Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

TÂM TÌNH THÁNG HOA ĐỨC MẸ

 1. Lịch sử

Thời xa xưa, cứ vào ngày đầu tháng Năm, người cựu La-mã thường cung nghinh thánh tượng Đức Mẹ với danh xưng, "Nữ Vương các loài hoa". Họ vừa đi vừa hát và nhảy múa quanh kiệu hoa của Đức Mẹ. Tập tục tốt đẹp và rất có ý nghĩa nầy, lần hồi lan rộng khắp Âu Châu và cả Anh Quốc trong suốt thời trung cổ. Vào thế kỷ thứ 16, việc tổ chức cung nghinh Đức Mẹ một cách long trọng nầy, còn có thánh Philip Neri (1515-95) góp phần nữa. Ngài có sáng kiến trang hoàng thánh tượng Đức Mẹ bằng các loại hoa.

Trong công trình thăng tiến ‘Tháng Đức Mẹ’, phải ghi nhận sự góp công của dòng Tên nói chung, và nói riêng của cha Jacobet, xuất bản cuốn ‘Mensis Marianus’ (Tháng Đức Maria) tại Dillingen năm 1724; cha Dionisi, xuất bản cuốn ‘mese di Maria’ tại Roma năm 1725; và cha Lalomia, xuất bản cuốn ‘mese di Maria assia il mese di maggio’ (Tháng Đức Mẹ và Tháng Năm), tại Palerme năm 1758. Sau các ngài, là cuốn ‘mese di Maria’ của cha Alphonse Muzzarelli xuất bản tại Ferrare năm 1785. Trong vòng một thế kỷ cuốn này được tái bản hơn 150 lần, và được dịch ra các tiếng Pháp, tiếng Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và A-rập. Đối với cha Muzzarelli, vấn đề không còn là suy niệm đơn thuần về cuộc đời, nhân đức và đặc ân của Đức Mẹ, nhưng còn noi gương Mẹ để thánh hóa đời mình bằng các tập luyện mỗi ngày một nhân đức. Như vậy, mỗi ngày trong tháng Năm, các tín hữu suy niệm về một chân lý trong đời sống Kitô hữu từ đó đề ra một công việc thực hành, rồi cầu khẩn và hát một bài thánh ca dâng lên Đức Mẹ.
Đầu thế kỷ thứ XVIII, nhà thờ Thánh Clara của dòng Phanxicô tại Naples tổ chức mỗi ngày trong tháng 5 một giờ sùng kính Đức Mẹ tiếp theo là chầu phép lành. Năm 1701, dòng Đa Minh quyết định sùng kính Đức Mẹ mọi ngày trong suốt tháng 5, rồi dần dần lan đến các giáo xứ: Grezzana (1734), Gênes (1747) và Vérone (1774).
Đầu thế kỷ XIX, việc dùng trọn tháng Năm để tôn kính Đức Mẹ mới được khắp nơi trên thế giới hưởng ứng nhiệt liệt. Trước tiên, vào năm 1809, Đức Thánh Cha Pius thứ VII bị Nã-phá-luân bắt giữ tại Pháp. Ngài bị giam hảm tại đó cho đến ngày 24 tháng 5, năm 1814 mới được phép trở về lại La-mã. Sau năm năm trời bị giam giữ, ngài trở về và được toàn thể tín hữu tiếp đón thật vô cùng trọng thể. Sau khi được an vị, cũng nhằm trong tháng Năm, Đức Thánh Cha liền cổ võ tạ ơn Đức Mẹ thật long trọng với danh nghĩa, "Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu". Bởi vì, Ngài quả quyết rằng việc ngài trở về lại La-mã là nhờ ơn Đức Mẹ. Thế rồi, từ năm 1854 cho đến thời điểm Công Đồng Vatican II, 1965, học thuyết Mariology được phát triển mạnh mẽ nhất để củng cố đức tin, qua nhiệm thể Đức Kito, đồng thời tái xác nhận hai công đồng Nicea (324) và Chaleedon (451) đã công bố về Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.

2. Tâm tình với Mẹ ngàn hoa

 Mẹ ơi, mỗi độ tháng năm về, Giáo hội mời gọi con hướng về Mẹ là đoá hoa đẹp nhất của trần gian.Mẹ là bông huệ vì Mẹ khiết trinh. Mẹ là đoá hồng vì Mẹ say mến. Hương thanh khiết và tình yêu của Mẹ đã làm cho mùa xuân trần gian được hồi sinh. Ơn cứu độ được ban tặng cho trần đời nhờ hoa lòng của Mẹ hằng đẹp lòng Thiên Chúa. Xin cho con mỗi khi hái hoa dâng kính Mẹ, thì cũng biết trao dâng tâm tình tín thác, cậy trông nơi Mẹ. Mẹ ơi, giữa cuộc đời đầy sóng gió nổi trôi hôm nay, xin Mẹ bao bọc con. Xin Mẹ mãi là ngọn hải đăng dẫn lối con đi trong chân lý vẹn tuyền của Thiên Chúa. Xin cho con biết dõi theo bước chân Mẹ hầu được bước đi trong ân sủng của Chúa. Xin Mẹ ấp ủ con trong tình Mẹ để cuộc đời con cũng trở thành những đoá hoa tươi thắm dâng tặng cho Chúa và cho đời. Và xin cho con cũng là một đoá hoa tươi xinh góp về nơi đây trong ngày của Mẹ để cùng nhau mở hội hoa đăng: Ngàn Hoa Dâng Mẹ. Amen. 
                                               Jos.Quốc Quang
 
         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét