LÒNG
THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA BAN SỰ LÀNH TỪ SỰ DỮ NƠI THÁNH GIUSE BẠN TRĂM NĂM ĐỨC
MẸ
Sách Sáng Thế chương 37-50 kể rằng tổ phụ Giuse là con thứ 11 trong 12 người con của Giacóp và là con đầu lòng của bà Rakhen. Các anh em cùng cha khác mẹ của tổ phụ Giuse không thiện cảm với ông nên đã bán ông sang Ai Cập để làm nô lệ. Khi tổ phụ Giuse bị bán cho một gia đình Ai Cập và bà vợ của ông chủ quyến rủ ông nhưng không được, thù ghét kiện ông và khiến ông Giuse phải đi tù. Trong tù, Giuse đoán mộng cho các tù nhân. Rồi, Giuse đoán mộng cho vua Pharao và được vua tín nhiệm đặt làm quan lớn trong triều. Cuộc đời của tổ phụ Giuse phải trải qua nhiều nỗi oan khiên và đau khổ, thế nhưng Lòng Thương Xót của Chúa biến những đau khổ ấy thành cơ may ông Giuse khi ông được Pharao phong làm tể tướng (41,1-57), và nhờ ông mà cả một dân được cứu khỏi nạn đói. Cuộc đời tổ phụ Giuse được nhìn như hình bóng báo trước cuộc đời Chúa Kitô. Ngài phải chịu mọi nỗi oan khiên nhưng chính nhờ những đau khổ Ngài chịu mà chúng ta được cứu.
Còn
cuộc đời của Thánh Giuse cha nuôi Chúa Giêsu, bạn trăm năm của Đức Maria mà
chúng ta mừng lễ hôm nay thì sao? Thánh sử Mátthêu (1,20), và
Thánh sử Luca (1,27, 2,4) viết thánh Giuse là con cháu thuộc dòng tộc Vua Đavít,
người khai sinh lập nước Do Thái. Như vậy Thánh Giuse có nguồn gốc gia phả
thuộc về một dòng tộc của dân Do Thái, dòng tộc vua Đavít. Thánh sử Mátthêu (13, 55) nói đến nghề nghiệp sinh
sống kiếm miếng cơm manh áo để nuôi gia đình của Thánh Giuse là thợ mộc, lao
động làm việc chân tay và Ngài là người công chính (1,19).
Mới
đọc qua, tưởng chừng như cuộc đời Thánh Giuse thật êm ả, nhẹ nhàng nhưng đọc
Tin Mừng chúng ta thấy cuộc đời Ngài cũng lắm sự dữ và đau khổ. Chẳng hạn, chàng trai cưới vợ nhưng chưa chung
sống thì vợ mình đã có thai, Giuse phải đau khổ lắm! Thế nhưng, Thiên Thần đã
hiện ra với Giuse trong giấc mộng giải thích cho Ngài biết “Người
con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20); rồi
Thiên Thần khuyên Giuse “Chớ sợ rước Maria về nhà mình”(Mt
1,20). Nhận ra thánh ý Thiên Chúa “ Giuse đã làm như lời Thiên Thần Chúa
truyền và ông đã rước bà về”(Mt 1,24) trong khi bị người đời chê trách, có ai biết đó là ý
Chúa đâu? Rồi, Đức Mẹ sinh Chúa khó khăn cực khổ tại Bêlem, thì Chúa lại bảo
ông chỗi dậy đi ngay giữa đêm khuya, không hành trang, không tiền bạc sang
Aicập sống kiếp lưu đày. Cuộc sống trước mắt của Thánh Giuse lúc ấy là lắm gian
truân vất vả, nhưng thánh Giuse luôn tín thác lòng Lòng Thương Xót Chúa nên
ngài đã vâng phục “Chỗi dậy, ông đem Hài Nhi và Mẹ Người
trốn sang Aicập ngay giữa đêm khuya” (Mt 2,14). Rồi khi đã ổn định
cuộc sống nơi xứ lạ quê người với một cơ ngơi bé nhỏ mà Giuse đã gầy dựng từ
hai bàn tay trắng, Chúa lại bảo ông phải bỏ lại tất cả để ra đi,
đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel” (Mt 2,21), thánh Giuse vâng
lời thánh ý Chúa lên đường về lại quê hương.
Qủa thật, bất cứ hoàn cảnh nào,
dù bình an hau gặp những thử thách gian truân, Thánh Giuse vẫn can đảm kiên
cường vượt qua, một niềm tin tưởng, phó thác vào Lòng Thương Xót Chúa. Ngài
luôn vâng theo tiếng gọi của Thiên Chúa và phó thác để Chúa thực hiện chương
trình cứu rỗi của Người nên ngài luôn mau mắn đáp lại không thắc mắc cho dù gặp
nhiều sự dữ hơn sự lành.
Nhìn vào cuộc đời Thánh cả Giuse là bằng chứng thuyết
phục về quyền năng và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là Đấng
dẫn dắt cuộc đời thánh Giuse từ sự dữ đến sự lành, từ gian nan đến bình an và
hạnh phúc mãi bên Chúa, từ đức tin tăm tối đến sáng ngời, từ con người tầm
thường đến bậc thánh cả trên trời.
Đức tin của chúng ta cũng lắm
lúc tăm tối: tăm tối đến từ chính bản thân, gia đình và xã hội. Lúc mới theo Đạo
sốt sắng lắm nhưng 5-10-20 năm sau việc sống Đạo của chúng ta trở nên lạnh nhạt,
Đức tin của chúng ta yếu dần vì hoàn cảnh của cuộc sống: học hành, sự nghiệp,
thành công, thất bại trong tình trường và thương trường, trong tu trì, sức khỏe,
bệnh tật, giàu nghèo… Thêm vào đó, cái tăm tối đến cuộc sống bao phủ chúng ta:
tệ nạn xã hội tràn lan, văn hóa vứt bỏ, văn hóa dững dưng hay bệnh vô cảm của
xã hội làm chúng ta chẳng còn trước kính mến Chúa trên hết mọi sự sau lại
thương người như mình ta nữa! Và lại nữa, thời đại hôm nay giá trị Tin mừng:
yêu thương, hiền lành, bao dung, thương xót, tha thứ… bị người ta đóng đinh vào
thập giá, phủ nhận chúng. Lúc đó, liệu chúng ta có tín thác một cách tự do như
thánh Giuse? Chúng ta có còn gắn bó, tín thác với một Đấng trao ban cho tôi niềm
hy vọng và sự tin tưởng như thánh Giuse? Chúng ta có ý thức được rằng chính
Thiên Chúa đã tự tỏ lộ ra nơi Đức Kitô, đã cho thấy gương mặt thương xót của
Người và thực sự Ngài đang sống với ta? Chúng ta có thầm tín rằng không phải ta
đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người thương xót ta và luôn ban sự lành từ
những sự dữ trong cuộc sống chúng ta như thánh Giuse không?
Lòng thương xót Chúa luôn nâng
đỡ chúng ta để chúng ta tín thác vào Chúa và bền đỗ theo Ngài đến cùng trong mọi
hoàn cảnh như thánh Giuse. Hôm nay Thiên Chúa vẫn hằng nâng đỡ vì “Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và
sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân
xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21). Vì vậy, một khi chúng ta tín thác vào
Chúa và nhờ lòng thương xót của Ngài, chúng ta sẽ lớn mạnh trong đức tin như Tổ
phụ Áp-ra-ham trong bài đọc 2, như
thánh Giuse bạn trăm năm Đức Maria. Một khi đức tin lớn mạnh, chúng ta đặt
trọn đời mình trong tay Chúa với trọn niềm tin yêu cho dẫu cuộc sống chúng ta hạnh
phúc, bình an hay khi gặp thử thách gian nan, đau khổ.
Ước
gì, qua việc mừng lễ tôn kính Thánh Giuse và Lời Chúa hôm nay mời gọi, mọi Kitô
hữu biết luôn tin tưởng và phó thác nơi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong
mọi hoàn cảnh như Thánh cả Giuse, đồng thời luôn kiếm tìm và thi hành Thánh ý
Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, bởi lẽ đó chính là nẻo đường cứu độ và bình an
của chúng ta. Amen.
Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét