GỌI HỒN HỒN GỌI
Nhiều người tin là có những thầy bùa có thể
gọi hồn người chết về nhập vào người sống để nói chuyện. Có người đến xin
hồn cho biết những chuyện kín như ai lấy cắp tiền bạc của mình. Có kẻ muốn
hỏi hồn ý kiến phải quyết định như thế nào trong những việc hệ trọng. Rõ
ràng, người ta chỉ gọi hồn người chết. Bài Phúc Âm hôm nay không kể
chuyện gọi hồn người chết mà là hồn gọi người sống!
Có hồn mà Không có xác, hồn đi lang thang,
người ta gọi là “hồn ma vất vưởng.” Ngược lại, chỉ có xác mà không hồn,
người ta bảo là “xác ma không hồn.” Con người là tổng hợp của cả hồn và
xác. Thiếu một trong hai thì người ta gọi là “ma!”. Hồn và xác có
tương quan với nhau chặt chẽ, hồn an thì xác mạnh. Thân xác có tiếng nói
của thân xác, ngôn ngữ. Hồn có ngôn ngữ của hồn, tiếng nói lương tâm.
Vậy người ta có “gọi hồn”, thì hồn gọi cũng gọi người.
Hồn gọi là hồn muốn nói với xác. Hồn
bất tử. Hồn không thể chết. Đặc tính ấy cho thấy hồn có một giá trị
cao hơn xác. Cho nên, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết: “Xác là thể
phách, hồn là tinh anh.” Vì hồn tinh anh nên người ta mới “gọi hồn” người
chết về mà vấn ý. Trong đời sống thường nhật, người ta đồng ý là vật chất
rất cần thiết, nhưng tinh thần có giá trị đẹp hơn vật chất. Chẳng hạn,
lòng chung thuỷ thì đáng ca ngợi hơn nhan sắc. Tình yêu thì quý hơn bạc
vàng. Vì thế, mới có những hy sinh cao thượng. Có người hy sinh cho
người mình yêu, có kẻ chết vì lý tưởng, cho Tin Mừng. Cụ thể, Thiên Chúa yêu
thế gian, tức là con người đến nỗi ban Con Một của Ngài là Chúa Giêsu đến trần
gian mặc lấy xác phàm rao giảng, yêu thương, phục vụ chăm sóc mọi người và cuối
cùng chết trên cây thánh giá để cứu độ muôn người, tức là không chỉ cứu cho con
người được hồn an xác mạnh mà còn cho xác sống lại đời đời. Còn, Chân Phước
Têrêsa Calcutta Giáo Hội mừng lễ hôm nay, bổn mạng Tông Đồ Khuyết Tật Giáo Phận
Đà Nẵng. Mẹ Têrêsa Calcutta sinh ra ở nước Al-ba-ni nhưng sống và làm việc bác
ái xã hội ở Ấn độ. Suốt 65 năm tận tạo hy sinh phục vụ cho lý tưởng Tin Mừng-
yêu thương và phục vụ bệnh nhân, người nghèo hèn, người khuyết tật, người bị xã
hội bỏ rơi… vì Mẹ coi thân xác họ quý trọng biết bao, họ là con người được Chúa
sinh ra, là con cái Chúa, là người được Chúa cứu chuộc và họ là hình ảnh của
Chúa Giêsu đau khổ đang cần giúp đỡ và yêu thương chăm sóc nâng niu.
Ta ít nghe nói đến “hồn gọi”, nhưng trong đời
sống hằng ngày, chẳng mấy lúc mà hồn không gọi xác. Khi xác đói, ta xoè
tay muốn lấy trộm củ khoai, hồn suy nghĩ rồi bảo: Không! Thiếu tiếng “hồn
gọi”, xác chỉ nói ngôn ngữ tự nhiên làm theo bản năng thì con người và loài vật
giống nhau. Tiếng “hồn gọi” là tiếng lương tâm Thiên Chúa in dấu nơi con
người nên bao giờ cũng đúng, nó chỉ đạo cho xác. Và như thế, tiếng “hồn
gọi” bao giờ cũng là tiếng gọi đẹp. Cho nên, Thánh Phaolô chí lý nói: “Hướng
đi của xác thịt là sự chết, còn hướng đi của hồn là sự sống và bình an” (Rm 8,6).
Tin Mừng hôm nay ghi câu chuyện “gọi hồn”
người sống như sau: Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới
nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa
màu!” Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi,
xây những cái lớn hơn, và tích trữ tất cả lúa và của cải của mình vào đó.
Lúc đó ta sẽ nhủ lòng: hồn tôi hỡi, mình bây giờ ê chề của cải, dư xài nhiều
năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lc 12:16-19).
Đã chết đâu mà ông phú hộ ấy gọi hồn
về. Làm sao hồn có thể ăn mà lại gọi hồn đến? Có người đem khoanh
thịt ra mộ bia rồi lại đem về. Đó là biểu tượng nhớ thương nhiều hơn là
tin rằng hồn thực sự ăn. Hồn thuộc thế giới thiêng liêng, làm sao lấy
thịt thà, rượu bánh là vật chất mà đãi hồn là thế giới vô hình? Vậy mà
ông phú hộ mời hồn đến “ăn uống vui chơi cho đã.” Cái lầm lẫn của ông ta
là cho hồn thứ không thể ăn. Tiếng “gọi hồn” của ông ở đây là một nghịch
lý hoang tưởng. Phúc Âm kết đã kết thúc cái phi lý đó: “Nhưng Thiên Chúa bảo
ông ta: Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những
gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình mà
không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,20-21).
Hãy để ý là trong câu chuyện gọi hồn của ông
phú hộ, theo mạch văn tường thuật, ta thấy trong căn nhà ấy rất vắng.
Không có ai. Không thấy ông nói đến vợ con, không thấy nói đến anh em,
không thấy nói đến bạn bè, không thấy nói đến người hàng xóm, chỉ có mình ông
ta lẻ loi. Nổi bật lên là một thế giới khép kín lạnh lùng.
Không có ai để mà gọi, chỉ xác của ông gọi
hồn ông thôi. Hồn không ăn được thóc chứa trong kho, hồn không uống được
ly rượu trên bàn. Ông gọi sai chỗ, ông cho lầm đối tượng. Tại sao
vậy? Ông sống làm sao mà không ai chơi với ông, chẳng có ai chung quanh
cuộc đời và ông thành cô độc? Hình ảnh chỉ có một mình ông trong căn nhà
vắng là bóng hình rất ảm đạm, u ám và hoang tàn.
Một triết gia nói: “con người sinh ra là sống
cho, sống với và sống nhờ”. Cho nên, sống trong cuộc sống này chúng ta hãy tạo
cho mình một mối tương quan với Chúa và với tha nhân. Sống với Chúa để Ngài
nâng đỡ, che chở và dìu dắt ta đi trong ánh sáng chân lý Ngài để hồn xác được
hạnh phúc và bình an. Sống với tha nhân để tình người được thêm chan chứa khi
vui cũng như buồn, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe có như thế mới là con
người nếu không thì mất phần người (phần hồn) mà chỉ phần con (xác không hồn).
Cho nên, linh đạo của Tông Đồ Khuyết Tật Giáo Phận Đà Nẵng là "Tôi đã trở nên yếu với những
người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người,
để bằng mọi cách cứu được một số người" (1Cr 9,22).
Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta sống
trong đời này luôn tạo cho mình một mối tương quan mật thiết giữa Chúa và ta,
giữa con người với ta và giữa ta với hồn. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét