THƯƠNG XÓT MỌI NGƯỜI
NHẬN RA CHÚA PHỤC SINH HẰNG NGÀY Ở TRONG TA
Cả
bốn Tin Mừng đều đồng ý về biến cố Chúa phục sinh xảy ra vào hôm sau ngày
Sabát, sau ngày Lễ Vượt qua của người Do Thái. Thánh Gio-an hôm nay kể: “Lúc trời
còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền
chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến”. Tại
sao
Chi ta "chạy", mà không đi vì chị thấy ngôi mộ mở và trống
hoang! Chị cảm thấy hốt hoảng, thêm vào đó chị chưa gặp Đức Giêsu. Chị chưa tin
Chúa phục sinh nên, chị chạy đi báo tin cho các vị có trách nhiệm. Chị nói:
"Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở
đâu”. Bấy giờ, Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy.
Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và
nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau
cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che
đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp
riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông
đã thấy và đã tin”.
Rõ
ràng khi thuật lại cảnh Phêrô đến thăm mộ, tác giả Luca nói rõ ràng rằng ông ta
chỉ chứng kiến, nhưng trở về nhà rất đỗi ngạc nhiên, không hiểu gì hết” (Lc
24,12). Còn Gio-an hôm nay nói Phêrô thấy mọi sự trước mắt, và thấy cũng như thấy,
không hiểu điều gì đang xảy ra. Gio-an kể tiếp còn người môn đệ kia: "ông
đã thấy và đã tin". Môn đệ kia là ai? Ông đã thấy những gì và tin ai? Người
môn đệ kia đó là Gio-am, ông đã chứng kiến cũng một sự việc như Phêrô, nhưng
Phêrô không thấy và chưa tin, ngược lại ông thì thấy và tin. Như vậy, để thấy
và tin Chúa đã sống lại, cần phải có đôi mắt của đức tin và con mắt của tình
yêu thương xót. Vì yêu thương này mà Gio-an đã chạy nhanh hơn! Vì tình yêu ông
là người đầu tiên đã tin Chúa phục sinh trước Phêrô và sau này trên bờ hồ
Galilê đã nhận ra Đức Giêsu trước Phêrô (Ga 21,7).
Quả
thế, Gio-an đã yêu thương Chúa Giêsu và biết rằng Chúa cũng rất yêu thương ông.
Tình yêu thương xót của ông được biểu lộ trong những giờ phút sau hết của Chúa
Giêsu: Ông đã theo chân Chúa trên con đường thập giá cho đến phút cuối cùng và trở
về nhà với Mẹ Maria sau khi đã chôn cất Chúa. Kinh nghiệm cho thấy khi thương
ai, chúng ta luôn nghĩ đến người ấy, luôn cảm thấy sự hiện diện của người ấy
trong cuộc đời mình, cho dù hoàn cảnh bắt buộc phải xa cách nhau. Với cái nhìn
đó, Gio-an đã dễ dàng nhận ra sự kiện Chúa đã sống lại: Ông đã thấy và ông đã
tin. Vì vậy, tình yêu thương xót giúp ta nhận ra Chúa phục sinh. Những lo lắng
trần gian như bà Mađalêna cứ mãi đi tìm xác chết nơi kể sống. Những suy tư lý
luận của Phêrô chẳng đưa tới đâu, chỉ có tình yêu của Gio-an mới dẫn ông mau
chóng tin rằng Chúa Giêsu phục sinh.
Trong
hành trình đức tin, chúng ta chỉ có thể cảm thấy sự hiện diện của Chúa phục
sinh và chỉ có thể hiểu được mọi biến cố trong cuộc đời mình, nếu chúng ta noi
gương Gio-an, để cho lòng trí mình luôn tiến triển trên con đường tình yêu thương
xót của Chúa. Vì chưng, Đức
Giêsu sống lại là để đem lại cho chúng ta sự sống mới, và trở nên những con người
mới mỗi ngày, như thánh Phaolô nói: “Nếu
Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ
cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần
Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống
mới” (Rm 8,11).
Thánh Phaolô
xác định: “Con người mới là con người đã
được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa” (Ep 4,24); “Con người mới là con người đổi mới luôn luôn để nên giống như hình ảnh
Đấng dựng nên mình” (Cl 3,10). Như vậy, con người mới chính là con người nguyên
tuyền, nghĩa là trở về với tình trạng tốt đẹp nguyên thuỷ
khi được Thiên Chúa tạo dựng, trước khi con người phạm tội. Đó là con người phản
ánh trung thực bản chất của Thiên Chúa, là Tình Yêu Thương Xót.
Vậy, để
có một đời sống mới, một tinh thần mới, để trở nên con người mới, với một sức mạnh
mới, ta cần có một quyết tâm từ bỏ con người cũ là con người ích kỷ, thói vô cảm
và dững dưng trước nỗi khổ của tha nhân, để mặc lấy con người mới là con người
sống vị tha và thương xót tha nhân. Vì vậy, trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức
Thánh Cha Phanxicô nói: “Lòng thương xót của Thiên Chúa biến đổi tâm hồn con người và làm
cho con người cảm nghiệm một tình yêu trung tín vốn làm cho nó, đến lượt mình,
có khả năng thương xót người khác. Đó là một phép lạ”. Cho
nên, chỉ khi thương xót tha nhân, chúng ta nhận ra Chúa phục sinh luôn ở trong
ta, làm cho ta mỗi ngày trở nên giống Chúa trong tư tưởng, lời nói và việc làm.
Có như thế, việc sống lại của Đức Giêsu mới thật sự ích lợi cho đời sống Kitô hữu
của ta. Vì vậy, Thánh Phaolô trong bài đọc đã dạy chúng ta rằng: “Anh
em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng
giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về
những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy,
anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi
Thiên Chúa. Khi Đức Ki-tô, nguồn
sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người
hưởng phúc vinh quang”
(Cl 3,1-4).
Lạy
Chúa Giêsu phục sinh, đã bao năm qua, chúng con mừng lễ Chúa phục sinh chỉ như
kỷ niệm, một biến cố hoàn toàn quá khứ, chẳng ăn nhập gì tới đời sống cụ thể của
chúng con. Vì thế, đã bao năm, chúng con chẳng có gì thay đổi. Nhưng năm nay, chúng
con quyết tâm trở nên một con người mới, một con người sống vị tha, thương xót
hết mọi người để được Chúa phục sinh ở lại trong chúng con hằng ngày. Amen.
Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét