VỮNG ĐỨC TIN VÀO CHÚA
NHỜ TRÀNG HOA MÂN CÔI
Nhìn các tượng Đức Mẹ
Trà Kiệu trước mặt chúng ta, chúng ta có cảm tưởng rằng Đức Mẹ đã sống một đời
bình an thư thái: đẹp đẽ, hiền từ, đầy ơn phúc, hoàn hảo ngay từ đầu, thánh
thiện từ khi sinh ra và mãi mãi là như thế, chứ chẳng thấy có gì đau khổ đắng
cay. Không, đọc Phúc Âm thật kỹ, hay đọc kỹ các mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta sẽ
thấy hành trình đức tin của Mẹ không phải luôn luôn bằng phẳng, êm xuôi, dễ
dàng trái lại, Mẹ trải qua những kinh nghiệm đớn đau khi tin và bước theo Chúa.
Nhìn vào Đức Mẹ, nhờ
lòng tin nhỏ xíu nhưng chắc chắn với hai tiếng xin vâng trong Tin Mừng chúng ta
vừa nghe, Mẹ chiến thắng trên chính phận yếu đuối của mình. “Xin Vâng” đề bước theo và làm theo thánh ý
Chúa dù phải đau khổ, cực nhọc, hy sinh chính bản thân. Mẹ thưa xin vâng dù
lưỡi gươm đâm thâu trong ngày Dâng Con, hoặc là đắng cay nghiệt ngã nhất của
chiều Tử Nạn, Mẹ không rút lại, không kêu trời trách Chúa, không phá bỏ cuộc,
tuyệt vọng. Mẹ chiến thắng với số phận mình đó là để thánh ý Chúa thể hiện trên
cuộc đời mình.
Chúng ta đang sống
trong Thánhg 10, Thánh Mân Côi. Mỗi lần đọc Kinh Mân Côi, nhìn ngắm đức tin của
Mẹ. Một đức tin siêu chắc và siêu bền để rồi chúng ta bắt chước, noi gương Mẹ,
xin Chúa cho chúng ta vững tin vào Chúa dù cuộc đời ba chìmbảy nổi chín ênh
đênh, Chúa sẽ làm cho đời mình tươi sáng rạng ngời và bình an hạnh phúc như Mẹ.
Vì vậy, tràng chuỗi Mân Côi là khí cụ giúp chúng ta sống bền và chắc trong đời
sống đức tin. Nếu gặp đau khổ, ta hãy xin noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào
Chúa. Nếu buồn, giận, hay óan ghét người ta, thì xin hãy cho noi gương đức Mẹ
mà yêu người. Nếu gặp khó khăn, ta hãy nhìn Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu nơi hang đá,
để rồi biết rằng nghèo khó là một mối phúc trong bản hiến chương Nước Trời. Mỗi
lần bị ma quỷ cám dỗ hay sa ngã phạm tội, ta hãy nhớ lời Đức Mẹ căn dặn ăn năn
đền tội, tin vào lòng Chúa thương xót và siêng năng lãnh nhận bí tích giao hòa.
Mỗi lần gặp gian nan đau khổ, ta hãy nhìn Đức Mẹ dưới chân thánh giá để xin Mẹ
nâng đỡ.
Vây,
Kinh Mân Côi chính là vũ khí giúp ta chống lại ba thù “ma quỷ, thế gian, xác
thịt”, và là sinh tố tăng cường ba việc “nên thánh, mến Chúa, yêu người”. Mỗi một mầu
nhiệm xướng lên là một nhân đức khơi gợi để theo lời kinh nhả nhẹ và dưới tác
động của ơn thánh giúp ta sống trung kiên giữa muôn ngàn thử thách đắng cay của
cuộc đời. Nhờ chuỗi Mân Côi mà Mẹ đồng hành che chở giúp chúng ta vượt khó,
vượt khổ trong cuộc sống. Cụ thể, Đức Mẹ Trà Kiệu đang đứng trước mặt chúng ta
đây.
Sau khi tàn sát, bách hại khắp nơi, xế trưa ngày 1đến 11–9–1885 quân Văn
Thân ùn ùn kéo đến bao vây Giáo Xứ Trà Kiệu. Thật tàn khốc! bước sang ngày 10–9
quân Văn Thân nã thần công rất khủng khiếp, vang dội cả tỉnh, đến độ cách cảng
Đà Nẵng 25km về phía Nam các sĩ quan Pháp trên một tàu chiến đã nghe và đếm
được khoảng 500 quả đại bác bắn vào Giáo Xứ Trà Kiệu chỉ trong một ngày. Ở Phú
Thượng, cách Trà Kiệu khoảng 40km, giáo dân nghe súng nổ phát kinh hoàng, chính
Cố Thiên (Maillard) cũng xao xuyến lo cho số phận của Trà Kiệu cũng như số phận
của Cha Bruyère.
Quân Văn Thân cứ nhắm bắn Nhà Thờ và nhà Cha Bruyère vì Cha là linh hồn
của Giáo Xứ, và nếu Thánh đường đổ thì giáo dân Trà Kiệu sẽ mất hết tinh thần.
Vậy mà lạ thay, Nhà Thờ không hề hấn gì ngoại trừ trúng một quả ở phía sau. Còn
nhà Cha xứ bị trúng 5 phát. Nhưng Cha Bruyère vẫn bình an vô sự. Xin cũng nói
thêm rằng trong các loại súng được dùng trong cuộc tấn công Trà Kiệu của quân
Văn Thân, thì có một khẩu rất lớn được đặt cách Nhà Thờ khoảng 100m và do một
cựu võ quan thiện xạ sử dụng, nhưng chỉ bắn trúng Thánh đường mỗi có 1 quả và
nhà xứ 5 quả, há không phải chuyện lạ lắm ru! Suốt ngày 10–9 và ngày 11–9, quân
Văn Thân không ngừng kêu lên: “Thật lạ lùng, có một người ĐÀN
BÀ rất đẹp luôn đứng trên nóc Nhà Thờ mà chúng ta không sao bắn trúng”.
Phần mình, giáo dân Trà Kiệu, cả Cha xứ nữa, khi nghe như vậy cố nhìn lên nóc
Nhà Thờ nhưng không ai được thấy. Rồi còn có cả 1 “đạo quân trẻ em” nữa.
Trong một số trận đánh nhất định quân Văn Thân kêu lên họ không chỉ đánh với
giáo dân mà còn có “đạo quân trẻ em” từ trời xuống tiếp ứng. Có vậy họ
mới không thể bình địa được làng Trà Kiệu. Đây quả là “dấu chỉ lòng xót
thương của Thiên Chúa đối với họ (giáo dân Trà Kiệu). Và chính Mẹ Maria bằng
cách này hay cách khác, cũng thể hiện lòng từ ái chở che của Mẹ”.
“Đức Bà phù hộ các giáo hữu”, đây
là tước hiệu của Đức Mẹ mà giáo dân Trà Kiệu khi xây ngôi Thánh đường trên đồi
Bửu Châu lộng gió năm 1898 đã dâng kính Mẹ. Ðền Bửu
Châu là gia bảo quý báu của Giáo xứ Trà Kiệu, là dòng
sữa thần linh nuôi sống bao đời, là dấu ấn quý yêu của tất cả mọi người con
Giáo xứ. Ðền Bửu Châu còn là niềm an vui tự tại, là nỗi dịu vợi tâm hồn, là ước
vọng tràn đầy cho khách đến viếng thăm. Như Nhà Thơ Xuân Diệu đã đến đây năm
1983 và đã cất tiếng tung hô Mẹ rằng: "Trưa
hôm nay con ngồi như trẻ nhỏ. Giữa đáy trưa, trong lòng Mẹ vô cùng.
Con là sáo, Mẹ là ngàn vạn gió. Mẹ là trời, con là hạt sương rung..."
Con là sáo, Mẹ là ngàn vạn gió. Mẹ là trời, con là hạt sương rung..."
Lạy Mẹ
Trà Kiệu, theo dòng lịch sử chúng con nhận ra được rằng Mẹ luôn
yêu thương chúng con. Qua Mẹ, Thiên Chúa tuôn đổ muôn vàn hồng ân xuống cho
chúng con. Mẹ không ngừng gian rộng đôi tay trên chúng con, ban ơn, che chở,
phù hộ, cầu bầu cho chúng con trên từng bước gian trần chúng con đi. Lạy Mẹ Trà
Kiệu, Mẹ là Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ chúng con, chúng con xin đặt tin tưởng nơi
Mẹ. Đến với Mẹ hôm nay, mai con lại về với cuộc sống gian trần Nhờ tràng chuỗi
Mân Côi chúng con tin rằng Mẹ giúp chúng con sống vui tươi, hạnh phúc, yêu
thương và phục vụ mọi người dù có khó khăn, gian khổ vì “Có Mẹ con đây, con còn sợ chi”.
Amen.
Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét