Lòng Thương Xót Chúa Làm Người
Nhờ Hai Tiếng “Xin Vâng” của Đức Maria
Trong kinh Ca ngợi (Magnificat), Đức
Maria nhắc tới lòng thương xót của Chúa ba lần: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người
đoái thương nhìn tới” (Lc 1,48), “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương
xót những ai kính sợ Người” (câu 50) và “Vì Người nhớ lại lòng thương
xót dành cho tổ phụ Abraham” (câu 55). Qua lời vinh tụng của Đức Maria,
chúng ta thấy lòng thương xót của Chúa thật lớn lao, vĩ đại trải qua bao ngàn
thế hệ.
Qủa thế, Thiên Chúa thương xót và muốn
hết thảy mọi người được cứu rỗi. Tình yêu thương xót được thể hiện qua công
trình sáng tạo trời đất, muôn loài muôn vật. Thiên Chúa yêu thương con người
một cách đặc biệt, cho con người giống hình ảnh Người, Người muốn sau này, hễ
ai nhìn thấy con người thì một cách nào đó họ nhận ra Chúa, vì họ giống Chúa,
và vì Chúa giống họ. Cho nên, trong Cựu Ước, bất cứ ai thành tâm yêu mến Chúa
đều có thể được Người cứu thoát và bênh vực. Người là vị thẩm phán công tâm,
dẹp tan phường gian ác, nâng cao người khiêm nhường. Đánh đuổi người giàu có,
đỡ nâng kẻ nghèo hèn… Nói tóm lại, trong Cựu Ước, Thiên Chúa luôn đứng về phía
người nghèo, người bị áp bức bất công, người cô thân cô thế và mồ côi góa bụa.
Sau này, Đức Giêsu cho thấy tình yêu Thiên Chúa không chỉ thể hiện qua sự quan
tâm, săn sóc, mà Thiên Chúa còn trở nên đồng hình đồng dạng với những người đau
khổ bất hạnh trong cuộc đời. Nếu từ ban đầu Thiên Chúa đã tạo dựng con người
giống hình ảnh Người, thì sau này Con Thiên Chúa đã thực hiện sự “nên giống” ấy
một cách kỳ diệu: Chúa đồng hóa với người nghèo, đến nỗi ai giúp người nghèo là
giúp Chúa (x. Mt 25).
Chúa Giêsu đã quả quyết: “Thiên
Chúa yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Người, để ai tin vào Con
của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Qủa thực, Thiên Chúa
sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để, nhờ
Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,16-17). Rõ ràng biến cố truyền tin hôm nay là đầu nguồn của tình yêu
thương xót của Thiên Chúa. Hôm nay, Ngôi Hai giáng trần, Ngôi Hai được sai đi, Ngôi
Hai nhập thể và Ngôi Hai đi vào hành trình dài từ lòng Đức Maria đến Bêlem, Ai
Cập, Nagiarét, đến Canvariô và lên trời, đều hoàn toàn phát xuất từ tình yêu
thương xót Chúa. Tình yêu thương xót cốt ở điềm này: “Thiên Chúa sai Con của Người đến
thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để, nhờ Con của Người mà được
cứu độ” (Ga 3,17). Qủa thế, tình yêu thương xót của Thiên
Chúa là quà tặng nhưng không vì chưng Thiên Chúa muốn chia sẻ chính sự sống của
mình cho nhân loại. Người tặng sự sống đó cho nhân loại trong Con của người. Chỉ
cần người ta biết đón nhận tình yêu thương xót ấy và nhận một cách tự do, tự
nguyện thì có phúc.
Cho nên,
lời sứ thần chào Đức Trinh Nữ hôm nay: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc” (Lc
1,28). Vâng, Mẹ chính là mạch suối tràn đầy thánh ân, mạch suối trong lành
tươi mát, mạch suối không bao giờ cạn của Thiên Chúa vì đã đón nhận Lòng Thương
Xót của Thiên Chúa một cách chân tình. Vì vậy, để chuẩn bị cho Ngôi Hai xuống
thế làm người, Thiên Chúa đã dọn sẵn cung lòng Đức Maria trinh khiết vẹn tuyền,
xứng đáng cho Con Thiên Chúa ngự đến. Thiên Chúa đã ưu đãi và ban ơn đặc biệt
cho Mẹ qua lời sứ thần: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa” (Lc
1,30). Và để bảo đảm cho sự can thiệp đặc biệt này, sứ thần loan báo thêm: “Chúa
Thánh Thần sẽ đến với Trinh Nữ, và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Trinh Nữ”
(Lc 1,35). Như vậy việc sinh con này hoàn toàn do Thiên Chúa, xác thịt
không tham dự vào. Với tâm tình đầy tin tưởng, vâng phục và phó thác Mẹ Maria
liền thưa: “Xin vâng” (Lc 1,38). Một câu tuy ngắn gọn nhưng đã thay đổi hoàn
toàn bộ mặt thế giới. Một câu đã khai mở kỷ nguyên cứu rỗi, đó là Ngôi Hai
Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc loài người khỏi chết đời đời.
Trong tâm tình hân hoan là mình là
người diễm phúc, Mẹ Maria đã nhìn thấy một nhân loại cần được Chúa thương xót.
Mẹ đã kết hiệp, tín tưởng, tín thác và cộng tác vào công trình cứu chuộc của
Thiên Chúa một cách trọn vẹn bằng cách sinh Chúa cứu thế cho nhân loài nên thưa
“Xin vâng”. Chúng ta cũng vậy, mỗi lần chúng ta rước Mình và Máu Thánh Chúa
Giêsu vào lòng, chúng ta cưu mang Chúa để rồi giờ đây chúng ta sống không phài
là chúng ta sống mà Chúa sống trong tôi. Noi gương Đức Mẹ, chúng ta hãy cộng
tác vào công trình thương xót của Chúa trên trần gian hôm nay bằng cách luôn cảm
thông và chia sẻ tinh thần cũng như vật chất với anh chị em mình. Bởi lẽ mọi
người đều là con của Thiên Chúa và anh em với nhau. Vậy, để được Chúa yêu
thương, chúng ta cần phải thực thi lòng thương xót đối với anh chị em mình, “vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương,
thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu
thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,7-8).
Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét