40 CẦU HỎI VỀ THÁNH LỄ
(Tiếp theo)
17. Tại
sao phải làm tới ba dấu thánh giá trước khi nghe Tin Mừng?
Khi linh mục loan báo sẽ đọc bài
Tin Mừng nào đó (Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mát-thêu, thánh Mác-cô,
thánh Lu-ca hay thánh Gio-an), chúng ta tuần tự làm một dấu thánh giá trên
trán, một trên môi miệng và một trên ngực. Tập tục này có từ thế kỷ thứ XI và
mang nhiều ý nghĩa phong phú.
Làm ba dấu thánh giá như thế để
xin Chúa ban ơn và chúc lành cho chúng ta. Qua dấu thánh giá trên trán, trên
môi và trên ngực, chúng ta cầu xin cho lời Tin Mừng, mà chúng ta sắp nghe, thấm
nhập trọn vẹn trong con người, bám rễ sâu trong trí khôn và trong tâm hồn của
chúng ta. Chúng ta cũng xin cho trí tuệ của mình được soi sáng để thông hiểu
Lời Chúa và cho tâm hồn được sưởi ấm để đón nhận Tin Mừng.
Khi làm ba dấu thánh giá, chúng
ta có thể đọc thầm lời nguyện như sau: "Xin Lời Chúa mở rộng lòng trí con,
cho miệng lưỡi con biết công bố Lời Ngài, cho con biết giữ Lời Ngài trong tâm
hồn con và thực thi Lời Ngài".
18. Tại
sao đọc kinh Tin Kính?
Trong thánh lễ, một trong những
giây phút liên hệ chặt chẽ với Lời Chúa, đó là lúc đọc kinh Tin Kính hay lời
tuyên xưng đức tin. Kinh Tin Kính được đọc trong các lễ chúa nhật và lễ trọng
như là sự chấp nhận và đáp lại Lời Chúa mà giáo dân đã nghe trong các bài đọc
và bài giảng.
Kinh Tin Kính tóm tắt tất cả các
điều căn bản của đức tin Kitô giáo. Đọc kinh Tin Kính là dấu chỉ nhìn nhận đức
tin của mọi Kitô hữu.
19. Đâu
là ý nghĩa của Lời nguyện cho mọi người?
Tiếp sau phần Tuyên xưng đức tin
là phần lời nguyện cho mọi người (cũng gọi là lời nguyện tín hữu).
Cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa
những lời cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn không những cho Giáo Hội, cho
cộng đoàn và cho những người tham dự thánh lễ, mà còn cho tất cả mọi người, như
lời khuyên của thánh Phaolô (1 Tm 2, 1).
Trong lời nguyện cho mọi người,
chúng ta để con tim chúng ta cùng rung nhịp đập với mọi tạo vật, với mọi chiều
kích của vũ trụ, biết thông cảm với những khổ đau, lao nhọc, với những niềm hy
vọng của mọi người trên trái đất này.
Lời nguyện cho mọi người phải ôm
trọn toàn thế giới trong vòng tay của mình và khẩn cầu Thiên Chúa đổ ơn dồi dào
trên các tạo vật của Người.
20.
Quyên tiền có phải là nghi thức thừa thãi không?
Một số người không thích quyên
tiền trong các thánh lễ Chúa nhật, vì việc ấy làm chia trí trong lúc cầu
nguyện. Phải chăng đó là hành vi quá vật chất và trần tục trong khung cảnh hoàn
toàn thiêng liêng?
Quyên tiền là một nghi thức rất
cổ xưa và là sự tổng hợp của hai cách thực hành đã có từ buổi đầu của Kitô
giáo:
° Một đàng, các tín hữu đem bánh
và rượu đến để dâng thánh lễ. Các lễ vật này được rước kiệu lên bàn thờ, được
chủ tế đón nhận để dâng lên Thiên Chúa. Đó là nguồn gốc của phần Dâng Lễ và lời
nguyện tiến lễ (lời nguyện trên lễ vật). Từ thế kỷ thứ IX, vì việc nhận lễ vật
bằng tiền mặt có vẻ tiện lợi hơn, nên việc rước kiệu lễ vật được thay thế bằng
việc quyên tiền. Việc quyên tiền này trong thánh lễ là dấu chỉ sự tham dự tích
cực của mọi tín hữu vào thánh lễ cũng như lễ vật của mỗi người. Nghi thức kiệu
lễ vật trong thánh lễ, hiện vẫn còn được thực hiện tại một vài miền và vào các
dịp lễ lớn, giữ lại dấu vết của tục lệ cổ xưa này.
° Đàng khác, tình liên đới giữa
các phần tử trong cộng đoàn Kitô được cổ vũ ngay từ thời sơ khai để cung cấp
cho những nhu cầu của Giáo Hội và của người nghèo.
Do đó việc quyên tiền trong thánh
lễ là một trong những phương cách thể hiện lòng biết ơn đối với Thiên Chúa và
tình liên đới với tha nhân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét