Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

HỌC GIÁO LÝ PHỤNG VỤ - CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH

40 CÂU HỎI VỀ THÁNH LỄ
(tiếp theo)

8. Tại sao khi bước vào nhà thờ, người ta làm dấu thánh giá với nước thánh ?
       Bình nước thánh đặt nơi cửa nhà thờ mời gọi người tín hữu lấy tay chấm nước thánh và làm dấu thánh giá để nhắc họ nước của bí tích Thánh Tẩy. Trong đêm Phục sinh, nghi thức rảy nước thánh đi kèm với việc cộng đoàn lặp lại lời tuyên hứa khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy.
      Nghi thức an táng cũng dùng nước thánh để nhắc nhở rằng bí tích Thánh Tẩy mở đường và dẫn đến đời sống vĩnh cửu : những người tham dự được mời rảy nước thánh để tỏ cử chỉ thân thiện và niềm hy vọng.


9. Tại sao thánh lễ thường bắt đầu bằng một bài hát ?
Ca hát là cách diễn tả thông thường của bất cứ lễ hội nào. Và việc gặp gỡ Thiên Chúa luôn luôn là một lễ hội. Bài hát nhập lễ nhằm xóa tan sự lạnh lùng của mỗi người chúng ta và kết hợp chúng ta thành một cộng đoàn tình thương và sống động.
     Hát là dấu chỉ niềm hân hoan trong tâm hồn. Chúng ta hát để diễn tả sự hiệp nhất của cộng đoàn tham dự và để nói lên rằng chúng ta vui sướng được gặp lại nhau, như Thánh vịnh 132 đã biểu lộ : "Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,  Anh em được sống sum vầy bên nhau!" Niềm vui này phải được diễn tả cụ thể trong nghi thức đầu tiên của thánh lễ là sự tập họp của đoàn dân Chúa.


10. Tại sao linh mục cúi hôn bàn thờ ?
     Bàn thờ là nơi quan trọng nhất của nhà thờ, là trung tâm điểm của phụng vụ Thánh Thể. Sở dĩ bàn thờ được coi là quan trọng, vì đó là nơi Thiên Chúa và con người gặp gỡ, liên kết với nhau, là nơi mà Thiên Chúa đến với loài người và loài người đến với Thiên Chúa. Bàn thờ cũng tượng trưng cho Chúa Kitô, mối giao tiếp tuyệt hảo của sự gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa, bởi vì trong ngôi vị của Chúa Kitô, vừa có bản tính Thiên Chúa, vừa có bản tính loài người.
    Hơn nữa, Tân Ước xác quyết rằng Chúa Giêsu là "viên đá góc tường" dựa trên đó tất cả được xây dựng (Ep 2, 20). Do đó, bàn thờ bằng đá hoặc chứa đựng một viên đá trên đó biểu tượng cho Chúa Kitô. Đối với người Do-thái, bàn thờ vừa là nơi tế lễ, vừa là chỗ thiết tiệc, là nơi mà con cái Thiên Chúa được nuôi dưỡng và giải khát.
     Nếu bàn thờ có ý nghĩa phong phú như thế, bạn đừng lấy làm lạ khi thấy vị linh mục cúi hôn bàn thờ lúc bắt đầu thánh lễ. Đó là cử chỉ tôn kính đối với Chúa Kitô và đối với hy lễ của Người.


11. Dấu thánh giá mang ý nghĩa gì ?
     "Nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Amen". Thánh lễ bắt đầu bằng dấu thánh giá, là một trong những dấu hiệu Kitô giáo cổ xưa nhất, và là dấu hiệu tuyệt hảo của người Kitô hữu. Khi làm dấu thánh giá, chúng ta nhận biết mình thuộc về Chúa Kitô, bày tỏ niềm tin của chúng ta vào Chúa Kitô đã chết trên thánh giá vì chúng ta, chúng ta nói lên lòng ước muốn đón nhận sự phong phú khôn lường của thánh giá và ước muốn liên kết đời sống chúng ta với đời sống của Chúa Kitô chết trên thánh giá. Vậy, thánh giá quả là dấu chỉ sự cứu độ, sự cứu chuộc và sự phục sinh. Dấu thánh giá còn nhắc chúng ta về bí tích Thánh Tẩy của mình, bởi chúng ta đã được rửa tội "nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần".
     Dấu thánh giá là biểu thức của chính đức tin Kitô giáo, đó là sự hiện hữu của Thiên Chúa tình yêu được mạc khải bởi đời sống của Chúa Kitô. Do đó người ta hiểu tại sao các Kitô hữu thường làm dấu thánh giá và luôn luôn bắt đầu một nghi thức phụng vụ bằng dấu thánh giá.


12. Amen nghĩa là gì ?

Trong thánh lễ, nhiều lần bạn đáp Amen sau những lời nguyện mà linh mục chủ tế thay mặt cộng đoàn tuyên đọc. Thí dụ :
- "Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội, và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời. - Amen".
- "... đến muôn thuở muôn đời. - Amen".  Amen là một chữ do-thái. Các tín hữu thời Cựu Ước thường dùng Amen để kết thúc lời cầu nguyện của họ. Chúa Kitô cũng đã sử dụng, không những lúc Người cầu nguyện, mà còn cả trong lúc giảng dạy để nhấn mạnh, làm nổi bật chân lý Người nói : "Amen - Thật - Ta bảo thật các ngươi..." Chúng ta thường gặp ngôn thức này trong Tin Mừng.
     Trước kia, sau các lời nguyện, người ta thưa "Ước gì được như vậy". Bây giờ người ta thích dùng chữ Amen hơn, vì Ước gì được như vậy không thể diễn tả hết được sự phong phú của chữ Amen.
     Khi thưa Amen, người ta không chỉ bày tỏ ước muốn được như vậy, mà còn xác nhận một điều chắc chắn. Đó là trường hợp khi vị linh mục công bố : "Mình Thánh Chúa Kitô" và tín hữu thưa "Amen". Chữ Amen ở đây có nghĩa "Vâng ! Tôi xác tín Chúa Kitô đến ngự trong tôi dưới hình bánh này". Đó là một điều chắc chắn! Khi bạn thưa Amen sau lời nguyện của linh mục chủ tế, điều đó không chỉ có nghĩa là ước muốn những lời cầu nguyện đó được chấp nhận, nhưng còn nói lên rằng : lời nguyện đó cũng là lời nguyện của chính bạn, và bạn muốn tháp nhập vào đó với hết tâm tình.
    Hơn thế nữa, Amen diễn đạt đức tin của toàn cộng đoàn vào sự trung tín của Chúa. Người sẽ nhậm lời những gì cộng đoàn cầu xin với niềm tin tưởng. Bởi vì căn gốc của chữ do-thái này có ý nghĩa sự trung thành, trung tín. Như thế, khi thưa Amen, chúng ta tung hô sự trung tín của Chúa, như lời thánh Phaolô : "Xin Thiên Chúa là Đấng trung tín chứng giám cho rằng lời nói của chúng tôi đối với anh em, không phải là vừa "Có" lại vừa "Không". Quả thế, Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, Đấng mà chúng tôi đã rao giảng nơi anh em, [...], nơi Người chỉ là "Có" mà thôi. Bởi chưng bao nhiêu lời hứa của Thiên Chúa đã thành "Có" ở nơi Người. Vì thế nhờ Người mà chúng tôi hô lên lời "Amen" tôn vinh Thiên Chúa" (2 Cor 1, 18-20).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét