Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ

MÌNH MÁU THÁNH CHÚA GIÊSU TUÔN ĐỔ 
MỌI ƠN PHÚC TỪ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
          Kết quả hình ảnh cho mình thánh chúaCó người nói rằng tại sao Hội Thánh dành riêng ngày hôm nay để tôn vinh Mình và Máu Chúa Kitô? Chúng ta chẳng tôn vinh Mình và Máu Thánh Ngài vào mỗi khi dâng thánh lễ sao? Lý do mừng lễ này là vì Hội Thánh muốn vừa nhấn mạnh sự cao trọng thánh thiêng của Mình Máu Thánh Chúa khi cử hành phụng vụ vừa xác tín rằng Mình Máu Thánh Chúa Kitô phát sinh mọi ơn phúc từ lòng thương xót Chúa ngay trong đời sống người Kitô hữu nhờ rước Mình Thánh Chúa.   

Thứ nhất, Mình Máu Chúa cao trọng và thánh thiêng như thế nào? Lời Chúa trong Bài đọc 2, Thánh Phaolô kể việc Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể rằng trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và nói: “đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em; anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”. Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng Máu Thầy, mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”. Chúa Giêsu hai lần nói làm việc này tưởng nhớ đến Thầy? Việc này là việc gì? Đó là cử hành Bí Tích Thánh Thể để tưởng nhớ Chúa Giêsu. Tưởng nhớ đến Chúa Giêsu không chỉ là nhớ chung chung, mà thánh Tôma Aquinô nói rằng tưởng nhớ ở đây mang 3 chiều kích: quá khứ, hiện tại và tương lai. Cho nên, Giáo lý hội thánh công giáo dạy rằng cử hành Thánh Thể không chỉ tưởng nhớ đến hy lễ của Chúa Giêsu trong quá khứ mà còn hiện tại hóa hy lễ Vượt Qua đó dâng trên thánh giá ngày xưa: chết sự sống lại, nay đang diễn ra thực sự ngay trên bàn thờ này và giờ đây chúng ta đang cùng với phụng vụ thiên quốc trước trên có Mẹ Maria, các thánh, các triều thần thiên quốc đang cử hành với chúng ta để tung hô, tôn vinh và thần phục Thiên Chúa. (Cho nên, sau mỗi vì kết kinh nguyện Thánh Thể, linh mục đọc rằng: vì thế cùng với triều thần thiên quốc, các thánh, chúng con đồng thanh tung hô Chúa rằng…). Vì vậy, Thánh thể rất cao trọng và cực thánh vì đó là Mình Máu cùng với linh hồn và thần tính của Chúa Giêsu đang hiện diện thật sự trên bàn thờ, đó cũng chính là toàn thể con người Đức Kitô Ngôi Hai Thiên Chúa, Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian đang hiện đích thực, thật sự và chắc chắn nhất ở giữa cộng đoàn phụng vụ để cùng với của lễ mỗi người dâng về Thiên Chúa.
Thứ hai, Mình Máu Thánh Chúa ban phát mọi ơn phúc từ lòng thương xót của Chúa như thế nào? Giáo lý Hội Thánh dạy rằng rước Mình Máu Thánh được những hiệu quả sau đây: một là kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô và được sống trong Chúa. Thật vậy, Chúa nói: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi sẽ ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Cuộc đời chúng ta ngày nào cũng có cái khổ của ngày ấy nhưng nếu có Chúa ở trong ta, trong cuộc đời của chúng ta, Ngài sẽ thương xót nâng đỡ, xoa dịu những nỗi khổ, làm cho ta được vơi đi nỗi sầu và làm cho ta bình an mà vui sống. Cho nên, trong cuốn Đường Hy Vọng, Tôi tớ Chúa Đức Hồng Y Phanxicô xavie Nguyễn Văn Thuận nói rằng: “Mình Máu Thánh Chúa phương dược chữa xác cứu hồn, là thang thuốc trường sinh bất tử. Thánh Thể chứa đựng ‘Mầu nhiệm Đức tin’ và ban sức mạnh đức tin cho tôi. Cho nên, dù cô đơn nơi đèo heo hút gió, dù tăm tối trong ngục tù, mỗi ngày với 3 giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay, tôi cử hành Thánh lễ. Nhờ rước Thánh Thể, tôi được an ủi và can đảm tràn ngập cõi lòng”.   
Thứ hai, Nhờ rước Mình Máu Chúa, Chúa tăng thêm sức mạnh cho đức mến Chúa và yêu người nơi chúng ta và nhờ đức mến sống động này mà các tội nhẹ được xóa bỏ vì chưng Lời Chúa: “Nếu chúng ta đi trong ánh sáng cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng, thì chúng ta được hiệp thông với nhau, và máu Đức Giê-su, Con của Người, thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi” (1Ga 1,7). Thứ ba, Nhờ rước Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta càng tham sự vào sự sống của Đức Kitô và càng tiến sâu trong tình bằng hữu với Ngài, lúc ấy Chúa gìn giữ chúng ta khỏi phạm tội trọng.  Và cuối cùng, khi rước Minh Máu Chúa, chúng ta cảm nếm và ước ao đạt tới hạnh phúc trên thiên đàng vì chưng, “Nếu bí tích thánh thể là việc tưởng niệm cuộc vượt qua của Chúa, nếu nhờ việc rước lễ tại bàn thờ mà chúng ta được ân phúc bởi trời, thì bí tích Thánh thể cũng là sự tham dự trước vào vinh quang thiên quốc” (GLHTCG, số 1402)
Chúng ta thường dễ có khuynh hướng quen quá hóa thường. Cho nên, vào nhà thờ có Mình Thánh Chúa, thích thì bái chào Chúa, không thích thì thôi cũng chẳng sao. Rồi nhiều khi đang dâng lễ, điện thoại reo, mở ra nghe và nói chuyện tỉnh bơ chẳng cần biết có Chúa Giêsu cực thánh, Mẹ và các thánh đang ở bên mình. Hoặc nữa, có nhiều người công giáo đi lễ nhưng lại ngồi ở gốc cây, hay ra ngoài hút thuốc, nói chuyện và hầu như không bao giờ rước Mình Thánh Chúa? Hoặc có rước lễ thì tới giờ rước Mình Thánh Chúa mình chẳng dọn mình gì hết vì họ không ý thức rằng Mình Máu Thánh Chúa cao trọng và cực thánh đồng thời nhờ rước Mình Thánh Chúa mà Thiên Chúa giàu lòng thương xót ban cho đời mình tươi sáng và rạng ngời hơn. Cho nên, hiến chế Phụng vụ của Công đồng Vaticanô II dạy rằng: “Thánh lễ là chóp đỉnh, nguồn mạch đời sống đức tin của tín hữu”.
Tại sao chúng ta có thói quen “quen quá hóa thường” như thế, do thiếu ý thức về những sự cao trọng và thánh thiêng của Thánh lễ, nhất là rước Mình Thánh Chúa sẽ được mọi ơn phúc cho đời ta từ lòng thương xót. Vì vậy, nên nhớ rằng hánh lễ và Thánh Thể là những điểm hẹn để chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót luôn ban mọi ân phúc cho chúng ta khi chúng ta hiệp lời cầu xin. Cho nên, Thánh lễ cơ hội rất quý báu để có thể kín múc lấy nguồn sự sống, nguồn ân sủng cần thiết cho cuộc đời, đồng thời Thánh Thể là lương thực nuôi sống linh hồn ta trong hành trình đời người và đời sống đức tin của chúng ta đang đi về quê hương trên trời.
Ước gì, qua Lời Chúa hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta xác tín niềm tin thật của mình vào Mình và Máu Thánh Chúa Kitô cực trọng và cực Thánh đang hiện diện mỗi lần chúng ta dâng lễ nên chúng ta phải tỏ thái độ mến yêu, tôn thờ và thần phục Chúa Giêsu Kitô cho phải đạo đồng thời siêng năng rước Mình Máu Thánh Chúa để Ngài làm cho đời ta được Chúa xót thương và ban tràn đầy ơn phúc. Amen.    
     Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét