12/09/21 CHÚA NHẬT TUẦN 24 TN – B
Mc 8,27-35
“ANH EM BẢO THẦY LÀ AI?”
Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8,29)
Suy niệm: Chúa Giê-su hỏi các môn đệ nhìn nhận Ngài là ai trong bối cảnh họ bị “nhiễu thông tin” từ những điều “người ta” nói về Ngài. Đây không chỉ là vấn đề tri thức theo kiểu bản tin dự báo thời tiết. Trả lời cho câu hỏi đó là lời khẳng định tác động đến cả cuộc sống của các ông. Đó là nhận biết căn tính đích thực của vị Thầy mà họ đang đi theo làm môn đệ, sự nhận biết bao hàm lời tuyên xưng đức tin và là lời cam kết dành trọn cuộc sống để đi theo con đường của Đấng Ki-tô, con đường của thập giá, chịu khổ nạn rồi phục sinh vinh quang. Đó phải là câu trả lời từ sự xác tín của chính bản thân các ông không vay mượn, dựa thế của ai, câu trả lời xác định mối quan hệ các ông thuộc về Ngài cách thân thiết và trọn vẹn.
Mời Bạn: Lời tuyên xưng không đơn thuần là vấn đề của nhận thức mà còn là kết quả của lòng tin và là cánh cửa mở ra ơn cứu độ (x. Rm 10,9-10). Nếu ngày hôm nay Ngài hỏi bạn: “Con bảo Thầy là ai?” bạn sẽ tuyên xưng Đức Ki-tô là ai, là gì đối với bạn? Cách bạn trả lời cho thấy bạn tin Ngài như thế nào và điều đó biến đổi cuộc đời của bạn ra sao. Nếu bạn tuyên nhận Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, thì bạn sẽ chú ý lắng nghe Lời Ngài, thực hành những gì Ngài nói, và hiến dâng đời sống mình như một hy lễ để thuộc trọn về Ngài.
Sống Lời Chúa: Tuyên xưng niềm tin vào Đức Ki-tô bằng cách làm việc bổn phận, phục vụ với tinh thần của Ngài (hiền lành, khoan dung, tha thứ,…)
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa hằng sống, xin giúp tuyên xưng Chúa bằng chính đời sống của con khi con luôn thực hành theo lời Chúa truyền dạy.
13/09/21 THỨ HAI TUẦN 24 TN
Th. Gio-an Kim Khẩu, giám mục, tiến sĩ HT
Lc 7,1-10
“LẠY CHÚA, CON KHÔNG ĐÁNG…”
“Thưa Ngài, tôi không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi... Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” (Lc 7,6-7)
Suy niệm: “Tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi...” Biết bao nhiêu bài học rút ra từ một câu nói giản dị như thế. Viên sĩ quan Rô-ma, người phát ngôn câu nói đó hẳn đã hấp thụ một nền giáo dục nhân bản thật tốt: lịch thiệp, khiêm tốn, nhân ái, biết cảm thông... Càng đáng nể phục hơn khi biết rằng ông ta, một người có chức có quyền trong guồng máy cai trị của một đế quốc hùng mạnh, lại nhún nhường cầu xin một người thuộc dân tộc bị trị chữa lành người nô lệ của ông đang đau nặng. Đó không phải là một lời nói xã giao hời hợt. Tính cách dễ mến tỏ lộ qua lời nói đó càng làm tôn thêm lòng kính trọng – không, nói cho đúng hơn – niềm tin tột bực của ông nơi Đức Giê-su Ki-tô, Đấng mà ông biết có một quyền lực thần linh.
Mời Bạn: Một lời nói đẹp lại càng đẹp hơn khi nó được dùng để diễn đạt một niềm tin cao quí. Bạn có cảm thấy xấu hổ khi nghe những lời nói tục tằn thô lỗ thốt ra từ môi miệng những người mang danh là ki-tô hữu?
Chia sẻ: Khi sinh hoạt trong nhóm của bạn, thử đề nghị một phương thế để giúp nhau chừa bỏ tính nói tục.
Sống Lời Chúa: Chừa bỏ và giúp người khác, nhất là người thân của mình, chừa bỏ tật xấu hay nói tục
Cầu nguyện: Cầu nguyện sốt sắng trước khi rước lễ bằng lời đáp: “Lạy Chúa, con không đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.”
14/09/21 THỨ BA TUẦN 24 TN
Suy tôn Thánh Giá
Ga 3,13-17
THÁNH GIÁ NHIỆM MẦU
“Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Mt 19,14)
Suy niệm: Trong cuộc đối thoại với ông Ni-cô-đê-mô, “là bậc thầy trong dân Ít-ra-en”, Chúa Giê-su nhắc lại biến cố đã xảy ra cho dân Do Thái trong sa mạc. Khi họ oán trách và xúc phạm đến Thiên Chúa, Ngài đã phạt họ bằng cách cho rắn độc đến cắn chết nhiều người. Nhưng, với lòng thương xót, Ngài lại cứu chữa họ bằng con rắn đồng mà Ngài truyền cho ông Mô-sê đúc và giương cao lên “để ai nhìn lên đó thì được chữa lành.” Chúa Giê-su muốn nói con rắn đồng trong sa mạc đó là dấu chỉ chính Ngài sẽ bị treo lên trên cây thập giá “để ai tin vào Ngài sẽ được sống muôn đời.”
Mời Bạn: Con rắn độc đem đến chết chóc bị đánh bại bởi con rắn đồng đem ơn chữa lành. Cây thập giá của “sỉ nhục và điên rồ” được Đức Giê-su đón nhận và trở thành cây Thánh Giá biểu lộ “sức mạnh và khôn ngoan” của Thiên Chúa (x. 1Cr 1,23-24) và là phương thế cứu độ cho những ai tin vào Ngài. Không thể nói mình tin vào Đức Ki-tô mà lại chối bỏ Thánh Giá. Bạn đã sẵn sàng vác thập giá đời mình theo Chúa để được tham dự mầu nhiệm Thánh giá Chúa Ki-tô chưa?
Sống Lời Chúa: Thực hành việc hy sinh hãm mình hằng ngày và sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với anh em mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã biểu lộ tình yêu vô bờ khi hiến thân trên thập giá để cứu độ chúng con. Xin cho chúng con biết lấy tình yêu đáp lại tình yêu của Chúa, và luôn đón nhận cách vui lòng những khó khăn lao nhọc đời mình để cùng vác thập giá mình mỗi ngày mà theo chân Chúa. Amen
15/09/21 THỨ TƯ TUẦN 24 TN
Đức Mẹ sầu bi
Ga 19,25-27
ĐỨC MA-RI-A, MẸ CỦA CHÚNG TA
Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” (Ga 19,26-27)
Suy niệm: Đời là bể khổ, thế nên làm người, ai chẳng gặp đau khổ. Nhưng chắc hẳn không có đau khổ nào lớn cho bằng nỗi đau của người mẹ khi phải chứng kiến người con mình chết như một tên tội phạm. Dưới chân thập giá, Đức Ma-ri-a đã phải chịu nỗi đau như thế. Tất cả những khổ hình, những sỉ nhục phỉ báng Con phải chịu, Mẹ cũng đau đớn như chính mình đang phải chịu. Cả khi Đức Giê-su bị lưỡi đòng đâm thấu trái tim khi đã trút hơi thở cuối cùng, Mẹ đã đau đớn như thể lưỡi đòng ấy đâm vào lòng mình vậy. Thế nhưng Mẹ không bỏ mặc Đức Giê-su, Mẹ vẫn đứng đó dưới chân thập giá, bên cạnh Con mình. Có người mẹ nào từ bỏ đứa con của mình, cho dù nó có là tên tội phạm bị người đời sỉ nhục hay chính mình bị sỉ nhục vì người con đó. Chính nơi đó, Mẹ đã nhận chúng ta là con của Mẹ: “Thưa Bà, đây là con của Bà.”
Mời Bạn: Sống trên đời, ai cũng có những đau khổ. Nếu không có ai nâng đỡ, đau khổ dễ khiến ta quị ngã. Những lúc như thế, bạn hãy đến với Đức Ma-ri-a, hãy kêu cầu Mẹ, Mẹ sẽ luôn hiện diện, nâng đỡ, ủi an. Mẹ sẽ không bao giờ bỏ mặc hay từ chối bạn. Đến với Mẹ, bạn sẽ tìm được sự bình an. Đến với Mẹ, bạn sẽ không bao giờ phải thất vọng. Vì Mẹ là mẹ của chúng ta.
Sống Lời Chúa: Đọc một chục kinh Mân Côi, suy gẫm chặng thứ Năm mùa Thương với tâm tình của Mẹ đứng bên thánh giá.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a là Mẹ chúng con, chúng con xin trao phó cuộc đời chúng con cho Mẹ. Xin Mẹ nâng đỡ chúng con khi gặp gian nan thử thách.
16/09/21 THỨ NĂM TUẦN 24 TN
Th. Co-nê-li-ô, giáo hoàng và Xíp-ri-a-nô, giám mục, tử đạo
Lc 7,36-50
NHỮNG ĐIỀU NHÌN MÀ KHÔNG THẤY
Rồi quay lại phía người phụ nữ, Chúa Giê-su nói với Si-mon: “Ông có thấy người phụ nữ này chứ?… Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều.” (Lc 7,44.47)
Suy niệm: Lắm khi giữa một đám đông, bạn có ý tìm một người, người đó đứng ngay trước mắt bạn, thế mà lạ thay bạn lại không nhìn thấy. Phần ông Si-mon, ông thấy rõ người phụ nữ đứng đàng sau Chúa Giê-su lắm chứ. Ông cũng thấy rõ bà ấy lấy tóc mà lau đôi chân Ngài ướt đẫm nước mắt của bà, rồi bà đã lấy dầu thơm xức chân Chúa làm sao. Và hơn nữa, ông còn biết rõ lý lịch không tốt đẹp gì của bà ta: “một người tội lỗi.” Thế nhưng, ông nhìn mà không thấy tấm lòng của người phụ nữ ấy, “một tấm lòng tan nát khiêm cung” vì sám hối, một tấm lòng yêu mến thiết tha vì đã “được tha thứ nhiều”.
Mời Bạn: May cho chúng ta là Chúa Giê-su không phân loại ta theo lý lịch, hay bảng liệt kê thành tích của ta. Ngài cũng không đóng khung ta trong cái quá khứ tội lỗi của ta. Ngài thấu suốt tận đáy lòng và Ngài phán xét dựa trên thái độ hiện tại của ta. Điều Ngài mong thấy được nơi ta là một tâm hồn biết sám hối ăn năn và yêu mến Chúa nồng nàn. Được Chúa nhìn với cặp mắt cảm thông như thế, chúng ta cũng phải nhìn nhau bằng cặp mắt của Chúa.
Sống Lời Chúa: Tập nhìn anh em bằng cái nhìn của Chúa để có thể cảm nhận được những nỗi niềm của anh em để mà cảm thông chia sẻ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cất khỏi con những cái nhìn đầy thành kiến về anh em con. Những xin cho con biết nhìn nhau bằng cặp mắt của Chúa, để con nhận ra Chúa và yêu Chúa đang hiện diện trong họ. Amen.
17/09/21 THỨ SÁU TUẦN 24 TN
Th. Rô-be-tô Ben-la-mi-nô, giám mục, tiến sĩ HT
Lc 8,1-3
TÔN TRỌNG PHẨM GIÁ PHỤ NỮ
Cùng đi với Đức Giê-su có Nhóm Muời Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỉ và chữa bệnh. (Lc 8,1-2)
Suy niệm: Bất chấp thái độ khinh miệt phụ nữ trong xã hội Do Thái thời đó, bất chấp những luật lệ của hàng tư tế về sự thanh sạch, Tin Mừng hôm nay thuật lại Chúa Giê-su chẳng những tiếp xúc một số phụ nữ từng bị coi là ô uế vì bị quỷ ám và bệnh tật, mà còn đón nhận cho họ đồng hành trên đường truyền giáo cùng với Nhóm Mười Hai. Quả thật, Chúa Giê-su tôn trọng phẩm giá người phụ nữ và đánh giá cao sự phần đóng góp của họ trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng Nước Trời của Ngài.
Mời Bạn: Các vị chủ chăn Giáo hội nhiều lần lên tiếng tôn trọng quyền lợi và phẩm giá người phụ nữ, và mong muốn càng ngày càng có nhiều phụ nữ có điều kiện về thời giờ và khả năng tham gia vào các sinh hoạt trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội. Đặc biệt, nơi gia đình là “Hội Thánh tại gia,” những người mẹ là người đóng vai trò chủ chốt trong việc chuyển giao đức tin cho con cái mình.
Chia sẻ: Trong giáo xứ của tôi có tình trạng khinh miệt, bạo hành phụ nữ (vợ, người nữ giúp việc…) không? Tôi có giúp các phụ nữ nhận thức và bảo vệ phẩm giá của mình, không cho phép biến họ thành “vật dụng kinh tế” hay “đồ giải trí tầm thường” không”?
Sống Lời Chúa: Trong phạm vi và khả năng của mình, tôi để tâm phát hiện và chặn đứng những hình thức khinh miệt, bạo hành phụ nữ.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a đầy ơn phúc, xin Mẹ cho các chị em tỏa lan ra xung quanh hương thơm đời sống thánh thiện nhân đức. Xin cho chị em dẫn đưa tha nhân về với Chúa bằng cánh tay và trái tim mẹ hiền.
18/09/21 THỨ BẢY TUẦN 24 TN
Lc 8,4-15
HẠT GIỐNG RƠI VÀO BỤI GAI
“Đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết nghẹt mà không đạt thành quả.” (Lc 8,4-15)
Suy niệm: Họa sĩ Van Gogh nói: “Cuộc đời là thời gian gieo trồng, chứ chưa phải là mùa gặt hái.” Vì thế, chúng ta không lạ gì khi thấy Thiên Chúa, được ví như người gieo giống, đã gieo cách kiên trì, rộng rãi đến độ hoang phí các hạt giống Lời Chúa. Hôm nay chúng ta nói đến thân phận của hạt giống rơi vào bụi gai, tiêu biểu cho thái độ đón nhận Lời Chúa thường gặp nơi chúng ta. Bụi gai tượng trưng cho nỗi bận tâm về chuyện đời, về ham mê của cải, công ăn việc làm khiến cho cây Lời Chúa chết nghẹt.
Mời Bạn: Bạn thường nói rằng tôi quá bận rộn đến nỗi không có giờ cầu nguyện, tôi phải lo công ăn việc làm, không rảnh rỗi để đọc Lời Chúa, để lo các việc đạo đức… Coi chừng! Tâm hồn bạn đang có nhiều bụi gai đấy! Bạn hãy nhớ rằng: không phải điều gì rõ ràng là xấu mới nguy hiểm, mà ngay những điều tốt, hợp lý như công ăn việc làm, chuyện đời sống… cũng có thể nguy hiểm, bởi vì “điều tốt thứ nhì luôn là kẻ thù tệ hại nhất của điều tốt nhất.” Tại sao? Tại vì nó làm bạn xao lãng điều tốt nhất.
Sống Lời Chúa: Chọn một câu Lời Chúa nào bạn thích nhất, ghi vào sổ hay vào một tấm ảnh, đọc mỗi sáng và để cho Lời ấy tác động bạn suốt ngày sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, dù Chúa biết rằng tâm hồn chúng con luôn thay đổi: có lúc như vệ đường, như sỏi đá, như bụi gai, hoặc có khi như đất tốt, nhưng Chúa vẫn luôn kiên trì gieo Lời hằng sống của Chúa vào tâm hồn chúng con. Xin cho chúng con cũng biết kiên trì cải tạo thửa đất tâm hồn. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét