Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH 21-11




1. LỊCH SỬ

     Nói đến việc Đức Mẹ dâng mình, người ta thường nghĩ đến việc Đức Mẹ dâng mình cho Thiên Chúa ngay từ khi Mẹ còn nhỏ. Tuy nhiên, về thời thơ ấu của Đức Mẹ, không có một tài liệu nào nói đến, ngoại trừ ngụy thư sách “Tin Mừng theo Thánh Giacôbê” ở thế kỷ II. Dĩ nhiên, nội dung được trình bày trong sách này không có giá trị chắc chắn về lịch sử tính cũng như về mạc khải tính. Theo sách này kể người ta nuôi một cô bé lên ba trong phần cực thánh của Đền thờ, nơi mà mỗi năm Thượng tế chỉ được vào một lần dịp lễ đền tội (HOÀNG ĐẮC ÁNH, Thần học về Đức Maria, Mai Khôi - Phục Sinh, 2002, tr. 9-10).
Trong Phụng vụ, ở Đông Phương, lễ “Mẹ Dâng Mình” có từ thế kỷ VII, và liên quan tới lễ cung hiến Đền Thờ mới của Đức Trinh Nữ Maria tại Giêrusalem. Ở Tây Phương từ thế kỷ IV, lễ “Đức Mẹ Dâng Mình” được mừng tại các đan viện miền Nam nước Ý từ thế kỷ IX và bên Anh từ thế kỷ XIV. Năm 1472 Đức Sixtô IV truyền dạy lễ này được mừng khắp Hội Thánh vào ngày 21 tháng 11 hằng năm, nhưng Đức Thánh Piô V đình chỉ lại. Năm 1585 Đức Sixtô V tái lập lễ này.

          Dù tính cách tiểu sử lễ “Đức Mẹ Dâng Mình” như thế nào, không ai có thể từ chối việc Đức Mẹ luôn hiến dâng trọn vẹn cả xác lẫn hồn của Mẹ cho Thiên Chúa. Việc hiến dâng này được cụ thể hóa qua sự kiện Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ.

2. SUY NIỆM:  CÙNG MẸ CON DÂNG XÁC HỒN
          Mẹ được Thiên Thần chào là đấng đầy ân sủng, là đấng mà luôn có Thiên Chúa ở cùng : “Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Lời chào này cho phép chúng ta nghĩ rằng Mẹ là người luôn làm đẹp lòng Thiên Chúa, luôn sống kết hợp với Thiên Chúa và Mẹ là người luôn sống thánh thiện. Những đặc tính tốt lành này nơi Mẹ hé mở cho thấy rằng Đức Mẹ luôn biết dâng mình cho Thiên Chúa trong mọi sự.
          Việc dâng mình này càng rõ nét khi Mẹ chấp nhận ý của Thiên Chúa. Được loan báo về việc sinh “Con Đấng tối cao” bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, dù không sống đời vợ chồng, Mẹ Maria tin chắc rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” và với “sự vâng phục trong đức tin” (Rm 5,1), Mẹ đã đáp lại TIẾNG XIN VÂNG, “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như Sứ Thần nói”.
          Như thế, Đức Maria, vì chấp nhận lời Thiên Chúa, đã trở nên Mẹ Chúa Giêsu. Mẹ hết lòng đón lấy ý định cứu rỗi của Thiên Chúa. Mẹ đã tận hiến làm tôi tớ Thiên Chúa để phục vụ cho thân thể và sự nghiệp của Con Thiên Chúa.
          Thánh Irênê nói rằng chính Đức Maria, nhờ vâng phục, đã trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho Mẹ và cho toàn thể nhân loại. Và các thánh giáo phụ cũng nghĩ rằng Thiên Chúa đã không thu dụng, mời gọi Đức Maria một cách thụ động, nhưng đã để Đức Mẹ tự do cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại, nhờ lòng tin và sự vâng phục của Mẹ.
          Công Đồng Vatican II nêu rõ: “Đức Maria đã tận hiến làm tôi tớ Chúa, phục vụ thân thế và sự nghiệp của Con Người, và nhờ ơn sủng của Thiên Chúa toàn năng, Mẹ phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc dưới quyền năng và cùng với Con của Mẹ” (LG 56).
          Như vậy, Mẹ đã ưng thuận lời Thiên Chúa. Mẹ đã hết lòng vâng theo ý muốn cứu độ của Thiên Chúa và tự hiến hoàn toàn cho Con của Mẹ và sự nghiệp của Người. Sự vâng phục của Mẹ trước thánh ý Thiên Chúa đã diễn tả cách đầy đủ sự hiến dâng cả xác lẫn hồn của Mẹ cho Thiên Chúa.
Sống dâng mình cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu-Kitô, qua mẫu gương hiến dâng nổi bật của Mẹ Maria, chúng ta bước đi trong lời khuyên nhủ của thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Rôma: Anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12,1-2.9-12),. Một cách cụ thể, chúng ta gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành, thương mến nhau, sống khiêm tốn, nhiệt thành phục vụ Chúa và chuyên cần cầu nguyện nhất là trong những lúc gặp khó khăn.

3. CẦU NGUYỆN

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã cho chúng con hiểu được thế nào là giá trị của một cuộc đời dâng hiến, một cuộc đời sống theo thánh ý Chúa trọn vẹn cả xác lẫn hồn! Xin cho chúng con là những người đã hơn một lần dâng mình cho Chúa, từ khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội cho đến ngày hôm nay, noi gương mẹ sống một cuộc đời vâng theo thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, dù gặp gian nan thử thách, dù gặp khổ đau ngang trái... Xin Mẹ đồng hành và phù trợ chúng con can đảm và trung thành với những Chúa và trung thành với Giáo Hội trên con đường sống và loan truyền Đức Tin. Amen.
                     
                          Lm Giuse Nguyễn Quốc Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét