Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

Lời tỏ tình có hình Trái Tim


Lời tỏ tình có hình Trái Tim 

                              TKV

Ông nội tôi bị sứt môi, điều đó thì mọi người đều biết, nhưng ai cũng thắc mắc: Bà nội tôi vừa giỏi, vừa nết na, đảm đang, quyền quý, mà sao lại kết hôn với ông nội tôi bị dị tật ngay trên mặt như thế? Hồi đó, cách đây nửa thế kỷ, làm gì có chuyện vá môi thẩm mỹ. Lại thêm người ta hay đồn thổi: “Cha mẹ sứt môi, con cháu cũng bị sứt môi.” Thế mà sắc nước nghiêng thành như bà nội tôi vẫn quyết khăn gói theo người chồng dị tật.
Ông nội tôi mất khi bà nội mới chớm tuổi 23 – “gái một con trông mòn con mắt”. Bà nội tôi chỉ có một mình ba tôi – người con trai độc nhất. Cảnh mẹ góa con côi, nhưng bà vẫn trọn lòng với người chồng đã khuất. Qua bao thời chiến tranh, loạn ly, bà nội tôi vẫn luôn mang theo di ảnh ông nội tôi – người có dị tật ngay trên mặt. Mà hồi đó đâu có kỹ thuật số như photoshop để chỉnh sửa ảnh như bây giờ.
Thấy tôi chơi thân với Nhóm Tông đồ khuyết tật, bà nội tôi mừng lắm: “Đúng đó con, có tật có tài, mình lành lặn mà không bằng họ đâu.”

Rồi thời gian gần đây, trái tim tôi lỗi nhịp mỗi khi gặp một anh chàng khuyết tật trong nhóm. Ba mẹ tôi ngăn cản, sợ tôi yêu đương nhất thời. Tôi chạy về hỏi nội tôi: “Ngày xưa nội “tranh đấu” như thế nào để lấy được ông nội bị dị tật như thế?” Nội vuốt tóc tôi, ôm tôi vào lòng, và nói:
“Cha mi! Mà phải yêu thật tình đó nghe! Ngày xưa nội khóc hết nước mắt, ông bà cố cũng không chịu. Cuối cùng nội kể thật chuyện hai đứa quen nhau, yêu nhau… Hồi đó ông nội con là người cùng xóm – một anh trai làng chăm chỉ, tốt bụng. Đặc biệt trong trận lụt năm thìn, ông nội con đã cứu sống nhiều người khỏi bàn tay thủy thần. Anh Hai của nội, mà con gọi là ông cậu Hai đó, cũng được ông nội con quên mình cứu sống. Tuy có tình cảm đặc biệt với nội, nhưng ông nội con đâu dám ước mơ.”
“Thuở ấy lễ hội ở làng mình vui lắm. Mấy  chàng trai mới lớn phì phèo điếu thuốc lá, thi nhau nhả khói; ai cho ra được những vòng khói trắng muốt, tròn vo, và tồn tại được lâu nhất trước khi tan loãng vào không khí … sẽ là người thắng cuộc.”
“Biết mình là người khuyết tật, ông nội con chỉ quanh quẩn bên góc đình, phụ với các bậc lão thành, bưng bàn, xếp ghế. Lần đó, nội đang bổ cau, têm trầu thì bỗng nghe tiếng ho sặc sụa và ngửi thấy mùi khói thuốc. Bên hương áng đình làng, ổng nói với nội:
- Cô Út ơi, tui tập hoài mới nhả được khói hình trái tim, sứt môi mà cô Út! Tui không nhả được những vòng khói tròn. Đây, cô Út thấy không…, làn khói hình trái tim này trái tim tôi gởi trọn cho cô Út đó!
“Nội run tay, đưa luôn lưỡi dao bổ cau vào ngón út – máu đỏ tươi nhỏ giọt trên nõn cau trắng. Ổng quên cả mắc cỡ, e dè, cầm luôn ngón tay út của nội, mút lấy mút để cho cầm máu – kiểu nhà quê chữa đứt tay. Rồi ổng dập điếu thuốc đang hút nửa chừng, đắp vào chỗ đứt tay của nội. Thế là hai người cầm tay nhau dưới bệ thờ thần hoàng trong đình làng, trước sự chứng kiến của các vị cao niên, lão làng. Ông cụ trưởng làng áo dài, khăn đóng, mỉm cười hóm hỉnh:

- Thần hoàng làng mình thiên lắm đó…”
Rồi bà nội tôi nhìn tôi, hiền từ, nhưng ngiêm trang: “Chuyện vợ chồng quan trọng lắm, con, con phải cầu nguyện nhiều, xin được soi sáng. Yêu người khuyết tật con phải có trái tim “lớn” gấp đôi trái tim bình thường!”
Tôi nhắm mắt, ước mơ cuộc tình mình thắm thiết, dài lâu. Và tôi tin rằng ước mơ chân thành ấy sẽ trở thành sự thật…
Trần Kim Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét