Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015

TRƯỞNG THÀNH ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN

NHỮNG DỊP LÀM TA DỄ MẤT ĐỨC TIN
                                 Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

            Giáo Lý Hội Thánh Công giáo dạy rằng: “Tin trước hết là gắn bó bản thân con người với Thiên Chúa, đồng thời cũng là tự nguyện chấp nhận tất cả chân lý Thiên Chúa đã mặc khải: Nhờ bao gồm cả hai điều trên, đức tin Kitô giáo khác với việc tin tưởng một người phàm. Thật là chính đáng và phải đạo khi phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa và tin tuyệt đối điều Người dạy” (số 150). Như vậy, đức tin không phải là một mớ giáo lý mà ta đã học, cũng không phải là một sự chinh phục, mà là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa. Nhờ ân ban ấy, con người có được một lối sống tin tưởng, phó thác và chủ động theo Chúa, “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37,5). Lối sống đó là soi mình dưới bóng Chúa, đặt hành vi luân thường đạo lý dưới Lời Chúa qua từng biến cố của cuộc đời. Nghĩa là biết đáp ứng bằng đức tin trong mọi tình huống bằng hành động cụ thể.
            Bạn thân mến,
Người đời thường nói: “Chết thì dễ, sống mới khó”, còn chúng ta nói: “Tin thì dễ sống mới khó”. Đúng thế, Chúa Giêsu từng dạy rằng "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa! "là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Thi hành ý Chúa hay nói cách khác là sống Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày mới là khó. Khó quá nên chúng ta dễ bỏ và như thế dần dần làm đức tin của chúng ta chết nghẹt, không còn tin tưởng vào Thiên Chúa toàn năng và đầy yêu thương nữa. Nhưng chúng ta không thể mất đức tin vì chưng không có đức tin thì không thể đẹp lòng Thiên Chúa” (Dt 11,6) và cũng không thể chia sẻ chức vị làm con Thiên Chúa, hơn nữa không ai được công chính hóa mà không cần đức tin, và “nếu không bền chí trong đức tin cho đến cùng, không ai đạt tới cuộc sống muôn đời” (GLHTCG, số 161). Vậy, trong cuộc sống, có rất nhiều dịp dễ làm cho ta mất đức tin, chúng ta hãy coi chừng!
      Thứ nhất, có sức khỏe tốt, một thân thể lành lặn và có cha có mẹ. Sách Sáng Thế kể rằng: “Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất." Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1,26-31). Rồi Sách Sáng Thế kể tiếp: “Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: "Có thật Thiên Chúa bảo: "Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không? Người đàn bà nói với con rắn: "Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: "Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết." Rắn nói với người đàn bà: "Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác." Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn. Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân” (St 3,1-7).
            Rõ ràng, hai ông bà nguyên tổ được Chúa dựng nên hoàn hảo, thân xác mạnh khỏe và lành lặng. Đáng lý ra họ phải cảm tạ, tri ân và vâng phục Chúa để sự phong phú ấy được triển nở và bền lâu chứ. Nhưng, vì kiêu ngạo, muốn mình có tất cả, muốn tiếm quyền của Thiên Chúa nên phạm tội và thế là họ đánh mất niềm tin.
Bạn thân mến,
Nếu sinh ra đời hay mỗi mai thức dậy sáng nay, bạn được thân hình lành lặn, khỏe mạnh, bình an, được sống tự do, không phải mang thân khuyết tật hay nằm trong phòng cấp cứu bệnh viện, thì bạn cần phải cảm tạ ơn Chúa đồng thời mến yêu và phụng thờ, tin tưởng và cậy trông vào Ngài. Vì đời người “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, cảnh phù du trông thấy cũng nực cười” (Cao Bá Quát). Còn Lời Chúa nói: Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình” (Tv 103,15-16). Nếu bạn chưa từng cảm nhận sự nguy hiểm ngoài mặt trận, sự cô đơn trong nhà tù, sự đau đớn khi bị tra tấn, cảnh nhục nhã, trốn tránh, sự đói ăn khát uống, cảnh sống lang thang vô gia cư, sống không biết ngày mai sẽ ra sao, thì bạn cảm tạ Chúa vì bạn  hạnh phúc hơn mấy trăm triệu người trên thế giới, đồng thời phải luôn cầu nguyện, giúp đỡ, ủi an và chia sẻ vật chất cho họ vì Lời Chúa dạy rằng: “Ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì? Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,14-17).
Hay nếu ban sinh ra có cha có mẹ và ba mẹ bạn vẫn còn sống, bạn may mắn hơn vì họ vẫn còn sống chung với nhau, vẫn thương yêu, săn sóc bạn. Bạn phải cảm tạ Chúa và cảm ơn cha mẹ đồng thời phải thương yêu, chăm sóc và vâng lời các ngài. Đừng để chờ đến khi ba mẹ sắp qua đời mới hiếu thảo? Vì chưng, Lời Chúa dạy: “Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ. Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi” (Hc 3,3-7.14-17a).
Tóm lại, khi bạn có được sức khỏe và thân xác lành lặn. Trước hết, bạn phải tỏ lòng biết đối với Thiên Chúa vì “chúng ta được lãnh nhận một vương quốc vững bền không lay chuyển, chúng ta phải biết ơn Thiên Chúa. Với lòng biết ơn đó, chúng ta hãy kính sợ mà phụng thờ Thiên Chúa cho đẹp lòng Người” (Dt 12:28). Thứ đến, cảm ơn cha mẹ và cảm ơn đời vì có người thì mới có ta. Và cuối cùng, phải biết chia sẻ, cảm thông và trao ban những gì mình có cho những người cần bạn giúp đỡ để lấy phúc và đức cho mình, phòng khi sau này mình có xa cơ thất thế, họ sẽ giúp lại chúng ta. Khi làm được như điều như thế, tôi tin chắc rằng đức tin bạn thật sự sống động và giữ vững nó mãi cho đến cho Chúa đến và nhờ hành động mà đức tin của bạn nên hoàn hảo (Gc 2,22).

Thứ hai, khi mang một thân thể khuyết tật hay một căn bệnh thể xác hoặc tâm thần. Bệnh, khuyết tật thể xác hay tâm thần là một hiện tượng hiển nhiên trong cuộc đời. Có mang thân người là có “bệnh tật”. Cho nên, ông bà ta dạy: “sinh lão bệnh tử” là qui luật của con người. Mỗi chúng ta có thể trải qua một hay nhiều lần “bệnh tật”, không lúc này thì khi khác, không nặng thì nhẹ. Nếu bạn đến giây phút này vẫn chưa một lần “bệnh tật” thì đó là một hạnh phúc lớn. Nhưng ít ra, bạn cũng chứng kiến người thân của mình bị “bệnh tật” và biết chắc rằng, đến một lúc nào đó, mình có thể bị “bệnh tật”. Do đó, “bệnh tật” là một hiện tượng rất gần gũi với con người trực tiếp hoặc gián tiếp dù người đó giàu, nghèo, chức quyền, thường dân, giáo sĩ hay giáo dân... Người đời khi nói đến bệnh tật, là người ta nghĩ đến sự đau đớn, khổ sở, khó chịu, buồn bã, âu lo, sợ hãi, tủi hổ, xấu xa. Diễn nhiên, bệnh là đau, khuyết tật không chỉ đau mà còn “thiếu”. Điều này không ai phủ nhận. Nhưng điều quan trọng là làm thế nào, dù đau hay thiếu về thân xác, chúng ta đừng có khổ, hay khuyết về tâm. Chúng ta nói rằng bệnh tật làm sao mà không buồn không khổ, khuyết tật làm sao không mặc cảm? Tôi đã từng thắc mắc như nhưng sau khi bệnh tật, tôi nghiệm ra rằng lúc mình bệnh tật là cơ hội để nhận biết tín hiệu cơ thể mình yếu ớt lắm, thiếu nhiều lắm vì Lời Chúa nói: “Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi. Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng. Một cơn gió thoảng là xong. Chốn xưa mình ở cũng không biết mình!” (TV 103,15-16). Thứ đến, bệnh tật là dấu hiệu cho bạn biết rằng bạn cần điều chỉnh cho cuộc sống trở nên thoải mái hơn, cần tin tưởng phó thác vào Chúa và cần giàu nghị lực, ý chí để vươn lên trong tinh thần cũng như thể xác. Vì chưng, Chúa nói: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu" (Lc 12,5). Rồi khi bệnh tật, chúng ta thấy nhu cầu cho đời sống tâm linh trở nên cần thiết hơn vì “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, rượu con đầy tràn chan chứa” (Tv 23,1-5).
     Bạn thân mến,
      Cuộc sống của những người lành lặn thường bận rộn đến nỗi họ không thể dành được thời gian để nhìn ra không gian, không thể khám phá ra được những người khuyết tật hay ít ra họ biết được những con người ấy, họ cũng không thể hiểu hay cảm thông được. Có thể nói, những người khuyết tật giống như những người ở trên một con thuyền mắc cạn, bị sa lầy trong đám bùn bên bờ sông, nhìn những con tàu khác nhởn nhơ qua lại. Còn họ, nằm yên tại chổ. Sống, đối với họ cũng như đối với người khác có còn hữu ích gì không?
     Nếu họ có đức tin, họ có thể nghi ngờ lòng nhân từ của Thiên Chúa. Nếu họ không tin Chúa, có lẽ họ vẫn đi tìm câu trả lời; nhưng tìm đâu ra được giải đáp cho số phận hẩm hiu của họ? Cứ sự thường, họ khép kín trước mọi gợi ý về một niềm tin tôn giáo.
         Đã hẳn, các phương tiện truyền thông đã đưa ra một số người khuyết tật tiêu biểu, họ có nghị lực mạnh mẽ, phát huy được những khả năng phi thường của mình và đã hội nhập trọn vẹn với cuộc sống. Có những người đã nỗ lực vượt khó và thành đạt không kém, thậm chí còn hơn nhiều người không khuyết tật. Có những cuộc trình diễn văn nghệ của những người khuyết tật mà trình độ và chất lượng không thua kém những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Và còn có cả một cuộc thi thể thao Olympic cho người khuyết tật. Cũng có những người Ki-tô hữu khuyết tật, nhưng với niềm tin sâu xa vào Đức Ki-tô đau khổ, tử nạn và phục sinh, họ đã sống một cuộc sống nhân bản và tâm linh thật tỏa sáng. Tất cả những ai tiếp xúc với họ đều cảm nhận được những ảnh hưởng tốt lành của họ.
Bạn thân mến,        
Người đời coi đau khổ là một cái gì đó xấu, tội chẳng ai muốn đón nhận. Còn với Đức Giêsu dạy chúng ta cần phải chấp nhận bệnh tật để chiến đấu và chiến thắng vì bệnh tật là thông phần đau khổ với Chúa Giêsu hầu thông phần vinh quang với Ngài. Vì vậy, Thánh Giacôbê xác tín: “Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì” (Gc 1,2-4). Cho nên Đức Giêsu đến trong trần gian không phải để xóa đi mọi đau khổ bệnh tật nhưng để đem lại cho đau khổ một ý nghĩa cứu độ, cho người đau khổ một niềm vui giải thoát.  Ngài đã giải thoát họ khỏi những chán chường thất vọng và đưa họ vào lại trong sự hiệp thông tình yêu với Thiên Chúa cũng như với mọi người trong xã hội.  Vì vậy, Chúa Giêsu còn hơn một Thầy Thuốc, Đức Giêsu là Vị Cứu Tinh của cả nhân loại.  Bởi vì Ngài đã không những chữa lành những nỗi đau nơi thân xác mà còn chiến thắng cả cái chết và quyền lực của tội lỗi đang tác động trong đau khổ, để đem đến cho con người một sự giải thoát toàn diện, đưa họ vào trong vinh quang và sự sống.  Đây mới thật là mối bận tâm sâu xa của Đức Giêsu: bận tâm rao giảng Tin Mừng hay mạc khải tình thương cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người.  Nhờ đó, đau khổ thay vì là sự vắng mặt của Thiên Chúa, sẽ là sự hiện diện của một tình yêu, chính là bình an của Chúa.
 Cho nên, Đức Giaó Hoàng Phanxicô nói rằng: Hoạt động cứu độ của Đức Ki-tô không chỉ diễn ra cùng với con người và cuộc sống tại thế của Ngài nhưng vẫn còn tiếp diễn thông qua Giáo Hội, bí tích của tình yêu và sự âu yếm của Thiên Chúa dành cho con người. Sai phái những môn đệ của mình trong các sứ mạng, Đức Giêsu ban cho họ một sự ủy thác kép: loan báo Tin Mừng cứu độ và chữa lành những bệnh tật (Mt 10, 7-8). Tin vào giáo huấn này, Giáo Hội đã luôn dành sự quan tâm hỗ trợ hết mình đối với những ai bệnh tật trong sứ mạng của mình. Những người nghèo khó và những người đau khổ lúc nào cũng ở bên cạnh các ngươi”, Đức Giêsu cảnh báo như thế (Mt 26,11), và Giáo Hội tiếp tục tìm kiếm họ trên các ngả đường, quan tâm đến những ai yếu đau như một phương thế đặc quyền để gặp gỡ Đức Ki-tô, để đón nhận Ngài và phục vụ Ngài. Quan tâm đến một người yếu đau, đón nhận người đó, phục vụ người đó là phục vụ Đức Ki-tô: người yếu đau là thịt của Đức Ki-tô”(Bài giảng trong Giờ kinh truyền tin 08-2-2015). 
Vì vậy, mỗi khi đứng trước bệnh tật của kẻ khác, nhiều khi bạn cảm thấy bất lực, không biết phải nói gì, không biết phải làm gì. Những lúc đó, trong giới hạn của mình và đầy tình thương, bạn vẫn có thể làm một cái gì đó để xoa dịu tinh thần cũng như trợ lực cho thể xác của họ.  Rất có thể người ấy chỉ cần chúng ta im lặng và cảm thông với bệnh tật của họ, hoặc lắng nghe họ tâm sự.  Cũng có thể họ chờ đợi được nghe một tin vui, chờ đón một nụ cười… Ngay cả khi không thể thực hiện các việc đó, bạn vẫn có thể cầu nguyện cho họ. Và mỗi khi gặp phải bệnh tật, bạn hãy dâng bệnh tật ấy lên cho Chúa trong các giờ kinh lễ của bạn hằng ngày. Vì khi cầu nguyện với Chúa, chắc chắn bạn có được sự trợ giúp của Chúa, có thêm những sức mạnh siêu nhiên và ý chí nghị lực giúp bạn chịu đựng đớn đau và vươn lên vượt qua bệnh tật trong bình an của Chúa. Cầu nguyện với Chúa trong bệnh tật sẽ tạo ra một sức mạnh làm thêm ơn thánh, giúp ta tin rằng khi biết chịu đựng đau khổ vì danh Thiên Chúa, nhất định Chúa sẽ ban cho chúng ta mọi ơn lành. Vì Lời Chúa xác quyết: “Đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, hãy đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn mà giãi bày trước mặt Chúa. Và… Chúa sẽ ban cho bình an vượt lên trên hết mọi hiểu biết. Và bình an ấy sẽ điều khiển cách suy nghĩ và cảm nhận của bạn” (Pl 4,6-7). Vì vậy, dù bất cứ nguyên nhân hay bất cứ điều gì xảy ra, bạn phải kiên trì và kiêm tốn cầu nguyện, chắc chắn Chúa làm mọi điều tốt đẹp cho cho bạn (Rm 8,28).
                                             


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét