Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Bài 2: NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT



1. Người khuyết tật và cuộc sống

Khuyết tật thể lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người khuyết tật dù khiếm khuyết đó nhẹ hay nghiêm trọng. Nên nhớ rằng nghiêm trọng ở đây không hoàn toàn xác định được một cách đơn nhất, bởi vì nó không chỉ phụ thuộc vào bản thân khiếm khuyết mà còn phụ thuộc vào bối cảnh văn hóa, khoa học. Nếu một người cận thị khá nặng trong thời đại không có kính trợ giúp thì đó là một vấn đề cực kỳ rắc rối và sẽ bị coi là khuyết tật. Một ví dụ khác, một cô gái có vết sẹo dài ở mặt và trông khó coi (theo quan điểm của xã hội) sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc của cô trong đó có lòng tự trọng bị tổn thương và khả năng kết hôn theo sự tự lựa chọn thấp. Nhưng rõ ràng là cô gái đó vẫn có sức khỏe thể chất, tâm thần và giác quan bình thường. Như vậy sự khuyết tật của cô do quan niệm của xã hội tạo thành, chính những quan niệm của xã hội và của chính cô đã hạn chế cô nhận biết đầy đủ giá trị cuộc sống. Nếu vết sẹo đó ở vùng bụng vấn đề lại khác hoàn toàn...Những điều trên cho thấy, sự cải tiến của khoa học công nghệsự điều chỉnh thái độ đúng đắn của người lành khiến nhiều người khuyết tật cảm thấy dễ chịu, nhẹ nhàng và an tâm mà vui sống hơn.

2. Những khó khăn của người khuyết tật

Người khuyết gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống: học tập, việc làm, hôn nhân, kỳ thị... Những khó khăn đó tác động qua lại lẫn nhau, là nguyên nhân và kết quả của nhau do vậy chúng tạo thành một vòng luẩn quẩn những khó khăn cho người khuyết tật. Sự giúp đỡ lớn về vật chất không phải ai cũng làm được nhưng về tinh thần thì khác. Ai cũng có thể giúp được không ít thì nhiều chỉ cần sự thành tâm mà thôi.

 

a. Học tập

Với sự giới hạn của mình, đặc biệt là ở người khuyết tật về trí tuệ hoặc cơ quan thu nhận cảm giác (khiếm thính, khiếm thị) khả năng tiếp thu tri thức rất khó khăn, nhưng khuyết tật vận động thì bị ảnh hưởng ít hơn. Người khuyết tật cần một hình thức giáo dục đặc biệt phù hợp với đặc điểm khiếm khuyết của mình. Mặc khác, đôi khi sự đầu tư về cơ sở vật chất dành cho việc giáo dục cho người khuyết tật còn quá ít do kèm theo thiếu hỗ trợ của gia đình cho nên việc duy trì học tập tiến lên của người khuyết tật không nhiều. Vì vậy, khi tiếp xúc với người khuyết tật, chúng ta nên hiểu, thông cảm với cách ăn nết ở, đặc biệt là kiến thức của người khuyết tật.

b. Việc làm
Khó khăn trong học tập, cùng với khuyết tật ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng xin việc làm trong các công ty, xí nghiệp hay tổ chức cá nhân... Ngoài ra, một số công việc có đòi hỏi mà người khuyết tật khó thực hiện tốt được đối với thể lý dù kiến thức dư thừa. Cho nên, chúng ta cần nhìn ra khuyết tật hầu chọn việc, giao việc đúng với khả năng và phù hợp với khuyết tật của họ. Như thế, họ cảm thấy là những người hữu dụng và trọng dụng hầu tự vươn lên và yêu người, yêu đời mà vui sống.

c. Hôn nhân
Ngày nay, còn rất nhiều người khuyết tật gặp nhiều cản trở trong tìm kiếm hạnh phúc lứa đôi. Người khuyết tật khó lập gia đình hơn người bình thường, điều này có nhiều nguyên nhân. Theo nguyên lý chung, con người có xu hướng lựa chọn bạn đời có bộ gien tốt, do vậy người khuyết tật thường bị cho là lựa chọn "dưới tiêu chuẩn". Cho nên, nhiều người cho rằng người khuyết tật chỉ nên kết hôn với người khuyết tật, chứ người lành sao kết hôn với người khuyết tật vì chưng sợ “gien xấu”. Qủa thật đây là quan điểm thể hiện sự phân biệt đối xử hết sức rõ ràng. Thứ nữa nếu một người lành lặn yêu người khuyết tật, gia đình - đặc biệt là bố mẹ của người không khuyết tật thường phản đối vì họ sợ rằng nếu lấy con họ sẽ khổ. Ngoài ra là những lo sợ về di truyền, khả năng chăm sóc con cái yếu kém và khó khăn sau này do bệnh nặng thêm, kinh tế khó khăn, xấu hổ với xã hội...
Mặc khác, người khuyết tật cũng thường có mặc cảm mình làm khổ người yêu với suy nghĩ sai lầm kiểu như: Đáng ra anh (cô) ấy sẽ hạnh phúc hơn nếu yêu và lấy người lành lặn. Nói chung, dư luận xã hội cho rằng sẽ là đôi đũa lệch nếu như một cô gái khỏe mạnh lấy một chàng trai khuyết tật (hoặc ngược lại) và nghĩ rằng họ đến với nhau vì một lý do khác chứ không phải tình yêu. Nên nhớ rằng đúng là có những khó khăn nhất định trong hôn nhân đối với người khuyết tật nhưng hạnh phúc gia đình không chỉ phụ thuộc duy nhất vào việc người nào đó có khuyết tật hay không, mà hạnh phúc gia đình phải dựa vào tình yêu chân thật. Nếu đôi bạn có tình yêu chân thành xuất phát từ con tim thì dù khi thịnh vượng cũng lúc gian nan, khi khuyết tật cũng như lành lặn, họ vẫn yêu nhau và hạnh phúc suốt đời. Ngược lại, nếu tình yêu đôi bạn dành cho nhau mà giả dối thì dù có lành lặn vẫn khổ, có thể gây khuyết tật tâm hồn và thể xác suốt đời nữa là khác.
Chúng ta nên nhớ rằng ông bà ta có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Ông bà muốn dạy rằng chúng ta đừng đánh giá nhau bằng hình dáng bên ngoài mà bên trong. Cho nên, đừng vì người ta khuyết tật mà cho họ là thế này thế nọ… họ cũng là con người như chúng ta, họ cũng có những phẩm giá, nghị lực, tâm hồn đáng trân trọng. Vì vậy, chúng ta hãy đến với họ với tấm lòng chân thành, yêu thương và quí mến họ như mình ta vậy. Vì chưng, xã hội là cộng đồng người trong đó có người hiền người dữ, người khỏe mạnh, người ốm đau, người lành lặn va người khuyết tật sống chung với nhau. Để cuộc sống chung này không “đụng”, cần có một tấm lòng. Tấm lòng đó là sự hiểu biết, cảm thông, chịu đựng, tha thứ và yêu thương nhau.

d. Tâm lý

Tâm lý của khá đông người khuyết tật là mặc cảm, tự đánh giá thấp bản thân mình so với những người bình thường khác. Nhiều người khuyết rất nhạy cảm hay mặc cảm ngoại hình, tức là sự chú trọng quá mức đến khiếm khuyết cơ thể của mình đến nỗi chẳng muốn vươn lên, vượt qua và hòa nhập. Tuy nhiên điều này không phải luôn luôn đúng, người ta nhận thấy cũng có nhiều người khuyết tật nỗ lực tồn tại, vươn lên, vượt qua, hòa nhập, giao lưu, lập gia đình, sinh con cái như những người lành lặn. Họ coi khuyết tật như một “tai nạn” để rồi vượt lên chính mình. Vì vậy, hỡi các bạn khuyết tật hãy biết chấp nhận chính mình, hãy can đảm vươn lên dù khó khăn hầu làm cuộc sống chúng ta thêm vui tươi và hy vọng thay cho u sầu đắng cay. Còn các bạn khỏe mạnh, các bạn hãy hiểu, cảm thông, giúp đỡ, tạo điều kiện tốt cho người khuyết tật hầu họ có thể có tinh thần, có ý chí, có niềm vui và có tình người để hòa nhập xã hội mà vui sống. 

e. Kỳ thị - Phân biệt đối xử

Sự phân biệt đối xử của cộng đồng là nguyên nhân chính làm cản trở người khuyết tật có cuộc sống tốt đẹp. Cản trở lớn nhất với người khuyết tật là kỳ thị, nó là rào cản vô hình nhưng tàn nhẫn đẩy nhiều người ra bên lề của cuộc sống. Và kỳ thị không phải là vấn đề thuộc vật chất, của khoa học kỹ thuật - nó là vấn đề thuộc tâm lý, và sự ý thức sâu xa giá trị sống của con người - mà không phải là lòng thương hại - nhưng là lòng cảm thông thực sự sẽ chỉ hướng cho hành động đúng đắn của chúng ta.
Cho nên, người khuyết tật cần lắm thái độ tôn trọng, không kỳ thị của mọi người để có thể tự tin và vui sống hơn. Đồng thời cũng cần hiểu rằng, bất cứ người lành lặn nào cũng có nguy cơ tiềm ẩn trở thành người khuyết tật.
         
                                                       Thạch Nguyễn
                                                       Quang Quốc

Tham Khảo: Người khuyết tật – Bách Khao Toàn Thư Mở


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét