Thưa Cha, theo đức tin Công Giáo, vũ trụ này
sẽ đi về đâu? Loài người này sẽ đi về đâu? Các Thánh sẽ đi về đâu? Có một đích
nào phải tới không? Đích đó liên hệ với các vị thánh ta kính hôm nay thế nào?
Cha Antôn Trần Văn Trường trả lời,
Con Thân mến,
Nhìn Các Thánh chúng ta tôn kính, ta quay nhìn về những
người đã có thời sống như ta: hưởng ánh sáng mặt trời như ta hôm nay, thở khí
trời như ta hôm nay..., nhưng hiện giờ họ đã tới đích. Họ là những người không
đi trật đường (1 Cr 9,26; 2 Tm 4,7); họ đã tới đích phải tới!
Đây là một lối nhìn toàn diện của Đức tin Công giáo. Ta
thường bị ảnh hưởng của thuyết cá nhân chủ nghĩa: các thánh cũng như mỗi người
chúng ta chỉ có liên lạc đơn độc với Chúa, với Đích Cùng của con người! Mà quên
ơn Cứu Độ cho Dân Chúa như một tập thể, cho nhân loại như là thực thể cộng đồng
và thực thể đó gắn liền với thế giới vạn vật ngoại tại như cách nhìn của Thánh
Kinh (Rm 8,19-22; Ep 1,10; Kh 21,1-8; Is 11,6-9).
1. Vũ trụ này sẽ đi về đâu? Loài người này sẽ đi
về đâu?
Khi nhìn qua ống kính khoa học, ta mới thấy thế giới vạn
vật tuyệt vời đến độ nào? Quả là những kỳ công của Chúa cực khôn ngoan và toàn
năng! Tuyệt vời vì tinh vi, tài tình: một con kiến chạy lăng xăng tìm mồi, một
bông hoa màu sắc tuyệt diệu, một hạt muối kết tinh đúng kiểu... Ấy là chưa nói
đến những luật vật lý về điện lực tạo ra đủ thứ máy móc về âm thanh, hình ảnh,
ánh sáng, sức nóng, sức lạnh, sức lao động... cho tới cách sắp đặt tuyệt diệu
chứa sức mạnh vô song của hạt nguyên tử!
Tuyệt vời vì con số nhiều, vì kích thước khổng lồ thách
thức mọi trí tưởng tượng! Ngày nay với kỷ nguyên không gian chớm nở, con người
chập chững bước đầu của con đường vạn vạn lý, ngàn ngàn dặm... khi con người
thứ nhất đặt chân lên mặt trăng, chúng ta cứ tưởng là mình mơ! Nhưng nếu không
mơ, mà sự thật đó không phải mơ, thì...! Nhưng đấy mới chỉ là con người lý trí
quan sát nhất định! Nếu chúng ta thử để mình cảm vạn vật nữa!... Với cảnh say
đắm dật dờ dưới ánh trăng, hay tung tăng bơi lội trong dòng nước mát, hoặc đắm
chìm trong suối nhạc, lạc theo những âm thanh, ngập chìm trong ánh sáng muôn
màu... Lúc đó ta hãy tự hỏi: Vạn vật này đi về đâu? Vạn vật tuyệt vời này Chúa
đã dựng nên cho loài người, vạn vật đó sẽ trở thành vô ích đối với loài người,
vì Chúa sẽ huỷ bỏ chúng đi? Vì Chúa sẽ đưa loài người ra xa chúng? Hay là chúng
sẽ được Chúa bảo tồn, được Chúa vì loài người và cho loài người, làm cho chúng
thành “Trời Mới Đất Mới”? Nhưng còn chính loài người? Một loài có thể tóm gọn
vào trong mình rất nhiều những tuyệt vời của vạn vật do sự hiểu biết, yêu thích
và tập luyện.
Con người quả là bông hoa của vũ trụ vô hồn! Con người
với bao cao quý, bao vẻ đẹp làm ta say mê hơn tất cả vũ trụ bao la! Mà con
người lại là một loài hứa hẹn có thể tiến bộ thêm gân như vô cùng! Bao phát
minh khoa học! Bao tiến triển và suy tư! Bao sâu sắc, tinh tế, sung túc về tâm
tình!... Nhưng cũng con người tuyệt phẩm trong vạn vật đó luôn khắc khoải về số
phận của mình, về hạnh phúc của mình! Con người đó! Cái Loài người đó! Sẽ đi về
đâu?
2. Ấn Độ giáo, Phật giáo bảo loài người sẽ đi vòng quanh, đi luẩn quẩn, vì là “luân hồi”...
2. Ấn Độ giáo, Phật giáo bảo loài người sẽ đi vòng quanh, đi luẩn quẩn, vì là “luân hồi”...
Thiên Chúa giáo, Kitô giáo cho biết rõ đích tới của vạn
vật cũng như của loài người. Muôn loài bởi Chúa dựng nên, và Chúa là Chúa khôn
ngoan làm việc có mục đích chứ không phải người khùng làm việc mà không có ý định
gì. Mục đích của Chúa chính là đích tới cho thụ tạo. Trong Thánh Kinh Chúa đã
tỏ cho ta thấy đích cùng đó! Chúa Giêsu sẽ trở lại (Ga 14,3; Cv 1,11) vào
ngày giờ Ngài ấn định (Cv 1,7) để lập Nước Thiên Chúa (1 Cr 15,24) hoàn hảo
thánh thiện (Ep 1,4.10) với cuộc Phục Sinh của thể xác con người (Ga 6,39) và
cuộc tái tạo của muôn vật (Rm 8,19-21) đó là “Trời Mới Đất Mới” (2 Pr 3,13; Kh
21,1).
Nói cách khác, thụ tạo này sau khi đã bị chúc dữ do tội
loài người, ông chủ của chúng (St 3,17) đã được Chúa Cứu Thế đến cứu bằng
cách chẳng những tái lập tình trạng cũ, mà còn đưa đến tột đỉnh của sự tốt đẹp
mà thụ tạo có thể lãnh nhận được (Ga 10,10), đó là Ơn Phục Sinh thánh thiện
vinh hiển của loài người trong ơn Nghĩa Tử (Rm 8,17) và cuộc tái tạo muôn vật
(Kh 21,5) trong ngày Quang Lâm của Chúa Giêsu, ngày sau hết!
Trong khi chờ đợi, và thời gian sẽ còn kéo dài, cho tới
“Ngày sau hết” nói trên, chúng ta sẽ làm gì? Nhất định chúng ta không
thể ngồi yên trông chờ một cách thụ động: cũng như ơn cứu chuộc của ta đâu có phải
chỉ là việc của Chúa, trái lại còn là việc của ta nữa: ta phải cộng tác thực
sự với Ơn Chúa. “Trời Mới Đất Mới” sẽ còn là việc của ta, cũng như cuộc
Phục Sinh vinh hiển đòi ta cố gắng sống theo như Chúa dạy. Không phải
mọi người lành dữ đều Sống lại Vinh Hiển, lên Trời hưởng gia tài Chúa Cha!
Nhưng muốn được sống lại làm Con Chúa trong nhà Cha, chúng ta phải thực hiện
ý Cha (Mt 7,21).
Trời Đất này đã vì tội con người mà bị chúc dữ (St 3,17;
Rm 8,20), cũng như thân xác con người đã vì tội của chính mình mà phải chết.
Bấy giờ trong công việc tái tạo cùng với Ơn Chúa, con người phải nỗ lực cộng
tác để đưa thân xác đến cuộc Phục Sinh và muôn vật đến Trời Mới Đất Mới! Cuộc
Phục Sinh cá nhân, mỗi người phải thực hiện hằng ngày trong đời sống (Rm
6,11-14); “Trời Mới Đất Mới” mỗi người sẽ phải đóng góp phần của mình bằng hành
động thực hiện một xã hội công bằng bác ái hơn, tươi đẹp hơn, phát triển hơn.
Các thánh
trên Thiên Đàng đã thi hành phần cộng tác Chúa ấn định riêng cho các ngài. Còn
phần của ta, Chúa chờ ta hoàn tất: ta gặt hoa trái các Thánh gieo, nhưng để rồi
lại gieo hạt giống khác cho mùa gặt của thế hệ sau ta: cả kẻ gieo, người gặt,
đều được vui mừng khi tới ngày mùa toàn diện (Ga 4,36; Mt 13,30.39).
Công cuộc
phát triển trần thế mà Giáo Hội, từ sau Công đồng Vatican II, đã phát huy mạnh
mẽ trên thế giới hợp lực với muôn vàn người thiện chí theo ơn Chúa soi sáng
trong Lương Tâm (Rm 2,14-15), công cuộc Phát Triển đó phải được đặt vào trọng
tâm viễn tượng “Trời Mới Đất Mới”.
Chúng ta
đừng quên, Ơn Cứu Chuộc chúng ta chỉ thực sự hoàn tất với cuộc Phục Sinh thể
xác ngày sau hết trong một Trời Mới Đất Mới (Rm 8,23-24; Kh 21,1-5) ngày Chúa
Giêsu trở lại trần gian này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét