Bạn thân mến,
Tại Lộ Đức hằng năm,
người ta chứng kiến thấy hàng ngàn bệnh nhân kéo về hang đá Đức Mẹ. Nói đâu xa,
hằng ngày tại các bệnh viện, chúng ta cũng thấy vô số những người mắc những
chứng bệnh kinh khủng dù đã chữa trị nhưng để lại những di chứng trên thân xác
thật đau lòng xót xa triền miên năm này sang năm khác. Họ là đủ hạng người từ
em bé mới sinh cho đến người già nua, từ bác sĩ đến quan chức hay chức sắc tôn
giáo... Có người nói con người chúng ta có làm gì đáng tội mà phải đau khổ như
vậy!?
Đau khổ là vấn đề gai góc
vẫn đặt ra cho chúng ta từ xưa cho tới nay. Con người sinh ra trong tiếng khóc,
trải qua cuộc đời đầy gian nan đau khổ, rồi nằm xuống cũng trong tiếng khóc.
Nhà Phật thường nói: “Đời là bể khổ”,
còn Chúa Giêsu nói: “Ngày nào có cái khổ
của ngày ấy” (Mt 6,34). Nhiều nhà hiền triết đã cố đi tìm một câu trả lời
thỏa đáng. Đức Phật Thích Ca đi tu để tìm một thoát cho chúng sinh. Có người
không hiểu lý do sự đau khổ nên tìm cách hủy diệt đau khổ. Cụ thể, đã có một
thời chính quyền Nhật ra lệnh tập trung tất cả những người mắc bệnh phong hủi
trên một hòn đảo giữa Thái Bình Dương và tưới xăng thiêu rụi, vì họ mắc bệnh
nan y và không có quyền sống. Rồi, nhà độc tài Hitler ra cho giám đốc một bệnh
viện thủ tiêu mọi bệnh nhân thần kinh vì cho rằng họ ăn bám và ăn hại quốc gia.
Chúng ta không hiểu nỗi đau khổ của người khác và có thể tuyệt vọng khi chính
mình không trốn tránh được. Đại Văn hào Henry De Montre thuộc hàng lâm viện pháp
lúc về già bị mù, ông đã không chịu sự đau khổ nên đã dùng súng lục bắn vào
họng tự tử.
Vậy, Ai sẽ đem ánh sáng cho chúng ta, chỉ có
một Đấng mà Ngôn sứ Isaia gọi là TÔI TỚ ĐAU KHỔ (Is 52,13-53,12) mới soi sáng
thỏa đáng được. Cuộc đời đầy gian lao đau khổ cùng với cái chết ô nhục của Chúa
Giêsu đã giải thích vì sao nhân loại phải đau khổ. Ngài là con người vô tội
nhưng phải chịu nhiều đau khổ để gánh tội trần gian.
Sách chương đầu của Sáng Thế kể mọi sự Chúa
tạo dựng nên đều tốt đẹp (St 1,31). Nhưng mọi sự tốt đẹp ấy tồn tại chẳng bao
lâu thì bị đánh mất vì tội lỗi. Thánh Phaolô khẳng định: “Chỉ vì một người mà tội lỗi đã đột nhập trần gian và tội lỗi gây nên
cái chết" (Rm 5, 12). Nghĩa là từ xa xưa, khi nguyên tổ phạm tội, sự
đau khổ trở thành cơm bữa của loài người và cả sự chết nữa. Bản thống kê mới
nhất của Liên Hiệp Quốc cho hay cứ trung bình mỗi ngày trên thế giới có khoảng
270 ngàn người chết: chết vì bệnh tật, bom đạn, hoạn nạn, thiên tai… chưa nói đến đoàn vô số người khổ đau. Chúa Giêsu vào
đời để gánh lấy tội lỗi và nhờ cái chết và sự sống lại của Ngài, chúng ta được
khỏi tội và được cứu rỗi. Vì vậy, Thánh Phaolô nói rằng Đức Ki-tô Giê-su đã hy
sinh vì tội lỗi chúng ta, lôi kéo chúng ta ra khỏi thế gian tội lỗi (Rm
5,1-11).
Qủa thế, Ngài cứu chúng ta khỏi tội nhưng không
cất khỏi hình phạt của tội lỗi là gian lao đau khổ. Hơn nữa Ngài đã
dùng đau khổ để cứu loài người khỏi nguồn gốc sự dữ là tội lỗi. Ngài lãnh nhận
đau khổ làm giá cứu chuộc. Cho nên, cả cuộc đời Chúa Giêsu là cuộc đời đầy đau
khổ từ khi ra đời cho đến khi chết, “sinh ngoài đồng, ở ngoài đường, ăn đon đả
và chết ngoài đèo”. Dù Thánh Phêrô và các Tông đồ can ngăn không cho Chúa Giêsu
đi con đường đau khổ này nhưng Chúa Giêsu khẳng định: “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các
thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”
(Mt 16,21). Và rõ ràng, khi lên Giêrusalem, Ngài thấy, gặp và đón nhận biết bao
đau khổ: bị người thân chối bỏ, học trò phản bội, người đời sỉ vả nhục mạ, hành
hạ, vác thập giá khi thân xác tan nát bầm thâm loạn bì, chết trên thập giá,
chết rồi còn bị đâm thủng cạnh sườn, máu và nước chảy ra.
Bạn thân mến,
Chúa Giêsu thánh hóa đau khổ để nêu gương
sáng cho chúng ta. Ngài đã đồng hóa với tất cả những ai đau khổ để chia sẻ với họ.
Ngài trải qua thử thách đau khổ thì Ngài cũng sẽ giúp đỡ những ai chịu thử
thách. Đau khổ là con đường đưa đến vinh quang vì vậy “nếu chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Ki-tô, thì nhờ Người,
chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi” (2Cr 1,5). Nếu chúng ta mang trong
mình sự thương khó của Chúa Giêsu, thì sự sống của Giêsu sẽ được biểu lộ ra
trong thân xác của chúng ta và khi ấy chúng ta mới thật sự là môn đệ của Ngài.
Vì chưng, Ngài đã long trọng tuyên bố: “Ai
muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34).
Thập giá đó là gì? Chẳng phải là đau khổ thân xác, tinh thần đó sao! Như vậy, không
ai có thể tự hào là môn đệ của Chúa mà không tham gia vào cuộc tử nạn của Ngài
và vui lòng lãnh nhận thánh giá của mình.
Mỗi Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta hôn kính
Thánh Giá, hôn chân Chúa bị đóng đinh vào thánh giá, Chúa muốn chúng ta phải
không chỉ biết chấp nhận thánh giá mà còn còn hân hoan yêu mến đau khổ của
mình. Hân hoan như các Tông đồ xưa, họ vui mừng vì xứng đáng sỉ nhục, đau khổ
và chết vì Danh Chúa. Cho nên, Thánh Phêrô kêu gọi: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng
bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ”
(1Pr 4,13).
Bạn thân mến,
Sinh ra đời không ai mà không đau khổ, Chúa
Giêsu là Chúa và là con người trần xác thịt vô tội mà cũng phải chịu đau khổ.
Mẹ Maria, Vô Nhiễm Nguyên Tội mà cũng chịu đau khổ không phải một lần mà là bảy
lần, “Bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ”. Thánh Giuse, Người công chính như thế mà phải
chịu đau khổ đắng cay từ khi lấy Mẹ Maria đang mang thai bởi phép Chúa Thánh
Thần, đến nỗi Ngài về với Chúa lúc nào không hay biết, không ai nhắc tới. Vậy,
theo gót các Ngài, chúng ta hãy biết đón nhận trong hân hoan vì Chúa Giêsu vẫn
ở với chúng ta và ban cho chúng ta bình an của Ngài khi an vui cũng như khi đau
khổ. Cho nên, bạn thấy đó, khi xuống thế gian này, Chúa Giêsu đem đến cho chúng
ta bình an: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người
Chúa thương” (Lc 2,14). Rồi khi sống lại và lên trời, Ngài ban bình an và để
lại bình an cho chúng ta, "Bình an cho anh
em!" (Lc 24,36), chứ Ngài đâu
ban sức khỏe, ban ơn chữa lành hết tất cả bệnh tật trên thế gian và không còn
xuất hiện nữa. Vì thế, chúng ta nghiệm rằng khi gặp đau khổ, chúng mình luôn có
bình an của Chúa an ủi, đỡ nâng, giúp sức và tăng thêm lòng tin hầu chúng ta
bình an dù đau khổ đến mấy. Chỉ có bình an của Chúa mới làm cho chúng có đức
tin, ý chí và nghị lực để chịu khổ, vượt khổ một cách thanh thản nhẹ nhàng.
Trái lại, trong đau khổ nếu chúng ta không nghiệm thấy bình an của Chúa, chúng
ta dễ dàng buông xuôi, ngã lòng, mất đức tin, mất ý chí và nghị lực, thì không
bao giờ vượt khổ để đến vinh quang.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa, Đức Mẹ và Thánh
Giuse ban cho ta ơn gặp Chúa trong đau khổ, kết hợp với Chúa trong tình yêu để
góp phần vào việc tông đồ cứu rỗi.
Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét