ĐỨC TIN ĐƯỢC TRƯỞNG THÀNH NHỜ CẬY VÀO CHÚA
Lm. Jos Nguyễn Quốc Quang
Bạn thân mến,
Theo
bản tính tự nhiên của con người, khi sức khỏe, công việc, hay mọi biến cố xảy
ra tốt đẹp, thành công, bình an và hạnh phúc như ý muốn, chúng ta không cảm
thấy cần cậy đến sự giúp đỡ và sức mạnh của Chúa. Vì chưng, chúng ta nghĩ rằng
đó là do tài năng, trí khôn và sức lực của mình. Thật là một sai lầm! Vì thân
xác, tài trí và sức lực của ta ở đâu chẳng phải là Thiên Chúa ban cho ta. Chính
Vua Đa-vít nói: "Tạng phủ con, chính
Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên
con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười
mươi. Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí
ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu. Con mới là bào thai, mắt Ngài đã
thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước
khi ngày đầu của đời con khởi sự" (Tv 139, 13,16). Và "Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng
sao Chúa đã an bày, thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là chi
là Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban
vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng
tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân" (Tv 8,4-6).
Cho nên, Sách Huấn Ca dạy: "Hãy
tin vào Chúa, thì Người sẽ nâng đỡ con. Đường con đi, hãy giữ cho ngay thẳng và
trông cậy vào Người. Hỡi ai kính sợ Đức Chúa, hãy trông đợi lòng lân tuất của
Người, đừng lìa xa Người kẻo ngã. Hỡi ai kính sợ Đức Chúa, hãy tin vào Người, và
các bạn sẽ không mất phần thưởng đâu. Hỡi ai kính sợ Đức Chúa, hãy đợi trông ơn
lành, niềm vui không cùng và lòng thương xót" (Hc 2,6-9). Còn Thánh nữ
Magarita nói rằng: “Nếu ta thấy mình khô
khan lười biếng, hãy đến cùng Trái Tim Chúa Giêsu là lò lửa mến hằng cháy,
Người sẽ đốt lòng ta, cho ta nên sốt sắng. Nếu ta yếu đuối hay phạm tội, hãy
mau chạy đến với Trái Tim Chúa Giêsu, ta sẽ được thêm sức để tránh tội, vững vàng
trên đường nhân đức. Ta phải luôn vững lòng trông cậy vào lòng Thương xót Chúa
Giêsu, ta sẽ được những ơn ta thiếu thốn”. Như thế, Thiên Chúa yêu chúng ta
bằng một tình yêu bền vững và bất diệt. Ngài có rất nhiều điều để ban cho chúng
ta và Ngài ao ước được giúp đỡ chúng ta bằng bất cứ cách nào. Ngài muốn dành
thời gian cho chúng ta. Ngài mong mỏi chúng ta sống cậy vào Ngài để Ngài dạy
chúng ta biết luôn sẵn lòng nhận lấy sức mạnh của Ngài, sức mạnh mà chính bản
thân chúng ta chẳng bao giờ có được. Đặc biệt, Chúa luôn đồng hành với chúng ta
trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Vì chưng, chính chúng ta không thấy điều
chúng ta đang thiếu, nhưng Thiên Chúa thấy tất cả, Ngài sẵn sàng ban cho, nhưng
làm sao Ngài có thể ban nếu chúng ta cứ phớt lờ Ngài hoặc gạt Ngài ra bên ngoài
cuộc đời của ta?
Người
ta thường nói: “đời là bể khổ”. Điều đó cho thấy kiếp người không tránh khỏi
đau khổ, đời người là một hành trình đau khổ triền miên. Nhưng chúng ta không
tránh khổ mà phải can đảm chấp nhận nó và đi xuyên qua nó để “hóa giải” đau khổ
thành niềm vui và hạnh phúc vô biên nhờ cậy dựa vào Chúa. Chính Chúa Giêsu cũng
không tránh khổ; Ngài cỡi lừa vào thành Giêrusalem, được người ta tung hô và
chào đón bằng những cành lá thiên tuế. Đó chính là lúc Ngài khởi đầu hành trình
đau khổ (Mt 21,1-11). Ngài là Người-Tôi-Tớ-Đau-Khổ Khiêm-Nhường, “ hạ mình, vâng lời cho
đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:7). Cái
chết của Ngài khác thường là “chết trên thập giá”, loại khổ hình nhục nhã nhất.
Chính vì Ngài chịu đau khổ đến tột cùng mà “Thiên
Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu”
(Pl 2:9). Danh hiệu ấy cao cả và quyền năng đến nỗi “khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm
phủ, muôn vật phải bái quỳ” (Pl 2:10). "Và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl
2:11).
Bạn thân mến,
Theo
gương Chúa Giêsu, chúng ta hãy cậy trông vững vàng vào Thiên Chúa và hãy can
trường chịu những khó khăn, đau khổ vì ơn Chúa luôn đủ cho chúng mình (2Cr 12,9-10).
Nếu chúng ta không gặp những phiền muộn hay đau khổ, chúng ta cảm tạ Ngài vì
nhờ Ngài mà chúng ta có mọi sự an lành. Trái lại, nếu gặp đau khổ, chúng ta
càng hãnh hiện vì Ngài cho phép chúng xảy ra với mục đích lôi kéo chúng ta đến
gần Ngài hơn. Ngài đặt chúng ta đối diện với những khó khăn và thử thách, không
phải để hành hạ hay trừng phạt chúng ta nhưng để tăng thêm sức mạnh và lòng cậy
trông cho chúng ta. Cho nên, Thánh Phaolô xác tín rằng: “gian truân tạo nên
chịu đựng; chịu đựng tạo ra sự trung kiên; và trung kiên tạo ra sự trông cậy”
(Rm 5,3-4).
Vậy, sức mạnh của đức tin là lệ
thuộc và trông cậy vào Chúa. Nó sẽ giúp chúng ta kiên vững trước trước những
khó khăn và thử thách, đồng thời giúp cuộc sống của chúng ta sẽ triển nở, hạnh
phúc viên mãn bởi vì chúng ta ngày càng tiến đến gần Ngài và trở nên giống Ngài
hơn. Lòng tin cần thiết cho ơn cứu độ (Mt 10,32-33), thì lòng cậy là vũ khí bảo
vệ ta trong cuộc chiến để được ơn cứu độ (1Tx 5,8).
Đời sống Kitô hữu tự bản chất
hướng về tương lai, hướng về thiên đàng và hướng về sự sống viên mãn của Thiên
Chúa. Cho nên, chúng ta luôn luôn phát triển và kiện toàn đức tin nhờ lòng cậy
trông. Đời sống đức tin của chúng ta phải luôn sống động, linh hoạt và triển nở
chứ không là quà tặng quí báu Thiên Chúa ban đem chôn cất, giữ kín. Chúng ta là
những người đang lữ hành, hành trình đức tin của chúng ta còn lắm gian nan, nên
cần phải cậy trông vào Thiên Chúa và sẵn sàng phó mình cho một mình Ngài mà
thôi. Vậy, chúng ta phải ra công nỗ lực thực hiện mọi điều Chúa Giêsu dạy ngay
từ bây giờ, vì chỉ có Ngài là “Đường, Sự
Thật và Sự Sống không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Ngài” (Ga
14,6).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét