Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU LÀ ÁNH SÁNG VÀ LÀ SỰ SỐNG




   
     
 

Bạn thân mến,
Có thể nói rằng Tin Mừng Gioan là một dòng chảy miên man, chan chứa tình yêu và sức sống. Các tư tưởng trong Tin Mừng luôn quấn quýt quyện vào nhau xoay quanh ba chủ đề: Tình yêu - Ánh sáng và Sự sống. Qua những năm theo Chúa Giêsu, Gioan đã thấy, cảm nghiệm được tình yêu tuyệt vời Thiên Chúa dành cho mình và nhân loại. Cho nên, ông khẳng định rằng “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,16). Chính Tình Yêu ấy đã thôi thúc Gio-an viết lên những trang Tin Mừng chứa đầy tình yêu để suy gẫm về các mầu nhiệm cao siêu mà Thiên Chúa đã mạc khải cho nhân loại qua Chúa Giêsu Kitô, nhưng đồng thời minh chứng tình yêu Thiên Chúa dành cho con người và rao truyền cho mọi người biết, chung hưởng vì “những gì chúng tôi thấy, chúng tôi tin, chúng tôi chạm đến.... chúng tôi loan báo cho cả anh em... để anh em hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi hiệp thông với Chúa Cha và với Chúa Giêsu Kitô, Con của Người... và để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn” (1Ga 1,1-4).


1. Chúa Cha Tình Yêu Trao Ban

Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa, phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,7-8). Tình yêu nơi Chúa Cha là Nguồn Nước tuôn mở ra và đổ tràn trên tất cả, không giữ lại cho mình. Chúa Cha là chính Suối Nguồn tình yêu sinh ra Nước Nguồn tình yêu (Ga 16,28), nên Chúa Con luôn hiện hữu trong Chúa Cha (Ga 17,21). Chúa Cha cho Chúa Con quyền năng trên mọi sự (Ga 17,2), mọi sự của Cha là của Con (Ga 16,15; 17,10) và Con sống nhờ Cha (Ga 5,26; 6,57). Vì vậy, Yêu thương nơi Chúa Cha là chia sẻ sự sống mình cho Con Một (Ga 6,57) và trao ban Người Con đó cho loài người vì yêu thương họ (Ga 3,16).

2. Chúa Con Tình Yêu Hiệp Thông

            Chúa Con đón nhận tình yêu và sự sống từ nơi Chúa Cha (Ga 5,26; 6,57), tức là đón lấy ý muốn của Cha (Ga 4,34), đạo lý và lời của Cha (Ga 7,16; 8,28; 12,49), công việc và chương trình yêu thương của Cha (Ga 5,19-21). Chúa Con lãnh nhận tất cả từ Cha nhưng lại sẵn sàng hiến dâng trở lại cho Cha vì yêu thương bằng cách thi hành trọn vẹn công việc mạc khải (Ga 17,6) và sứ mạng cứu độ (Ga 19,30), kết hiệp hoàn toàn với Chúa Cha bằng cả trái tim, tâm hồn và thân xác của mình (Ga 19,28-36), để rồi Ngài trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Cha (Ga 14,9). Sức mạnh tình yêu làm cho Cha thuộc về Con và Con thuộc về Cha.

3. Chúa Thánh Thần Tình Yêu Gắn Kết

Sức mạnh tình yêu đó chính là Chúa Thánh Thần, Ngài gắn chặt Cha và Con như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha (Ga 17,21).

            Tóm lại, Tình yêu của Thiên Chúa muôn đời trao ban nên Ngôi Cha đã nhiệm sinh ra Ngôi Con và từ tình yêu thương giữa hai Ngôi muôn đời nhiệm xuất Ngôi Ba, Chúa Thánh Thần. Vì thế, Thaùnh Greâgoârioâ Nazianzeânoâ xác tín rằng: “Nơi Thiên Chúa Ba Ngôi tất cả đều là một trừ khi có đối lập về tương quan”. Tình yêu ấy không đóng kín nhưng luôn mở và trào tràn ra cho thế gian. Thiên Chúa yêu thương thế gian bằng một tình yêu duy nhất mà Người chia sẻ cho nhau giữa Ba Ngôi. Tình yêu ấy không có biên giới: Người hạ mình xuống nghèo hèn để cho con người trở nên giàu có và thậm chí “trở thành người để con người trở thành Thiên Chúa” (Thaùnh Giaùo phuï Athanase). Quả thế, Ngài đã sai Con yêu dấu, duy nhất của Ngài đi vào thế gian để mạc khải cho mọi người biết Thiên Chúa cứu độ và ở với họ (Ga 1,14).

Trọn cuộc sống dương gian, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu được gồm tóm hai chữ “YÊU THƯƠNG”. Thứ nhất, vì yêu thương nên “Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Thứ hai, vì thương yêu, Chúa Giêsu đã mạc khải Chúa Cha (Ga 8,19) và căn tính của mình cho mọi người biết Ngài là Con Thiên Chúa (Ga 10,36), là Đấng Mêsia (Ga 1,36.41) được Chúa Cha sai đến (Ga 3,17a). Ngài mạc khải Nước Thiên Chúa để phàm ai tin vào Người sẽ được Nước ấy làm gia nghiệp (Ga 3,5) và được sống muôn đời (Ga 3,15). Ngài còn cho nhân loại thấy tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa thật sự hiện diện giữa họ (Ga 3,16-17) ngõ hầu mọi người tôn kính Chúa Cha  (Ga 5,23) trong Thần Khí và Sự thật (Ga 4,23). Thứ ba, vì yêu thương, Ngôi hai Thiên Chúa đến thế gian như người tôi tớ phục vụ và cứu độ hết mọi người (Ga 5,20-27): giảng dạy (Ga 5,19-47), soi lòng mở trí cho mọi người biết và sống theo đạo lý yêu thương của Thiên Chúa (Ga 15,12-13); đem ơn cứu độ đến với dân ngoại (Ga 4,1-42); chữa lành hết mọi bệnh tật (Ga 6,2), tha thứ mọi tội lỗi (Ga 8,1-11), cho kẻ chết sống lại (Ga 11,1-44). Thứ tư, vì yêu thương, Chúa Giêsu đã hiến thân mình trên cậy thập giá để cho mọi người được hưởng tình yêu dạt dào của Thiên Chúa (Ga 14,1-3). Cuối cùng, vì yêu thương, Thiên Chúa phục sinh Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa phục sinh Chúa Giêsu nhờ quyền năng của mình (Ga 17,1-2), quyền năng ấy cùng là Chúa Thánh Thần. Cho nên, Tình yêu Thiên Chúa là Quyền năng và Quyền năng Thiên Chúa là Tình yêu (Ga 14,12-21). Chính Thánh Thần phục sinh của Chúa Giêsu Kitô hoạt động nơi chúng ta, Người tháp nhập chúng ta vào Đức Kitô tử nạn và phục sinh (Ga 14,20). Qủa thế, “phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con Thiên Chúa” (Rm 8,14). “Vậy đã là con Thiên Chúa, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rm 8,17). 
 4. Tình yêu chúng ta

Đời sống của Thiên Chúa vĩnh hằng là một đời sống tình yêu. Ba Ngôi Thiên Chúa luôn luôn hiện hữu và mãi mãi hiện hữu trong tình yêu hỗ tương và trào tràn ra cho nhân loại. Tình yêu ấy vẫn được lưu lại mãi ở giữa và trong thế gian (Ga 13,1-20) để rồi tiếp tục sinh hoa kết trái nơi nhân loại qua Hội thánh (Ga 17,1-26). Vậy, chúng ta phải làm gì để tiếp nối công trình yêu thương của Thiên Chúa? Trong mọi sự, mọi việc phải đặt nền tảng trên tình yêu và phải thể hiện tình yêu ra trong cuộc sống hằng ngày: mến Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình (Lc 10,27).

            Trước hết, tại sao chúng ta phải kính mến Chúa? Vì Người yêu chúng ta trước (1Ga 4,19) nên Người dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Người (St 1,26-27). Vì vậy, Người muốn cho chúng ta trở nên giống Người trong tình yêu. Chính từ tình yêu đó, chúng ta kính mến Người hết lòng, hết sức, hết trí khôn (Lc 10,27) ngay ở đời này và cả đời sau. Chúng ta càng yêu mến Thiên Chúa, thì càng được thiết định ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong chúng ta (1Ga 4,16). Chính nhờ tham dự vào đời sống thần linh của Thiên Chúa, chúng ta mỗi ngày trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa theo mức độ Người thông ban cho ta (Rm 8,28-30). Thiên Chúa càng đổ tràn tình yêu cho ta, chúng ta càng trở nên trọn lành và thánh thiện trước mặt Người và người đời qua việc lắng nghe và thi hành Lời Chúa, sống các giới răn của Chúa (Ga 14,21.24) trong cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt, chúng ta phải luôn kết hợp liên lỉ với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện và làm chứng cho Tình Yêu dù “sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay chiều vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).

            Sao lại thương người ta? Vì có thương người mới thấy và biết Thiên Chúa (1Ga 4,8). Tình thương làm cho chúng ta sẵn sàng hy sinh phục vụ tha nhân (Ga 13,1-20), giúp chúng ta can đảm lên đường mang Tin Vui và Hạnh Phúc đến với những người khác (Ga 20,21). Tình thương thúc bách chúng ta  bênh vực, phục vụ những người nghèo, những người cô thế cô thân, những người bị bất công trong xã hội... dù phải thiệt thân (Ga 10,22-39). Tình thương giúp chúng ta dễ dàng tha thứ cho nhau thậm chí kẻ hại mình (Ga 8,1-11). Tình thương thì “nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận không gây hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật” (1Cr 13,4-6). Và nhờ tình thương, chúng ta nhận ra Chúa hiện diện nơi mọi người anh em (1Ga 4,16).

Kết luận, nhờ Chúa Giêsu Kitô mà con người nhận biết Thiên Chúa là Tình Yêu. Chính Chúa Giêsu Kitô là Ánh Sáng đem lại sự sống đời đời cho nhân loại (Ga 1,10-12). Ngài là Đường, là Sự Thật dẫn đưa con người đến với Chúa Cha là Nguồn tình yêu và Sự sống (Ga 1,16-18). Ai tin và thực hiện lời Chúa Giêsu sẽ được sự sống đời đời (Ga 5,24) và được tình yêu Thiên Chúa ở trong người ấy (Ga 14,23). Mỗi người chúng ta phải biết nhận ra bổn phận của mình rằng một mặt hãy sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa từng giây, từng phút...trong đời ta; mặt khác, hãy đón lấy, tin yêu, tuân giữ, thi hành Lời Chúa, sống rập theo mẫu gương yêu thương phục vụ của Chúa Giêsu trong cuộc sống hằng ngày qua tha nhân, đồng thời hãy làm cho thông điệp Tình Yêu Thiên Chúa được trải khắp cùng bờ cõi trái đất qua việc bác ái và thứ tha.

                          Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét