Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

TUỔI ĐỜI VÀ TUỔI ĐẠO CÀNG THÊM TUỔI CÀNG THÊM NHÂN ĐỨC

                  Bạn thân mến,
       Người Việt Nam mới lần đầu gặp nhau thường hay hỏi tên, tuổi con gì? Tại sao người ta không hỏi sinh năm mấy mà hỏi tuổi con gì? Bởi vì, được trả lời tuổi con gì, người hỏi vừa biết mấy tuổi, sinh năm nào vừa biết tính tình, tính cách của người đó. Vì chưng, trong 12 con giáp mỗi con mang một tính khí riêng của nó. Chẳng hạn, Tý (con chuột), người mang tuổi Tý rất duyên dáng, rất tích cực và năng động. Sửu (con Trâu), người tuổi Sửu rất siêng năng và có lòng kiên nhẫn. Dần (Con Hổ), người tuổi Hổ thường rất dễ nổi giận, mạnh mẽ. Mẹo (con Mèo): người tuổi Mẹo ăn nói nhẹ nhàng, nhiều tài năng, có tinh thần mềm dẻo và kiên nhẫn. Thìn (con Rồng) người tuổi Thìn rất trung thực, năng nổ nhưng rất nóng tính và bướng bỉnh. Tỵ (con Rắn), người tuổi Tỵ nói ít nhưng rất thông thái, rất điềm tĩnh, hiền lành, sâu sắc và cảm thông nhưng thỉnh thoảng cũng hay nổi giận. Ngọ (con Ngựa), người tuổi Ngọ thường ăn nói dịu dàng, thoải mái và rộng lượng, có tính thanh sạch, cao quý và thông thái và đầy thân ái tình người. Mùi (con dê), người tuổi Mùi thường rất điềm tĩnh nhưng nhút nhát, rất khiêm tốn, rất cảm thương người hoạn nạn và thường hay giúp đỡ mọi người. Thân (con khỉ), người tuổi Thân thường là một nhân tài có tính cách thất thường, nhưng rất vui vẻ, khéo tay, tò mò và nhiều sáng kiến, nói nhiều nên dễ bị người khác xem thường và khinh ghét. Dậu (con gà), người tuổi Dậu có tư duy sâu sắc, làm ăn cần cù. Tuất (con chó), người tuổi Tuất quan tâm đến những người khác nhiều hơn chính bản thân mình. Hợi (con heo), người tuổi Hợi rất hào hiệp, galăng, tốt bụng và dũng cảm nhưng thường rất bướng bỉnh, nóng tính nhưng siêng năng và chịu lắng nghe.

    Thánh Kinh có nó đến hai con: con dê và con chiên. Thứ nhất con dê,  sách Lêvi, Chương 16 kể rằng“Ngày 10 tháng 7, dân Israen cử hành đại lễ Đền tội. Họ phải hãm mình và ăn chay chung. Đây là ngày duy nhất trong năm, vị Thượng Tế được phép vào tận trong Cung Cực Thánh, nơi Thiên Chúa ngự, và ông vào đó chỉ cốt để xin ơn xá tội, tội của mình, tội của gia đình ông, tội của toàn dân. Ông lại ra ngoài và người ta đưa đến cho ông hai con dê : ông sẽ bắt thăm, trúng con nào, ông tế sát con ấy và đem máu vào trong Cung Cực Thánh rẩy lên Bàn Xá tội, lần này để xin tha tội cho dân. Còn con dê kia, ông cho dẫn lại đặt hai tay trên đầu dê còn sống, ông lớn tiếng xưng thú mọi tội lỗi dân đã phạm cùng mọi điều ngỗ nghịch họ đã làm, ông trút lên đầu nó mọi tội lỗi của dân, rồi ông sai một người đem thả con dê ấy vào sa mạc đồng hoang cỏ cháy, con dê sẽ mang lấy trên nó các lỗi lầm của dân chúng vào đất khô khan... Như vậy rõ ràng tính cách của con dê là thương người hoạn nạn và giúp đỡ mọi người bằng cách mang hết tội mọi người vào thân.

       Thứ hai con chiên, chiên còn có một mang tính cách đáng yêu hơn hiều. Sách Xuất Hành viết rằng: “Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm. Hãy nói với toàn thể cộng đồng Ít-ra-en: Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo số người. Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên. Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được. Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng. Các ngươi không được ăn sống hay luộc, nhưng chỉ được ăn nướng, với cả đầu, chân và lòng. Không được để lại gì đến sáng; cái gì còn lại đến sáng, phải đốt đi. Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã: đó là lễ Vượt Qua mừng ĐỨC CHÚA. Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai-cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai-cập: vì Ta là ĐỨC CHÚA. Còn vết máu trên nhà các ngươi sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng hoạ trên đất Ai-cập. Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng ĐỨC CHÚA” (Xh 12,2-14). Và cứ thế, hằng năm, vào Lễ Vượt Qua của người Do Thái, mỗi gia đình có tục lệ ăn thịt một con chiên. Phải lựa con chiên non dưới một năm tuổi, tốt đẹp, không tì vết. Người Do Thái ăn thịt chiên Vượt Qua, kỷ niệm ngày Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Lễ Vượt Qua được cử hành vào đầu mùa xuân. Người Do Thái nhớ đến con chiên đã chết cho họ được sống. Máu chiên đã đưa họ ra khỏi mùa đông tăm tối, tiến vào mùa xuân tươi sáng. Máu chiên đã giúp giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, đưa họ về miền Đất Hứa, sống trong tự do. Rõ ràng, con chiên ở đây là biểu tượng của sự vâng phục, hiền lành và tình yêu, không nhe nanh vuốt trước bất cứ đối tượng nào tấn công nó, nhưng luôn chịu đựng và phục tùng cùng với sự hiến tế chính mình.
        Chúa Giêsu đã chịu khổ nạn và chịu chết vào dịp Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Bữa tiệc ly chính là tiệc Lễ Vượt Qua mà Chúa Giêsu ăn với các môn đệ. Chịu chết vào dịp Lễ Vượt Qua cho nên Chúa Giêsu chính là Con chiên của Thiên Chúa bị sát tế để cứu nhân loại, “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29). Vì vậy, Chúa Giêsu là Con Chiên hiền lành, khiêm nhường, yêu thương và phục vụ nhân loại bằng cách gánh lấy tội lỗi nhân loại. Chính vì gánh lấy tội lỗi mà Người, Đấng hoàn toàn trong sạch, vô tội đã chịu hạ mình xếp hàng giữa những người tội lỗi xin Gioan rửa tội. Chính vì gánh lấy tội lỗi nhân loại mà Người lui tới với những người tội lỗi, chuyện trò với họ, ăn uống đồng bàn với họ. Nhất là chính vì gánh lấy tội nhân loại mà Người dù vô tội mà phải chịu chết và sống lại để xóa tội chúng ta. Cho nên, Chiên Thiên Chúa không phải là con chiên bình thường mà là Chúa Giêsu Kitô, người hiền lành, khiêm nhường, yêu thương, phục vụ và hy sinh tính mạng vì tha nhân.
     Bạn thân mến,
      Khi sinh ra, bạn được đặt tên và mang tuổi con này hay tuổi nọ đồng thời có tính cách ít nhiều giống với con vật tuổi của mình. Khi chịu Phép Rửa Tội, bạn được sinh ra trong gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa, trong Hội Thánh, dĩ nhiên bạn không những có tuổi con chiên mà mang trong mình Chiên Thiên Chúa, đồng hình đồng dạng với Chiên Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô. Cho nên, nói đến người Công Giáo, chúng ta biết mình có tuổi con chiên và đồng thời là con chiên của Chúa Giêsu là Chúa Chiên Lành. Như thế, mỗi ngày chúng ta càng nên giống tính cách Chúa Chiên lành: hiền lành, khiêm nhường, vị tha, yêu thương, phục vụ và hy sinh. Vì vậy, trong bài chia sẻ trước khi đọc kinh Truyền Tin diễn ra vào lúc 12h tại quảng trường Thánh Phêrô, Vatican, ngày 9-01-2014, Đức Thánh Cha nói rằng: “Là người môn đệ của Đức Giêsu, Chiên Thiên Chúa có nghĩa là gì đối với Giáo Hội, đối với chúng ta ngày hôm nay? Và ngài đã trả lời rằng: “Có nghĩa là lấy hiền từ đối lại cái ác, lấy tình yêu thay thế sức mạnh, lấy khiêm nhường bù lại kiêu hãnh, lấy phục vụ đối lại cao danh. Là những người môn đệ của Con Chiên có nghĩa là không sống như một "thành trì bị vây hãm", nhưng như một thành phố đặt trên núi cao, mở ra, đón nhận và liên đới. Nó có nghĩa là không được có thái độ đóng lại, nhưng mang Tin Mừng đến cho tất cả, làm chứng bằng cuộc sống của chúng ta rằng bước theo Đức Giêsu giúp chúng ta tự do hơn và hoan lạc hơn”.
         Ước mong người tín hữu sống theo gương của Chiên Thiên Chúa bằng cách nối gót theo Chúa Giêsu, Chúa chiên lành đi con đường hiền lành khiêm nhường, tự hiến đời mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa đồng thời cũng biết gánh lấy số phận của người khác, để yêu thương, đoàn kết, liên đới, chia sẻ với anh em tất cả mọi niềm vui nỗi buồn của họ. Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội con, xin thương xót chúng con!
                                Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét