Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN C

HÃY THƯƠNG XÓT ĐỪNG VÔ CẢM

Trong tuần qua, dân mạng xôn xao một bài văn của em Phan Hoàng Yến, học sinh lớp 9A2 trường trung học Chu Văn An, Hà Nội. Bài văn viết về bệnh vô cảm trong xã hội ngày nay. Bài văn được cô giáo cho 9,5 điểm với nhận xét: "Em có những phát hiện và suy nghĩ sâu sắc về hiện tượng đáng buồn này. Một người có trái tim nhân hậu, đa cảm và tư duy sắc sảo như em thật đáng quý". Băn có đoạn viết rằng: “Có được một xã hội văn minh, hiện đại ngày nay một phần lớn cũng là do những phát minh vĩ đại của con người. Một trong số đó chính là sự sáng chế ra rô-bốt, và càng ngày, rô-bốt càng được cải tiến cao hơn, tỉ mỉ hơn làm sao cho thật giống con người để giúp con người được nhiều hơn trong các công việc khó nhọc, bộn bề của cuộc sống. Chỉ lạ một điều: Ðó là trong khi các nhà khoa học đang "vò đầu bứt tóc" không biết làm sao có thể chế tạo ra một con chip "tình cảm" để khiến "những cỗ máy vô tình" biết yêu, biết ghét, biết thương, biết giận thì dường như con người lại đi ngược lại, càng ngày càng vô tình, thờ ơ với mọi sự xung quanh. Ðó chính là căn bệnh nan y đang hoành hành rộng lớn không những chỉ dừng lại ở một cá nhân mà đang len lỏi vào mọi tầng lớp xã hội - bệnh vô cảm. Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình, không căm tức, không phẫn nộ. Nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ, không say mê, không thích thú. Thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can. Vậy đó còn là con người không hay chỉ là cái xác khô của một cỗ máy? Chúng ta biết bệnh vô cảm vô cùng nguy hiểm nhưng lại đặt ra câu hỏi: Rốt cuộc thì nguyên nhân tại sao? Suy cho cùng, tình cảm là điều chi phối tất cả. Những người vô cảm là những người bị thiếu hụt tình yêu thương. Chính vì không cảm nhận được tình yêu thương mà người ta ngày càng lạnh giá. Một phần nữa cũng là do xã hội hiện đại quá bận rộn và đòi hỏi con người phải làm việc, làm việc và làm việc mà bỏ quên thời gian để trao nhau hơi ấm của tình thương, để ươm mầm cảm xúc”.

Tin Mừng hôm nay thuật lại chuyện Chúa Giêsu trở về làng cũ sau một thời gian rao giảng có tiếng tăm. Thoạt nghe Chúa rao giảng, họ khâm phục tán thành. Nhưng sau đó họ lại xua đuổi và muốn giết Chúa. Tại sao có cảnh trái ngang đau lòng như thế? Tại sao họ vô cảm với Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa và Thiên Chúa thật đang sống với họ, thương xót họ. Xa hơn nữa, tại sao họ vô cảm trước tình yêu thương xót có sức đem lại hạnh phúc, bình an và sự sống đời đời?  
Thưa vì, thứ nhất, lòng tin nông cạn. Khi đi rao giảng, Chúa muốn đem lại cho dân một đức tin mạnh mẽ đến nỗi có sức mạnh cứu độ và cho con người sống dồi dào hạnh phúc. Nhưng dân làng Na-da-rét không nhìn thấy điều đó. Họ không tin Người là Đấng Cứu Thế, Đấng giàu lòng thương xót đến rao giảng và nói về Thiên Chúa để họ tin vào Thiên Chúa hầu được cứu độ. Họ tin vào Chúa chỉ mong đem lại cho họ lợi lộc vật chất: được khỏi bệnh; được ăn no... mà thôi. Ước mong của họ không được đáp trả, nên vô cảm với Chúa.
Thứ hai, vì thiếu lòng cậy, Chúa Giêsu rao giảng kèm với việc chữa lành chỉ vì chạnh lòng thương con người cơ cực đồng thời cho thấy quyền năng của Thiên Chúa đang ở với mọi người. Còn dân làng Na-da-rét không nhận ra Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Chúa nên học không cậy bởi vì “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao? Thế nên, họ vô cảm với Chúa.
Và cuối cùng, lòng mến ích kỷ. Họ muốn Chúa là người làng Na-da-rét thì phải dành mọi ưu tiên cho dân làng từ việc rao giảng cho đến việc làm phép lạ. Tất cả phải bắt đầu và bó gọn trong làng. Nhưng Chúa Giêsu, khi trích dẫn chuyện tiên tri Ê-li-a ở nhà bà goá Xa-rép-ta trong thời hạn hán, làm cho bình dầu và hũ bột của gia đình bà không bao giờ vơi và chuyện tiên tri Ê-li-sa chữa tướng Na-a-man, người Xy-ri khỏi bệnh phong, để chỉ cho họ thấy rằng Nước Chúa không chỉ bó hẹp lại trong phạm vi người thân thuộc nhưng phải mở rộng tới tất cả mọi người. Không chỉ những người trong đạo Do Thái mà cho cả những người ngoại đạo nữa. Họ không chấp nhận nên họ vô cảm với Chúa: kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.
Thái độ vô cảm sẽ trực tiếp dẫn đến hành vi xấu và ác. Nó là một căn bệnh làm cho khối óc của con người vẫn hoạt động nhưng trái tim lại băng giá, ngục tù. Trái tim bị băng giá hay ngục tù là trái tim không có tình yêu, mà không tình yêu tình nói như lời Thánh Phaolô trong bài đọc 2 rằng: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có tình yêu, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có tình yêu, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có tình yêu, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13, 1-4).
Trái tim không tình yêu là trái tim vô cảm, đã vô cảm thì làm sao có thể thấu hiểu được nỗi khát khao hạnh phúc của người khác mà giúp đỡ hay chia sẻ mà cầu nguyện đỡ nâng. Vô cảm thì luôn chỉ nghĩ đến mình và lợi ích của riêng mình mà không bao giờ cho đi. Không vô cảm, thì làm gì có chuyện em Hoàng Yến mô tả cảnh đời trái ngang như thế! Không vô cảm thì làm sao có chuyện một người còn chưa qua tuổi trưởng thành lại vô tư chém giết cả nhà một cách dã man để lấy vàng bạc? Không vô cảm thì làm sao có chuyện người ta rủ nhau đi phá thai rầm rộ như đi lễ hội hiên ngang mà không thấy đau lòng khi giết chính con cái mình? Và còn nhiều, còn nhiều hành động xấu xa hơn nữa. Tất cả đều xuất phát từ thái độ vô cảm mà ra.
Tại sao con người ngày nay vô cảm? Lời Chúa hôm nay trả lời rằng vì không có Chúa, tức không có tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Không có Chúa nghĩa rằng không có Lời Chúa, mà Lời Chúa là đèn soi cho chúng ta đi và chỉ có Lời Chúa mới làm cho chúng ta sống thương xót nhau. Lời Chúa là Lời tình yêu thương xót luôn ban cho trái tim chúng ta những hạt mưa thương xót để dập tắt được những ngọn lửa của lòng thù hận, ghen ghét, gian tà, độc ác… đồng thời đốt lên trong lòng ta ngọn lửa yêu thương, tha thứ, hiền lành, khiêm nhường, từ tâm, nhẫn nại.... Cho nên, Thánh Phaolô trong bài đọc hai dạy chúng ta rằng: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được” (Cr 13,4-8).
Vì thế, Trong Sứ Điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình năm nay,  Đức Giáo hoàng mời gọi chúng ta phải từ bỏ thái độ dửng dưng với con người và môi sinh để mặc lấy lòng thương xót, qua sự cải hoán tâm hồn. Thiên Chúa không bao giờ dửng dưng trước tiếng kêu khóc của con cái Ngài, Ngài dạy chúng ta phải có lòng thương xót. Lòng thương xót này là “quả tim của Chúa, và đó phải là quả tim của tất cả những ai nhận biết mình thuộc về một gia đình lớn là gia đình con cái của Chúa”.

Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, ước gì những ngày cuối năm Ất Mùi này, xin cho mọi người mở cửa trái tim để tha thứ, yêu thương và biết chia sẻ vật chất cũng như tinh thần cho mọi người trong gia đình cũng như những người xung quanh mình, nhất là những người nghèo trong xã hội để cùng nhau đón mùa xuân Bính Thân thật chan hòa tình yêu thương xót. Amen.  
Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét