Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

TÂM LÝ NGƯỜI KHUYẾT TẬT - BÀI 1: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT



NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI GIAO TIẾP 
VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Thống kê trên thế giới có khoảng 10% người khuyết tật tương đương với 650 triệu người (khảo sát năm 2007). Theo thống kê năm 2011, Việt Nam có khoảng 6.1 triệu người khuyết tật, tương đương 7.8% dân số (Thống kê của Báo Điện Tử Dân Trí, 20-02-2011). Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được Quốc Hội thông qua 28-11-2013, Điều 59 viết: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”. Còn Pháp lệnh Người Khuyết tật (1998), Điều 9 nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử hoặc ngược đãi người khuyết tật. Phần III của Bộ Luật Lao động (năm1994) quy định về việc làm cho người khuyết tật tại cơ quan và doanh nghiệp, Điều 123 nêu chỉ tiêu 2% đến 3% lực lượng lao động trong doanh nghiệp phải là người khuyết tật. Và Chính Phủ đặt mục tiêu thực hiện giáo dục hòa nhập cho tất cả trẻ em khuyết tật vào năm 2015. Như vậy, người khuyết tật ngày nay hầu như đã hòa nhập với mọi người, mọi ngành nghề trong xã hội. Họ có quyền và nghĩa vụ như những công dân khác. Họ có những phẩm gía cao quý đáng mọi người trân trọng. Vì khuyết tật thể lý, chắc chắn họ có những cách thế ứng xử rất đặc biệt trong giao tiếp. Cho nên chúng tôi xin trình bày với các bạn phương thế để giao tiếp hoặc làm việc với người khuyết tật có hiệu quả, thắm tình người và chan hòa tính nhân văn hơn.

 1. Khi dùng từ ngữ để nói về người khuyết tật.
Từ năm 2009 trở về trước người ta thường dùng cụm từ “tàn tật” để mô tả “người khuyết tật” trong xã hội, ngày trên cả phương tiện truyền thông đại chúng và văn bản pháp quy. Vì vậy, đối với đa số người Việt Nam, khuyết tật và tàn tật là hai từ để chỉ cùng một khái niệm. Trong các pháp lệnh trước đây của nhà nước Việt Nam, tàn tật là cụm từ được chính thức sử dụng, song theo dự thảo năm 2009, từ khuyết tật nhiều khả năng sẽ được dùng để thay thế từ tàn tật trong các bộ luật. Vì vậy, Bộ Luật Người khuyết tật Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 01/01/2011 đã chính thức sử dụng cụm từ “người khuyết tật” thay cho người tàn tật. Như vậy, kể từ nay không còn nói hay sử dụng cụm từ “người tàn tật” cho người khuyết tật nữa. Cho nên khi giao tiếp nhau dù người lành lặng hay người khuyết tật, chúng ta không nên nói họ là người tàn tật. Vì chưng, đó là một sự xúc phạm và họ dễ hiểu rằng đó là một điều kỵ thị đối với họ.

2. Nên nói: Cho phép tôi được giúp bạn việc này nhé!
Nếu muốn giúp người khuyết tật dù quen hay lạ, bạn nên bắt đầu bằng câu nói hỏi: “Cho phép tôi được giúp bạn việc này nhé!” Bởi nếu bạn đường đột tự ý giúp họ có khi lại làm họ cảm thấy buồn.

2. Nên hỏi: Tôi phải làm gì đây/làm thế nào đây?
Bạn nên hỏi và nghe người khuyết tật giới thiệu cách hỗ trợ, xin đừng tự ý làm theo cách bạn nghĩ. Ví dụ, muốn đưa một người khiếm thị qua đường, bạn hãy để họ nắm tay bạn và nói cho họ biết các vật cản phía trước thay vì bạn nắm gậy của họ hoặc kéo tay họ đi. Nếu muốn nâng một người đi nạng bước lên xe buýt cũng phải theo sự hướng dẫn của họ. Nếu không bạn có thể gây ra một tai nạn nhỏ đấy. 

3. Gọi tên hoặc chạm nhẹ vào người khiếm thị khi cần nói điều gì.
Bạn nên gọi tên hoặc nắm nhẹ tay, vỗ vai thân ái, khi cần nói với người khuyết tật. Vì nếu không có động tác này có thể họ sẽ không hiểu ai đang nói với ai. Nếu tiếp xúc với người khiếm thính cần tránh vỗ vai họ từ phía sau. Bạn nên tiến đến trước mặt họ rồi mới chào họ. 

4. Tự giới thiệu chính mình khi giao tiếp với người khiếm thị
Khi gặp một người khiếm thị, nhiều người thích chào người quen này bằng câu đùa: “Anh có nhớ ai không?” Một số người khiếm thị than phiền rằng bạn bè thân thích đôi khi lại không chào mà chỉ vỗ vai rồi bỏ đi mặc cho họ muốn đoán ai thì đoán! Điều ấy có khi làm họ có cảm giác đang bị trêu chọc, bị xem là trò đùa cho mọi người. Nếu trò đùa không đem lại tiếng cười cho cả hai phía thì chính nó trở thành một kiểu xúc phạm.Tốt nhất bạn nên chào hỏi người bạn khiếm thị của mình bằng lời chào trân trọng, thân mật và tự giới thiệu chính mình trước. 

5. Thong thả bước đi bên người bị khuyết tật vận động.
Khi đi với một số người đi nạng, đi xe lăn... bạn nên bước thong thả và đi cùng họ. Bạn không nên hối thúc hoặc bỏ đi trước họ mà không nói một lời nào.

6. Giới thiệu các món ăn trên bàn với người khiếm thị.
Khi ngồi chung bàn với người khiếm thị, bạn nên giới thiệu tên từng món, hỏi họ thích dùng gì, sau đó lần lượt gắp các món ấy cho vào bát cho họ. Biết đâu trong số ấy có những món mà họ chỉ nghe tên mà chưa từng nếm. Sau khi nếm qua các món hiện có, bạn hãy hỏi xem người ấy thích món nào và gắp giúp người ấy.

7. Lịch thiệp với người khuyết tật trí não
Khi giao tiếp với người khuyết tật chậm phát triển trí não, bạn nên tôn trọng nhân cách của họ, ứng xử ân cần với họ đúng với các qui tắc xã hội, bạn sẽ giúp họ ổn định tâm lý nhiều hơn. 

8. cần có những nụ cười của tình yêu thương và sự quan tâm tới người khác.
Tất cả chúng ta đều đồng ý rằng, những tiếng cười vui vẻ sẽ là cần thiết và có ý nghĩa cho cuộc sống tươi đẹp hơn. Tuy nhiên, nếu chuyện cười hoặc trò đùa không đem lại tiếng cười cho tất cả mọi người có mặt thì chính nó trở thành một kiểu xúc phạm. Vậy, khi pha trò cười hoặc kể chuyện cười ở nơi đông người, bạn nên để ý đến những người khuyết tật. Thật không hay khi đề cập đến những hạn chế hoặc khuyết tật trước đông người (nhịu lại người nói lặp, lùn, hói, vỗ....). Có thể trong số những người đang cười với bạn, có một người đang buồn đấy....Người tốt lành là người tạo dựng niềm tin, nụ cười hạnh phúc cho tất cả mọi người, đặc biệt quan tâm tới những người khuyết tật, trẻ em và người dễ bị tổn thương trong xã hội.
                                                      Thạch Nguyễn
                                                       Quang Quốc





(tham khảo TRẦN BÁ THIỆN, http://foreman.nexo.com )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét