Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN

THEO CHÚA TRỌN CẢ XÁC HỒN
Lời Chúa: Gn 3,1-5.10; 1Cr 7,29-31; Mc 1, 14-20
Bốn anh thanh niên có gia đình, có nghề nghiệp lại được Đức Giêsu mời gọi theo Ngài, bỏ lại tất cả. Chắc chắn họ không phải là những người nhẹ dạ. Họ đã từng quen biết Thầy Giêsu và kính nể Ngài cho nên khi được Ngài, họ đã sẵn sàng ra đi theo Chúa một cách nhẹ tênh. Chúa Giêsu nói với các ông “Hãy đi theo tôi”. Lời kêu gọi này, một cách nào đó, Chúa cũng nói với mỗi người chúng ta hôm nay.

Chúa tuyển chọn các môn đệ đầu tiên ấy là những người chài lưới, họ đang hành nghề trên biển hồ Galilê. Khi nghe tiếng Chúa mời gọi, các ông đáp lại ngay và sẵn sàng từ bỏ mọi sự, kể cả những gì thân thiết nhất trong đời sống như: nghề nghiệp, phương tiện sinh sống và những mối liên hệ ruột thịt tự nhiên để chọn Giêsu, gắn bó mật thiết với Ngài. Như thế, theo Chúa, tận hiến cuộc đời mình cho Chúa, gắn bó mình với Chúa, có nghĩa là phải chọn lựa đi con đường của Chúa là “Từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Chúa”. Chúa không hứa với các môn đệ sẽ cho họ giàu có về vật chất hay phú quí vinh hoa theo quan niệm người đời. Nhưng Chúa mời gọi: “Ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người” (Mc 10,44).  
Cha Giuse Nguyễn Văn Thích, ngài sinh năm 1891, là một trong những linh mục kiệt xuất của Tổng Giáo Phận Huế thời xưa. Có thể nói ngài thuộc số nhà nho tiêu biểu còn sót lại của thế kỷ 20: tinh thông hán học và triết lý, đủ tài cầm kỳ thi họa (bút hiệu Sản Đình), chủ nhiệm tạp chí “Vì Chúa”. Ngài xuất thân từ một gia đình Phật giáo, rất sùng đạo. Tuy nhiên, Chúa  đã chọn và mời gọi ngài trở thành môn đệ của Chúa. Để đáp trả lời mời gọi đó, ngài phải trải qua muôn vàn cay đắng, nhất là bị thân phụ ruồng bỏ. Lần nọ khi cha ngài lâm bệnh nặng, các lương y tìm cách chữa trị nhưng không khỏi được. Cuối cùng, họ nghĩ ra phương cách bây giờ phải “nếm phân” để biết được vị của nó như thế nào mới có thể cho bài thuốc thích hợp. Trong lúc đó ai cũng do dự không dám “nếm phân” thì cha Thích là người đứng ra nếm phân của cha mình. Về sau cha ngài được chữa khỏi, ông cảm động trước việc làm của cha Thích và ngõ ý xin gia nhập đạo công giáo.
Chúa Giêsu vẫn đi ngang qua đời ta mỗi ngày như xưa Ngài đã dọc theo biển hồ Ga-li-lê. Ngài thấy ta như Ngài đã thấy bốn môn đệ. Ngài thấy ta trước khi ta thấy Ngài. Ngài chấp nhận trọn vẹn con người của ta, cả những yếu đuối và tội lỗi cũng được Ngài đón nhận. Hạnh phúc cho ai được thấy Thiên Chúa. Nhưng hơn nữa, hạnh phúc cho ai được Thiên Chúa thấy. Lúc Ngài thấy ta thì ta vẫn không hay biết. Ta vẫn mải mê quăng chài hay vá lưới là lo cơm áo gạo tiền, mải mê tính xác thịt. Ta vẫn tất bật với những lo toan chuyện đời thường, hay đang miệt mài theo đuổi một ước mơ. Chính lúc đó, chính lúc ta tưởng mình quá ư ổn định, và đời mình đã được định hướng quá rõ ràng, thì tiếng gọi của Ngài vang lên, mạnh mẽ, dứt khoát. Hãy theo tôi!
Mọi người Kitô hữu đều được mời gọi đi theo Chúa Giêsu. Ngài không mời ta đi theo một lý tưởng, một ý thức hệ. Ngài mời ta theo chính con người Ngài, gắn bó với Ngài, nhận Ngài là nền tảng và chóp đỉnh của cuộc sống. Theo Ngài là chia sẻ với Ngài cùng một sứ mạng, là thao thức và đồng cam cộng khổ với Ngài trong công việc cứu độ toàn thế giới.
Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta đã được Chúa mời gọi theo Chúa, chúng ta đã thực sự là Kitô hữu rồi. Nhưng đời sống Kitô hữu không phải chỉ là tin những điều Giáo hội dạy, giữ những điều răn Chúa và Giáo hội truyền, và giữ như thế để được rỗi linh hồn. Cũng như các tông đồ xưa kia được kêu gọi không phải chỉ là để được “rỗi linh hồn”, nhưng còn là để cộng tác với Ngài. Người Kitô hữu cũng thế, được kêu gọi theo Chúa, không phải chúng ta chỉ lo cứu linh hồn mình, nghĩa là không phải chỉ là người giữ đạo, đọc kinh, đi lễ, nhưng phải là những tông đồ cho Chúa nữa. Dù ở bậc sống nào, dù không vào đoàn thể nào, dù ở bất cứ chỗ nào, chúng ta cũng phải là những tông đồ của Chúa. Làm tông đồ trước tiên là bằng chính đời sống tốt đẹp của chúng ta.
Đời sống tốt đẹp của chúng ta có thể thay đổi được nếp sống của những người chung quanh, vì chưng “Lời nói lung lây, gương bày lôi kéo”. Đời sống tốt đẹp của chúng ta có thể thay đổi được vận mệnh của người khác, từ không biết Chúa đến nhận biết Chúa, tôn thờ, yêu mến Chúa. Đời sống tốt đẹp của chúng ta có thể làm cho mọi người từ tị hiềm ghen ghét đến yêu thương, xây dựng, đùm bọc, nâng đỡ nhau.
Xin Chúa cho chúng ta biết sống Đạo tốt đẹp, nêu gương sáng cho mọi người, trước tiên cho những người thân yêu trong gia đình bằng đời sống hòa thuận yêu thương nhau, hạnh phúc trong tình yêu mến Chúa và yêu mến nhau, rồi từ đó lan tỏa cho những người chung quanh. Amen.
                    Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét