TIN LÀ TÍN THÁC VÀO
CHÚA XÓT THƯƠNG
Trong lớp bồi dưỡng
sư phạm giáo lý, một giáo lý viên hỏi tôi thế này: thưa cha, trong cuộc sống
người ta thường nghĩ rằng khi gặp sung sướng, hạnh phúc đó là hồng ân của Chúa,
còn khi ta thất bại, đau khổ đó là lúc Chúa thử thách chúng ta. Con có phải tuyệt đối tin vào điều đó không! Con
thấy đó như là một sự ngụy biện vì nếu như vậy thì cần gì đến Chúa, vì lẽ
thường thành công là nhờ vào công sức của chính mình và thất bại chỉ đơn giản
là do mình chưa chuẩn bị tốt hơn thôi, chứ Chúa gì mà Chúa!
Thưa cộng đoàn, theo
bản tính tự nhiên của con người, khi sức khỏe, công việc, hay mọi biến cố xảy
ra tốt đẹp, thành công, bình an và hạnh phúc như ý muốn, chúng ta không cảm
thấy cần tin cậy đến sự giúp đỡ và sức mạnh và Lòng Thương Xót của Chúa. Vì
chưng, chúng ta nghĩ rằng đó là do tài năng, trí khôn và sức lực của mình. Thật
là một sai lầm! Vì thân xác, tài trí và sức lực của ta ở đâu ra, chẳng phải là
Thiên Chúa ban cho ta. Chính Vua Đa-vít nói: "Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân
con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!
Hồn con đây biết rõ mười mươi. Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con
được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu. Con mới
là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi
trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự" (Tv 139,
13,16). Và "Ngắm tầng trời tay Chúa
sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bày, thì con người là chi mà Chúa cần nhớ
đến, phàm nhân là chi là Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém
thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công
trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân" (Tv 8,4-6). Đó
là về thân xác, còn tinh thần thì trong bài đọc 2, Thánh Phaolô khẳng định rằng
con người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn
ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày.
Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất
ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người
thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được
ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng
chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi
người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người.
Trong bài Tin Mừng, qua phép lạ đầu
tiên tại tiệc cưới Cana này, Chúa Giêsu cho các môn đệ và cả chúng ta biết căn
tính của Người: Ngài là Ngôi Lời đã làm người, dung nhan của Lòng Thương Xót
Chúa đang ở giữa chúng ta (Ga 1,14) để ai tin vào Ngài thì khỏi phải chết,
nhưng được sống muôn đời (Ga 3,16). Vì vậy, câu cuối cùng của trang Tin Mừng
lưu ý rằng kể từ đây, các môn đệ bắt đầu tin vào Chúa. Vâng, tin là theo Chúa
với trọn tấm thân, cả tâm hồn, cả tấm lòng và trọn cuộc sống. Nói cách khác,
tin Chúa là đi theo ý định, chương trình và làm theo ước muốn của Ngài: thương
xót và cứu độ mọi người. Nhờ tin trọn vẹn vào Chúa Giêsu, chúng ta không những
trở nên tốt lành, bình an và hạnh phúc mà còn nên một với Chúa trong sứ vụ là
sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng thương xót cho mọi người để họ tin và chịu
Phép Rửa hầu được cứu độ (Mc 16,15-16).
Đức tin có một sức mạnh thật kỳ diệu. Các tác giả Tin Mừng
đã chứng minh với chúng ta điều đó. Đối với những ai đến với Chúa và tín thác
nơi Lòng Thương Xót của Ngài, họ nhận được những ơn lạ lùng vượt xa sự mong
đợi. Chẳng hạn, một người bất toại được Chúa chữa lành (Mc 2,3-12), người mù
Chúa cho sáng mắt (Ga 9,1-41)… và rồi hôm nay phép lạ hóa nước thành rượu. Nhưng,
những điều kỳ diệu ấy đến từ quyền năng của Chúa bởi vì Ngài là chủ vũ trụ, là
nguyên lý của mọi nguyên lý. Cho nên, quyền năng của Chúa bao trùm vũ trụ và
cuộc sống con người. Trong xã hội văn minh hiện đại, con người lầm tưởng rằng
họ có thể thay thế Thiên Chúa. Ý tưởng điên rồ này đã phải gánh lấy thất bại
đắng cay một khi gạt bỏ Thiên Chúa khỏi cuộc sống nên kết quả là bạo lực, hận
thù, tội ác, dửng dưng, vô cảm giữa người với người và giữa người với thiên
nhiên môi trường.
Trong cuộc sống hôm nay, xung quanh chúng ta những điều kỳ
diệu vẫn đang xảy đến. Biết bao người đến với Chúa đã nhận được sự an ủi đỡ
nâng thể xác cũng như tinh thần. Có thể khi đến với Chúa, người què vẫn chưa tự
mình đi được, người mù vẫn chưa thể thấy được, người liệt chưa thể tự mình trỗi
dậy đi được, nhưng chắc chắn một điều, khi đến với Chúa với đức tin và niềm tín
phó thác, chúng ta đã nhận được nghị lực và niềm vui rất lạ lùng giúp chúng ta
vươn lên, vượt qua khó khăn, đón nhận thực tại, lạc quan và yêu đời hơn, và chính
lúc chúng ta tin chắc chắn rằng có Chúa cùng đi với chúng ta trong cuộc đời
này; có thể chúng ta bị thiệt thòi về một điểm nào đó, nhưng Chúa lại bù cho
chúng ta những khả năng phi thường ở một lĩnh vực nào đó mà người khác không có
được đó là bình an và hạnh phúc trong tâm hồn. Vì vậy, chỉ có Đức tin mới đem
lại cho chúng ta điều lỳ diệu là ơn cứu độ.
Tin là ra đi khỏi những tính toán an
toàn của bản thân, phó thác đời mình cho Lòng Thương Xót Chúa, khởi đầu bằng
việc hoán cải, đổi mới cái nhìn, suy nghĩ; kế tiếp là sẵn sàng vâng theo thánh
ý và giáo huấn của Chúa Giêsu, đồng thời quyết tâm dấn thân phục vụ Người và
tha nhân hầu làm cho cuộc sống xã hôi chúng ta đầy tình yêu thương xót nhau. Cho
nên, trong Thông Điệp về môi sinh “Laudato Si”, Đức giáo hoàng Phanxicô đã phê phán
mạnh mẽ đối với những người giàu không quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu và
nhất là ảnh hưởng của nó đối với người nghèo. Ngài nói: “Nhiều người trong số
những người sở hữu nhiều tài nguyên hơn, dường như quan tâm chủ yếu đến việc
che đậy các vấn đề hay giấu giếm các triệu chứng của các vấn đề ấy...” (số 26).
Đức giáo hoàng đặt câu hỏi, tại sao có quá nhiều người giàu ngoảnh mặt với
người nghèo? Ngài trả lời rằng không chỉ vì “một số người tự xem mình là xứng
đáng hơn hơn những người khác”, nhưng vì thông thường những người ra quyết định
lại sống “cách biệt với người nghèo”, không gặp gỡ thực sự anh chị em mình (số
90, 49). Và Đức giáo hoàng kêu gọi rằng chúng ta không thể chăm sóc thiên nhiên
“nếu cõi lòng chúng ta thiếu sự nhân hậu, lòng thương xót và quan tâm đến người
đồng loại của chúng ta” (số 91).
Ước gì, qua Lời Chúa hôm nay, mỗi người
hãy tích cực sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng xót thương của Chúa trong năm
Phúc âm hóa xã hội này, thông truyền đức tin cho người chưa biết Chúa qua việc
sống theo Thánh ý Chúa nhất là hãy sống thương xót nhau trong mọi hoàn cảnh qua
việc thương xác và thương linh hồn mọi người trong Năm Thánh Lòng Thương Xót
này. Allêluia.
Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét