DẤU ẤN CỦA LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Chúng
ta đang sống những ngày của Năm Thánh Lòng Thương Xót, và vào những đầu Mùa
Chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô cho phép rước thánh tích của Thánh “Piô 5
Dấu” về Rôma để cho dân chúng chiêm ngưỡng và cầu nguyện. Tại sao dân chúng phải
chiêm ngắm thánh Piô 5 Dấu? Bởi khi Ngài còn sống Chúa đã ban cho Ngài được
thông phần một cách cụ thể vào cuộc khổ nạn của Chúa. Hai tay, hai chân và cạnh
sườn Ngài mang vết thương giống như Chúa Giêsu chịu đóng đinh và chết trên cây
thập giá và hôm nay Chúa
Phục Sinh đã tỏ cho ông Tôma tông đồ trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe.
Vị
linh mục rất thánh thiện này cũng là cha giải tội mà nhiều người trên khắp thế giới
đã đến xưng tội và lãnh ơn tha thứ từ ban tay thương tích của Ngài. Ngài
cũng là người cầu nguyện cho nhiều người được những ơn lành đặc biệt cho nên nhiều
người Công giáo ở Italia rất quý mến Ngài. Đức Giáo Hoàng Phanxicô quyết định
cho rước Thánh Tích của Ngài về Rôma vào những ngày đầu Mùa Chay để nêu một tấm
gương trong Năm Thánh Lòng Thương Xót để mọi người chiêm ngắm cha Thánh Piô 5 Dấu
mà khám phá ra Lòng Thương Xót của Chúa dành cho ta cao quý biết chừng nào đồng
thời sống Lòng Thương Xót ấy trong thời đại hôm nay.
Phúc âm hôm nay kể: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần,
nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su
đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em! " Nói xong, Người
cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các
ông vui mừng vì được thấy Chúa”. Tại
sao phải “xem tay và cạnh sườn” Chúa rồi các ông mới “vui mừng vì được thấy
Chúa”? Tay và cạnh sườn Chúa có gì để xem? Thưa đó là các
vết thương, dấu ấn tình yêu thương xót. Khi chịu khổ nạn, Chúa đã bị nhiều vết
thương. Không kể những vết thương trên thân thể do bị đánh đòn, cũng như những
vết thương do chiếc mũ bện bằng gai nhọn đâm vào đầu, còn có bốn vết thương nơi
hai tay và hai chân do những mũi đinh đâm thâu ghim vào thập giá. Các Phúc Âm
Nhất Lãm không đề cập đến vết thương thứ năm nơi cạnh sườn Chúa mà chỉ có Phúc
Âm Gioan hôm nay nói đến: “Nếu
tôi không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin".
Chúa
Kitô phục sinh đã tiến vào vinh quang của Thiên Chúa, thân xác phục sinh Ngài
cũng được biến đổi vinh quang. Ngài không còn phụ thuộc những hạn chế theo bản
tính tự nhiên nhân loại nữa. Thế mà Ngài vẫn còn lưu giữ những vết thương đó
trên thân thể phục sinh của Ngài. Và Ngài đã cho họ xem những vết thương đó như
bằng chứng xác thực rằng Ngài đã chịu chết và nay đã phục sinh. Đến như Tôma
cũng đòi phải xỏ ngón tay vào lỗ đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn Chúa thì ông
mới tin Ngài sống lại.
Giờ
đây chúng ta hiểu tại sao các môn đệ nhìn xem các vết thương của Chúa lại vui
mừng như thế. Không vui mừng sao được! Trước đây các ông đã buồn sầu bao nhiêu
vì Chúa đã chết thì nay họ lại vui mừng gấp bội phần vì Người đang hiện diện
trước mặt các ông. Những vết thương rành rành ra đó khiến họ không thể lầm lẫn
Ngài với bất cứ ai khác. Thầy Giêsu không phải Thầy với một cái xác chết bất
động, thối rữa, nhưng là Thầy đang sống và sống trong vinh quang, sống không
bao giờ chết nữa. Cũng giống như một vị đại tướng khải hoàn vinh
quang sau một trận chiến khốc liệt, những vết sẹo trên người ông là chứng tích
những chiến công anh hùng của ông, cũng thế, những vết thương trên thân mình
Chúa Kitô phục sinh không còn là dấu hiệu của ô nhục thất bại đau thương nữa,
mà là dấu hiệu vinh quang sau khi đã chiến thắng sự chết, mở đường tiến vào sự
sống vĩnh cửu.
Những
vết thương của Chúa Kitô phục sinh là những vết thương của lòng thương xót, bởi
vì Ngài đã mang lấy thương tích đó vì tội lỗi chúng ta, để đền tội thay cho
chúng ta. Cho nên, Thánh Phêrô ca ngợi những vết thương của Đức Kitô: “Đức
Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo
Ngài… Tội lỗi của chúng ta, chính Người mang vào thân thể mà đưa lên cây thập
giá, để một khi đã chết đối với tội lỗi, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì
Người phải mang những vết thương mà anh em được chữa lành” (1Pr 2,21-24).
Trong
cuộc sống, không ai trong chúng ta không có đau khổ, không thể xác thì tinh
thần. Cho nên, Nhà Phật thường nói: “Đời là bể khổ”, còn Chúa Giêsu nói: “Ngày
nào có cái khổ của ngày đó” (Mt 6,34). Chúng ta đã, đang sẽ gặp đau khổ, nhưng nỗi
đau của chúng ta sẽ vơi đi thậm chí tan biến khi có Chúa đồng cảm với mình,
đồng cảnh ngộ với mình. Đã hẳn những đau đớn nhức nhối vẫn còn đó, nhưng tâm
hồn chúng ta sẽ thanh thản vì có Chúa thương xót an ủi, ban thêm nghị lực và
bình an nhất là sẻ chia đau khổ với mình. Lời Chúa hôm nay đem lại cho chúng ta
niềm an ủi lớn lao đó “Thầy ban bình an cho các con”.
Hơn
thế nữa, Chúa Giêsu không chỉ đồng cảm với chúng ta mà còn dùng những thương
tích của Ngài để chữa lành chúng ta vì chưng như lời thư thánh Phêrô nói: “Vì
Người phải mang những vết thương mà anh em được chữa lành”. Vâng, nhờ những
thương tích của Ngài mà chúng ta đã được chữa lành. Nhờ cuộc phục sinh của Ngài
mà bây giờ tất cả mọi nỗi khổ đau có thể biến đổi thành phương thuốc chữa lành
tật bệnh con người, nhất là chữa lành tật bệnh cơ bản nhất đó là tội lỗi. Chính
vì vậy mà khi được xem tay và cạnh sườn của Chúa, các môn đệ đã vui mừng; chính
vì vậy mà khi được Chúa cho phép xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh
sườn Chúa mà Tôma đã tin và tuyên xưng cách mạnh mẽ: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”.
Vậy,
ước gì Lời Chúa hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta cũng nhờ những vết thương
của Chúa Kitô mà được chữa lành phần hồn phần xác. Cũng như đối với các môn đệ,
chúng ta được tràn đầy niềm vui bình an và hy vọng khi được gặp gỡ và tín thác
vào Chúa Kitô phục sinh, và nhất là nhờ tin mà chúng ta được sự sống đời đời.
Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét