“Một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người
rằng: ‘Thưa Thầy, trong Sách Luật Môsê, điều răn nào trọng nhất. Chúa Giêsu đáp:
‘Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, và
hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và đứng đầu. Còn điều răn thứ hai,
cũng giống như điều răn ấy là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”
(Mt 22,34-39).
a.
Lòng mến của Thiên Chúa đối với chúng ta
Thánh
Gioan nói rằng “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,16). Qủa thế, Ngài mến thương
chúng ta hết mình và hết tình (1Ga 4,10). Cụ thể, Ngài tạo dựng vũ trụ và con
người để con người sống dồi dào và hạnh phúc trong tình hiệp thông với Thiên
Chúa (St 1,1-28). Nhưng vì không vâng lời Thiên Chúa, con người phạm tội nên
phải đau khổ, không còn hiệp thông với Thiên Chúa và chết đời đời (St 3,1-24).
Ấy
vậy, Thiên Chúa vẫn yêu thương con người đến nỗi đã ban Con Một của Ngài là Đức
Giêsu (Ga 3,16) đến trần gian mang thân phận như chúng ta trừ tội lỗi, chịu
nạn, chịu chết và sống lại ngõ hầu cho chúng ta được giao hòa với Chúa, hạnh
phúc và sống vĩnh hằng(Ga 3,16). Hơn thế, Thiên Chúa còn thông ban hoàn toàn sự
sống thâm sâu nhất của Ngài cho chúng ta (1Ga 1,3), có nghĩa rằng sự sống viên
mãn của Ba Ngôi cư ngụ trong chúng ta (Ga 14,23). Chính sự hiện diện của Ba
Ngôi, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa (Gl 4,6-7), thụ tạo mới (2Cr 5,17).
Lòng mến của Thiên Chúa dành cho chúng ta là thế, còn phần chúng ta thế nào?
b.
Lòng mến của chúng ta đối với Thiên Chúa
Như Chúa Cha đã yêu mến Chúa Giêsu (Ga
10,17) và như Chúa Giêsu đã yêu thương Chúa Cha (Ga 14,31) thế nào, chúng ta
cũng yêu Chúa Cha như vậy, đó là: yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng ta,
hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn, tức là sống hết mình cho Thiên Chúa
trong Đức Giêsu Kitô và buông mình cho Chúa Thánh Thần. Cụ thể đó là:
- Làm theo ý Chúa Cha mọi
đàng và hoàn tất công trình của Chúa (Ga 4,34).
- Lắng nghe, tuân giữ và
sống Lời Chúa (Ga 15,9-15).
Bạn thân mến,
Trong cuộc sống, chúng ta khó nhận biết đâu là ý mình và đâu là ý Chúa?
Làm thế nào để biết được ý Chúa mà làm theo ý Ngài. Thứ nhất, thánh ý của Thiên Chúa được biểu lộ qua Lời Chúa. Rõ
ràng, Chúa dạy chúng ta làm thế này, phải sống thế kia là mình sống theo thánh
ý Chúa rồi. Cho nên, Chúa Giêsu quả quyết rằng "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là
được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng
ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Ý muốn của Chúa là “sống đời
hoàn thiện, biết noi theo luật pháp CHÚA TRỜI” (Tv 119,1). Thứ hai, nhận ra
ý Chúa qua tiếng lương tâm của chúng ta. Lương tâm là gì? Giáo lý Hội Thánh
Công giáo dạy: “Lương tâm hạt nhân bí ẩn
nhất và cung thánh của con người, nơi con người ở một mình Thiên Chúa và tiếng
nói của Ngài vang dội trong thằm sâu lòng họ. Và con người có một lề luật được
Thiên Chúa khắc ghi trong trái tim (tâm) của họ” (số 1776). Vì vậy, lương
tâm luôn mách bảo chúng ta phải làm lành lánh dữ. Nhưng thực tế, lương tâm con
người bị điều kiện bởi điều kiện hóa bởi môi trường sống hay thói quen phạm
tội… Chẳng hạn, nói dối lần thứ nhất thì mình cảm thấy ngượng miệng nhưng mà
lần thứ 10 thì trơn như mỡ; hay phá thai lần thứ nhất thì lương tâm ấy nấy, cắn
rứt nhưng lần thứ 3 hay thứ 4 thì nó bình thường, không có gì cắn rứt cả. Do
đó, chúng ta không chỉ dựa vào tiếng lương tâm mà con phải dựa vào Lời Chúa,
vào giáo huấn của Giáo Hội bởi vì Chúa Thánh Thần ở trong Giáo Hội và Chúa
Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội: “Chúa
Thánh Thần, Đấng mà Đức Kitô là Đầu đã tuôn đổ cho các chi thể Người, xây dựng
ban sinh khí và thánh hóa Giáo Hội” (SGLHTCG, số 747). Vì thế, khi đối diện
với một vấn đề phá thai chẳng hạn, tôi có được phép phá thai hay không? Chắc
chắn là không bởi vì đó là thánh ý Chúa, vì Chúa dạy chớ giết người.
Thứ cuối cùng
để nhận ra ý Chúa và làm đúng ý Ngài cần phải cầu nguyện. Cầu nguyện không chỉ
là cầu xin mà còn lắng nghe. Mình phải thưa chuyện với Chúa, xin Chúa cho biết
qua một dấu chỉ nào đó để con quyết định và làm cho hợp ý Chúa. Sau đó, chúng
ta phải bàn hỏi với những người có trách nhiệm, những người khôn ngoan hay với
những người có kinh nghiệm trong đời sống thiêng liêng. Nhờ sự bàn hỏi này mà
nó giúp cho chúng ta biết rõ dần dần thánh ý Chúa muốn nơi mình. Trong cách này
chúng ta cần có sự kiên trì trong thời gian vì nhiều khi mình cầu xin Chúa
không gửi ngay nhưng ngày này qua ngày khác chúng ta sẽ thấy thánh ý Chúa rõ
hơn.
Tóm lại,
chính khi chúng ta khiêm tốn lắng nghe và thi hành ý Chúa trong mọi hoàn cảnh
và biến cố là lúc chúng ta làm đúng với ý Chúa. Dĩ nhiên, khi chúng ta thật sự
mến Chúa thật sự. Vì vậy, “Căn cứ vào điều này, chúng ta
nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: là chúng ta tuân giữ các điều răn của
Người. Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó
là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. Còn hễ ai giữ lời Người dạy,
nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo. Căn cứ vào đó, chúng ta
biết được mình đang ở trong Thiên Chúa” (Ga 2,3-5).
b.
Lòng mến dành cho tha nhân
Mến
Chúa và yêu người phải luôn là tỷ lệ thuận với nhau, tức mến Chúa chừng nào thì yêu
người chừng ấy. “Vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên
Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết
Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là
tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này:
Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta
được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa,
nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ
đền tội cho chúng ta.Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như
thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (Ga 4,7-11).
Cho nên, nhà thần học Karl Rahner nói “Lòng
mến kết hợp chúng ta với Thiên Chúa, sẽ chắp cánh yêu thương cho chúng ta bay
đến với trái tim anh em đồng loại” (Karl Rahner, Réo Gọi Vị Thiên Chúa Thầm Lặng, tr 126). Còn
Thánh Phaolô nói: “Giả như tôi nói được
các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến,
thì tôi chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi
được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay
có được tất cả đức tin đến chuyển núi đời non, mà không có đức mến, thì tôi
chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để
chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì chẳng ích gì cho tôi” (1Cr
13,1-3).
Bạn
thân mến,
Khi
yêu ai, chúng ta chỉ muốn thoả mãn cho riêng mình; người yêu chỉ là phương tiện
để tôi sử dụng và trục lợi cho mình. Và như thế, khi người yêu không đáp ứng
nổi những đòi hỏi của mình, không làm mình thoả mãn, chúng ta dễ dàng “sa thải”
họ ngay không thương tiếc. Con người thường trải qua tình yêu ích kỷ này để rồi
đụng chạm với những khác biệt trong đời sống, những hy sinh, từ bỏ, những thập
giá, ngõ hầu tình yêu mỗi ngày được chữa trị và thanh luyện dẫn đến một tình
yêu trọn vẹn hơn. Tình yêu chân thật Kitô giáo là tình yêu vì người mình yêu,
hạnh phúc và sự phong phú của họ. Tình yêu ấy trở thành một sự từ bỏ dứt khoát,
sẵn sàng dâng hiến cái tôi của mình cho người mình yêu (Ga 15,13). Chính lúc
chúng ta trao ban, ta gặp lại chính mình trong sự phong phú nhất, đó là chân lý
của Tin mừng: “Ai yêu quý mạng sống mình,
thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho
sự sống đời đời” (Ga 12,25).
Đời sống Kitô hữu là cuộc tình của mình với
Thiên Chúa. Cuộc sống con người chan chứa tình yêu và hiệp thông với Thiên Chúa
đời đời. Vì thế, cuộc sống đức tin của chúng ta phải nỗ lực thực hiện cuộc cách
mạng yêu thương để làm sao mình không phải là tâm điểm mà chính Chúa và tha
nhân là tâm điểm, và mình phải xoay quanh chứ đừng bắt Chúa và tha nhân phải
xoay quanh mình. Nhưng Chúa ở đâu bây giờ và lúc này? Chúa ở nơi những người
chúng ta gặp gỡ hằng ngày (Mt 25,40). Vậy, khi đối diện với những thử thách,
trái ý và va chạm trong cuộc tình giữa ta với Chúa và tha nhân trong đời sống, chúng
ta cũng thưa lên với Cha trên trời như Chúa Giêsu: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Chúa”
(Dt 10,7), đồng thời, phải biết nhẫn
nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều
bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng
khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật, tha thứ tất cả, tin
tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả (x Cr 13,4-8). Được như thế,
chúng ta không những là môn đệ chân chính của Chúa Giêsu mà trở thành đồng hình
đồng dạng với Ngài nữa.
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét