Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC TÍN LÝ - CHÚA NHẬT 2/11 - Câu 1

Thưa Cha, con có đứa con sinh ra được 3 tuổi thì bị tai nạn qua đời. Con nghĩ rằng cháu không có tội tình gì, nên chắc chắn cháu lên Thiên Đàng ngay cho nên con không cần xin lễ cầu hồn làm gì, phải không cha? Rồi nữa, tổ tiên ông bà con qua đời lâu lắm rồi khoảng 100 năm, 80 năm nay rồi, bây giờ Chúa cho lên Thiên Đàng rồi, cần gì phải xin lễ, phải không cha? Nếu mình cứ xin lễ cho con hay ông bà tổ tiên chẳng khác gì mình cứ yên trí rằng tổ tiên ông bà hay con mình còn ở luyện ngục đó sau!? Xin Cha giải thích giúp.
Bạn thân mến,
          Thứ nhất, xin bạn nhớ cho rằng chuyện cho người này lên Thiên Đàng hay còn phải thanh luyện ở luyện ngục đó quyền của Chúa. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới có quyền phán xét, ban thưởng mà thôi. Cụ thể, Chúa Giêsu dạy chúng rằng: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy” (Mt 7,1). Cho nên, Thánh Phaolô dạy xác tín rằng: “Đấng xét xử tôi chính là Chúa. Vậy xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người. Bấy giờ, mỗi người sẽ được Thiên Chúa khen thưởng đích đáng” (1Cr 4,5). Như vậy, bạn là ai mà dám nói tổ tiên, ông bà hay con lên Thiên Đàng rồi!?
          Thứ hai, Lời Chúa trong thư thứ hai của Thánh Phêrô, Ngài dạy rằng: “Một điều duy nhất, xin anh em đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày” (1Pr 3,8). Cho nên, tổ tiên ông bà bạn có qua đời lâu mấy được nữa thì chúng ta không biết được khi nào tổ tiên của chúng ta thanh luyện xong, hay các ngài đã thanh luyện xong rồi, lên Thiên Đàng đời nào rồi sao. Vậy, thời gian ở trong luyện ngục bao lâu, chúng ta không biết được. Vì chưng, trong Hiến Chế “Tín Lý về Giáo Hội”, Công Đồng Vaticanô II dạy rằng: “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi, ý muốn đó được biểu lộ bằng nhiều cách và cách nào đó chỉ có mình Thiên Chúa biết mà thôi” (LG, 16).
          Thứ ba, nói đến việc xin lễ cầu nguyện cho người qua đời thì xin bạn đừng quên mục đích Giáo Hội dạy chúng ta xin lễ cho người qua đời gồm những mục đích sau:
-         Xin lễ là để đề tội cho người qua đời. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Lời dạy này cũng căn cứ trên tập quán cầu nguyện cho những người quá cố mà Kinh thánh đã nói: vì thế ông Giu-đa Ma-ca-bê-ô “xin dâng lễ đền tội cho những người chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mcb 12,46). Ngay từ đầu, Hội Thánh vẫn kính nhớ người quá cố và cầu nguyện cho họ, đặc biệt trong thánh lễ để một khi được thanh luyện họ có thể hưởng nhan Thánh Chúa. Hội Thánh khuyên chúng ta bố thí, làm việc hãm mình và nhường các ân xá cho những người đã qua đời.“Chúng ta hãy giúp họ và hãy nhớ đến họ. Nếu các con của ông Gióp đã được thanh luyện nhờ việc hiến lễ của cha, tại sao chúng ta còn nghi ngờ là những lễ tế của chúng dâng lên Thiên Chúa, để cầu cho người quá cố, lại không đem đến cho họ một phần an ủi nào? Đừng do dự giúp đỡ và cầu nguyện cho những người đã qua đời" (số 1032).

-         Xin lễ là giúp góp phần nâng đỡ các thừa tác viên và các họat động của Giáo Hội. Bộ Giáo Luật Công Giáo điều  946 dạy:Khi dâng bổng lễ để Thánh Lễ được áp dụng theo ý chỉ của mình, các tín hữu đóng góp vào thiện ích của Giáo Hội; bằng việc dâng cúng ấy, họ góp phần nâng đỡ các thừa tác viên và các hoạt động của Giáo Hội”.
-         Xin lễ là tuyên xưng niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời: Nếu không tin vào sự sống mai sau thì chẳng ai cầu nguyện cho các linh hồn làm gì và cũng chẳng có lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời. Nếu không tin thì hoá ra mọi lời cầu nguyện và nghĩa cử ta làm cho người chết đều trở nên vô nghĩa.
-         Xin lễ là tuyên xưng niềm tin vào mầu nhiệm các thánh thông công: Đức Kitô đã nối kết chúng ta bằng mầu nhiệm tình yêu của Ngài. Qua đó, chúng ta được trở thành những chi thể trong cùng một duy nhất, mà Chúa Kitô là Đầu. “Tất cả chúng ta là một trong Đức Kitô” (Gl 3,28b). Thập giá và sự Phục sinh của Chúa Kitô đã nối kết người còn sống và người đã chết một cách nhiệm mầu. Giáo Hội lữ hành nơi trần thế và Giáo Hội đang thanh luyện nơi luyện ngục, cũng như Giáo Hội vinh thắng trên thiên quốc có thể chuyển thông các công phúc cho nhau.
-         Xin lễ là tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót: Có thể nói luyện ngục là nơi mà lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện rõ nét nhất. Thiên Chúa đã ban cho con người đặc ân được cộng tác vào công nghiệp của Đức Kitô để cứu độ mình và cứu độ anh chị em mình, dẫu mình tội lỗi bất xứng.
-         Xin lễ là trực tiếp bày tỏ lòng mình: một là lòng hiếu thảo: Người Kitô hữu chúng ta không phải là người bất hiếu vong ân như một thời bị hiểu lầm. Trái lại, chúng ta có một tháng để tỏ lòng hiếu thảo đối với những người thân thương đã qua đời. Không những thế, chúng ta còn có rất nhiều ngày khác nữa để tưởng nhớ đến họ: các thánh lễ hằng ngày, các ngày lễ giỗ, tháng 11 cầu cho tín hữu đã qua đời, ngày Mồng hai Tết… Hai là lòng biết ơn: vì nhờ có các ngài mà ta được hiện hữu trên đời, được thừa hưởng gia tài cao quý là niềm tin vào Thiên Chúa. Biết ơn các ngài vì nhờ các ngài mà chúng ta có được giáo xứ thân yêu này. Và lòng biết ơn đó cũng là lẽ thường của đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Ba là lòng bác ái: Bác ái Kitô giáo không chỉ được thể hiện đối với những người còn sống mà cả đối với những người đã qua đời. Đức bác ái thúc đẩy ta cầu nguyện và dâng những việc lành phúc đức cho tất cả tín hữu đã qua đời. Lời cầu nguyện có thể rút bớt thời gian thanh luyện của các ngài nơi luyện ngục. Hãy dùng lời cầu nguyện và sự hy sinh để bày tỏ tình bác ái yêu thương đối với các ngài; bởi chúng ta là anh em, là con cùng một Cha trên trời. Bốn là lòng thương nhớ: Chúng ta trực tiếp tỏ lòng thương nhớ người quá cố, nhất là đối với cha mẹ, anh chị em thân thương, họ như đang sống với chúng ta. Nên ông bà ta dạy trên bàn thờ lúc nào cũng để di ảnh (hình bán thân) và luôn luôn thắp nén hương để nhớ đến những người đã qua đời từng giây phút trong cuộc sống. Tại sao phải thờ di ảnh bán thân vì chưng “nhìn mặt mà bắt hình dong” chỉ cần nhìn mặt là thấy cả con người ấy đang sống với chúng ta. Rõ ràng, chết đâu phải hết đâu, mà chết là thay đổi cuộc sống thôi, một cuộc sống với thân xác phục sinh vinh hiển đó là niềm tin Công Giáo chúng ta. Năm là ý thức hơn về thân phận chóng qua của kiếp người ở đời này. Quả thực, đời người chóng qua “tựa đoá hoa mới nở đã tàn, con người qua mau, khác nào bóng câu qua cửa sổ” (G 14,2). Nhờ đó, giúp chúng ta biết tìm sống cho những thực tại thiêng liêng mà Chúa đã và đang mời gọi mỗi người. Biết hy sinh hãm mình để sau này chúng ta được giảm bớt thời gian thanh luyện trong luyện ngục.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét