LÒNG THƯƠNG XÓT KHÔNG TÍNH TOÁN
Các
bạn thân mến,
Có một nhà thần học
nhận xét: giả sử một ngày nào đó người ta đánh mất toàn bộ cuốn sách Phúc âm
nhưng chỉ còn 3 dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay: một trăm con chiên lạc mất một
con, mười đồng đánh mất một đồng và hai đứa con trai, người ta vẫn tìm thấy cái
cốt lõi của Tin mừng. Tại sao? Vì nó diễn tả trọng tâm của sứ điệp Tin mừng mà
Chúa Giêsu loan báo. Đó là tình yêu thương xót vô điều kiện của Thiên Chúa vượt
lên trên mọi gian nan khốn khổ và mọi tính toán của con người.
Dụ ngôn thứ nhất: ông
chủ bỏ chín mươi chín con đi tìm một con. Nghe qua ta nói ngay ông chủ này điên
rồi vì nếu bỏ 99 con đi tìm một con lạc, khi tìm được con lạc được về thì chắc
chắn 99 con kia đi lạc hay bị thú dữ ăn thịt. Ông không điên đâu! Vì theo tục
lệ người Do thái, dân du mục, khi đi chăn là chăn theo bày đàn nên nhiều chủ.
Cho nên, ông chủ kia đi tìm thì gửi 99 kia cho chủ khác coi dùm. Nhưng, Chúa
dùng dụ ngôn này nói đến tình yêu thương xót của Thiên Chúa dành cho chúng ta
đến nỗi dám hy sinh gian khổ, liều mạng để tìm cho được con chiên lạc, con
chiên hư hỏng về đàn chiên. Tình yêu thương xót vượt trên gian nan khốn khổ.
Cho nên, bài đọc 1, sách Xuất Hành kể dân Ít-ra-en được Chúa thương cứu mạng
sống, đáng lý ra phải vâng nghe theo Chúa dạy, đàng này phản bội, nỗi loạn,
phạm tội thờ bò vàng thay vì thờ Chúa. Nhưng, qua Môsê, Chúa không những thương
không giáng phạt mà còn ban cho con đàng cháu đống và đất như lời Chúa hứa.
Dụ ngôn thứ hai, các
bạn thân mến,
Ai đời, bà kia mất
một đồng nhưng tìm được rồi phải “rửa”, mở tiệc mừng tốn hết mười đồng. Chúa
nói mừng vì tìm được, tốn mấy cũng chẳng sao miễn sao tìm được? Tình yêu thương
xót vượt trên mọi tính toán! Cho nên, trong bài đọc hai, Thánh Phaolô nói rằng
Chúa Kitô đã đến thế gian đi tìm những kể tội lỗi, tìm mãi tìm đến nỗi phải
chết và sống lại tìm cứu lấy những kẻ tội lỗi trong đó có Phaolô trở về đường
ngay nẻo chính. Nên Thánh Phaolô xác tín rằng Chúa đã đặt tôi làm gương, nên ai
tin vào Chúa Kitô thì được cứu, được sống muôn đời.
Tình yêu thương xót
Chúa dành cho chúng ta là thế. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có dám tin và
sống cho tình yêu thương xót ấy không? Chắc chắn chúng ta sẽ trả lời không
ngay! Vì chúng ta là con người chứ đâu phải thánh đâu mà yêu người vô vị lợi
như thế. Nhưng, nói đi thì phải nói lại rằng các Thánh cũng là con người nhưng
biết sám hối trở về, phó thác đời mình cho Chúa, sống theo Lời Chúa. Cụ thể,
thánh Phêrô, Thánh Phaolô. Cho nên, nếu chúng ta không dám tin và trao phó cuộc
đời mình cho tình yêu thương xót vô điều kiện của Thiên Chúa, chúng ta sẽ rơi
vào một trong hai trạng thái của hai người con trong dụ ngôn thứ ba.
+ Hoặc như người con
út.
Người con út cảm thấy
Thiên Chúa như bức tường cản trở, bó buộc tự do của mình và vì thế mình tìm mọi
cách để dành lại quyền tự do để sống cuộc đời theo sở thích của mình cho nó đả.
Cho nên, hắn nói xin cha chia gia tài khi cha còn sống đồng nghĩa rằng xin cha
chết quách đi cho rồi, để con tự do bay nhảy, bao lâu còn ở với cha thì bị gò
bó, mất tự do. Thật sự, trong cuộc sống hằng ngày có những lúc chúng ta suy
nghĩ, hành động như thế? Chẳng hạn, bây giờ thời đại văn minh rồi thứ bảy, Chúa
Nhật đi nhậu, giải trí, thể thao hay đi bắt “Pokemon Go” cho đả, chứ tội gì mà
phải đi lễ Chúa nhật khổ quá, mất giờ... Hoặc chuyện gian dối trong làm ăn,
buôn bán, học hành là chuyện thường tình, ai ai cũng làm được mà tại sao Chúa
cấm tôi, mất tự do quá! Xin Chúa thông cảm nhé, đợi kiếp sau con theo Chúa,
nghe Lời và sống Lời Chúa vậy. Cho nên, không lạ gì, việc giữ và sống Đạo của
các bạn trẻ ngày nay rất hời hợt, tẻ nhạt và khô khan. Cụ thể, trong một báo cáo mới đây, tiến sĩ Mark Gray, một chuyên
viên nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu ứng dụng về Tông đồ (viết tắt CARA) tại
đại học Georgetown cho biết rằng các tín hữu Công giáo trẻ cũng cho thấy độ tuổi
đặc trưng quyết định rời bỏ đức tin là vào khoảng 13 tuổi. 63% những người được hỏi nói rằng họ đã bỏ Công giáo vào
khoảng từ 10-17 tuổi, và 23 % rời bỏ trước khi lên 10. Ông cho biết lý do các bạn trẻ rời bỏ đức
tin Công giáo vì thánh lễ nhàm chán, ngoài xã hội có nhiều thú vui hơn.
Các bạn thân mến, đó
là thằng em út, còn anh cả thì sao,
Anh không đủ can đảm
để đòi quyền tự do bỏ nhà ra đi vì sợ chết sợ đói, cho nên đành ở nhà cha nhưng
không sống như người con mà như một tên nô lệ vì anh ta nghĩ mình phải lo mọi
việc tỷ mỉ bởi ông cha lúc nào cũng rình mò, ông thấy được thì tống xuống hoả
ngục thì khốn khổ thay. Nếu chúng ta sống đạo một cách sợ hãi, không có niềm
vui, không có lòng mến, như thế chẳng khác nào thờ Chúa vì bất đắc dĩ, cực
chẳng đả.
Các bạn Thân mến,
Trong đời sống xã
hội, những người bé nhỏ nghèo hèn thường bị bỏ quên: sống cô đơn, chết cô độc,
chìm vào quên lãng. Nhưng trong trái tim Thiên Chúa, mỗi người đều chiếm một vị
trí quan trọng. Mỗi người đều là duy nhất độc đáo, không thể thay thế được đối
với Thiên Chúa. Càng bé nhỏ nghèo hèn lại càng chiếm vị trí quan trọng trong
tình yêu Thiên Chúa. Qủa thật, lòng thương xót Chúa lớn hơn cả trái tim của ta.
Ơn lành của Thiên Chúa lớn hơn cả tội lỗi của ta. Sự tha thứ của Thiên Chúa lớn
hơn cả trí tưởng tượng của ta. Tất cả chúng ta hãy đến với Người. Hãy mang theo
những yếu đuối lầm lỡ của ta. Hãy cho Người xem vết thương từ lâu gặm nhấm trái
tim ta. Hãy tâm sự nỗi buồn vô vọng của ta. Thiên Chúa Cha chúng ta Đấng giàu
lòng thương xót. Không có tội lỗi nào Người không tha thứ, không có vết thương
nào Người không chữa lành. Không có nỗi buồn nào Người không an ủi.
Ước
gì qua lời Chúa hôm nay, xin Chúa giúp chúng con thờ phượng Chúa và thi hành
Lời Chúa hết mình không tính toán, so đo hay vụ lợi chỉ vì Chúa đã thương con
như vậy. Nhất là biết tín thác vào lòng Chúa xót thương dù cuộc đời có ban chìm
bảy nổi chín lênh đênh, biết ăn năn sám hối, năng chịu các Bí Tích để mọi chúng
ta được mọi ơn lành của Chúa. Đặc biệt biết thương xót mọi người xung quanh ta bằng
một tình yêu thương xót vô điều kiện, không tính toán như Đức Giêsu, Chúa chúng
ta như thế chúng ta mới thật sự là môn đệ của Chúa giàu lòng xót thương. Amen.
Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang
thích nhất là dụ ngôn thứ hai, rất ok luôn, mời các bạn tham khảo các thông tin sau >>> Giải quyết các vấn đề nhiệt miệng cho trẻ như thế nào ?
Trả lờiXóa