PHÉP RỬA CỦA CHÚA GIÊSU THANH LUYỆN CHÚNG TA
Chúa nhật lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa
hôm nay khép lại mùa Giáng sinh và cũng là một “sự hiển linh khác” của Đức
Chúa. Hôm nay không phải cảnh lặng lẽ trong hang lừa với vài chàng mục đồng chứng
kiến. Nhưng, Phép rửa được cử hành như một nghi lễ công cộng với nhiều người
xung quanh. Những người này ý thức rằng cuộc đời họ tội lỗi hôm nay đến đón nhận
phép rửa của ông Gio-an trong dòng sông Giođan để tỏ lòng sám hối.
Đức Giêsu hôm
nay đến cũng bước vào dòng nước ấy, và nhận phép rửa bởi ông Gioan nhưng không
phải là cho mình, mà là cho người khác, vì người khác. Vì chưng Chúa Giêsu đâu
có tội làm chịu phép rửa của ông Gioan để tỏ lòng sám hối. Chúa Giêsu chịu phép
rửa là có ý nói lên: từ nay, Người chung số phận với người tội lỗi. Ngài dìm xuống
để vớt mọi người lên và đó là tất cả ý nghĩa đời Người. Cuộc đời của Chúa Giêsu
hoàn tất với Phép Rửa cuối cùng, của sự chết (Lc 12,50) vì chết là cùng chung số
phận của con người tội lỗi. Cho nên hôm nay Chúa Giêsu để cho Gioan dìm mình có
ý loan báo cái chết và sự phục sinh của Người: dìm mình xuống nước là biểu hiệu
cái chết, trồi lên khỏi nước là loan báo sự sống lại. Cho nên, bài đọc 2, Thánh
Gioan đã khẳng định rằng: “Chính Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến, nhờ nước và
máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu Chính Thần
Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật”. Vì vậy, Giáo lý Hội Thánh dạy:
“Trong cuộc Vượt Qua của mình, Ðức Ki-tô đã khai mở nguồn mạch của bí tích Rửa
Tội cho tât cả mọi người. Qủa thật, Người đã nói về cuộc tử nạn sẽ phải chịu tại
Giê-ru-sa-lem như "một Phép Rửa" mà Người phải lãnh nhận (x. Mc
10,38; Lc 12,50). Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị bị đâm thâu của Chúa
Giêsu chịu đóng đinh (Ga 19,34) là những
điển hình của bí tích Rửa Tội và Thánh Thể, là những bí tích của đời sống mới
(x.1Ga 5,6-8): từ lúc đó, người ta có thể được "sinh ra bởi nước vàThần
khí " để được vào Nước Thiên Chúa (Ga 3,5)” (số 1225).
Khi chúng ta
nhận lãnh bí tích Rửa tội, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta tham dự vào sự chết và sống lại của Người. Chúng ta vào đời khi được sinh ra, và vào đạo
Thiên Chúa khi được rửa tội. Trong phép rửa tội chúng ta được thanh tẩy mọi tội
lỗi, tội tổ tông và tội riêng. Do đó, nó
biến chúng ta thành “một tạo vật mới” (2Cr 5,17), một nghĩa tử của Thiên Chúa
(Gl 4,5-7), được thông phần vào sự sống thần linh (2Pr 1,4), trở nên chi thể của
Chúa Kitô (Rm 8,17) và được gọi là đền thờ của Chúa Thánh Thần (1Cr 6,15). Tóm
lại, “toàn bộ cơ thể của sự sống siêu nhiên của người Kitô hữu bắt nguồn nơi bí
tích Rửa tội (Giáo lý Công giáo, số 1266).
Như vậy, khi
được Rửa Tội, chúng ta dĩ nhiên cũng được mời gọi tiếp nối sứ mạng liên đới của
Chúa Giê-su trong hoàn cảnh của bạn nơi giáo xứ, gia đình, xóm phố, nơi học
hành, nơi làm việc... Sứ mạng này không phải là việc tuỳ ý để mình thích làm hoặc
không, mà là một bổn phận được lãnh nhận từ Thiên Chúa. Thiên Chúa chờ đợi bạn
thi hành bổn phận này là làm cho Nước Chúa trị đến ý Chúa thể hiện dưới đất
cũng như trên trời. Đó là:
Trước hết,
chúng ta hãy siêng năng tham gia tích cực các hoạt động trong việc phục vụ Giáo
xứ của mình dù có cực nhọc hay khó khăn vì chính những dòng nước khó khăn và cực
nhọc ấy sẽ thanh luyện chúng ta khỏi những gì biến nhác và vô dụng trong việc mở
mang Nước Đức Chúa Trời. Thứ hai khiêm tốn, cảm thông và tha thứ là những dòng
nước của Chúa Giêsu giúp thanh luyện đời sống gia đình mình vượt khổ trong hạnh
phúc và bình an đồng thời xây dựng mọi thành viên trong gia đình lớn lên trong
ân nghĩa với Chúa và đầy nhân đức trước mặt mọi người. Cho nên, trong bài giảng
thuyết về Bí Tích Rửa Tội, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng: “Nhờ Bí Tích Rửa Tội,
chúng ta có khả năng tha thứ và yêu thương ngay cả những người xúc phạm đến
mình và làm tổn thương mình, chúng ta có thể nhận ra trong những người rốt hết
và những người nghèo khổ nhất khuôn mặt của Chúa là Đấng đến thăm và gần gũi
chúng ta.” Thứ ba, thật thà, lương thiện
và công bằng là những dòng nước rửa và thanh luyện ta đồng thời làm cho ta sống
với anh chị em trong khu phố, trường học hay nơi làm việc như thế người ta mới
nhận ra Nước Chúa đang hiện diện ở giữa họ. Cuối cùng, tình yêu và bình an là
những dòng nước của Chúa Giêsu tới gội đời ta khiến ta cảm nghiệm được sự ấm áp
và tươi sáng của cuộc đời dù cuộc đời ta có gian nan khốn khó.
Ước gì, Lời Chúa trong Bài đọc 1 sẽ
là điều Chúa muốn chúng ta thực hiện hôm nay rằng: “Cũng như mưa với tuyết sa
xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì
nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn,
thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu
chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao
phó”. Allêluia.
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét