Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

SỐNG ĐỨC TIN

 SỐNG ĐỨC TIN 
     Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang
Nhiều người nhìn các cô gái Công giáo với những tà áo thướt tha trong gió, họ tấm tắc khen: “Các thiếu nữ Công giáo xinh đẹp thật, trông họ giống như các thiên thần vậy!” Nhưng cũng có người nói: “Dường như các nàng ấy chỉ là thiên thần khi tới Nhà thờ mà thôi!”
Thật sự là thế! Mà không phải chỉ bởi số chị em phụ nữ kể trên mà còn ở nhiều thành phần khác nữa trong Giáo Hội. Bởi vì dường họ chỉ giữ đạo khi đến nhà thờ; còn khi về lại với đời thường, họ vẫn chứng nào tật ấy, đôi khi lối sống của họ còn tệ hơn những người chưa có đạo. Còn nữa, họ tự hào Đạo của mình là Đạo của yêu thương, thế nhưng, chẳng mấy khi họ thể hiện tinh thần ấy cách tròn đầy. Cụ thể, họ vẫn còn chia rẽ, nói xấu, gièm pha nhau… Thay vì xây dựng thì chúng ta lại phá đổ. Họ tự hào Đạo của mình là Đạo của sự thật. Thế nhưng, họ vẫn ăn gian nói dối và lừa lọc lẫn nhau chỉ vì chút thể diện cỏn con hay vì một mối lợi thấp hèn. Tại sao lại có sự trái nghịch trong con người có Chúa, con người mà Thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời” (Ep 2,4-6). Tại sao? Bởi vì đức tin của họ thiếu hành động. Họ tin Chúa ở trong nhà thờ ra khỏi nhà thờ thì ngạt Chúa ra cuộc sống. Cho nên, Chúa Giêsu dạy chúng ta thật là chí lý rằng “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa! " là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Như vậy, Đạo Công Giáo không phải chỉ là Đạo trong nhà thờ!

Rồi, vào các dịp lễ lớn như Giáng sinh, Phục sinh, Bổn mạng Giáo xứ… chúng ta thường thấy tổ chức những cuộc rước kiệu, văn nghệ, liên hoan, ẩm thực… sao cho càng hoành tráng. Còn đối với việc tĩnh tâm, xưng tội, đọc kinh trước thánh lễ… thì xem ra tầm thường, nhiều khi làm qua loa, chẳng mấy tâm tình sâu lắng. Còn đối với nhiều bạn trẻ thì dường như đi dự lễ Chúa nhật là một cực hình. Vì họ nghĩ rằng nếu không đi thì có tội, lương tâm cắn rứt. Nếu có đi thì đi có bè có bạn cho vui thôi! Và khi đi lễ họ lại không dám vào nhà thờ, ở ngoài gốc cây, ngồi trên xe và thánh lễ chưa kịp kết thúc, họ đã vội vã ra về. Cho nên, Đạo Công Giáo không phải là Đạo của Lễ Hội vui! Vì chưng hãy nhớ Lời Chúa Giêsu khiển trách: "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!” (Mt 23,27).
Lại có người cho rằng Đạo Công Giáo là “Đạo Đọc Kinh”. Đối với nhiều người Việt Nam, đọc kinh càng nhiều càng đạo đức nếu không đọc kinh thì họ cảm thấy khó chịu, khô khan. Dường như họ chưa có thói quen sống với những giây phút thinh lặng thánh. Vẫn biết đọc kinh là điều tốt, thế nhưng, nhiều khi họ đọc như một cái máy vậy. Miệng họ đọc nhưng lòng của họ lại chẳng chịu suy. Còn khi ngưng đọc kinh thì họ chẳng biết phải làm gì cả, nên thể nào họ cũng quay sang người khác nói chuyện. Nếu nói những chuyện vô thưởng vô phạt thì còn đỡ, nhưng đàng này, có khi họ lại đem những chuyện không mấy tế nhị của nhà ông này, nhà bà nọ, thậm chí của cả gia đình họ để làm đề tài đàm tiếu ngay trong nhà thờ, nhà tư gia... Chúa Giêsu khẳng định với những hạng người này rằng: “Dân này Kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích” (Mt 15,8-9). Cho nên Đạo Công Giáo không chỉ là Đạo đọc kinh!  
 Tóm lại, tất cả những điều trên cho thấy việc tin Chúa theo Chúa cốt ở việc sống Đạo có nghĩa rằng phải sám hối và canh tân lời ăn tiếng nói, hành động của chúng ta sao cho phù hợp với những đòi hỏi cấp thiết của Tin Mừng. Một trong những đòi hỏi quan trọng nhất của Tin Mừng, đó là Sống Đức Tin.
Chắc chắn đức tin không phải là một mớ giáo lý mà ta đã học, cũng không phải là một sự chinh phục, mà là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa. Nhờ ân ban ấy, con người có được một lối sống tin tưởng, phó thác và chủ động theo Chúa. Lối sống đó là soi mình dưới bóng Chúa, đặt hành vi luân thường đạo lý dưới Lời Chúa qua từng biến cố của cuộc đời. Nghĩa là biết đáp ứng bằng đức tin trong mọi tình huống bằng hành động cụ thể:
- Khi gặp hạnh phúc hay sung sướng, chúng ta tạ ơn Chúa đồng thời phải gắn bó với Chúa hơn nữa. Vì chưng “Tôi có là gì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa" (1Cr 15,10).
- Khi thành công và giàu có, chúng ta tạ ơn Chúa đồng thời biết chia sẻ với tha nhân vì chưng Chúa Giêsu dạy “cho thì có phúc hơn là nhận" (Cv 20,35). Cho nên “phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi" (Mt 19,35).  
- Khi lâm cảnh túng thiếu nghèo khổ, đừng buồn bã, đừng oán trách trái lại, chúng ta cần phải cậy dựa và tìm đến Đấng phù trợ ta nhờ đó đức tin ta được mạnh mẽ, được vững vàn hầu luôn được Chúa ủi an làm cho ta được bình an mà vui sống với Chúa, trong Chúa và bên Chúa.
- Khi gặp đau khổ tinh thân thần cũng như thân xác, đừng tuyệt vọng, đừng đánh mất đức tin! Nhưng, trước hết phải sống Lời Chúa hằng ngày, nghĩa là xin vâng và thi hành Lời Chúa ở bất cứ hoàn cảnh nào hay dù đau khổ mấy đi chăng nữa. Bạn có công nhận với tôi rằng bệnh hoạn không phải là do Chúa phạt, càng không phải là do tội mình hay ông bà cha mẹ anh chị em mình gây ra nhưng mình bệnh hoạn như thế này là để quyền năng Chúa được tỏ hiện nơi ta. Qủa thế, mời bạn và tôi cùng đọc lại trang Phúc Âm này (Ga 9, 1-7): “Đi ngang qua, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Các môn đệ hỏi Người: "Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta? " Đức Giê-su trả lời: "Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian." Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: "Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa" (Si-lô-ác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được”. Cho nên, ngay lúc này, Lời Chúa ban cho bạn sức mạnh để chịu đựng đau khổ một trật kiên trì vững đức tin để rồi đến một lúc nào đó chắc chắn bạn sẽ nhìn thấy những điều kỳ diệu và những điều lớn lao mà chúng ta không tưởng tượng được! Đúng như Lời Chúa trong thư Do thái quả quyết “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1). Vì vậy, sống Lời Ngài từng giây trong đời giúp đức tin kiên cường hơn và bền đỗ hơn đồng thời phát huy tính hiệu quả của lòng tin. Cho nên, Thánh Giacôbê xác tín: “Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì” (Gc 1,2-4). Sau đó, chúng ta hãy dâng những khó khăn, đau khổ lên cho Chúa trong lời cầu nguyện. Vì khi cầu nguyện chúng ta chuyển những khó khăn đau khổ ấy cho Chúa. Lập tức ta có được sự trợ giúp của Chúa, có thêm những sức mạnh siêu nhiên giúp chúng ta chịu đựng đớn đau. Cầu nguyện với Chúa trong đau khổ sẽ tạo ra một sức mạnh làm thêm ơn thánh, giúp ta tin rằng khi biết chịu đựng đau khổ vì danh Thiên Chúa, nhất định Chúa sẽ ban cho chúng ta mọi ơn lành. Vì Lời Chúa xác quyết: “Đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, hãy đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn mà giãi bày trước mặt Chúa. Và… Chúa sẽ ban cho bình an vượt lên trên hết mọi hiểu biết. Và bình an ấy sẽ điều khiển cách suy nghĩ và cảm nhận của bạn” (Pl 4,6-7). Vì vậy, dù bất cứ nguyên nhân hay bất cứ điều gì xảy ra, chúng ta phải kiên trì và kiêm tốn cầu nguyện, chắc chắn Chúa làm mọi điều tốt đẹp cho cho chúng ta (Rm 8,28).
Kết luận
ĐỨC TIN ĐÒI HỎI PHẢI HÀNH ĐỘNG, tức phải sống. Thánh Giacôbê nói: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Hành động quan trọng là thế. Tôi luôn tự hào là người có đức tin, vậy tôi đã và đang làm gì để thể hiện đức tin đó? Tôi có luôn hành động theo đức tin hay không? Hay tôi chỉ là một kẻ hữu danh vô thực? Có thể nói, nhiều khi chúng ta hay đòi hỏi người khác phải thế này thế nọ, nhưng chính mình thì chẳng chịu thay đổi gì cả. Thật là nực cười khi một người cha luôn đòi hỏi con cái: “Bọn bay không được nói tục!”, trong khi đó cứ mở miệng ra là ông không ngớt nói những lời tục tĩu. Làm sao chúng ta lại đòi hỏi con cái không được rượu chè, cờ bạc, trai gái,… trong khi đó chúng ta lại lem nhem vào nhiều chuyện? Chúng ta sẽ nghĩ gì khi dạy bọn trẻ: phận làm con thì phải biết thảo kính đối với cha mẹ, trong khi đó, chính chúng ta lại đang làm những chuyện khiến cho cha mẹ phải buồn lòng? Chúng ta dạy con cái phải siêng năng xưng tội, rước lễ, đọc kinh cầu nguyện, phải có lòng bác ái… nhưng chính chúng ta chẳng mấy khi thực hiện các điều ấy cách nghiêm túc.
Lời nhắc nhở của Đức Giám mục dành cho các ứng viên chức thánh: “Anh hãy tin điều anh đọc, dạy điều anh tin và thi hành điều anh dạy”. Đây quả là một lời nhắc nhở rất thiết thực và hữu lý đối với mỗi người chúng ta. Hữu lý là bởi vì lời nói của chúng ta chỉ thật sự có thế giá khi chúng ta hành động. Chúa Giêsu là Thầy và là Chúa của chúng ta đã nói và đã làm nêu gương cho chúng ta cho nên chỉ có Chúa Giêsu là Chúa duy nhất, người phàm duy nhất trên trần gian tuyên bố thẳng thừng: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Vậy, chúng ta hãy làm, hãy sống đức tin để được kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi Tình Yêu muôn đời.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét