Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

TÍN LÝ

HIỂU ĐẾ SỐNG ĐỨC TIN 
 

                                        Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang 

TUẦN I

1. Từ lúc nhỏ con đã được giáo dục: tin có Chúa, tham dự Thánh Lễ, chịu các Bí tích, giữ các giới răn... và sự thật là con đã làm rất tốt nhưng theo bản năng, con thấy nó khô khan quá, xin Cha giúp cho!


Thứ nhất thế nào là bản năng? Hành động bản năng là làm theo thói quen, quán tính (dành cho động vật cấp thấp – chẳng hạn, gõ kẻn bỏ đồ ăn, cá đến ăn). Còn con người là động vật cấp cao vì con người có thân xác, có trí khôn, có tâm (linh hồn), đó là hình ảnh của Thiên Chúa. Cho nên, Đavít từng nói: "Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân: Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng, nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương" (Tv 8,-9).

Chính Thiên Chúa đã mặc khải về phẩm giá con người. Phẩm giá cao quý ấy được bộc lộ trọn vẹn nơi Đức Giêsu, Đấng Thiên Chúa làm người, và đã tự đồng hóa mình với những người nghèo khổ, hèn mọn nhất. Chính vì thế, con người trở thành con của Thiên Chúa, và người Kitô hữu phải biết trân trọng con người, những con người cụ thể ta gặp trong cuộc sống, dù là trẻ thơ hay già cả, giàu có hay nghèo hèn, mạnh khỏe hay yếu đau, lành lặn hay khuyết tật, bạn hay thù… vì tất cả đều là hình ảnh của Thiên Chúa, và Đức Giêsu đang hiện diện trong họ (Mt 25,40).

Thiên Chúa tạo dựng con người có xác và hồn cho nên người Kitô hữu ý thức bản chất và vận mạng cao cả của mình, để biết ngẩng đầu lên và hướng lòng đến những sự trên trời. Phát triển kinh tế và những tiện nghi vật chất là điều cần thiết và hữu ích, nhưng chúng ta cũng dễ bị cám dỗ để quên mất rằng “Nhân linh ư vạn vật” và “mang trong lòng những khát vọng vô biên, được mời gọi tới một cuộc sống cao cả hơn” (MV 10) chứ không phải chỉ là vật chất, chết là hết. Vì thế, phải hướng đến việc phát triển con người toàn diện, chứ không chỉ về thân xác và vật chất mà thôi (tức bản năng).  

2. Theo con đạo nào cũng tốt, hay “Đạo nào cũng như Đạo nào, dạy ăn ngay ở lành”. Thưa Cha như thế có đúng không?

          Thứ nhất, Chúng ta không thể phủ nhận việc các Tôn giáo, trong tư cách của mình, có thể thực thi một chức năng cứu độ nào đó, nghĩa là các Tôn giáo có thể giúp con người đạt đến cứu cánh tối hậu của mình, mặc dù còn mập mờ thiếu sót” (Uỷ Ban Quốc Tế Thần Học, Kitô Giáo và Các Tôn Giáo, số 16-19). Vậy, chỉ trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể, Người là “Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6), là mạc khải trọn vẹn về chân lý thần linh đã được ban cho con người: “không ai biết rõ Người Con, trừ Chúa Cha; cũng không ai biết rõ Chúa Cha, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mạc khải cho’ (Mt 11,27); “không ai thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Thật vậy, tất cả mạc khải này, chân lý thâm sâu về Thiên Chúa cũng như về phần rỗi con người, được sáng tỏ nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất, đồng thời là Đấng Cứu Độ duy nhất đã hoàn thành công trình cứu độ trần gian và bây giờ không còn chờ đợi Đấng nào khác. “Ngoài Người ra không ai đem ơn cứu độ, vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã ban cho nhân loại, để chúng ta nhờ Danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12).

Thứ hai, Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc độc nhất đã thiết lập Giáo Hội như mầu nhiệm cứu rỗi. Chính Người ở trong Giáo Hội và Giáo Hội ở trong Người (Ga 15,1tt). Vì mối liên kết không thể phân ly giữa Chúa Kitô là Đầu, Giáo Hội là thân thể của Người cho nên, Mầu Nhiệm cứu rỗi của Đức Kitô cũng thuộc Giáo Hội, tất cả những gì của Chúa Kitô, thì Giáo Hội cũng có như vậy. Chính vì sự kết hiệp với tính độc nhất và phổ quát ơn cứu độ của Chúa Kitô, Giáo Hội có sự hiện diện đầy đủ của Chúa Kitô, tức cũng có đầy đủ phương tiện cứu rỗi. Chúa Kitô, Ngài vẫn tiếp tục hiện diện, và công trình cứu độ vẫn luôn được thực hiện ở trong Giáo Hội bằng những phương thế của Giáo Hội (Cl 1,24-27). Người không bao giờ bỏ Giáo Hội của Người, nhưng ở cùng với Giáo Hội mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,20), cùng một trật hướng dẫn Giáo Hội nhờ Thần Khí của Người (Ga 16,13). Sau khi Chúa Kitô phục sinh, Ngài trao phó cho Phêrô và các Tông đồ khác phải phổ biến và quản trị Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô (Mt 28,18tt). Giáo Hội này không phải là cái gì đó vô hình, nhưng được cấu tạo bởi những con người và tổ chức như một xã hội trong thế giới, tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo, được quản trị bởi Thánh Phêrô và các Giám Mục hiệp thông với người.

Giáo Hội lữ hành trần gian này cần thiết cho sự cứu rỗi của mỗi người, vì chỉ mình Chúa Kitô là Đấng trung gian; con đường cứu độ duy nhất và phổ quát. Người hiện diện giữa chúng ta hôm nay đây trong thân thể Người là Giáo Hội; chính Người đã nói: “Ai tin và chịu Phép Rửa, sẽ được cứu độ” (Mc 16,16), đồng thời ra lệnh cho Giáo Hội Người rằng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 20,19).

Tóm lại, Giáo Hội là Bí Tích phổ quát của ơn cứu rỗi, vì chưng luôn gắn liền một cách mầu nhiệm với Chúa Kitô, Đấng cứu độ trần gian, là Đầu thân thể mình. Cho nên trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Giáo Hội có một quan hệ cần thiết đối với sự cứu rỗi loài người. “Chân lý đức tin này không giảm nhẹ lòng kính trọng chân thành của Giáo Hội đối với các Tôn giáo trên thế giới, nhưng đồng thời cũng tuyên bố quyết liệt rằng không thể chấp nhận não trạng trung lập “Đạo nào cũng tốt"; “phải tuyệt đối tránh mọi hình thức giảm thiểu hay đồng ý hời hợt về đức tin chân thật” (Tuyên Ngôn Dominus Jesus của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, 2000, số 9-10). Bên cạnh đó, Giáo Hội Công Giáo “không hề phủ nhận những gì là chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng chân lý, chân lý chiếu soi cho hết mọi người. Tuy nhiên, Giáo Hội rao giảng và có bổn phận kiên trì rao giảng Chúa Kitô, Đấng là “Đường, Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6), nơi Người, con người tìm thấy sự sống Tôn giáo sung mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hoà mọi sự với mình.

          Toàn thể nhân loài muôn sắc tộc ngày càng trở nên hiểu biết, thân thiện và cảm thông với nhau hơn nhờ giao thông, thông tin liên lạc hiện đại tân tiến và dễ dàng. Do đó, các dân tộc tiếp xúc, giao lưu văn hoá với nhau ngày càng sâu rộng và thắm thiết. Khi các văn hoá, các Tôn giáo xích lại gần nhau hơn nhờ mối giây yêu thương và tôn trọng nhau, người ta thường có não trạng “Đạo nào cũng tốt” hay “Đạo nào cũng như Đạo nào”. Tuy nhiên, chúng ta phải luôn xác quyết rằng chỉ có một Tôn giáo hay một Đạo duy nhất chân thật, chỉ có một Nhiệm Cục Cứu Rỗi duy nhất và phổ quát do Thiên Chúa ban tặng cho loài người trong Đức Giêsu Kitô và nhờ Thánh Thần của Người. Tôn giáo này tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo và Tông Truyền, Giáo Hội mà Chúa Kitô Giêsu đã uỷ thác nhiệm vụ truyền bá cho mọi người. Vậy, tất cả mọi người đều có nhiệm vụ tìm kiếm chân lý, nhất là những chân lý có liên quan tới Thiên Chúa và Giáo Hội Người, và khi đã nhận biết rồi, họ phải tin theo và tuân giữ, và đương nhiên họ sẽ được cứu độ (1Tm 2,4). 



3. Trong cuộc sống chúng ta thường nghĩ rằng khi gặp sung sướng, hạnh phúc đó là hồng ân của Chúa, còn khi ta thất bại, đau khổ đó là lúc Chúa thử thách chúng ta. Con có phải tuyệt đối tin vào điều đó không! Con thấy đó như là một sự ngụy biện vì nếu như vậy thì cần gì đến Chúa, vì lẽ thường thành công là nhờ vào công sức của chính mình và thất bại chỉ đơn giản là do mình chưa chuẩn bị tốt hơn thôi. Đã bao lần con cố gắng gạt phắt đi những suy nghĩ đó nhưng nó cứ mãi luẩn quẩn trong đầu con. Xin cha gỡ rối cho!



- Theo bản tính tự nhiên của con người, khi sức khỏe, công việc, hay mọi biến cố xảy ra tốt đẹp, thành công, bình an và hạnh phúc như ý muốn, chúng ta không cảm thấy cần cậy đến sự giúp đỡ và sức mạnh của Chúa. Vì chưng, chúng ta nghĩ rằng đó là do tài năng, trí khôn và sức lực của mình. Thật là một sai lầm! Vì thân xác, tài trí và sức lực của ta ở đâu chẳng phải là Thiên Chúa ban cho ta. Chính Vua Đa-vít nói: "Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười mươi. Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu. Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự" (Tv 139, 13,16). Và "Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bày, thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là chi là Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân" (Tv 8,4-6).

Cho nên, Sách Huấn Ca dạy: "Hãy tin vào Chúa, thì Người sẽ nâng đỡ con. Đường con đi, hãy giữ cho ngay thẳng và trông cậy vào Người. Hỡi ai kính sợ Đức Chúa, hãy trông đợi lòng lân tuất của Người, đừng lìa xa Người kẻo ngã. Hỡi ai kính sợ Đức Chúa, hãy tin vào Người, và các bạn sẽ không mất phần thưởng đâu. Hỡi ai kính sợ Đức Chúa, hãy đợi trông ơn lành, niềm vui không cùng và lòng thương xót" (Hc 2,6-9). Như thế, Thiên Chúa yêu chúng ta bằng một tình yêu bền vững và bất diệt. Ngài có rất nhiều điều để ban cho chúng ta và Ngài ao ước được giúp đỡ chúng ta bằng bất cứ cách nào. Ngài muốn dành thời gian cho chúng ta. Ngài mong mỏi chúng ta sống cậy vào Ngài để Ngài dạy chúng ta biết luôn sẵn lòng nhận lấy sức mạnh của Ngài, sức mạnh mà chính bản thân chúng ta chẳng bao giờ có được. Đặc biệt, Chúa luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Vì chưng, chính chúng ta không thấy điều chúng ta đang thiếu, nhưng Thiên Chúa thấy tất cả, Ngài sẵn sàng ban cho, nhưng làm sao Ngài có thể ban nếu chúng ta cứ phớt lờ Ngài hoặc gạt Ngài ra bên ngoài cuộc đời của ta?

Người ta thường nói: “đời là bể khổ”. Điều đó cho thấy kiếp người không tránh khỏi đau khổ, đời người là một hành trình đau khổ triền miên. Nhưng chúng ta không tránh khổ mà phải can đảm chấp nhận nó và đi xuyên qua nó để “hóa giải” đau khổ thành niềm vui và hạnh phúc vô biên nhờ cậy dựa vào Chúa. Chính Chúa Giêsu cũng không tránh khổ; Ngài cỡi lừa vào thành Giêrusalem, được người ta tung hô và chào đón bằng những cành lá thiên tuế. Đó chính là lúc Ngài khởi đầu hành trình đau khổ (Mt 21,1-11). Ngài là Người-Tôi-Tớ-Đau-Khổ Khiêm-Nhường, “ hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:7). Cái chết của Ngài khác thường là “chết trên thập giá”, loại khổ hình nhục nhã nhất. Chính vì Ngài chịu đau khổ đến tột cùng mà “Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2:9). Danh hiệu ấy cao cả và quyền năng đến nỗi “khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (Pl 2:10). "Và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2:11).

Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta hãy cậy trông vững vàng vào Thiên Chúa và hãy can trường chịu những khó khăn, đau khổ vì ơn Chúa luôn đủ cho chúng mình (2Cr 12,9-10). Nếu chúng ta không gặp những phiền muộn hay đau khổ, chúng ta cảm tạ Ngài vì nhờ Ngài mà chúng ta có mọi sự an lành. Trái lại, nếu gặp đau khổ, chúng ta càng hãnh hiện vì Ngài cho phép chúng xảy ra với mục đích lôi kéo chúng ta đến gần Ngài hơn. Ngài đặt chúng ta đối diện với những khó khăn và thử thách, không phải để hành hạ hay trừng phạt chúng ta nhưng để tăng thêm sức mạnh và lòng cậy trông cho chúng ta. Cho nên, Thánh Phaolô xác tín rằng: “gian truân tạo nên chịu đựng; chịu đựng tạo ra sự trung kiên; và trung kiên tạo ra sự trông cậy” (Rm 5,3-4).

 Vậy, sức mạnh của đức tin là lệ thuộc và trông cậy vào Chúa. Nó sẽ giúp chúng ta kiên vững trước trước những khó khăn và thử thách, đồng thời giúp cuộc sống của chúng ta sẽ triển nở, hạnh phúc viên mãn bởi vì chúng ta ngày càng tiến đến gần Ngài và trở nên giống Ngài hơn. Lòng tin cần thiết cho ơn cứu độ (Mt 10,32-33), thì lòng cậy là vũ khí bảo vệ ta trong cuộc chiến để được ơn cứu độ (1Tx 5,8).
Đời sống Kitô hữu tự bản chất hướng về tương lai, hướng về thiên đàng và hướng về sự sống viên mãn của Thiên Chúa. Cho nên, chúng ta luôn luôn phát triển và kiện toàn đức tin nhờ lòng cậy trông. Đời sống đức tin của chúng ta phải luôn sống động, linh hoạt và triển nở chứ không là quà tặng quí báu Thiên Chúa ban đem chôn cất, giữ kín. Chúng ta là những người đang lữ hành, hành trình đức tin của chúng ta còn lắm gian nan, nên cần phải cậy trông vào Thiên Chúa và sẵn sàng phó mình cho một mình Ngài mà thôi. Vậy, chúng ta phải ra công nỗ lực thực hiện mọi điều Chúa Giêsu dạy ngay từ bây giờ, vì chỉ có Ngài là Đường, Sự Thật và Sự Sống không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Ngài (Ga 14,6).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét