LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI 07-10
1. LỊCH SỬ
Căn
cứ vào các nguồn tài liệu đáng tin nhất, một của Á Thánh Alan de la Roch, trong
cuốn "De Dignitate Psalteri", và một của Thánh Louis Marie
Grignion de Monfort, trong cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi", thì
chính Đức Mẹ đã ban Kinh Mân Côi và dạy Kinh Mân Côi cho thánh Đaminh. Theo
miêu tả của tu sĩ Alan de la Roch, Dòng Đa Minh thế kỷ XV, Đức Mẹ đã hiện ra
với thánh Đa Minh năm 1206 sau khi thánh nhân cầu nguyện và sám hối vì đã không
thành công trong việc chống tà thuyết Albigensianism (Anbi giáo, một phong trào Kitô giáo được coi là hậu
duệ thời trung cổ của Mani giáo (Manichaeism – xem chú thích bên dưới) ở miền
Nam nước Pháp hồi thế kỷ XII và XIII, có đặc tính của thuyết nhị nguyên (đồng
hiện hữu của hai quy luật đối nghịch là Thiện và Ác. Thuyết này bị kết án là tà
thuyết thời Tòa án Dị giáo, Inquisition). Đức Mẹ đã khen ngài về sự
chiến đấu anh dũng của ngài chống lại tà thuyết và trao cho ngài Chuỗi Mân Côi
làm vũ khí phi thường, đồng thời giải thích cách sử dụng và hiệu quả của Chuỗi
Mân Côi. Đức Mẹ bảo thánh Đa-Minh rao truyền Chuỗi Mân Côi cho những người
khác.
Từ đó, thánh Đaminh đã là sứ giả của
Đức Mẹ và là tông đồ tiên khởi truyền bá Kinh Mân Côi từ năm 1214.
Cho dù chúng ta không biết chắc có thật
Đức Mẹ đã ban và dạy thánh Đaminh Kinh Mân Côi hay không, song chúng ta cũng có
thể tin được sự kiện này thật đã xảy ra. Ở nơi, chính Đức Mẹ trong hai
lần hiện ra tại Lộ Đức năm 1858 và Fatima năm 1917 đã cầm trong tay tràng hạt
Mân Côi, như để xác nhận là chính Mẹ đã ban Kinh Mân Côi và dạy lần hạt Mân
Côi. Trong cả sáu lần hiện ra tại Fatima với
ba em thiếu nhi Lucia, Phanxicô và Giaxinta, Đức Mẹ đã kêu gọi các em hãy lần
hạt Mân Côi hằng ngày. Trong lần hiện ra cuối cùng Mẹ đã tự xưng "Ta
là Đức Mẹ Mân Côi”. Còn lần hiện ra tại Lộ Đức, Mẹ đã lần hạt Mân Côi với
chị Thánh Bernadette bằng việc dùng ngón tay đưa từng hột chuỗi theo mỗi Kinh
Kính Mừng chị đọc. Sau mỗi chục kinh thì Mẹ đọc chung với chị Kinh Sáng
Danh.
Ngày Chúa nhật 07/10/1571, hải quân Công Giáo thắng hải quân Thổ nhĩ kỳ
một trận thủy chiến oanh liệt ở vịnh Lepante (giữa Co-rin-tô và Pa-trát). Tin
chiến thắng được báo về Rô-ma vào Chúa nhật đầu tháng Mười, giữa lúc các hội
viên Mân Côi đang rước kiệu trong thành phố. Để tạ ơn Đức Mẹ đã nghe lời cầu khẩn
của các tín hữu, Đức Giáo Hoàng Pi-ô V, ngày 5.3.1572 truyền mỗi năm phải làm
một lễ kính Đức Bà chiến thắng. Ngày 1.4.1573, Đức Giáo Hoàng Ghê-go-ri-ô XIII đặt tên cho lễ này là lễ Mân Côi và truyền
phải cử hành trong các nhà thờ có bàn thờ dâng kính Đức Mẹ Mân Côi vào Chúa
nhật đầu tháng Mười. Năm 1716, Đức Giáo Hoàng Clément XI truyền cho toàn thể
Hội thánh phải long trọng mừng lễ này. Đến năm 1913, Đức Thánh Piô X ấn
định mừng lễ Mẹ Mân Côi vào ngày mồng 7 tháng 10.
2. SUY NIỆM: KINH
MÂN CÔI GIÚP SỐNG THÁNH THIỆN
Lần Chuỗi Mân
Côi vừa giúp chúng ta suy gẫm lại các sự kiện trong Tin Mừng vừa dẫn vào đời
sống luân lý đồng thời đưa ta vào thái độ đức tin. Chẳng hạn, khi chúng ta đọc
Mầu Nhiệm Năm Sự Vui, thứ nhất thì gẫm: “Thiên
Thần truyền tin cho Đức bà Maria chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường”. Suy gẫm việc Đức Mẹ chịu thai
trong khi đọc kinh, nhưng khi về với cuộc sống thì phải bắt chước Đức Mẹ ở
khiêm nhường, đừng kiêu kiêu ngạo, hống hách để gây nhiều tội lỗi, đau khổ cho
tha nhân. Vì chưng, Thánh Tôma Aquinô nói: “kiêu
ngạo là khoe khoang, là cay đắng, là tàn nhẫn, là chỉ nghĩ đến bản thân, cho
nên kiêu ngạo khiến ta đố kỵ nhau. Bởi vậy, muốn yêu thương phải bắt đầu để cho
tâm hồn mình thấm nhuần sự khiêm nhường và hiền lành”. Cho nên, neo gương
Mẹ Mân Côi, sống khiêm nhường vì chỉ có khiêm nhường chúng ta mới nhận được
tình yêu của Chúa Kitô thúc bách chúng ta phục vụ yêu thương, tha thứ cho nhau;
vì vậy đâu có tình yêu thương ở đó có Đức Chúa Trời.
Hay chúng ta
đọc Mầu Nhiệm Năm Sự Thương, thứ 4 thì gẫm: “Đức Chúa Giêsu vác cây thánh giá. Ta hãy xin cho được vác thánh giá
theo chân Chúa”. Suy gẫm sự kiện lịch sử Chúa vác thánh giá đi chịu chết để
cứu chuộc cho chúng ta, thì ngay sau đó, chúng ta phải vác thánh giá đời mình theo
chân Chúa. Thánh giá trong đời rất nhiều, nặng cũng có và nhẹ cũng có, chúng ta
phải xin vác theo Chúa. Nếu không vác thì chẳng phải là môn đệ Chúa, vì Chúa
Giêsu nói: "Ai
muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).
Mẹ Maria Mân Côi dù là Mẹ Thiên Chúa nhưng vẫn thưa xin vâng để vác thánh giá
theo Chúa cho đến hơi cho đến trọn đời. Thánh giá đời ta sao nặng bằng thánh
giá của Mẹ. Thánh giá chúng ta nặng một, tức là trong đời chúng ta đau khổ một
lần, còn thánh giá Mẹ nặng gấp, tức bảy sự đau khổ của Đức Mẹ.
Vì vậy, Mẹ mời
gọi chúng ta siêng năng lần Hạt Mân Côi để sống như Mẹ đã sống hầu cũng được
hưởng những ân sủng như Đức Mẹ đã được.
3. TÂM TÌNH VỚI MẸ
Lạy Mẹ Maria,
Tháng 10 được
gọi là tháng Mân Côi. Tháng này, tất cả các con cái của Mẹ hướng lòng về Đức Mẹ
một cách đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ là được yêu mến Đức Mẹ hơn, được gần Mẹ hơn
và được cùng với Mẹ đọc và suy niệm những Mầu Nhiệm Mân Côi với những hoa kinh
Lạy Cha, Kính Mầng, Sáng Danh, nhất là được có cơ hội thực thi những điều Chúa
Giêsu và Đức Mẹ dạy một cách nhiệt tình, sống động và linh hoạt hơn trong suốt
tháng này.
Lạy Mẹ Maria
Mân Côi, Hội Thánh dạy rằng điều cốt tủy của kinh Mân Côi không phải là đọc cho
đủ các kinh Kính Mừng cho bằng việc chiêm ngắm các biến cố quan trọng trong
cuộc đời Đức Giêsu và Mẹ Maria để noi gương, bắt chước và trở nên giống các
Ngài trong tư tưởng, lời nói và việc làm trong cuộc sống thường ngày. Hơn thế
nữa, Kinh Mân Côi là một phương tiện bảo đảm nhất để kéo ơn Chúa xuống, vì
chính Đức Mẹ đã hứa ban dồi dào ơn thánh cho những ai năng đọc kinh ấy.
Lạy Mẹ Mân Côi,
xin Mẹ đồng hành với chúng con trong suốt tháng này và cả đời chúng con nữa để
cùng với Mẹ, chúng con nguyện ca tụng và rao truyền Tình Yêu Cứu Độ Thiên Chúa
qua sống Kinh Mân Côi từng ngày bằng sám hối, tha thứ, bác ái, hiền hòa và
thánh thiện. Amen.
LẠY NỮ VƯƠNG RẤT
THÁNH MÂN CÔI!
XIN CẦU CHO CON. Amen.
XIN CẦU CHO CON. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét