ĐỨC TIN CÔNG GIÁO VÀ THÔNG TRUYỀN ĐỨC TIN
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Bạn thân mến,
Nhà tâm
lý học người Mỹ, Spencer Johnson nói: "Đừng
băng qua cuộc sống quá nhanh, hãy thường xuyên nhìn lại mình và điều chỉnh.
Biết thay đổi khi cần chấp nhận mạo hiểm và đừng bao giờ từ bỏ niềm tin và ước
mơ" (Spencer Johnson, Một Phút
Nhìn Lại, 2003, tr 86). Qủa vậy,
mỗi người ai ai cũng có một niềm tin. Niềm tin ấy có thể là rất thô sơ hoặc kỳ
cục nhưng nó vẫn là cái gì đó rất linh thiêng trong cuộc đời. Niềm tin ấy ăn
sâu vào trong tâm thức của mỗi người, trong phong hóa của từng dân tộc, từng
tôn giáo đến nỗi người ta không thể chối bỏ nó. Thực vậy, người Việt Nam cho
rằng "vạn vật linh ư", tức người ta tin trong tất cả mọi sự có sự
hiện diện của bậc linh anh, đó có thể là những vị thần mà con người không sao biết
được. "Thần đi lại trên khắp nẽo
đường hoặc xuôi theo giòng sông. Thần ẩn dưới nước sâu, dưới vực thẳm hiểm hóc.
Thần ở trên đèo cao của dãy trường sơn hoặc ở trong rừng sâu cây cao bóng cả là
nơi ngự của thần, một số muông thú có thể là quyền lực của thần. Thần thể hiện
qua những sự vật đơn sơ, rất thông thường như tiếng gà gáy, chuột rúc, cú kêu,
như ánh lửa chập chờn trong đêm tối.... Thần ở khắp nơi trong thiên nhiên...
Thần tham dự vào cuộc sống của con người và ảnh hưởng trên số phận của con người.
Thần gắn bó với chúng ta khi còn là bào thai cho đến lúc chết" (Lm.
L.Cadière, Về văn hoá tín ngưỡng truyền
thống người Việt, dịch giả Đỗ Trinh Huệ, Hội khoa học lịch sử Viện Nam, NXB
Văn hoá thông tin Hà Nội, 1997). Vậy, niềm tin của người Việt nam có nét giống
với đức tin của Kitô giáo nhưng một đàng là tin tưởng vào thực tại cụ thể để
tiến tới một thực tại mà người ta không thấy được, đàng khác tin tưởng vào chân
lý đã mạc khải thấy rò ràng, sờ mó được. Đức Tin Kitô giáo không những đạt được
Đấng Thánh mà còn được Đấng Thánh là Thiên Chúa chiếm hữu (Ga 17, 21-23). Như
thế, đức tin là gì? Chúng ta phải làm gì để có đức tin và làm gì để đức tin
được tồn tại cho tới khi Chúa tái lâm? Nếu tới lúc đó chúng ta mất đưc tin thì
sao, nếu còn thì được gì?...
1. Đức Tin Kitô Giáo
Khác
với mọi tôn giáo, yếu tính của Ki-tô giáo là đức tin, căn bản của đức tin là
Kinh Tin Kính. Theo Cha Arialdo Beni, "Đức
tin là sự gặp gỡ với Đấng hiện hữu mời gọi là lôi kéo. Đức tin là đặt mình
trước Thiên Chúa như trước một nhân vật nào đó và nhờ ơn Chúa nhận biết Người
như Đấng chờ đợi chúng ta". Hội Thánh công giáo dạy: "Đức tin là sự đáp trả thích đáng của con
người trước lời mời gọi của Thiên Chúa" (GLHTCG, số 42). Thiên Chúa
mời gọi con người đến "cùng Chúa
Cha, nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời
nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và đến để thông phần bản tính của Thiên Chúa"
(GLHTCG, số 153). Còn hạnh phúc gì bằng! Chính Thiên Chúa đã đi bước trước đến
với con người và mạc khải "chương trình yêu thương" sau khi con người
sa ngã (St 3,15). Người hằng trung thành với chương trình ấy qua mọi thời dù
con người bất trung, bất tín. Và đến thời sau hết, Thiên Chúa mạc khải chính
Ngài qua Thánh tử Giê-su (Dt 1,2) ngõ hầu làm cho loài người trở nên nghĩa tử
trong Con Một của Người (Ep 1,4-5). Như vậy, "bằng cách mạc khải chính mình, Thiên Chúa muốn giúp cho con người có
khả năng đáp trả Lời Người, nhận biết và yêu thương Người vượt trên những gì họ
có thể làm được tự sức của mình" (GLHTCG, số 52). Đức tin là hồng ân
Chúa ban nhưng không (Cv 11,21; 1Cr 12,3). Cho nên, "Đức tin mà con người đáp lại Thiên Chúa phải tự nguyện. Do đó, không ai
bắt ép phải chấp nhận đức tin trái với ý muốn. Thiên Chúa mời gọi con người
phục vụ Người trong tinh thần và trong chân lý; con người có bổn phận vâng theo
lương tâm đáp trả lời mọi gọi ấy, nhưng không bị cưỡng ép" (GLHTCG, số
160). Vì vậy, Chúa Giê-su luôn mời gọi chứ không bắt buộc: "Nếu anh muốn vào cõi sống… " (Mt
19,17) hay "Nếu anh muốn nên hoàn
thiện… " (Mt 19,21).
2. Nhận Lãnh Đức Tin và Sống Đức Tin
Để có được đức tin, chúng ta cần phải
có ân sủng của Chúa, sẵn sàng chấp nhận mạc khải Thiên Chúa và tin vào Lời
Người. Tin vào Thiên Chúa là tin cây, phó thác, hiến thân và bỏ mình hoàn toàn
cho Người như trẻ thơ nằm trong cánh tay người mẹ và để cho mẹ hoàn toàn muốn
đưa đến đâu thi đi. Con người đáp trả lời tình yêu của Thiên Chúa bằng một niềm
tin vững vàng, một lòng mến sắc son và lòng cậy trông phó thác toàn vẹn cho
Thiên Chúa. Niềm tin ấy trở nên một giao ước, một giấy hôn thú thông hiệp tình
yêu sống động giữa con người và Thiên Chúa, và dĩ nhiên nó trở thành một cuộc
sống mới có 'mầm' sống trong cuộc sống vĩnh cửu (Ga 11,25-26). Vì thế, đức tin
là một bảo chứng để được cứu độ (Mc 16,16) và đạt được hạnh phúc Nước Trời (Mt
25,34). Vậy, sau khi lãnh nhận Phép Rửa Tội, chúng ta phải duy trì và ngày càng
làm cho đời sống đức tin trưởng thành bằng cách:
Thứ
nhất, chúng ta cần phải siêng năng lãnh nhận các Bí tích đặc biệt là Bí
tích Thánh Thể và Giao Hoà ngõ hầu vừa gia tăng ân sủng vừa tăng nhân đức phú
bẩm. Bí tích Thánh Thể là của ăn thiêng liêng nuôi dưỡng đức tin (Ga 6,53),
giúp chúng ta xa lánh tội lỗi vì tội lỗi là căn nguyên dễ làm mai mọt hoặc có
thể mất đức tin. Bí tích Thánh Thể làm cho đời sống đức tin trở nên sống động
qua việc sống hiệp nhất và thi hành bác ái. Ngược lại nếu ta có đức tin nhưng
không thi hành những gì đức tin chỉ vẻ, đức tin ấy sẽ chết (Gc 2,17). Bí tích Giao
Hoà một mặt củng cố niềm tin của chúng ta một mặt hàn gắn dây đức tin giữa
chúng ta với Thiên Chúa, với tha nhân do tội lỗi làm đứt (x. GLHTCG, số
1468-1469). Hơn nữa, Bí tích Giao Hoà làm cho đức tin của chúng ta thêm sức sức
sống mãnh liệt hơn vì từ cõi chết bước vào cõi sống và khỏi bị xét xử (Ga
5,24). Cho nên, chểnh mãn trong việc đến với Bí tích Hoà Giải hay từ chối Bí
tích này là những nguyên nhân làm cho đức tin của chúng ta mai mọt hoặc mất
hẳn.
Thứ
hai, để duy trì sức sống của đức tin, chúng ta phải siêng năng học hỏi, suy
niệm và sống Lời Chúa, vì Lời Chúa là Chúa Ki-tô Thánh Thể đến thăm viếng và
trò chuyện với chúng ta, "Ngôi Lời
đã trở nên người phàm và cư ngụ ở giữa chúng ta" (Ga 1,14). Lời Chúa
ban sức mạnh thiêng liêng cho đức tin (Lc 17,5-6), là lương thực nuôi dưỡng và
duy trì đức tin. Cho nên, trước hết phải lấy Lời Chúa làm luật tối thượng chi
phối mọi lời nói, tư tưởng và hành động của chúng ta trong cuộc sống, "dầu hèn mọn và bị người ta khinh dể, huấn
lệnh Ngài con chẳng dám quên" (Tv 119,141), vì "con cảm thấy Lời Ngài đã hứa ngọt ngào hơn
mật ong trong miệng. Con thành người sáng suốt nhờ huấn lệnh Ngài ban, nên con
ghét mọi đường nẽo gian tà" (Tv 119,103-104). Thứ đến, hãy lấy Lời
Chúa làm ánh sáng soi từng bước đường đức tin của chúng ta vì Lời Chúa là chân
lý (Tv 119,142) là áng sáng (Tv 119,105). Vì vậy, tin vào Lời Chúa chúng ta sẽ
không đi trong bóng tối nhưng được ánh sáng soi chiếu ngõ hầu nhờ áng sáng đem
lại cho chúng ta sức sống (Ga 8,12). Sau cùng, hãy lấy Lời Chúa làm của ăn nuôi
dưỡng linh hồn thường ngày của chúng ta vì "người ta sống không chỉ bới nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ nọi lời do
miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4,4).
Trong cuộc sống hiện đại và tân tiến,
thú vui khoái lạc, tiền tài và danh vọng có sức hút rất mạnh đến nỗi làm cho
tâm trí con người chỉ biết hướng đến cái bên ngoài, không cần cái bên trong.
Chính thực trạng này làm cho đời sống đức tin của con người với Chân lý mạc
khải bị chao đảo và có nguy cơ suy tàn lụi. Cụ thể, ngày nay người ta dường như
nghe Lời Chúa như nghe một câu chuyện, hiểu cũng được mà không hiểu cũng chẳng
sao. Họ chẳng tha thiết gì với việc tuân giữ hay thi hành Lời ấy. Thậm chí khi
gặp gian nan thử thách, họ dễ dàng chối bỏ Lời Chúa, họ không nhận ra rằng
"được lời lãi cả thế gian mà mất
linh hồn nào có ích gì hoặc lấy gì mà đổi mạng sống mình?" (Mt 16,26).
Tóm lại, chỉ có "Lời Chúa mới ban
sức sức cho con cái Giáo hội, là lương thực nuôi linh hồn, nguồn sống thiêng
liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo hội" (Công Đồng
Vaticanô II, Hiến Chế về Mạc Khải của Thiên Chúa, số 21).
Cuối
cùng, đức tin của chúng ta có tồn tại được hay không còn phải nhờ sự tỉnh
thức và cầu nguyện (1Tx 5,17). Con đường sống đức tin dù lúc được dâng đầy hay
gặp gian nan khốn khó, chúng ta hãy luôn nhớ đến Chúa vì "thời giờ của người tín hữu là thời giờ của
Chúa Giê-su phục sinh, Đấng đang ở với chúng ta mỗi ngày (Mt 28,20)”
(GLHTCG, số 2743). Cho nên, cầu nguyện là nhu cầu sống còn của đức tin. Nếu
trong cuộc sống chúng ta ít khi tỉnh thức hay không cầu nguyện, đức tin của
chúng ta sẽ bị chết yểu hoặc chết đời đời (x.GLHTCG, số 2744).
3. Bảo Vệ và Gìn Giữ Đức Tin
Chúng ta phải luôn đề phòng, canh
chừng và bảo vệ đức tin luôn hầu lúc Chúa đến Chúa sẽ nhìn thấy chúng còn đứng
vững trước mặt Người và Người sẽ dẫn chúng ta vào cõi sống bên Ngài (Lc 21,28).
"Đức tin là khởi điểm của cuộc sống
mới, đức tin cho ta nếm trước niềm hoan lạc và áng sáng của ơn phúc nhìn thấy
Thiên Chúa, mục đích của cuộc sống lữ hành dưới thế này của chúng ta"
(GLHTCG, số 163). Để có được như thế, Chúa đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ quyết
liệt và dứt khoát mọi của cải trần gian (Mt 19,21), bỏ cả người thân, thậm chí
bỏ chính mình rồi vác thập giá mỗi ngày theo Chúa (Lc 9,23). Lời kêu gọi ấy
luôn dầy xé con tim, ý chí và lòng tin của chúng ta, liệu chúng ta có theo Chúa
nỗi chăng hay có còn vững tin vào Lời Chúa chăng? Chúng ta có vâng phục trong
đức tin để rồi cho phó toàn thân và tự do cho Thiên Chúa? Mọi người trong chúng
ta ai biết được ngày giờ Chúa đến (Mt 25,13), cho nên từng phút từng giờ chúng
ta phải lo sửa soạn "đèn dầu" đức tin của mình cho đầy đủ và sẵn sàng
để Chúa đến dẫn chúng ta vào dự tiệc Nước Chúa (Mt 25,1-12), nơi đó Thiên Chúa
sẽ yêu thương ấp ủ chúng ta vì Người là Thiên Chúa của chúng ta; nơi đó sẽ
chẳng còn khổ đau, tang tóc hay hận thù chiến tranh nữa (Kh 21,3-4).
Như
vậy, hãy bám chặt những cách thế trên, chúng ta chắc chắn đạt được niềm tin nơi
Thiên Chúa dù nó nhỏ nhoi (Lc 17,6) nhưng với ơn Chúa, một đàng sẽ thấy được
tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi cuộc đời chúng ta từ thể xác (Lc 8,40-48) đến
tinh thần (Lc 7,36-50), đàng khác Thiên Chúa cho chúng ta tham dự vào sự sống
vĩnh hằng của Thiên Chúa (Ga 11,41).
Có thể nói rằng đức tin là đôi cánh mà
Thiên Chúa chắp cho chúng ta bay thẳng tới bến bờ yêu thương và hạnh phúc vĩnh
hằng. Vì thế, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II xác tín rằng "Chân lý của Thiên Chúa được trình bày cho
chúng ta trong Thánh Kinh, được hiểu một cách lành mạnh theo giáo huấn của Giáo
hội, thì thường hưởng sự minh bạch có hữu với sự mạch lạc luân lý, xứng với
kiến thức chân chính mà nó tự giới thiệu" (Thông Điệp Đức Tin và Lý Trí, số 66). Bên cạnh đó,
chúng ta cần phải tránh những môi trường có nguy cơ hại đến đức tin, tránh dịp
tội làm cớ bào mòn hoặc mất đức tin. Đặc biệt chúng nên tránh tất cả những gì
chẳng những không giúp cho đức tin mình trưởng thành mà còn gây nguy hiểm cho
đức tin của tha nhân.
4. Trợ Giúp Những Người Mất
Đức Tin và Thông Truyền Đức Tin
Bản chất của đức tin là một hành vi tự
ý vì Thiên Chúa tôn trọng tự do con người (Mt 19,17). Cho nên, trong cuộc sống
hôm nay vẫn có nhiều người mặc nhiên từ chối không tin Thiên Chúa, hoặc có
nhiều người dùng tự do của mình quá mức đến nỗi đánh mất đức tin. Là dân Thiên Chúa, chúng ta phải làm gì
để giúp họ lấy lại đức tin hoặc có cùng một niềm tin như chúng ta hầu khi Chúa
đến Chúa nhìn thấy mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ đều phủ phục, thờ lạy Ngài là
Thiên Chúa duy nhất của họ (Kh 5,9-10). Đối với những người mất đức tin, chúng
ta hãy hướng dẫn, chỉ dạy và giúp họ nhận biết tầm quan trọng và sự cần thiết
của đức tin: mất đức tin là mất ơn cứu độ (Mt 16,26), mất ơn cứu độ là mất
Thiên Chúa và mất chính mình vì chỉ trong Thiên Chúa con người mới có thể tìm
gặp được mình và hoàn tất mình. Bên cạnh đó, chúng ta phải cầu nguyện, an ủi,
yêu thương chăm sóc họ vì họ là con cái của Chúa và Chúa sẽ cứu họ (Mt 9,13).
Còn đối
với những ai chưa tin hay không tin, chúng ta phải có bổn phận một, phải thông
truyền Tình Yêu Thiên Chúa bằng chính đời sống của mình ngõ hầu họ nhìn thấy mà
tin thật Chúa đang hiện diện trong chúng ta. Hai, tìm cơ hội trình bày Chân lý
Mạc khải và giáo lý của Giáo hội trong sự thật trọn vẹn cho họ bằng nhiều
phương cách, vì "vô tri bất mộ" mà bất mộ nên họ bất tin. Nếu "họ không tin vào Thiên Chúa là Đấng hoạt
động trong thế giới, họ sẽ không biết thế giới và những biến cố của lịch sử.
Chỉ có đức tin làm cho cái nhìn bên trong được sắc xảo,và giúp cho trí tuệ khám
phá ra sự hiện diện sinh động của Đáng An bài trong diễn tiến của các biến cố.
Điều đáng chú ý rằng "chúng ta không ép họ phải nhận đức tin mà
không có tự do vì việc đón nhận Thiên Chúa mạc khải chỉ có ý nghiã nếu như nó
là một hành động tự do" (Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Điệp Đức Tin và Lý Trí, số 99).
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: "Tự đáy lòng, con người khao khát Thiên Chúa
vì con người được tạo dựng do Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Thiên Chúa không
ngừng lôi kéo con người đến với mình, và chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới tìm
gặp chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm" (số 27). Con
người có khả năng nhận biết Thiên Chúa và mạc khải của Ngài bằng lý trí và đức
tin. Lý trí và đức tin đều là hồng ân Thiên Chúa ban, cho nên chúng ta phải tự
nỗ lực cùng với ơn Chúa để duy trì ân huệ cao quý này. Chỉ cần một chút lòng
tin thôi cũng đủ để Thiên Chúa thực hiện mọi điều kỳ diệu trong cuộc sống, vì
"mọi sự đều có thể với Thiên Chúa" ( Mt 10,27).
Hành trình đức tin của mỗi người dài ngắn chẳng ai biết được, vì thế chúng
ta phải tỉnh thức cầu nguyện luôn với Thiên Chúa để nhờ ơn Chúa giúp chúng ta
biết tránh những "hoa thơm cỏ lạ" quyến rũ làm cho chúng ta nãn chí
không muốn gặp Chúa và thậm chí chối bỏ Ngài. Đừng vì thành công hay thất bại
trong đời sống thường ngày cũng như trong đời sống đức tin mà chúng ta bỏ quên
Chúa. Trong mọi nơi mọi lúc chúng ta hãy tin thác, cậy trông, yêu mến và kính
sợ Thiên Chúa để rồi mạnh dạng thưa với Chúa như thánh Phê-rô: "Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết theo ai, chỉ có
Thầy mới có Lời ban sự sống đời đời" (Ga 6,68).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét