Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

SỐNG THÁNH THIỆN


ĐỂ TRƯỞNG THÀNH ĐỜI SỐNG TÂM LINH

NGƯỜI KITÔ HỮU PHẢI SỐNG THÁNH THIỆN
                                                                     Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Đời sống thiêng liêng là đời sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Ngài đưa ta vào đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, tức là kết hiệp hoàn toàn với Thiên Chúa. Thiên Chúa là trung tâm của thân thể và đời sống ta, Người chiếm hữu toàn bộ linh hồn ta. Như thế, ta sẽ là tất cả cho Thiên Chúa và Thiên Chúa sẽ là tất cả cho ta, ta thuộc về Người và Người cũng thuộc về ta. Người yêu thương và đưa tôi vào nhà của Người, và sống tình yêu Ba Ngôi thắm thiết. Cho nên, chúng ta hãy lấy tình yêu đáp trả tình yêu bằng cách phụng sự và kết hiệp với Thiên Chúa trong mọi sự, mọi nơi và mọi lúc. Nhưng Thiên Chúa là Đấng Thánh (Hs 11,9), còn chúng ta là con người nên trước mặt Người, chúng ta phải thánh thiện (St 17,1). Vì thế, Chúa muốn ở với ta và ta ở trong Chúa, mỗi người cần phải xây dựng căn nhà  thánh thiện cho riêng mình.

          Với tình yêu bao la, Thiên Chúa đến sống và ở với dân Người (Ga 1,14). Tuy nhiên, chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng Dân Thiên Chúa là vô hình, nhưng có một tổ chức hữu hình, được Chúa Giêsu thiết lập gọi là Hội Thánh gồm những con người bằng xương bằng thịt. Đã là người thì “lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 50,7). Nhưng, Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài, “Đấng thánh thiện, vô tội, vô tỳ tích” (Dt 7,26) đến trần gian để xoá tội cho con người (Ga 1,29). Ngài đã thiết lập các Bí tích và trao cho Hội Thánh, để tiếp tục ban phát ân sủng của Chúa cho chúng ta, vì bao lâu còn sống trên dương gian, bấy lâu chúng ta vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi những ràng buộc của tội lỗi. Với sự yếu đuối của con người, chúng ta dễ dàng phạm tội, dễ dàng xa lìa Thiên Chúa, xa lìa đời sống kết hiệp với Người.

“Hãy nên trọn lành!” Đó là không chỉ là ý muốn, mà còn là mệnh lệnh cấp bách và thiết thực của Chúa Giêsu đối với tất cả mọi người chúng ta hôm nay (Mt 5,48). Phải nên trọn lành, có nghĩa rằng phải có đời sống đầy ân sủng Chúa. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng ân sủng chúng ta có được là do Thiên Chúa ban cho (Ga 1,16-17). Nhờ ân sủng chúng ta được tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa (Ga 3,1-9); làm cho chúng ta trở thành một “thụ tạo mới”, được “đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô, được cùng chết, mai táng và sống lại với Người” (Rm 6,1-11). Hơn thế nữa, ân sủng đặt ta vào mối liên mới với Thiên Chúa, là con cái của Ngài nhờ thuộc về Chúa Kitô, được tháp nhập vào các mầu nhiệm Chúa Kitô và Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn (Rm 8,10-13). Cho nên, “đã là con Thiên Chúa, thì cũng thừa kết, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rm 8,17). Cuối cùng, ân sủng làm cho chúng ta có khả năng giải thoát vòng tội lỗi, nếu tin theo Chúa Kitô và Chân Lý của Người (Ga 8,32.36).


Vậy, chúng ta phải làm gì để nên thánh thiện? Trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, Công Đồng Vaticanô II dạy việc cần thiết trước nhất đó là lòng kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Qủa thật, chỉ có tình yêu làm cho Thiên Chúa ở với ta và ta ở với Thiên Chúa (1Ga 4,16). Tình yêu ấy mỗi ngày một lớn lên trong ta, thúc đẩy ta luôn sống hết mình cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô và buông mình cho Chúa Thánh Thần hầu lắng nghe Lời Chúa và mau mắn thi hành thánh ý Ngài.


Bên cạnh đó, chúng ta không ngừng nỗ lực tập luyện các nhân đức nhân bản, sám hối, canh tân đời sống; nhất là siêng năng lãnh nhận các Bí tích, chuyên cần cầu nguyện và tham dự các buổi cử hành phụng vụ sốt sắng ngõ hầu đạt tới “sự viên mãn của đời sống Kitô hữu và sự trọn hảo của đức ái, dù ở hoàn cảnh hay địa vị nào” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 40). Như thế, người thánh thiện không phải sống ngoài hay không quan tâm đến thực tại trần gian; trái lại họ phải nhập thế, cải thiện hoàn cảnh sống và giúp mọi người sống có nhân cách, nhân bản hơn. Vậy, càng sống tinh thần Bát Phúc của Chúa Giêsu, chúng ta càng hoàn hảo, thánh thiện, “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).


 Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của người bằng cách hy sinh mạng sống vì chúng ta (1Ga 3,10; Ga 15,3). Vì vậy, chúng ta được kêu gọi để làm chứng cho tình yêu ấy một cách hùng hồn trước mặt mọi người, đặc biệt trước mặt kẻ bách hại mình bằng sự từ bỏ, hy sinh đời sống và cả mạng sống mình để nhiệt tâm yêu thương và phục vụ tha nhân. Đó là ân huệ lớn lao và bằng chứng cao cả nhất về đức ái không chỉ ở thời xưa mà ngay cả thời nay. Cho nên, dù sống ở đâu, hoàn cảnh nào, thời nào, tất cả chúng ta đều có bổn phận nên thánh theo bậc sống của mình bằng cách quyết tâm noi theo gương Chúa Giê-su và sống triệt để tinh thần của Ngài: khó nghèo, khiêm nhường, hiền lành, tha thứ, từ tâm, nhẫn nại, công chính, lương thiện, yêu thương và phục vụ. Ngoài ra, chúng ta biết xa lánh các thói hư tật xấu, tội lỗi (Mt 19,18); đồng thời biết kết hiệp mật thiết và liên lỉ với Thiên Chúa qua cầu nguyện và thinh lặng.


Riêng những người tận hiến cho Chúa bằng đời sống khiết tịnh, khó nghèo, và vâng phục là bằng chứng của đức ái hoàn hảo. Vì Nước Trời, chúng ta hiến trọn cuộc đời cho Chúa và tha nhân thì quả là quí trọng và thánh thiện biết bao!


Tóm lại, “mọi người đều thấy rõ rằng, tất cả Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến bậc trọn lành thánh thiện” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 41). Để đạt được điều đó, chúng ta phải sử dụng hết sức lực, các ân sủng mà sức Đức Kitô đã ban nhiều hay ít để thi hành thánh ý Thiên Chúa trong tất cả mọi sự; đồng thời chân thành yêu mến Thiên Chúa, làm vinh danh Người qua việc yêu thương và khiêm nhường phục vụ tha nhân. Như thế, căn nhà thánh thiện của chúng ta mới xứng đáng đón Thiên Chúa đến và cư ngụ và dĩ nhiên, ta sẽ được kết hiệp trong tình yêu Ba Ngôi muôn đời (GLHTCG, số 2013).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét