèn tội lỗi của mình, đồng thời được thu hút bởi sự cao cả và quyền năng siêu việt của Thầy Giê-su; và một lần nữa các ông “vâng lời Thầy” bỏ lưới, bỏ thuyền, bỏ lại tất cả để đi theo Ngài với sứ mạng chài lưới mới, đó là “người thu phục người ta”.
Mời Bạn: Dịch bệnh là dịp chúng ta lắng lòng để nghe tiếng Chúa nói với chúng ta. Ngài tỏ quyền năng của Ngài qua sự tận tâm phục vụ của các y bác sĩ, những người tự nguyện phục vụ ở tuyến đầu và sự quan tâm chia sẻ vật chất tinh thần của những nhà hảo tâm. Chúa vẫn đồng hành với chúng ta qua mọi biến cố của cuộc sống và Ngài mời gọi chúng ta “ra chỗ nước sâu mà thả lưới,” để san sẻ tình người qua những đóng góp và phục vụ yêu thương.
Chia sẻ: Bạn có ngần ngại khi được mời gọi tình nguyện phục vụ ở tuyền đầu chống dịch hay để chia sẻ trợ giúp người gặp khó khăn vì dịch bệnh không?
Sống Lời Chúa: Sống bác ái với những người xung quanh bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con biết rằng khi con vâng lời thì Chúa sẽ làm nên những việc kỳ diệu vượt quá sự tính toán của con. Xin cho con dám ra khỏi chính mình, để phục vụ những người đang cần đến tình bác ái yêu thương.
03/09/21 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 23 TN
Th. Ghê-gô-ri-ô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ HT
Lc 5,33-39
LÝ DO ĂN CHAY
“Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay.” (Lc 5,34-35)
Suy niệm: Môn đệ Gio-an Tẩy giả ăn chay; môn đệ người Pha-ri-sêu cũng ăn chay. Còn môn đệ Đức Giê-su không ăn chay lại còn “ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi.” Cảnh tượng đó đã châm ngòi cho người Pha-ri-sêu và kinh sư lên tiếng chỉ trích. Họ tự hào về việc giữ chay nhiệm nhặt thậm chí còn hơn luật buộc và coi đó như một thành tích đạo đức (x. Lc 18,12) chứ không phải với lòng khiêm cung và khao khát mong được gặp gỡ Chúa. Đức Giê-su không phủ nhận việc ăn chay. Các môn đệ không ăn chay vì không phải lúc. Họ vui mừng vì được ở với Ngài là Đấng Cứu Thế, giống như khách dự tiệc cưới không ăn chay mà trái lại, vui mừng vì được ở với chàng rể. Sẽ đến ngày họ ăn chay, ngày “chàng rể bị đem đi”, đó là những ngày của cuộc thương khó của Ngài.
Mời Bạn: Mục đích của việc ăn chay không phải là để hành xác. Chúa dạy ăn chay phải song hành với cuộc sống bác ái. Chúng ta đang phải đối diện với hoàn cảnh khó khăn mọi bề do nạn dịch. Việc ăn chay lại càng cấp bách để “lá lành đùm lá rách,” để chia sẻ một cách thiết thực cho những người đang gặp cảnh khó khăn hơn mình.
Sống Lời Chúa: Không kêu ca phàn nàn vì những khó khăn mình đang phải chịu nhưng vui vẻ chịu đựng những khó khăn và tận tình chia sẻ giúp đỡ những người đang gặp khó khăn với mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, có biết bao người đang gặp đau khổ vì dịch bệnh, khó khăn về cái ăn, chỗ ở. Xin cho chúng con biết đọc ra ý Chúa, để biết đồng cảm và chia sẻ với nhau trong hoàn cảnh dịch bệnh này.
04/09/21 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 6,1-5
NGÀY CỦA CHÚA
“Ông Đa-vít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi.” Rồi Người nói: “Con Người làm chủ ngày sa-bát.” (Lc 6,3-4)
Suy niệm: Sẽ có những sai lầm lớn một khi người ta không chú ý đến những từ “Con Người” được viết hoa trong đoạn Tin Mừng này. “Con Người” (viết hoa) được Đức Giê-su nói đến, kéo sự chú ý của người nghe về danh hiệu “Con Người” được dùng trong sách Đa-ni-en: “Con Người có đủ mọi quyền bính trên trời.” “Con Người” (viết hoa) ấy chính là Đức Giê-su. Ngài có đủ mọi quyền bính, vì thế, Ngài thay chỗ cho Lề Luật và ban hành thánh ý Thiên Chúa cho nhân loại. Lề luật cốt để chuẩn bị cho con người gặp gỡ Thiên Chúa, thì nay, với sự xuất hiện của Đức Giê-su, mọi hành vi liên kết với Ngài là hành vi chu toàn Luật. Bởi đó, sự hiện diện của Đức Giê-su ban cho con người sự thanh nhàn mà luật nghỉ ngày hưu lễ phải đem lại.
Mời Bạn: Ngày Chúa Nhật đối với nhiều người chỉ là một ngày nghỉ xả hơi sau một tuần làm việc. Còn bạn, thời giờ dành cho việc thờ phượng Chúa và cho những giá trị tinh thần, thiêng liêng có được bạn lưu ý như là việc thánh hóa ngày Chúa Nhật không
Chia sẻ: Đâu là những dấu chỉ cho thấy bạn làm chứng ngày Chúa Nhật là ngày của Chúa, hơn những ngày khác?
Sống Lời Chúa: Bạn tham gia những hoạt động để hiệp thông với giáo xứ trong ngày Chúa Nhật, ngày lễ hội cho Chúa và cho con người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con hiểu rằng con không có quyền thay đổi ý nghĩa ngày Chúa Nhật, nhưng có sứ mệnh làm tỏa sáng ý nghĩa ngày của Chúa bằng những việc đạo đức của con.
04/09/21 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 6,1-5
9Tông Đồ Khuyết Tật và 8 người khác
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)