THƯƠNG XÁC VÀ HỒN
Trong
thánh lễ phong chân phước Mẹ Têrêxa Calcutta, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
đã nói: “Mẹ Têrêxa không những đã chọn
chỗ thấp nhất mà còn muốn đi phục vụ những người hèn mọn nhất của xã hội. Tựa
như một người mẹ của những người nghèo. Người nghiêng mình xuống trên những
người cùng khổ vì đủ mọi thứ nghèo khổ”. Vâng, Mẹ Têrêxa Calcutta đã dấn
thân đến với người nghèo hầu mong nâng cao phẩm giá họ lên giữa một xã hội còn
đầy những kỳ thị chủng tộc, kỳ thị sang hèn, và kỵ thị khuyết tật hay lành lặn.
Chính Mẹ đã từng nói: “Cái nghèo khổ nhất trên đời này là bị xua
đuổi, không còn được ai đoái hoài đến nữa”. Cho nên, Mẹ đã thành lập hội
dòng Thừa sai bác ái với ước nguyện: “Thiên
Chúa vẫn mãi yêu thương thế gian và Người sai chị em chúng ta ra đi biểu lộ
tình yêu và lòng thương xót của Người đối với người nghèo”.
Qủa thế,
ngày trong thời Cựu ước, Thiên Chúa hằng quan tâm thương xót mọi người, đặc
biệt là người nghèo. Lời Chúa trong Sách Nơ-khe-mi-a nói rằng hôm nay là ngày
thánh hiến cho Thiên Chúa của chúng ta, chúng ta đừng sầu thương khóc lóc nữa
vì niềm vui của Thiên Chúa là thành bảo vệ chúng ta. Anh em hãy về ăn thịt béo,
uống rượu ngon, và gửi phần cho những người không có sẵn của ăn. Đến thời Tân
Ước, Thiên Chúa đã nhập thể làm người để nâng con người nên làm con Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã trở nên Emmanuel ở lại luôn mãi với nhân trần. Thiên Chúa đã đến
với dân Người để yêu thương và ban phát ơn lành. Chúa Giêsu, dung nhan Lòng
Thương Xót của Chúa Cha đã chọn người nghèo, người cùng khổ để dấn thân phục
vụ. Đấng Thiên Sai đã sống một kiếp người trong nghèo khó, thiếu thôn tư bề để
cảm thông với những lắng lo của kiếp người truân chuyên. Cụ thể, Tin Mừng hôm nay tường thuật cho thấy
Chúa Giê-su đã trở về lại Na-da-rét và theo tập quán, Ngài đã bước vào trong
hội đường nhằm ngày Sabbat. Người ta đã xin Ngài đọc Kinh Thánh cũng như giải
thích Kinh Thánh cho họ nghe. Ngài đã mở Sách Thánh ra và trúng ngay vào đoạn
sách của Ngôn Sứ Isaia với những lời như sau: “Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng
ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo tin
mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho
kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của
Đức Chúa” (Is
61,1-2). Rõ ràng nhất trong Kinh Năm Thánh chúng ta đọc thấy: “Với ánh mắt đầy
yêu thương của Chúa đã giải thoát ông Zakêu và thánh Matthêu khỏi ách nô lệ bạc
tiền; làm cho người đàn bà ngoại tình và thánh Mađalêna không còn tìm hạnh phúc
nơi loài thụ tạo; cho thánh Phêrô khóc lóc ăn năn sau khi chối Chúa,và hứa ban
thiên đàng cho kẻ trộm có lòng hối cải”.
Trong
Tông sắc Dung Nhan Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: Một “năm
Hồng Ân của Đức Chúa” chính là năm được công bố bởi Chúa Giê-su, và chúng
ta đang muốn sống năm đó. Năm Thánh này mang đến với chính nó sự phong phú nơi
sứ mạng của Chúa Giê-su, giống như được vang lên trong những lời của sách Ngôn
Sứ: Mang đến cho người nghèo một lời và một cử chỉ ủi an, công bố ơn giải thoát
cho những người mà họ đang bị giam cầm trong những hình thức nô lệ mới của xã
hội hiện đại, tái trao lại tầm nhìn cho những người mà họ không còn có thể nhìn
thấy bất cứ điều chi nữa, vì họ chỉ nhìn chằm chặp vào chính mình, trao lại
phẩm giá cho những người mà họ đã bị người ta cướp mất phẩm giá của mình. Việc
công bố Chúa Giê-su sẽ trở nên tái rõ ràng trong lời đáp trả phát xuất từ Đức
Tin, cũng như trong chứng tá đời sống mà tất cả các Ki-tô hữu đều được kêu gọi
để trao đi (số 16).
Hôm
nay Chúa Giêsu sai chúng ta ra đi đem Tin Mừng thương xót cho mọi người nghèo
xã hội: nghèo tiền bạc, nghèo sức khỏe do ốm đau bệnh tật, nghèo tiếng nói vì
bị xã hội loại bỏ, nghèo tình thương xót bởi thành kiến, bởi ích kỷ tham lam,
nghèo niềm tin vì chưa biết Chúa, nghèo đức hạnh và thánh thiện do tội lỗi, và
nghèo bác ái do tham sân si nên áp bức bót lột người khác, nghèo lòng bao dung
vì thiếu sự thứ tha, và nghèo tình cha nghĩa mẹ vì sinh ra cõi đời này đã không
có cha có mẹ. Cho nên, Trong Kinh Năm Thánh chúng xin rằng: “Xin sai Thần Khí
Chúa đến xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con, để Năm Thánh Lòng Thương Xót
này trở thành năm hồng ân của Chúa cho chúng con; và để Hội Thánh Chúa, với
lòng hăng say mới, có thể mang Tin Mừng đến cho người nghèo”. Vâng, Tin Mừng
thương xót đến cho nghèo đó chẳng phải là thương xác và linh hồn người ta đó
sao: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ
nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, chôn xác kẻ chết, chuộc kẻ làm tôi. Và lấy lời lành mà khuyên người, dậy dỗ
kẻ mu muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng
ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết (số 15§2).
Trong Tông sắc Dung Nhan Lòng Thương
Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn một cách khẩn khoản rằng, trong Năm Thánh
này, các Ki-tô hữu hãy thi thố lòng thương xót bằng việc thi hành thương xác và
linh hồn tha nhân. Đừng để: “Khi tôi
lầm lỡ, mới biết sớt chia với người lỡ lầm. Khi tôi nghèo đói, tôi sẽ hiểu nỗi
đau người lầm than. Khi tôi gian nan mới biết sớt chia với người khốn cùng. Khi
tôi đau khổ, đời tôi mới biết cảm thông. Khi tôi buồn chán mới biết nỗi đau nơi
người thất vọng. Khi tôi mù lòa tôi sẽ hiểu bóng đêm và sợ hãi. Khi tôi cô
đơn, mới biết xót xa với người cô quạnh. Khi tôi khát vọng, đời tôi thấm nỗi
trầm luân. Khi tôi quỵ ngã mới biết đỡ nâng những người xa đọa. Khi tôi oà khóc
tôi sẽ hiểu nước mắt sao buồn quá. Khi tôi lang thang mới biết đắng
cay với người không nhà. Khi tôi đơn độc thì thương ai mất mẹ cha. Như vậy thì khi mình khỏe mạnh, giàu có mình chưa thương xót những
người khốn cùng này rồi, mình quá hờ hững. Cho nên, ĐK. Lạy Chúa ban yêu thương
vào trái tim con. Đã bao lần
con đây hờ hững. Lạy Chúa dạy con yêu thương, dạy con yêu thương. Cho hòa bình sáng ngời muôn nơi.
Chúa Ki-tô đang hiện diện trong bất cứ
một con người nào trong số những người nghèo ấy. Thân xác của Ngài đang
tái trở nên rõ ràng trong bất cứ thân xác nào đang bị bệnh hành hạ, đang bị gây
tổn thương, đang nghèo đói, đang mất tình thương từ những người trong xã hội…
Ngài hiện diện trong những người ấy để chúng ta nhận ra Ngài, đụng chạm được
tới Ngài và giúp đỡ Ngài một cách chu đáo. Ước gì với tinh
thần của Năm Thánh Lòng Thương Xót hãy bung
mình ra, hãy giơ tay ra, hãy mở miệng ra để yêu thương, tha thứ và giúp đỡ vật
chất những người nghèo trong xã hội chúng ta đang sống. Đó sẽ là dấu chỉ Lòng
Thương Xót rõ ràng nhất trong xã hội nhờ đó mọi người nhìn ra Thiên Chúa, Đấng
giàu lòng thương xót nhất. Amen
Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét