Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

LỄ THÁNH GIUSE THỢ 1-5



1. Lịch sử
Năm 1955, Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII đã lập lễ thánh Giuse thợ. Mỗi năm kính nhớ vào ngày 1 tháng 5, ngày mà hầu hết các nước trên thế giới chọn làm ngày lễ lao động, tán dương khích lệ công lao con người đã dùng tài năng sức lực của mình để phục vụ đồng loại. Đức Giáo Hoàng đã nói rõ ý nghĩa ngày lễ thánh Giuse thợ như sau: "Chắc chắn chúng ta phải hân hoan, vì người thợ vô danh ở Na-da-rét chẳng những là hiện thân cho giá trị chân tay trước mặt Chúa và Hội thánh mà còn là vị Giám hộ mẫn tiệp của mọi người và của các gia đình và các bạn lao động."

Như chúng ta biết, thánh Giuse được Chúa chọn làm cha nuôi Chúa Giêsu, khi Người sinh ra làm người để cứu độ nhân loại. Thánh nhân là người công chính, luôn tuân hành thánh ý Chúa, sẵn sàng vâng nghe và làm theo lời Chúa dạy. Ngài tận tâm bảo vệ Đức Mẹ, nhiệt thành cộng tác với Mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc Chúa Giêsu. Để chu toàn sứ mệnh đó. Ngài làm nghề thợ mộc vất vả hằng ngày. Ngài lấy sức lao động của mình bảo đảm cuộc sống hằng ngày của Thánh gia .
Ngài là gương mẫu cho mọi người sống nghề lao động chân tay và cách riêng cho các Kitô hữu: lương thiện, cần mẫn, siêng năng làm việc lo cho gia đình, phát triển xã hội và tôn vinh Chúa. Cho nên, công đồng Vaticanô II khẳng định rằng: "Đối với các tín hữu, chỉ có một điều chắc chắn là: hoạt động cá nhân cũng như tập thể của nhân loại, các nỗ lực vĩ đại của con người vất vả qua các thế kỷ là nhằm cải thiện hoàn cảnh sinh sống. Việc này tự nó phù hợp với ý định của Thiên Chúa. Thật vậy, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận mệnh lệnh chinh phục trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó. Họ phải cai quản vũ trụ trong công bình và thánh thiện. Nhận diện Thiên Chúa là Đấng sáng tạo mọi loài, họ phải quy hướng cả bản thân mình cũng như muôn vật về Người: để khi con người chinh phục được tất cả, thì danh Chúa được tôn vinh khắp địa cầu. Điều đó cũng ứng dụng cho những công việc rất thường nhật. Khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, những người đàn ông, đàn bà hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu, đều có lý để coi lao động của mình tiếp nối công trình của Đấng Tạo hóa, phục vụ đời sống của anh em và đóng góp công lao vào việc hoàn thành chương trình của Thiên Chúa trong lịch sử".
Thánh Giuse là gương mẫu của người lao động. Ngài còn là vị Giám hộ của những người làm việc chân tay. Và Ngài là vị Giám hộ đắc lực nhất, như lời Đức Thánh Cha Pi-ô XII nói: "Không có vị Giám hộ nào có đủ khả năng linh nghiệm truyền thông Phúc Âm cho đời sống thợ thuyền bằng thánh Giuse thợ."
2. Suy Niệm        
 THÁNH GIUSE CON NGƯỜI CẦN CÙ LAO ĐỘNG


Phúc Âm cũng không để lại cho chúng ta nhiều chi tiết về việc lao động của Thánh Giuse. Nhưng chắc chắn rằng ngài là một người thợ siêng năng và nổi tiếng. Thực vậy, khi Chúa Giêsu bắt đầu cuộc sống công khai, những người cùng quê với Ngài đã ngạc nhiên trước sự khôn ngoan của Ngài và họ đã bàn tán: Bởi đâu Ngài được như thế? Ngài chẳng phải là con bác thợ mộc đó ư? (Mt 13,54-58). Qủa thế, tại Nagiarét, thánh cả Giuse đã làm việc bằng đôi tay của mình để phục vụ Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

       Với chúng ta cũng vậy. Lao động và sản xuất đó là những ngôn từ được nghe nói đến rất nhiều và chúng thực sự có một chỗ đứng quan trọng trong cuộc sống hôm nay. Con người sinh ra để làm việc, như cánh chim sinh ra để tung bay. Nhờ làm việc, con người biến đổi bộ mặt trái đất và đem lại cho cuộc đời một ý nghĩa. Nó là như một thứ muối mặn làm tăng thêm hương vị cho cuộc sống. Nhưng cụ thể hơn, đó là nhờ làm việc chúng ta mới có được chén cơm manh áo, như lời thánh Phaolô đã xác quyết: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn” (2Tx 3,10).

Với xã hội, thì lao động là một cách thức chúng ta trả nợ cho đời, đồng thời cũng là một cách thức chúng ta góp phần xây dựng quê hương đất nước. Thực vậy, sống trong xã hội, chúng ta liên hệ mật thiết với nhau và nương tựa vào nhau nhiều lắm. Chẳng hạn hằng ngày chúng ta hưởng dùng đường sữa, xăng dầu…do công lao của người khác, thì bây giờ đến lượt chúng ta phải đóng góp bằng những sản phẩm do công sức lao động của chúng ta đem lại.

Còn đối với Thiên Chúa, thì lao động chính là một cách thức chúng ta cộng tác với Ngài trong cộng cuộc sáng tạo như lời Ngài đã phán: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất" (St 1,28).
 3. Cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa tạo thành trời đất, Chúa đã muốn cho con người lao động để tiếp tục công trình của Chúa. Xin nhận lời thánh cả Giuse chuyển cầu, mà cho chúng con biết noi gương người để lại, là chu toàn nhiệm vụ Chúa đã giao phó, hầu được hưởng niềm vui Chúa đã hứa cho tôi tớ trung thành. Amen.
                                           Jos.Quốc Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét