Thưa Cha, có phải ngoài Thánh Lễ, các
cử hành Á Bí Tích: làm phép nhà, làm phép tràng hạt… không phải là phụng vụ có phải không?
Thứ
nhất, chúng ta cần hiểu phụng vụ là gì? Tự Ðiển Phụng Vụ Nguyên tác bằng Pháp ngữ Dictionaire
de Liturgie của tác giả Dom Robert Le Gall xuất bản năm 1982 định nghĩa: Phụng Vụ là cuộc gặp gỡ giữa Thiên
Chúa và Dân Người để cử hành Giao Ước. Trong cuộc gặp gỡ này, tác động của
Thiên Chúa là tác động khởi đầu (chiều đi xuống), bởi vì chính Thiên Chúa có
sáng kiến lập Giao Ước và khơi dậy sự đáp ứng của Dân (chiều đi lên). Nhờ sự
trung gian của Ðức Kitô, đặc biệt là nhờ cuộc hiến tế cứu độ của Người, các tác
động phụng vụ của chúng ta, những tác động làm nên việc phụng thờ Thiên Chúa,
sẽ nối kết với công trình thánh hóa của Thiên Chúa, là công trình đưa chúng ta
vào Giao Ước của Người.
Công Ðồng Vaticanô
II: "Phụng vụ đáng được xem là việc
thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa
con người (chiều đi xuống) được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác, và được
thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ (bí tích và phụ tích), và
trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn (chiều đi lên) được thực thi nhờ
Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là Ðầu cùng các chi thể của Người" (HCPV số
7). Phụng vụ không phải là tất cả hoạt động của Hội Thánh (HCPV số 9), nhưng là
tuyệt đỉnh và nguồn mạch cho các hoạt động đó (HCPV số 10). Tất cả cuộc sống
của Kitô hữu đều có chiều kích phụng vụ: được sinh ra trong phụng vụ, cuộc sống
đó không ngừng tiến từ phụng vụ này sang phụng vụ khác.
Thứ hai, chúng ta thường dùng thuật ngữ “làm phép” để
dịch từ la tinh “Benedictio”. Từ “Benedictio” có nhiều nghĩa, nghĩa căn bản là “nói lời tốt lành”. “nói lời tốt lành” đối
với Thiên Chúa là chúc tụng. “nói lời tốt lành” cho một người là “chúc
phúc”. “nói lời tốt lành” trên một sự vật là “làm phép” như đã quen dùng.
Các nghi thức “làm phép” là các Á Bí Tích. Chúng ta biết rằng bản chất của Hội Thánh là Bí Tích, vì
tính cách nhập thể của Hội Thánh và vì trong Hội Thánh và qua Hội Thánh Chúa Kitô
vẫn đang hoạt động với tư cách Thượng Tế của Giao Ước mới. Do đó mọi hoạt động
của Hội Thánh đều liên hệ tới công cuộc cứu độ, và hoạt động ấy đều là “Bí
Tích”, nghĩa là dấu chỉ về một thực tại thánh thiêng vô hình và ban ơn thiêng
liêng. Chúng ta đã biết các Bí Tích là các dấu chỉ hữu hiệu “ex opere operato”,
nghĩa là phát sinh hiệu quả do hành động “trực tiếp” của Chúa Kitô, vì đã được
người thiết lập và trao cho Hội Thánh cử hành. Tuy nhiên, Hội Thánh không chỉ
giới hạn hoạt động của mình trong Bảy Bí Tích đúng nghĩa, tương ứng với những
tình huống quan trọng thiết yếu của đời sống Kitô hữu. Hội Thánh còn thiết lập
các nghi thức khác để cầu nguyện cho tín hữu và giúp họ thánh hoá trong mọi
tình huống khác.
Ngày xưa, Hội Thánh đã cử hành nhiều nghi thức và chưa
đặt vấn đề phân biệt đâu là những nghi thức chủ yếu mà ngày nay chúng ta gọi là
Bí Tích, đâu là những nghi thức khác mà nay ta gọi là Á Bí Tích. Đến thế kỷ
XII, nhà thần học, từ Pierre Lombard, đã phân định được Bảy Bí Tích theo đúng
nghĩa ấy. Và để phân biệt Bảy Bí Tích với các nghi thức khác, người ta gọi là
Bảy Bí Tích là những “đại Bí Tích” (sacramenta majora), còn các nghi thức khác
còn được gọi là “tiểu Bí Tích” (sacramenta minora). Và các “tiểu Bí Tích” đã
được P.Lombard gọi là “Á Bí Tích” (sacramentalia) rồi.
Công đồng Vaticanô nói: các Á Bí Tích là “những dấu chỉ thánh, vì một phần nào phỏng theo những
Bí Tích, nhờ đó biểu trưng những hiệu quả, nhất là những hiệu quả thiêng liêng,
và thông ban hiệu quả đó nhờ lời cầu khẩn của Hội Thánh” (HCPV 60).
Các Á Bí Tích thường được chia thành hai nhóm:
- Các nghi thức thánh hiến và các nghi thức làm phép. Nghi thức thánh hiến làm cho những người và đồ vật được dành đặc biệt để phục vụ Thiên Chúa và Hội Thánh, như “thánh hiến” trinh nữ, thánh hiến bàn thờ, chuông hay nhà thờ. Theo truyền thống từ cổ thời, trong nghi thức thánh hiến thường sức dầu thánh để nói lên tính cách quan trọng của các nghi thức và mục đích của nghi thức.
- Các nghi thức làm phép chỉ là lời kêu cầu dâng lên Thiên Chúa, xin Người phù trợ cho người hay gìn giữ sự vật nào đó.
Ngày nay, các tác giả mới và những sách phụng vụ mới
xuất bản, dường như có khuynh hướng dùng
từ “làm phép” chung cho mọi trường hợp. Vì từ “thánh hiến” chỉ nói về người
hay đồ vật được thánh hiến, còn từ “làm phép” có nghĩa “nói lời tốt đẹp”, vừa
có chiều hướng hạ, tức chúc phúc cho người, làm phép đồ vật, vừa có chiều hướng
thượng là chúc tụng Thiên Chúa, Đấng ban phát mọi ơn lành. Như vậy, từ “thánh
hiến” chỉ nói được một chiều hướng hạ, còn từ “làm phép” diễn tả được hai chiều hướng thượng và hướng hạ của một hành động phụng
vụ.
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét