LÀ KITÔ HỮU PHẢI CẦU NGUYỆN
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Cha Henry M.
Nouwen nói: “Đời sống thiêng liêng đích
thực là một đời sống trong đó, chúng ta sẽ không nghỉ ngơi cho tới khi chúng ta
tìm được sự an nghỉ trong vòng ta của Đấng là Cha và Mẹ của mọi khát vọng. Vì
vậy, chỉ có cầu nguyện mới kéo ta ra khỏi những bận tâm về chính mình và cuộc
sống và đưa ta vào đời sống của Thiên Chúa ở đây và lúc này” (Henry M.
Nouwen, Chỉ Điều Cần Mà Thôi, Lm.
Nguyễn Đức Thông, CSsR dịch, 2005, tr 27-28). Qủa thế, cầu nguyện là hành vi
thờ phượng sơ đẳng nhất cần phải có nơi Kitô hữu. Nếu nói chúng ta tin Chúa,
suy tôn thần phục và yêu mến, muốn sống với và trong Chúa mà không bao giờ cầu
nguyện, thì làm sao biết được ý Ngài và thi hành Lời Ngài trong cuộc sống để
làm cho ta trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô nhờ ân sủng của Chúa Thánh
Thần. Tin Chúa mà không cầu nguyện cũng giống như Tin Mừng không có Đức Kitô.
Cho nên, cầu nguyện là bí quyết, phương thế độc nhất giúp ta kết hiệp với Thiên
Chúa, đồng thời là đôi cánh giúp ta bay thẳng vào cung lòng tình yêu của Ba
Ngôi Thiên Chúa và tiếp cận các linh hồn (Karl Rahner, Appels Au Dieu du Silence, Lm. Vũ Văn Thiện dịch, Réo Gọi Vị Thiên Chúa Thầm Lặng, tr
127).
Chúa
Giêsu nói: “Không có Thầy, anh em không
thể làm gì; ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, người ấy sẽ sinh
nhiều hoa trái” (Ga 15,5). Vậy, tất cả ý nghĩa của cầu nguyện là ở lại
trong Chúa Giêsu.
Tại
sao ta cần phải cầu nguyện? Trước hết là do nghĩa vụ của con người đối với
Thiên Chúa: yêu mến Ngài. Cầu nguyện là lời lẽ chân thành và thân ái của con
người thưa với Cha; là cuộc trò chuyện sống động và tha thiết với Thiên Chúa;
và là sự biểu hiện đặc biệt diễn tả tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa.
Chính lúc cầu nguyện chúng ta gần Thiên Chúa hơn, biết Chúa nhiều và yêu thương
Người một cách quyết liệt hơn. Thiên Chúa là Đấng tốt lành, thánh thiện và
thiêng liêng sáng láng vô cùng, làm sao chúng ta gặp và thấy Ngài? Vâng, chỉ có
cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa. “Khi cầu
nguyện, hãy vào phòng đóng kính cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha anh, Đấng hiện
diện nơi kính đáo. Và Cha của anh Đấng thấu suốt những kín đáo, sẽ trả công cho
anh” (Mt 6,6).
Thứ
đến, chỉ khi cầu nguyện với Chúa, chúng ta mới nghe được Lời Ngài dạy bảo và
thi hành Lời ấy thì mới là người được vào Nước Chúa, “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa! là được vào
Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên
trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Như vậy, Chỉ có cầu nguyện trong
lòng hay bên ngoài, riêng hay chung, ở nhà hay ở nhà thờ hoặc ở bất cứ nơi đâu,
ta mới nhận ra ý muốn của Thiên Chúa đồng thời giúp chúng ta bền tâm vững chí
trong công việc thi hành Lời Chúa (Lc 22,42) ngõ hầu hân hoan cầm đèn sáng
trong tay đón chào Chúa khi Ngài đến với ta (Lc 12,35-40).
Ngoài ra, cầu nguyện là sức mạnh và nguồn trợ
lực thiêng liêng giúp triển nở các nhân đức Kitô giáo. Chúa Giêsu không ngừng
kêu gọi con người hoán cải, tin vào Chúa và thức tỉnh cầu nguyện. Khi cầu
nguyện, chúng ta luôn tỉnh thức chờ đón Đấng hiện có và đang tới, đồng thời vừa
tưởng nhớ việc Người đến lần thứ nhất trong xác phàm khiêm hạ vừa mong đợi
Người đến lần thứ hai trong vinh quang (Lc 21,34-36).
Hơn nữa, cầu
nguyện giúp chúng ta chiến đấu với tội lỗi và nhờ kết hiệp với Chúa Giêsu,
chúng ta sẽ chiến thắng, “Ai tỉnh thức
trong cầu nguyện sẽ không sa chước cám dỗ” (Lc 22,40.46). Qua cầu nguyện giúp cảm nhận được sự thánh
thiện của Thiên Chúa và nhìn thấy mình khiếm khuyết, tội lỗi để rồi khiêm cung
xin Chúa thứ tha cho (Lc 18,9-15) đồng thời sẵn sàng thứ tha cho anh em mình
(Lc 11,14)
Cuối cùng, cầu
nguyện giúp chúng ta liên kết với tha nhân trong tình bác ái yêu thương nhau vì
tất cả là con cái Chúa, là anh chị em với nhau chứ không phải là đối thủ, thù
địch nhau. Qủa thế, cầu nguyện cho người khác hay cho kẻ thù, có nghĩa là làm
cho họ trở thành một phần của mình, những hạnh phúc, vui buồn, sướng khổ đắng
cay… của họ là của ta. Khi ấy linh hồn ta mở rộng và ôm ấp tất cả đưa vào trong
sự hiện diện của Thiên Chúa nhờ lời cầu nguyện của ta Thiên Chúa sẽ dủ lòng
thương xót và nhậm lời cầu xin (GLHTCG, số 2660). Vì vậy, trong kinh nguyện,
chúng ta “không tìm lợi ích cho riêng
mình, như tìm tư lợi cho người khác” (Pl 1,4) và ngay cả cho người làm hại
mình (Lc 23,28-34), đó là điều đẹp ý Chúa.
Tó,
lại, “Cầu nguyện là cuộc sống. Cầu nguyện
chính là thức ăn và đồ uống, hoạt động và nghỉ ngơi, giảng dạy và học tập, vui
chơi và làm việc. Cầu nguyện thấm nhập vào mọi khía cạnh của cuộc sống chúng
ta. Đó là không ngừng nhận ra rằng ta ở đâu thì Thiên Chúa cũng ở đó, và bao
giờ Ngài cũng mời gọi ta đến gần hơn và cử hành ơn Thiên Chúa cho ta được sống”
(Thần Học Luân Lý Chuyên Biệt, Tủ Sách Chuyên Đề, tập 1, tr 37). Cho nên,
cuộc sống của chúng ta sẽ thêm sinh động, linh hoạt và phong phú hơn dù ở đâu,
lúc nào nhờ việc đến Thiên Chúa, Đấng là Sự Sống và là tất cả đời ta. Cầu
nguyện trong mọi biến cố của cuộc sống hằng ngày, chúng ta mới gặp được Chúa
Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, Ngài mạc khải và dạy cho ta biết Thiên
Chúa và đời sống phong phú của Thiên Chúa Ba Ngôi Tình Yêu luôn trào tràn cho
chúng ta. Vậy phải luôn kết hiệp với Chúa Kitô để chúng ta không ngừng cảm tạ
Thiên Chúa là Cha chúng ta trong mọi lời nói và hành động, trong mọi hoàn cảnh
và mọi sự (Ep 5,20).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét