Bạn
thân mến,
Cũng như tình
yêu, có lẽ chẳng ai định nghĩa được “đau khổ là gì” một cách chính xác và thỏa
mãn nhất, vì đau khổ đa dạng lắm. Thiết tưởng có thể hiểu đơn giản theo phương
trình: Đau khổ = Ưu sầu + Nước mắt. Tất nhiên phải “trừ” loại nước mắt vui
mừng, dù hai loại nước mắt đều có vị mặn. Người ta dễ dàng lấy vạt áo lau khô
những “giọt mặn” rỉ ra từ đôi mắt, nhưng rất khó xóa “vết mặn” khỏi trái tim
mình. Thật vậy, sướng hay khổ còn do mỗi người có khái niệm riêng. Có những
triết lý dễ hiểu, có những triết lý khó hiểu, thậm chí là không thể hiểu: Triết
lý Thập Giá. Đó cũng là loại triết lý của sự đau khổ.
Chẳng ai thích
đau khổ, nhưng đau khổ vẫn luôn có giá trị tích cực mà chúng ta phải cố gắng
hiểu suốt cả đời. Đại văn hào Victor Hugo nhận xét: “Đau khổ cũng như hoa quả. Chúa không khiến nó mọc lên trên những cành
quá yếu ớt để chịu nổi nó”. Còn Elbert Hubbard nói: “Nếu bạn đau khổ, hãy cảm ơn trời! Vì đó là dấu hiệu chắc chắn cho thấy
bạn đang sống”. Chính đau khổ lại khiến người ta nên khôn. Cho nên, ông bà
ta có câu: “Cái khó ló cái khôn. Lạ thật!
Những con
người đẹp nhất là những người từng bị đánh bại, từng đau khổ, từng tranh đấu,
từng mất mát, và họ đã tìm được con đường ra khỏi vực sâu. Những con người này
có lòng cảm kích, sự nhạy cảm và thấu hiểu đối với cuộc đời, chính cuộc đời đã
làm họ tràn đầy sự cảm thông, sự dịu dàng và quan tâm yêu thương sâu sắc. Như
vậy, “người đẹp” không thể tự nhiên mà có.
Triết lý đau
khổ thật kỳ diệu. Cụ thể, Sách Thánh kể rằng hung tin dồn dập, nhưng ông Gióp
vẫn bình tĩnh. Ông trỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu, sấp mình xuống đất, sụp
lạy và cầu nguyện: “Thân trần truồng sinh
từ lòng mẹ, con sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa
lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa!” (G 1,21). Dù đau khổ cùng cực,
nhưng “ông Gióp không hề phạm tội cũng
không buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa” (G 1,22). Hiểu được như vậy
thì cuộc đời sẽ thanh thản. Người đời có câu: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn le lói suốt trăm năm”.
Đó là cách “tự an ủi” của người đời. Nhưng chúng ta cũng có thể hiểu theo góc
độ nào đó về Chúa Giêsu làm người. Cuộc đời Ngài đầy đau khổ ê chề, thế nhưng
Ngài vẫn có được khoảnh khắc huy hoàng là được thiên hạ tung hô lúc Ngài cưỡi
trên lưng lừa khi vào Thành Giêrusalem. Bài ca thứ ba trong các “Bài Ca Của
Người Tôi Trung”, Tiên Tri Isaia nói rằng: “Đức
Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa
lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi
để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ. Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai
tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui” (Is 50:4-5). Thật
là không dễ mà vẫn giữ lòng trung tín ngay trong lúc đau khổ như vậy!
Bạn thân mến,
Đau khổ không
làm người ta yếu đuối mà lại như loại “nước tăng lực” làm tăng sức chịu đựng: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ
má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Có
Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi
trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng” (Is 50:6-7).
Thật là kỳ diệu, những người không có niềm tin Kitô giáo chắc chắn không thể
hiểu được, và sẽ cho những người chịu đau khổ là những người điên khùng.
Tác giả Thánh
Vịnh than thở: “Thân sâu bọ chứ người đâu
phải, con bị đời mắng chửi dể duôi, thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu bĩu mỏ
buông lời mỉa mai: “Nó cậy Chúa, mặc Người cứu nó! Người có thương, giải gỡ đi
nào!” (Tv 22,7-9). Thách thứ quá lớn, khoảng cô đơn quá rộng, nỗi nhục nhã
ê chề! Đúng là “phúc bất trùng lai, họa
vô đơn chí”. Không khác quy luật muôn thuở, giống như định mệnh vậy. Đau
khổ này chồng lên đau khổ khác: “Quanh
con bầy chó đã bao chặt rồi. Bọn ác đó trong ngoài vây bủa, chúng đâm con thủng
cả chân tay, xương con đếm được vắn dài; chúng đưa cặp mắt cứ hoài ngó xem. Áo
mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn. Chúa là sức
mạnh con nương, cứu mau, lạy Chúa, xin đừng đứng xa” (Tv 22,17-20). Không
còn gì để mất nữa, khốn khổ tột cùng, lo sợ run cả người, nguyện cầu không
ngừng, thế nhưng vẫn chẳng nghe động tĩnh gì! Dù có thế nào thì vẫn một lòng
tín thác, vẫn xưng tụng Thiên Chúa, vì đó là mục đích sống: “Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho anh
em tất cả được hay, và trong đại hội dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán
dương. Hỡi những ai kính sợ Đức Chúa, hãy ca tụng Người đi! Hỡi toàn thể giống
nòi Gia-cóp, nào hãy tôn vinh Người! Dòng dõi Ít-ra-en tất cả, nào một dạ khiếp
oai!” (Tv 22,23-24).
Bạn thân mến,
Cầu nguyện là
lương thực nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Cầu nguyện mà không nghe động tĩnh gì,
đó là dấu chỉ chắc chắn rằng Chúa đang xót thương. Lại thêm một điều kỳ diệu.
Muốn hiểu được triết lý này, đòi hỏi phải có niềm tin Kitô giáo. Với người
ngoài Kitô giáo hoặc vô thần, họ cho đó là “bùa mê, thuốc lú”, ai tin như vậy
đều bị họ coi là dại dột, là dốt nát, là ngu xuẩn hoặc điên rồ.
Thánh Phaolô
phân tích: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là
Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên
Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống
phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Chúa Giêsu không chỉ tự
nguyện như vậy, mà còn hơn thế nữa: “Người
lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập
tự” (Pl 2,8). Đúng là mầu nhiệm, do đó mà khó hiểu thật. Nhưng chỉ là “khó
hiểu” chứ không phải là “không thể hiểu”.
Tình yêu nào
cũng cần “chất” đau khổ, có đau khổ mới chứng tỏ tình yêu chân chính. Đại văn
hào Victor Hugo nói: “Ai khổ vì yêu, hãy
yêu hơn nữa; chết vì yêu là sống trong tình yêu”. Chết mà là sống. Lạ thật,
người đời mà còn nhận định được như vậy đấy! Đau khổ có giá trị nhất định và
rất độc đáo. Gian nan là nhịp cầu dẫn tới thành công, đau khổ là nhịp cầu dẫn
tới vinh quang. Cũng vậy, sự chết là con đường dẫn tới sự sống, là cửa ngõ bước
vào cõi trường sinh. Thánh Phaolô kết luận: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi
vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên
trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên
Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa”
(Pl 2,9-11).
Chúa Giêsu
hiển hách vào Thành Giêrusalem là đi vào cõi đau khổ, nhưng từ “biên giới” đầy
gian khổ là Vườn Dầu, từ đó lại tiếp tục dẫn tới “cửa ải” sự chết là Can-vê.
Nhưng từ nơi Can-vê “chết chóc” ấy lại dẫn tới cửa sự sống là Nước Trời. Một
bản đồ lòng vòng như mê cung nhưng lại thú vị và hấp dẫn, có bao người khao
khát sử dụng loại bản đồ này, có nhiều người đã đạt được mục đích sống đó: Các
thánh nhân, đặc biệt là các vị tử đạo.
Ước gì mỗi chúng ta đều như những chiếc lá luôn xanh biếc đức tin, luôn khiêm nhường đón Đức Kitô trong mọi hoàn cảnh, trong lúc vui đã đành, trong lúc buồn mới thực sự có giá trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét