LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN
CHÚA SỰ SỐNG
Trong Tông sắc Dung Nhan Lòng Thương Xót
Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Thiên
Chúa luôn luôn hiện diện trong lịch sử nhân loại với tư cách là Đấng gần gũi,
Đấng chăm lo, Đấng Cứu Độ và Đấng Xót Thương” (số 6§1). Qủa
thế, trong suốt lịch sử cứu độ, lòng thương xót của Thiên
Chúa luôn hoạt động để chăm sóc và cứu giúp con người trong mọi cảnh huấn của
cuộc đời dù họ có chết về mặt tinh thần hay thể xác nhưng Ngài cũng cho sống
lại. Cụ thể, bài đọc 1 kể tiên tri Ê-li-a, ba lần ông nằm lên
trên đứa trẻ, và kêu cầu Thiên Chúa cho đứa trẻ sống lại rằng: "Lạy Đức Chúa,
Thiên Chúa của con, xin cho hồn vía đứa trẻ này lại trở về với nó!" Đức
Chúa nghe tiếng ông Ê-li-a kêu cầu, hồn vía đứa trẻ trở về với nó, và nó
sống. Còn Tin Mừng Thánh Luca kể lại
việc Chúa Giêsu làm phép lạ cho đứa con trai bà góa thành Naim sống lại. Rồi
bài đọc 2, Thánh
Phaolô đã cảm nhận được tình yêu quảng đại của Thiên Chúa dành cho Ngài. Thánh
Phaolô cho thấy, Ngài cũng chỉ là một người như muôn người, và trước khi trở
lại, Ngài đã sống một cuộc sống tội lỗi đáng thương tội nghiệp, nhưng vì được
Thiên Chúa thương nhìn đến và đã chọn Ngài, biến Ngài trở thành một tông đồ
nhiệt thành rao giảng về tin Mừng của chúa Giêsu, và chính Thiên Chúa đã cho
Ngài một tâm hồn mới một lòng nhiệt thành mới và một cuộc đời mới, điều đó cũng
giống như một cuộc sống lại mới.
Thánh Luca, vị tông đồ viết Phúc Âm nhấn mạnh
đến sự thương xót của Chúa Giêsu, Dung
Nhan lòng thương xót của Thiên Chúa. Qủa thế, trong cuộc sống dương gian,
Chúa Giêsu làm rất nhiều phép lạ nhưng không phép lạ nào vĩ đại bằng phép lạ
cho kẻ chết lại mà Lời Chúa hôm nay thuật lại rõ ràng nhất. Nhưng qua những phép lạ ấy, Thiên Chúa muốn
nói gì với chúng ta hôm nay?
Thiên
Chúa nói rằng Thiên Chúa của sự sống luôn thương xót và ở với con người. Cho
nên, Thiên Chúa luôn chạnh lòng thương xót mọi phận người khổ đau. Ngài xót xa
khi nhìn thấy đoàn người đói khát mệt mỏi sau một ngày theo Chúa trên đồng
hoang mông quạnh. Ngài xót xa khi nhìn thấy nỗi đau thể xác nơi các bệnh nhân. Và
hôm nay, Ngài xót xa và thương cảm trước cái chết của con người, nhất là Ngài
xót xa trước cảnh ly biệt của mái đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Cho nên, Ngài đã tỏ
bày lòng thương xót của một vị Thiên Chúa luôn sẵn lòng thi ân giáng phúc cho
kiếp người.
Tin Mừng kể Đức Giê-su đi đến thành kia
gọi là Na-in, trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương. Chúa Chạnh lòng thương có
nghĩa là Ngài xúc động và động lòng thương. Cảm tình
của Người đã đi trực tiếp đến người đàn bà không phải là do cái chết của đứa
con nhưng ở tương lai, tức là sau khi chôn cất xong bà sẽ trở về lại một mình
trong căn nhà trống rỗng và bà cũng có thể khó mà sống sót được. Cho nên, Chúa
Giêsu đến bên bà và nói “Đừng khóc nữa”. Thế rồi, Chúa Giêsu nói: “Hỡi thanh
niên, Ta truyền cho anh hãy trỗi dậy” và “Chúa Giêsu đã trao anh lại cho mẹ
anh”.
Hãy chú ý đến sự khác nhau giữa hai phép lạ,
giữa những gì tiên tri Êlia và những gì Chúa Giêsu đã làm. Cả hai đối đầu với
sự chết. Êlia đã kêu cầu Chúa và cầu nguyện rằng: “Xin Ngài phục hồi sự sống
cho đứa con của người đàn bà”, còn Chúa Giêsu đã nói nhân danh Chúa và bởi
quyền lực của chính mình. Ngài đã nói những lời rất quyền năng. Êlia thật sự là
một tiên tri của Thiên Chúa nhưng còn Chúa Giêsu chính Chúa của sự sống. Chúng
ta khâm phục và tôn kính vị tiên tri nhưng đối với Chúa Giêsu chúng ta tôn thờ
và tuyên xứng Ngài là Thiên Chúa của sự sống như trong lời chúng ta tuyên xưng
trong Thánh Lễ: “Con tuyên xưng Chúa đã chết đi, con tuyên xưng Ngài đã sống
lại, trong vinh quang mai ngày lại đến đón chúng con lên trời về với Chúa Cha”.
Đau
khổ là nỗi ám ảnh và là một tình trạng luôn đeo bám con người, và nó gắn liền
với thân phận con người. Cuộc sống của con người dường như những ngày vui ít
hơn ngày buồn, nước mắt nhiều hơn nụ cười, có khi niềm vui chưa qua thì nỗi
buồn và đau khổ đã đến, mà đau khổ lại muôn màu muôn vẻ, người thì khổ vì gia
đình, người thì khổ vì cuộc sống đói khát, có người đau khổ vì chính bản thân
khuyết tật, khổ vì người ta phụ bạc tình yêu của mình, khổ vì đau yếu bênh tật,
nhưng cái đau khổ tột cùng nhất của con người vẫn là cái chết, nó không chỉ
khiến cho người đối diện với nó đau khổ sợ hãi, mà nó còn khiến cho người ở lại
trong đau buồn tê tái.
Đức Giêsu luôn cảm thông luôn
thấu hiểu thân phận con người chúng ta, vì Ngài cũng đã từng mang thân phận con
người với bao giới hạn và với tất cả đau khổ của con người, Ngài không thể làm
ngơ trước những giọt nước mắt, trước những nỗi lòng của con người, chính vì
thế, chúng ta đừng ngại ngần, mà hãy đến với Ngài, trải lòng ra với Ngài và
trình bày cho Ngài những đau khổ thầm kín trong cuộc đời của mình, để Ngài an
ủi nâng đỡ chúng ta. Nhất là chúng ta đang sống trong Năm thánh Lòng Thương xót
và tháng tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu là nơi mạch đầy dẫy hằng chảy ơn lành cho hết
mọi người chúng ta, là sự sống cùng
là sự sống lại chúng ta và Trái tim Chúa Giêsu ban cho chúng con được bằng an
và làm lành cùng Đức Chúa Trời. Vậy chúng ta hãy gặp gỡ Chúa Giêsu bằng những
giờ phút cầu nguyện trong ngày, hãy dâng cho Chúa những lao khổ nhọc nhằn của
cuộc sống, hãy tin tưởng phó thác những lo toan cho Chúa, Ngài sẽ đỡ đần cho
chúng ta, Ngài cũng sẽ lấy tình yêu thương để nói với chúng ta rằng: Đừng khóc
nữa, và Ngài sẽ trả lại cho chúng ta niềm vui.
Xin
cho mỗi người chúng ta luôn tin tưởng trải lòng mình ra với Chúa khi vui cũng
như khi buồn, luôn tin tưởng cậy trông vào tình thương của Chúa, “Vì chỉ có
mình Ngài, lạy CHÚA, ban cho con được sống yên hàn” (Tv 4,9). Amen
Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét