Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

BÀI GIẢNG THÁNH LỄ ĐỨC MẸ LA VANG - TÔNG ĐỒ KHUYẾT TẬT HÀNH HƯƠNG 2016

MẸ LA VANG, MẸ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Tin Mừng hôm nay kể Đức Mẹ lên đường đi thăm người chị họ của mình là bà Elisabeth đồng đem lòng thương xót Chúa dành cho Mẹ đến nhân loại mà bà Elizabeth đại diện. Trên đường đi Đức Mẹ rất vui mừng vì Mẹ cảm nhận được lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa dành cho Mẹ. Khi vừa tới nhà chị họ, Đức Mẹ dự tính sẽ kể cho bà Elisabeth nghe điều mới xảy ra cho Mẹ là Sứ thần Gabrien truyền tin Mẹ sẽ cưu mang Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, thì Bà Elisabeth đã biết hết điều Đức Maria định kể! Vì thế, bà Elisabeth nói: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em." Bấy giờ Đức Mẹ cất tiếng ca ngợi Thiên Chúa mà chúng ta vừa mới nghe trong bài đáp ca và bài Tin Mừng: linh hồn tôi ngợi khen…. Điều đáng chú ý rằng trong kinh Ca ngợi (Magnificat), Đức Mẹ Maria nhắc tới lòng thương xót của Chúa dành cho mọi người: – “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới” (Lc 1,48): lòng thương xót Chúa dành cho cá nhân Đức Mẹ và mỗi người. – “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”: lòng thương xót Chúa dành cho mọi thế hệ. – “Vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham”: lòng thương xót Chúa dành cho dân riêng của Chúa.

 Giờ đây, chúng ta ngồi bên Mẹ hiền La vang, để cùng với Mẹ cảm nghiệm lòng thương xót dành cho Mẹ và cho mỗi người nhờ Mẹ chuyển cầu cùng Chúa cho ta. Trong Bài Ca Ngợi, Đức Mẹ đã ca tụng Chúa vì Mẹ được Chúa yêu thương Mẹ cách riêng: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới”. Như thế, Thiên Chúa đã đoái thương nhìn đến Đức Mẹ thế nào trong cuộc đời này và đời sau?
Thứ nhất, từ trong thai ấu, Mẹ Maria được Thiên Chúa đoái thương và ban ân sủng đặc biệt là vô nhiễm nguyên tội, tức là không mắc tội tổ tông. Thứ hai, khi là cô trinh nữ, Mẹ được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ cưu mang Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người bởi quyền năng Chúa Thánh Thần và sinh hạ nuôi dưỡng Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người và là Thiên Chúa nên Mẹ được Thiên Chúa ban đặc ân làm Mẹ Thiên Chúa. Qủa thế, ngay trong ngày truyền tin sứ thần chào Đức Trinh Nữ Maria rằng: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc” (Lc 1,28). Vâng, Mẹ chính là mạch suối tràn đầy thánh ân, mạch suối trong lành tươi mát, mạch suối không bao giờ cạn của Thiên Chúa vì đã đón nhận Lòng Thương Xót của Thiên Chúa một cách chân tình cho nên Mẹ Maria trở nên Mẹ của lòng thương xót. Với tâm tình đầy tin tưởng, vâng phục và phó thác Mẹ Maria thưa: “Xin vâng”, Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc loài người khỏi chết đời đời. Từ đó, Mẹ Maria đã nhìn thấy một nhân loại cần được Chúa thương xót. Mẹ đã kết hiệp, tín tưởng, tín thác và cộng tác vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa một cách trọn vẹn bằng cách sinh Chúa cứu thế cho nhân loài, đồng công cứu chuộc với Con Mẹ là Chúa Giêsu trong cộng việc rao giảng, chịu nạn, chịu chết và phục sinh. Cuối cùng, Thiên Chúa đoái thương ban phúc cho Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác.
Và hôm nay trên thiên đàng, Mẹ Maria, nữ hoàng thiên quốc, nữ vương ban sự bình an luôn dõi nhìn thương xót, chăm lo, an ủi, khuyên bảo, chở che và hướng dẫn con cái mình vượt qua bao khốn khó trong đời sống đức tin của từng người Kitô hữu, con Mẹ. Cụ thể, từ xưa đến nay, Đức Mẹ Maria đã hiện ra tại nhiều nơi trên thế giới như Lộ Đức, Fatima hay ngay tại vùng đất La Vang này. Theo Tư liệu Tòa Tổng Giám Mục Huế – 1998 kể rằng dưới triều đại vua Cảnh Thịnh (lên ngôi năm 1792), với chiếu chỉ cấm đạo ngày 17 tháng 8 năm 1798, một số các tín hữu ở gần đồi Dinh Cát (nay là thị xã Quảng Trị) phải tìm nơi trốn ẩn. Họ đã đến lánh nạn tại núi rừng La Vang này. Nơi rừng thiêng nước độc, hoàn cảnh ngặt nghèo, thiếu ăn, bệnh tật, sợ hãi quan quân, sợ thú dữ, các tín hữu chỉ biết một lòng tin cậy phó thác vào lòng thương xót Chúa và Đức Mẹ. Họ thường tụ tập nhau dưới gốc cây đa cổ thụ, cùng nhau cầu nguyện, an ủi và giúp đỡ nhau. Một hôm đang khi cùng nhau lần hạt kính Đức Mẹ, bỗng họ nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp, mặc áo choàng rộng, tay bồng Chúa Hài Đồng Giêsu, có hai thiên thần cầm đèn chầu hai bên. Họ nhận ra ngay là Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ bày tỏ lòng nhân bi thương xót, âu yếm, và an ủi giáo dân vui lòng chịu khó. Mẹ dạy hái một loại lá cây có sẵn chung quanh đó, đem nấu nước uống sẽ lành các chứng bệnh. Mẹ lại ban lời hứa: “Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện”. Sau đó, Mẹ còn hiện ra nhiều lần như vậy để nâng đỡ và an ủi con cái Mẹ trong cơn hoạn nạn. Từ đó, La Vang một danh xưng bắt đầu quen thuộc và trìu mến của Tổng Giáo phận Huế, rồi nhanh chóng vang danh khắp Việt Nam. Biết bao ơn lạ Chúa làm tại chốn đây qua lời cầu bầu của Mẹ. Những tấm bia tạ ơn Chúa và Đức Mẹ La Vang của các gia đình trong và ngoài nươc đã minh chứng rằng Mẹ Maria La Vang, Mẹ của lòng thương xót, Mẹ luôn cầu xin Thiên Chúa thương xót mọi người chúng ta khi chúng ta cầu xin.
Thiên Chúa hằng thương xót từng người trong chúng ta. Lòng thương xót của Chúa không phải là một khái niệm mông lung, mờ nhạt, nhưng được thực thi cụ thể nơi mỗi con người, “Bởi vì Chúa đã chẳng coi thường, chẳng khinh miệt kẻ nghèo hèn khốn khổ, cũng không đành ngoảnh mặt làm ngơ, nhưng đã thương nghe lời cầu cứu” (Tv 22,25).
Đức Mẹ Maria đã cảm nhận được lòng thương xót Chúa và sẵn sàng chia sẻ lòng thương xót ấy trao cho chúng ta. Vậy hôm nay, chúng ta đến bên Mẹ hiền La vang, chúng ta bắt chước Mẹ hãy tín thác vào lòng thương xót Chúa, chúng ta sẽ trở nên những người có phúc. Chúng ta có phúc vì chúng ta tín thác vào lòng thương xót Chúa trong mọi hoàn cảnh thịnh vượng hay gian nan, ốm đau hay khuyết tật vì tin rằng Người sẽ thực hiện nơi chúng ta những gì Người đã hứa với Thánh Nữ Faustina, nữ tông đồ của lòng thương xót Chúa rằng: “Thiên Chúa là Đấng từ bi, Thiên Chúa không bao giờ từ chối khi con thống hối ăn năn, chạy tới lòng thương xót của Chúa, nơi mà chưa một linh hồn nào bị từ chối, mặc dù họ là một linh hồn vô cùng tội lỗi. Lời Chúa Giêsu con Cha đã bảo đảm với con rằng: “Thà rằng trời đất này biến ra không, nhưng lòng thương xót của Ta luôn ấp ủ một linh hồn tín thác. Vì vậy, từ xưa đến nay, chưa từng nghe có người nào tín thác vào lòng thương xót Chúa mà bị thất vọng”.
Kính thưa anh chị em tông đồ khuyết tật Giáo phận Đà nẵng và toàn thể anh chị em, hôm nay chúng ta hành hương về bên Mẹ La vang, trong Năm Thánh lòng thương xót. Giờ đây, Mẹ La vang, Mẹ của lòng thương xót cũng sẽ hứa với mỗi người chúng ta như xưa Mẹ hiện ra ở đây rằng: Hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện”. Và Mẹ cũng dạy rằng: “Người bảo gì các con hãy làm theo”. Xin cho mỗi người chúng ta biết tín thác và thi hành Lời Chúa dạy trong mọi hoàn cảnh để nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria,/ Mẹ của lòng thương xót, Chúa sẽ ban cho chúng ta những ơn chúng ta đang cầu xin. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét