Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

VẾT THƯƠNG


VẾT THƯƠNG CHỮA LÀNH
                                 Lm Phêrô Trần Đức Cường

Nhân ngày Chúa Nhật thứ II mùa Phục Sinh hôm nay, ngày Giáo Hội kính Lòng Thương Xót Chúa, NGÀY HÀNH HƯƠNG NGƯỜI KHUYẾT TẬT GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG, con được phân công trình bày về “Tìm Hiểu Ơn Gọi và Sứ Mạng của Người Tông Đồ Khuyết Tật”. Không dám nói về một đề tài lớn như thế chỉ trong 30 phút đồng hồ, con chỉ xin dựa vào chính Lời Chúa của ngày Chúa Nhật hôm nay để chia sẻ một nét đậm của ơn gọi và sứ mạng tông đồ khuyết tật đó, một ơn gọi nằm trong lòng thương xót Chúa, một sứ mạng chia sẻ lòng thương xót Chúa cho mọi người nhất là những anh chị em đồng cảnh ngộ khuyết tật với mình. Đồng thời, con cũng chia sẻ những suy tư này trong khung cảnh một buổi chia sẻ Lời Chúa, một hoạt động chủ yếu mà anh chị em tông đồ khuyết tật vẫn thực hành ngay từ buổi đầu thành lập cho tới nay. Chỉ khác một điều, ngày hôm nay do phải dành thời gian cho nhiều cử hành và hoạt động đặc biệt khác, việc chia sẻ cảm nghiệm của từng anh chị em xin được dành lại cho mỗi người thực hiện riêng dựa vào một số câu hỏi gợi ý sẽ được nêu lên ở cuối bài chia sẻ này.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (20,19-31)
Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em! "20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.21 Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em."22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."

24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su  đến.25 Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tô-ma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin."26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em."27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin."28 Ông Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! "29 Đức Giê-su bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!"

30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này.31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người”. Đó là Lời Chúa.
 Chúa này thực sự đánh động tâm hồn tôi: “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn”. Tay và cạnh sườn Chúa có gì đáng để xem? Mà Chúa cho các ông xem như thế có mục đích gì? Và kết quả là gì? Phúc Âm nói tiếp “Các ông vui mừng vì được thấy Chúa”. Tại sao phải “xem tay và cạnh sườn” Chúa rồi các ông mới “vui mừng vì được thấy Chúa”?
Tay và cạnh sườn Chúa có gì để xem? Thưa đó là các vết thương. Khi chịu khổ nạn, Chúa đã bị nhiều vết thương. Không kể những vết thương trên thân thể do bị đánh đòn, cũng như những vết thương do chiếc mũ bện bằng gai nhọn đâm vào đầu, còn có bốn vết thương nơi hai tay và hai chân do những mũi đinh đâm thâu ghim vào thập giá. Các Phúc Âm Nhất Lãm, tức là các Phúc Âm theo thánh Mátthêu, Máccô và Luca đều không đề cập đến vết thương thứ năm nơi cạnh sườn Chúa mà chỉ có Phúc Âm thứ tư nói tới và nói rất chi tiết trong chương 19, câu 31-37.
Trước hết, Gioan nói lý do có vết thương thứ năm này: Vì là ngày áp lễ Vượt Qua, theo tục lệ Do Thái không để xác chết trên thập giá trong ngày đại lễ (x. Đnl 21,23), nên họ xin Philatô đánh dập ống chân những người bị đóng đinh để cho mau chết. Nhưng lúc đó khi quân lính đến gần thấy Chúa đã chết nên thay vì đánh giập ống chân Ngài, một người lính lấy mũi giáo đâm vào cạnh sườn thấu trái tim Chúa. Thánh Gioan mô tả rất rõ: máu cùng nước từ trái tim chảy ra. Và ngài quả quyết tính xác thực của việc này: “Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cả anh em nữa cũng tin” (c. 35). Đồng thời thánh Gioan dẫn chứng Kinh Thánh để một lần nữa xác nhận việc đó xảy ra đúng như lời Kinh Thánh đã báo trước: “Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập (x. Xh 12,46 nói về việc ăn tiệc Chiên Vượt Qua không được làm gãy một xương nào của con chiên), và lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (x. Dcr 12,10).
Chúa Giêsu cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn là xem những vết thương trên đó. Cách trình bày của Phúc Âm Gioan cho thấy các vết thương của Chúa có ý nghĩa rất quan trọng. Chúa Kitô phục sinh đã tiến vào vinh quang của Thiên Chúa. Thân xác phục sinh Ngài cũng được biến đổi vinh quang. Ngài không còn phụ thuộc những hạn chế theo bản tính tự nhiên nhân loại nữa. Vì thế cửa nhà nơi các môn đệ hội họp đóng kín cũng không thể ngăn cản Ngài tiến vào đứng giữa họ. Thế mà Ngài vẫn còn lưu giữ những vết thương đó trên thân thể phục sinh của Ngài. Và Ngài đã cho họ xem những vết thương đó như bằng chứng xác thực rằng Ngài đã chịu chết và nay đã phục sinh. Đến như Tôma cũng đòi phải xỏ ngón tay vào lỗ đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn Chúa thì ông mới tin Ngài sống lại. Giờ đây chúng ta hiểu tại sao các môn đệ nhìn xem các vết thương của Chúa lại vui mừng như thế. Không vui mừng sao được! Trước đây các ông đã buồn sầu bao nhiêu vì Chúa đã chết thì nay họ lại vui mừng gấp bội phần vì Người đang hiện diện trước mặt các ông. Những vết thương rành rành ra đó khiến họ không thể lầm lẫn Ngài với bất cứ ai khác. Chỉ có thể là chính Thầy thôi. Mà không phải Thầy với một cái xác chết bất động, thối rữa, nhưng là Thầy đang sống và sống trong vinh quang, sống không bao giờ chết nữa.
Cũng giống như một vị đại tướng khải hoàn vinh quang sau một trận chiến khốc liệt, những vết sẹo trên người ông là chứng tích những chiến công anh hùng của ông, cũng thế, những vết thương trên thân mình Chúa Kitô phục sinh không còn là dấu hiệu của ô nhục thất bại đau thương nữa, mà là dấu hiệu vinh quang sau khi đã chiến thắng sự chết, mở đường tiến vào sự sống vĩnh cửu.
Những vết thương của Chúa Kitô phục sinh là những vết thương của tình thương, của lòng thương xót, bởi vì Ngài đã mang lấy thương tích đó vì tội lỗi chúng ta, để đền tội thay cho chúng ta. Thánh Phêrô trong bức thư thứ nhất ca ngợi những vết thương của Đức Kitô: “Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Ngài… Tội lỗi của chúng ta, chính Người mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội lỗi, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em được chữa lành” (1Pr 2,21-24). Những vết thương đó có ý nghĩa gì đối với chúng ta, những anh chị em tông đồ khuyết tật?
Người khuyết tật có thể nói là những người mang thương tích. Theo tính tự nhiên loài người, sẽ là mỉa mai, thậm chí là xúc phạm nếu nói khuyết tật là một điều may mắn, một hồng ân. Tự nhiên không ai nói vinh dự làm người khuyết tật, bởi vì hơn ai hết những người khuyết tật thế nào là nỗi khổ làm người khuyết tật. Khổ vì những thương tật trong thân xác, khổ vì những vết thương trong tâm hồn. Đâu phải vết thương nào cũng vinh quang! Phải chăng chúng ta trong thân phận khuyết tật sẽ phải mãi mãi suốt đời ôm một mối thương đau không lối thoát hay sao?
Khi chúng ta đang đau khổ, nỗi đau của chúng ta sẽ vơi đi thậm chí tan biến khi có ai đó đồng cảm với mình, nhất là sự đồng cảm của những người đồng cảnh ngộ với mình. Đã hẳn những đau đớn nhức nhối vẫn còn đó, nhưng tâm hồn chúng ta sẽ thanh thản vì có người an ủi, sẻ chia với mình. Lời Chúa hôm nay đem lại cho chúng ta niềm an ủi lớn lao đó. Chúa Giêsu với những vết thương của Ngài, đã trở nên người đồng cảnh ngộ với anh chị em khuyết tật chúng ta. Thư gửi tín hữu Do thái viết: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15). Chúng ta thực sự vui mừng vì Ngài trở nên đồng cảnh ngộ với chúng ta, đồng cảm với những nỗi khổ của chúng ta.
Hơn thế nữa, Ngài không chỉ đồng cảm mà còn dùng những thương tích của Ngài để chữa lành chúng ta. Thiết tưởng cần phải lặp lại lời thư thánh Phêrô được nhắc tới trên đây: “Vì Người phải mang những vết thương mà anh em được chữa lành”. Vâng, nhờ những thương tích của Ngài mà chúng ta đã được chữa lành. Nhờ cuộc phục sinh của Ngài mà bây giờ tất cả mọi nỗi khổ đau có thể biến đổi thành phương thuốc chữa lành tật bệnh con người, nhất là chữa lành tật bệnh cơ bản nhất đó là tội lỗi. Chính vì vậy mà khi được xem tay và cạnh sườn của Chúa, các môn đệ đã vui mừng; chính vì vậy mà khi được Chúa cho phép xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn Chúa mà Tôma đã tin và tuyên xưng cách mạnh mẽ: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Chúng ta cũng nhờ những vết thương của Chúa Kitô mà được chữa lành. Cũng như đối với các môn đệ, chúng ta được tràn đầy niềm vui bình an và hy vọng khi được gặp gỡ và tin vào Chúa Kitô phục sinh, và nhất là nhờ tin mà chúng ta được sự sống đời đời.
Chúng ta đừng nghĩ rằng Ngài sẽ cất những khuyết tật đi khỏi con người chúng ta. Chúa Kitô khi phục sinh đâu có muốn xoá bỏ đi những vết thương của Ngài. Ngài đã giữ chúng lại như những dấu hiệu của vinh quang, tình thương và chữa lành. Chúa Giêsu đã muốn mang những thương tích ấy vĩnh viễn trong thân xác vinh quang của Ngài. Điều đó nói cho chúng ta rằng khi thân phận khuyết tật mà chúng ta đeo mang suốt đời không còn là một số phận hẩm hiu nữa, mà được Đức Kitô phục sinh biến đổi thành ơn gọi và sứ mạng của chúng ta, những người tông đồ khuyết tật. Vấn đề của chúng ta giờ đây là chấp nhận hay không chấp nhận cùng mang thương tích với Chúa Kitô. Có nhiều vị thánh đã chấp nhận mang thương tích của Chúa Kitô nơi thân thể mình, đó là các thánh được in năm dấu thánh như thánh Phanxicô Khó Khăn (Átxidi), thánh nữ Catarina Siêna, mới đây cha thánh Piô. Thánh Phaolô vui mừng được “mang trong mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2Cr 4,10). Như thế ơn gọi của anh chị em tông đồ khuyết tật chính là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô bằng cách qua biến đổi thân phận khuyết tật thành những thương tích tình yêu của Chúa nơi chính thân thể của mình. Quả thế không phải vết thương nào cũng là vết thương vinh quang, không phải vết thương nào cũng có khả năng đem lại ơn chữa lành; mà chỉ có những vết thương kết hợp với vết thương của Chúa Kitô phục sinh mà thôi. Trong Đức Kitô phục sinh anh chị em khuyết tật được chữa lành. Trong Đức Kitô phục sinh những khuyết tật của chúng ta được kết hợp với những vết thương của Đức Kitô phục sinh anh chị em khuyết tật được chữa lành. Trong Đức Kitô phục sinh những khuyết tật của chúng ta được kết hợp với những vết thương vinh quang của Ngài, nhờ đó chúng ta được chữa lành và cũng nhờ đó chúng ta cũng có thể chia sẻ ơn chữa lành đó cho anh chị em chúng ta.
Và như thế sứ mạng của anh chị em tông đồ khuyết tật là đem ơn chữa lành mình đã nhận được đi chia sẻ với anh chị em mình, các riêng là những người cùng cảnh ngộ với mình. Chúng ta được mời gọi nối tiếp sứ mạng của Đức Kitô trong các thế riêng của mình như vậy. Thánh Phaolô nói với tất cả niềm say mê rằng: “Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người.  Với người Do-thái, tôi đã trở nên Do-thái, để chinh phục người Do-thái. Với những ai sống theo Lề Luật, tôi đã trở nên người sống theo Lề Luật, dù không còn phải sống theo Lề Luật nữa, để chinh phục những người sống theo Lề Luật.  Đối với những kẻ sống ngoài Lề Luật, tôi đã trở nên người sống ngoài Lề Luật, dù tôi không sống ngoài luật Thiên Chúa, nhưng sống trong luật Đức Ki-tô, để chinh phục những người sống ngoài Lề Luật.  Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người” (1Cr 9,19-22). Sứ mạng tông đồ của chúng ta cuãng là khuyết tật cho người khuyết tật. Công việc loan báo Tin Mừng của anh chị em tông đồ khuyết tật trước hết và trên hết không phải là những gì mang tính vật chất, bề ngoài mà nói như thánh Phêrô: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây : nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi !" (Cv 3,6).


Câu hỏi gợi ý suy niệm:

1. Niềm vui của Chúa Kitô phục sinh đã chữa lành và biến đổi tôi như thế nào?
2. Tôi có thể làm gì để loan báo Tin Mừng trong thân phận khuyết tật của tôi?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét